Wednesday, May 10, 2017

CHIẾN TRANH


Chiến tranh là một hiện tượng chính trị-xã hội có tính chất lịch sử, sự tiếp tục của chính trị bằng bạo lực giữa các tập đoàn xã hội trong một nước hoặc giữa các nước hay liên minh các nước. Đặc trưng của chiến tranh là đấu tranh vũ trang có tổ chức, theo những quy tắc nhất định và thường kết hợp với các hình thức đấu tranh khác (chính trị, kinh tế, ngoại giao...).
Nguyên nhân của chiến tranh thường do mâu thuẫn giữa các giai cấp, dân tộc, tôn giáo phát triển đến mức gay gắt nhất hoặc do mâu thuẫn trong nội bộ một dân tộc, tôn giáo.

Nói tóm lại, chiến tranh là sự xung đột do từ mâu thuẫn ý thức giữa các tư tưởng khác nhau. Nguyên nhân của những mâu thuẫn nầy xuất phát từ tham vọng riêng của từng thực thể con người. Khi những tham vọng này đối chọi nhau đến mức độ bão hòa thì chiến tranh xảy ra. Nghĩa là chỉ khi nào tồn tại hai bên phản nghịch nhau thì chiến tranh mới bùng nổ. Những hình thức chiến tranh đi từ kiểu thô thiển như chiến tranh vũ trang đến thể loại chiến tranh vi tế như sử dụng văn hóa để công kích. Tính chất đặc trưng của các ý thức hệ là tìm cách đồng hóa các hệ ý còn lại sao cho được thể duy nhất. Vậy thì chiến tranh có thể xem như quá trình đồng hóa các hệ ý tưởng của các bên đối lập nhau. Chiến tranh leo thang là do sự đồng hóa nầy chưa dừng dứt.


Hậu quả của chiến tranh không chỉ có sự hoang tàn mà còn có cả sự tiến bộ. Chiến tranh là thành phần không thể thiếu trong quá trình tiến hóa của tất cả các sinh vật, đoàn thể, tổ chức hầu đạt được mục tiêu sống còn và phát triển.
(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)