Lịch sử xây dựng đất nước của VN có cho chúng ta thấy nhiều đóng góp của người Minh Hương và ngay cả trong lãnh vực văn học nghệ thuật cũng không ngoại lệ. Người Hoa sống ở VN rất lâu đời và họ cũng đã nhận lấy nơi này làm quê hương.
Hôm nay đọc được bài viết của ông Nguyễn Mạnh Trinh giới thiệu sơ lược một vài nhà văn gốc Hoa Kiều trong thời kỳ hiện đại của văn học Việt Nam. Mời các bạn cùng đọc. Người đầu tiên có lẽ ai cũng đã từng đọc thơ ông: nhà thơ Hồ Dzếnh. (LKH)
NHỮNG NHÀ VĂN HOA KIỀU VÀ ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM:
NHÀ THƠ HỒ DZẾNH:
Những nhà văn Hoa Kiều? Trải dài suốt chiều dài văn học chúng ta cũng có những nhà văn có nguồn gốc đó. Họ viết văn, ở nơi chốn họ sống nhưng vẫn nhớ nhung và hướng vọng về quê hương thứ hai ở bên nội hay bên ngoại của mình. Tâm tư ấy, tâm sự ấy, đã tạo thành một vóc dáng văn chương đặc biệt.
Năm 1943, vào lúc thịnh thời của thơ mới, nhà xuất bản Á Châu cho ra đời một tập thơ khá lạ: Tập thơ Quê ngoại của Hồ Dzếnh với lời giới thiệu: “Lần đầu tiên thi ca Việt Nam được tô điểm một cách trau chuốt bằng ngọn bút linh diệu của một nhà thơ ngoại quốc…” Thực ra, nói nhà thơ ngoại quốc là chưa chính xác lắm, nhà thơ Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh (phát âm theo giọng Quảng Ðông là Hồi-Tsìu-Ding, thu gọn lại là Hồi Dinh, nghe âm không được hay lắm nên tự đổi lại là Hồ Dzếnh). Hồi đó những người trong làng văn nghệ vẫn cứ trêu đùa gọi ông là Hồ Dinh và có người còn đặt ra một vế đối “Hồ dinh dính hồ hồ chẳng dính” và có người đối là “Ngọc Giao giao ngọc ngọc không giao (mượn tên nhà văn Ngọc Giao) hoặc là “Vũ Bằng bằng vũ vũ chưa bằng” (mượn tên nhà văn Vũ Bằng), nhưng tất cả đều chưa được hay và chỉnh lắm...
Ông là một người có cha Tàu mẹ Việt. Ông viết về đất nước quê hương của mẹ: Quê Ngoại. Cha ông tên là Hà Kiến Huân, gốc người Quảng Ðông, Trung Hoa di cư sang Việt Nam vào những năm cuối của thế1 kỷ 19 gặp mẹ ông là bà Ðặng Thị Vân, một cô gái chở đò trên sông Ghép, Thanh Hóa. Hai người lập gia đình và sinh sống bằng cách buôn bán và đổi chác hàng hóa trên một con đò dọc nhỏ xuôi theo các bến chợ ven sông. Có lần ông viết:
“Dòng máu Trung Hoa đến tôi không còn nguyên vẹn nữa. Nhưng đó là dòng máu của cội nguồn, quê cha đã hòa chung cùng dòng máu Việt nam để làm nên tâm tư tình cảm và văn phong của “Chân Trời Cũ”. Thêm vào đó là cuộc sống quá ư nghèo nàn tù túng của một làng quê với những số phận của con người hẩm hiu nghèo khổ và tôi gần gũi thân yêu ngay từ khi còn thơ ấy đã tạo dựng cho tôi cái “đất” để viết văn và trở thành cảm hứng khơi nguồn cho tôi trong sáng tạo.”
Tập thơ “Quê ngoại” từ khi ra đời đã là một viên châu ngọc của thi ca Việt Nam. Nhiều bài thơ, đã trở thành bất tử và ngôn ngữ ấy đã biểu hiện được tâm tình một thời của dân tộc Việt Nam. Tạp chí Tri Tân đã có nhận xét: “Tên tuổi của người Minh Hương ấy, văn học quốc ngữ không nề hà gì mà chẳng đón tiếp như đã đón tiếp bao nhiêu những nhà văn hữu tài khác...”
Trong tập thơ ấy, người yêu thơ đã tìm ra được rất nhiều những bài thơ tuyệt tác. Có những bài thơ được phổ nhạc và trở thành quen thuộc đến nỗi như là một ngôn ngữ thường hằng và sống động.
Những câu thơ thật quen thuộc và hình như lúc nào cũng tiềm tàng những cuộc sống riêng, những tâm tư riêng nên đã thành những ấn tượng không thể phai nhòa trong cảm quan người nhận.
Năm 1942, Hồ Dzếnh in “Chân trời cũ”. Một gia đình dòng tộc người Minh Hương được phác thảo lại trong những thiên truyện ngắn rất gần với những trang tự thuật. Nhân vật xưng tôi, có khi là chính bóng dáng của tác giả, tuy được phác họa trong sự cố ý làm mờ nhạt đi để những nhân vật khác nổi bật lên. Một người cha người Hán giang hồ đi sang xứ người lập nghiệp gặp người mẹ người Việt và thành một tiểu gia đình mà số phận họ buộc trói theo dòng đời trôi nổi. Người mẹ Việt, là hình bóng muôn đời của sự hy sinh, là gà mẹ xòe cánh ra ấp ủ đàn con giữa những đe dọa của cuộc đời. Rồi những người thân của nhân vật xưng tôi: chú Nhì, người anh cả, đứa cháu đích tôn, cô em Dìn, chị đỏ Ðương, người chị dâu Trung Hoa, ông anh hai trụy lạc,… tất cả sống trong một xã hội mà những lề thói, những phong tục là những sợi dây buộc chặt vào một đời sống mà sự thiếu thốn và nghèo khổ luôn luôn lai vãng…
Trong “Chân trời cũ” chúng ta thấy một đời sống cũ đã qua nay trở lại từ cái tâm hoài cổ, từ những suy tư bắt nguồn từ sự nâng niu những kỷ niệm khó quên của một đời người. Và, vì sống ở xứ sở bên mẹ nên quê ngoại lại gần gũi hơn và chan chứa tình cảm.
Hồ Dzếnh cũng có lần nói về tác phẩm Chân Trời Cũ của mình:
“Tôi là kẻ ít tin nhất rằng loài người đẻ ra đã sẵn cái tài trong óc. Cho nên được mang danh là Nhà Văn tôi thấy thẹn thùng biết mấy! Do những tình cờ của hoàn cảnh cọ xát với cõi đời chúng ta để cố gắng nói ra nỗi lòng u kín đã nghiêng về cuộc sống bên trong. Nhưng trên cả Tình và Tài, trên những vinh hạnh chói lòa nhiều khi rất không chân thật, một điểm sáng lấp lánh từ ngàn thu, một “Triều Thiên” mà thế kỷ nào cũng ao ước, thèm khát đó là Tấm Lòng”
NGUYỄN MẠNH TRINH
(Sưu tầm trên mạng)