Wednesday, May 17, 2017

KHÚC NGÂM CỦA NGƯỜI TIẾT PHỤ (TIẾT PHỤ NGÂM)

"Ba đồng một miếng trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?"


Trương Tịch tự Văn Xương, người đất Tô Châu, thi gia thời Trung Đường (766-827), đậu Tiến sĩ dưới triều vua Đức Tông. Năm 799, được Hàn Dũ tiến cử làm Quốc tử bác sĩ, cuối cùng lên đến chức Quốc tử tư nghiệp.

Trong nước lúc bấy giờ lại diễn thành cuộc phiên trấn cát cứ. Mỗi Tiết độ sứ chuyên chế mỗi phương. Trấn nào, Tiết độ sứ tuân mạng triều đình thì cho là thuận đảng. Trái lại, Tiết độ sứ nào đem binh đối kháng lại triều đình thì cho là nghịch đảng. Trương Tịch hiện làm một tân khách trong mạc phủ của một Tiết độ sứ thuộc về thuận đảng. Ông muốn giúp triều đình mong đạt được cuộc thống nhất đất nước.

Bấy giờ có Lý Sư Đạo là một Tiết độ sứ thuộc về nghịch đảng, vốn tay quật cường. Biết Trương là người có tài nên họ Lý ân cần viết thư, đem lễ vật đến đón Trương về giúp mình trong công cuộc xây dựng sự nghiệp.

Trương không dám từ khước ngay. Vì tình thế lúc bấy giờ nguy ngập lắm. Thế lực của Lý thì mạnh, nếu ông không bằng lòng thì chắc chắn hai trấn phải sinh chiến họa to. Do đó, ông phải giả cách cám ơn nhận lễ rồi dần dần tìm cách từ khước. Trong khi hoàn lại lễ vật, Trương Tịch làm một bài thơ kèm theo, nhan đề là "Tiết phụ ngâm":



Tiết phụ ngâm 

Quân tri thiếp hữu phu, 
Tặng thiếp song minh châu. 
Cảm quân triền miên ý, 
Hệ tại hồng la nhu. 
Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi, 
Lương nhân chấp kích Minh Quang lý. 
Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt, 
Sự phụ thệ nghĩ đồng sinh tử. 
Hoàn quân minh châu song lệ thuỳ, 
Hận bất tương phùng vị giá thì.



節婦吟 

君知妾有夫, 
贈妾雙明珠。 
感君纏綿意, 
繫在紅羅襦。 
妾家高樓連苑起, 
良人執戟明光裡。 
知君用心如日月, 
事夫誓擬同生死。 
還君明珠雙淚垂, 
恨不相逢未嫁時。


Khúc ngâm của người tiết phụ 
(Bản dịch của Trần Trọng Kim)

Chàng hay thiếp có chồng rồi 
Còn đem cho thiếp một đôi ngọc lành. 
Cảm lòng quyến luyến không đành 
Thiếp đeo vào áo lót mình màu sen 
Vườn kia nhà thiếp kề bên, 
Lang quân chấp kích trong đền Minh Quang 
Biết chàng bụng sáng như gương 
Thờ chồng thề quyết đá vàng chẳng sai. 
Gạt châu, trả ngọc chàng thôi, 
Tiếc không gặp gỡ đương thời còn son.


Mượn thân phận người con gái đã có chồng cần phải "tùng nhất nhi chung", để nói thân phận mình, một khi đã thờ chúa này rồi thì cần phải trọn đạo làm tôi "trung thần bất sự nhị quân". Ai có thương đến thì xin cám ơn vậy.

Lý Sư Đạo tiếp được bài thơ xem qua, càng sinh lòng cảm mến mà không còn theo đuổi và sinh sự gì cả.

Nước ta cũng có bài ca dao:


Ba đồng một miếng trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?


Tương truyền bài ca dao này do Đào Duy Từ làm ra. Nguyên lúc bấy giờ, nước Việt Nam chia làm hai miền. Miền Bắc thuộc chúa Trịnh; miền Nam thuộc chúa Nguyễn. Hai họ tạo thành cuộc Nam Bắc phân tranh. Đào Duy Từ ở miền Bắc, người có tài nhưng không được chúa biết trọng đến và trọng dụng nên trốn vào Nam, được chúa Nguyễn trọng đãi. Rồng đủ vi cánh lại gặp gió to, tài thao lược của họ Đào vang dậy đến Bắc Hà. Chúa Trịnh Tráng bấy giờ lấy làm hối tiếc, cho người lén vào Nam, đem lễ vật quý báu dâng cho Đào, yêu cầu Đào trở lại giúp mình. Đào từ chối bằng mấy câu ca dao, mượn lời của một cô gái có chồng đã khéo léo từ khước người yêu mình để nhắn gởi chúa Trịnh, như nhà thơ Trương Tịch ở Trung Hoa.


Tuy vậy, chúa Trịnh không nản, vẫn tiếp tục theo đuổi, dụ dỗ. Đào Duy Từ lại phải gởi nhắn thêm hai câu thơ lục bát về Bắc, ý chí keo sơn kiên quyết của mình:

Có lòng xin tạ ơn lòng.
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen.
(Sưu tầm trên mạng)