CỰC ĐOAN VÀ HẬN THÙ LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA MỌI TAI HỌA
Có thể nói cực đoan, cuồng tín, và hận thù là nguyên nhân của mọi tai họa. Nó vừa là hệ quả vừa là nguyên nhân dẫn đến bạo lực và khủng bố, xung đột và chiến tranh. Khi cực đoan và hận thù đã trở thành tâm thức (state of mind) thì càng nan giải.
Muốn chống khủng bố và chấm dứt bạo lực, không chỉ dùng bạo lực, mà phải vận dụng cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm để hóa giải. Bạo lực sẽ tiếp nối bạo lưc, hận thủ sẽ đẻ ra hận thù, như một cái vòng luẩn quẩn nguy hiểm (vicious circle).
Người ta có thể tiêu diệt hay bắt sống những tên khủng bố tại Paris, có thể ném bom tiêu diệt các căn cứ IS ở Syria, nhưng khó lòng chấm dứt được khủng bố. Chừng nào cực đoan và hận thù còn tồn tại, nó sẽ sản sinh ra tiếp các nhóm khủng bố mới.
Như bệnh ung thư đã di căn, người ta không thể dùng dao kéo cắt bỏ hết được, mà phải kết hợp hóa xạ trị và thay đổi cách sống, may ra mới cứu vãn được tính mạng. Khi cực đoan và hận thù đã trở thành tâm thức, bạo lực và khủng bố có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi, trong quan hệ quốc gia quan hệ xã hội, cũng như trong gia đình (domestic violence).
Vì vậy, muốn xóa bỏ tân gốc khủng bố và bạo lực, phải đánh thức lòng nhân ái và sự tử tế của con người, để thay thế cho cực đoan và thù hận. Phải vận dụng năng lượng tích cực thay thế cho năng lượng tiêu cực đang xói mòn các giá trị cốt lõi của con người.
Cực đoan và cuồng tín thường có nhiều biểu hiện khác nhau, nhưng điển hình nhất là mấy dấu hiệu phổ biến sau đây (common indicators):
- Không chịu lắng nghe, mà chỉ muốn người khác nghe theo mình (chủ quan, võ đoán). Khi phải nghe ý kiến người khác thì chỉ thích nghe những gì giống mình, còn bác bỏ những gì khác mình, không cần biết đúng sai, hay dở.
- Bảo thủ, cứng nhắc, không chịu thay đổi, dị ứng với cái mới và sự khác biệt. Hay định kiến và cố chấp, không thích tranh luận và phản biện. Luôn khẳng định và phủ định, luôn cho mình là đúng, ai không giống mình là sai…
- Độc quyền, độc đoán và độc ác, không có lòng nhân ái vị tha, không chịu hợp tác và thỏa thuận. Tham lam vô độ, không muốn chia sẻ quyền lợi. Tính cá nhân cao, tính cộng thấp, chỉ quan tâm đến lợi ích riêng hay lợi ích nhóm...
“Terror in Little Saigon”: Sống trong sợ hãi?
Gần đây, khi PBS chiếu bộ phim tài liệu “Terror in Little Saigon” (3/11/2015) dư luận trong nước và ngoài nước (đặc biệt là cộng đồng người Việt hải ngoại) lại ồn ào, lật lại một trang sử đau buồn đã diễn ra cách đây 2-3 thập kỷ, như một vết thương cũ chưa lành.
Đằng sau những tranh cãi ồn ào (ai là thủ phạm) có một sự thật đáng buồn: Sau chiến tranh, người Việt (trong nước và hải ngoại) vẫn tiếp tục “sống trong sợ hãi”, vẫn chưa thoát khỏi bóng ma chiến tranh như “tù binh của quá khứ”. Vì vậy, họ không thể hòa giải, không phải chỉ giữa hai phía, mà còn ngay trong lòng cùng một cộng đồng.
Những người Việt cực đoan và thù hận, dù đứng về phía nào trong sân khấu chính trị (cộng sản hay chống cộng), họ đều giống nhau. Cực đoan thường dẫn đến độc tài và chuyên quyền; Cuồng tín dẫn đến bảo thủ và lú lẫn; Thù hận dẫn đến bạo lực và xung đột; Tham lam dẫn đến tham nhũng và chiếm đọat. Đó mới là những thứ cần phải chống.
Người ta nói không thể thay đổi được quá khứ, nhưng có thể tạo dựng lại tương lai. Nhưng phải minh bạch về quá khứ, mới tha thứ được cho nhau và hòa giải dân tộc, để cùng đối phó với nguy cơ mới đang đe dọa lợi ích chung của dân tộc. Tại sao người Đức có thể hòa giải được (sau chiến tranh và sau thống nhất) mà người Việt lại không làm được?
Phải chăng tư tưởng cực đoan và lòng hận thù, là di chứng của một cuộc chiến đẫm máu và tàn khốc (cả chiến tranh cục bộ lẫn nội chiến) vẫn còn đeo đẳng cả hai phía, làm vô hiệu hóa những nỗ lực và cơ hội hòa giải. Nhiều năm sau chiến tranh, người Việt trong nước và hải ngoại vẫn là nạn nhân của cực đoan và hận thù, của bạo lực và khủng bố.
Điều cần nói là có một số người trong chính quyền Mỹ lúc đó đã bảo vệ và dung túng cho những người Việt chống cộng cực đoan, dùng bạo lực để đe dọa và giết hại các nhà báo gốc Việt không cùng quan điểm, bất chấp luật pháp. Cộng đồng người Việt phải liều mạng vươt biên để định cư tại Mỹ một đất nước có tự do dân chủ, nhưng họ vẫn “sống trong sợ hãi” vì bị chính đồng bào của họ khủng bố. Đó là một sự thật trớ trêu khó phủ nhận.
Đã 4 thập kỷ sau chiến tranh, và 2-3 thập niên sau những vụ giết hại 5 nhà báo gốc Việt tại Mỹ. Những tư liệu mới thu thập mà Frontline và ProPublica đã sử dụng trong phim “Terror in Little Saigon”, dù chưa đầy đủ, nhưng đã bạch hóa được một phần trang sử đau buồn mà nhiều người vẫn chưa quên. Họ không dám nói ra vì “sống trong sợ hãi”.
Không phải chỉ có những vụ khủng bố và giết hại 5 nhà báo gốc Việt ở Mỹ đã bị bưng bít (bởi những động cơ bất lương), mà còn 73 nhà báo gồm nhiều quốc tịch khác nhau đã bị “mất tích” (tức bị giết kín) trong chiến tranh Việt Nam, vẫn bị bưng bít và trôi vào quên lãng, không được các chính phủ (Mỹ và Việt Nam) hợp tác tìm kiếm (như MIA).
Khi vụ khủng bố tòa báo Charlie Hebdo (tại Paris) xảy ra, Tổng Thống Obama đã hứa giúp nước Pháp “đưa bọn khủng bố ra trước công lý”. Nhưng đối với bọn khủng bố giết hại 5 nhà báo gốc Việt trên đất Mỹ, ông đã làm gì? Đối với 73 nhà báo quốc tế (trong đó có cả nhà báo Mỹ) bị mất tích trong Chiến tranh Việt Nam, ông và chính quyền đã làm gì?
Những ý kiến phản đối bộ phim “Terror in Little Saigon” có nhiều động cơ, trong đó có tâm trạng hoảng sợ vì những gì được bưng bít lâu nay có thể bị tiết lộ. Ví dụ, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một cựu lãnh đạo của Mặt Trận cho biết “K-9” là có thật, do ông Phạm Văn Liễu điều phối, mục tiêu ám sát đầu tiên là chính ông (Nguyễn Xuân Nghĩa), mục tiêu thứ hai là Đỗ Ngọc Yến (chủ báo Người Việt), nhưng ông Trần Khánh Vân đã lãnh đạn thay.
Khi có người bị giết hại chỉ vì bất đồng chính kiến (hay để bịt miệng), thì người ta im lặng một cách khó hiểu. Khi có những nhà báo có uy tín điều tra quá khứ, đánh động lương tâm để giúp nhau tìm ra thủ phạm, thì người ta hoảng sợ. Tâm trạng này giống một dạng tâm thần hoang tưởng, không dám đối diện với sự thật (dù đã 2-3 thập niên trôi qua).
Tuy không thể thay đổi được quá khứ, nhưng cố tình bưng bít sự thật lịch sử, dù núp dưới bất kỳ chiêu bài nào, đều là bất lương và tội lỗi. Với tinh thần đó, những người tử tế và khách quan cần ủng hộ ProPublica và Frontline (và những người khác) tiếp tục điều tra để làm rõ sự thật, không phải chỉ để an ủi thân nhân những người bị giết hại (hay mất tích), mà còn để khép lại quá khứ, như một vết thương chiến tranh vẫn chưa thành sẹo.
“Terror in Paris”: Một bước ngoặt mới?
Sau vụ khủng bố kinh hoàng tại New York (11/9/2001), mở màn cuộc chiến chống khủng bố, có người ví vụ khủng bố tại Paris (13/11/2015) là một bước ngoăt tương tự, làm thay đổi cuộc chơi (game changer). Khác với vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo (14/1/2015), đây là một cuộc tàn sát đẫm máu, làm 129 người chết và hơn 350 người khác bị thương.
Đối với Paris, đây không phải lần đầu, cũng không phải lần cuối. Chưa biết tiếp theo sẽ là nơi nào, Brussels hay Berlin hay London? Các nước Phương Tây tấn công IS chỉ là duyên cớ trực tiếp để IS trả thù, và làn sóng di cư vào châu Âu chỉ là cơ hội tốt để IS lợi dụng. Ai cũng biết IS không đẻ ra từ chân không và không hề đơn độc.
Theo Tổng thống Nga Putin (tại hội nghị G20) có hơn 40 quốc gia tài trợ cho IS, trong đó có một số quốc gia trong nhóm G-20. Một số quốc gia “chơi con bài IS” nhằm thực hiện mưu đồ chính trị của mình. Lẽ ra phải tiêu diệt IS ngay từ đầu khi mới hình thành thì người ta lại lợi dụng nó, nuôi dưỡng nó, cung cấp vũ khí cho nó để dùng nó chống lại một số quốc gia khác. Không biết lời cáo buộc này chính xác tới đâu, đó là một phần sự thật.
Có thể hệ thống tổ chức của IS nay hiệu quả hơn. Có thể hệ thống an ninh của Pháp và Châu Âu lơ là cảnh giác và chủ quan trước những thách thức mới. Nhưng dù các chính phủ có thắt chặt an ninh và phối hợp tình báo hiệu quả hơn, hay phối hợp hành động mạnh tay hơn, thì cuôc chiến chống khủng bố vẫn đầy phức tạp và chưa nhìn thấy lối thoát.
Chừng nào các quốc gia còn theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tranh chấp nhau. Chừng nào các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo còn chia rẽ và hận thù, không muốn hòa giải, từ chối dân chủ hóa, thì còn miếng đất màu mỡ cho cực đoan và bạo lực. Muốn ngăn chặn khủng bố diễn ra tại New York hay Paris, phải ngăn chặn từ gốc, và từ trước.
Điều đáng lo ngại là nhiều thanh thiếu niên từ các nước khác nhau, gồm nhiều thành phần (kể cả sinh viên và trí thức) vẫn tiếp tục nghe theo tiếng gọi “thánh chiến” của thế lực Hồi giáo cực đoan, đầu quân làm những kẻ đánh bom cảm tử. Vậy cái gì thúc đẩy họ từ bỏ cuộc sống bình thường để trở thành cực đoan (radicalized) và liều chết?
Cuộc chiến chống khủng bố phải là cuốc chiến toàn diện, trên phạm vi toàn cầu, chống lại tư tưởng cực đoan và hận thù, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo lực và khủng bố, xung đột và chiến tranh. Vì vậy, các quốc gia phải đồng lòng phối hợp, vận dụng cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm, mới có thể hóa giải được nó tận gốc. Cuôc chiến chống khủng bố rất tốn kém và còn khó khăn hơn cả chống du kích trong rừng rậm nhiệt đới.
Để đối phó với mấy tên khủng bố tại Boston hay Paris, nước Mỹ hay nước Pháp phải huy động mấy ngàn quân và chi phí nhiều triệu đô la. Đây là một sự bất cập về tương quan lực lượng và là một điểm yếu mà bọn khủng bố sẽ khai thác như một thế mạnh. Để đối phó với một tiểu đoàn khủng bố tại Đông Nam Á (như thủ tướng Singapore nói) thì các nước ASEAN cần bao nhiêu quân và bao nhiêu tiền (trong khi Biển Đông như thùng thuốc súng).
Xã hội đầy bạo lực và rủi ro: Thập diện mai phục?
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (Việt Nam) có làm môt bộ phim với cái tên hay “Sống trong sợ hãi” (Living in Fear). Đao diễn Trương Nghệ Mưu (Trung Quốc) cũng làm một bộ phim với cái tên hay “Thập diện mai phục” (Flying Daggers). Tên của hai bộ phim này có thể được dùng để mô tả tâm trạng bất an hiện nay của người Việt (và người Trung Quốc).
Không phải ngẫu nhiên mà 64% người giàu Trung Quốc (có tài sản trên 1,6 triệu USD) đã hoặc định di cư khỏi Trung Quốc (theo Elizabeth Economy at Council on Foreign Relations). Không phải ngẫu nhiên mà tỷ phú Lý Gia Thành “bỏ chạy” khỏi Trung Quốc. Tâm Trạng bất an của người Trung Quốc (và người Viêt) là do bạo lực và rủi ro trong xã hội.
Tại sao sau chiến tranh, được giải phóng rồi, hoặc vượt biên rồi, mà người Viêt vẫn “sống trong sơ hãi”? Có lẽ vì cực đoan và bạo lực, là di họa của chiến tranh, vẫn chưa thực sự chấm dứt, như bóng ma của quá khứ tiếp tục ám ảnh họ. Trong khi ở hải ngoại có “Terror in Little Sài Gòn”, thì ở trong nước còn nhiều loại terror khủng khiếp hơn.
Đó là tai họa do bom mìn chưa nổ và chất độc da cam (do chiến tranh để lại). Đó là nạn trộm cướp, giêt người, hiếp dâm ngày nào báo chí cũng đưa tin (“cướp, giết, hiếp”). Đó là tai nạn giao thông, chết nhiều như sóng thần (theo bộ trưởng Giao thông). Đó là ngộ độc thưc phẩm do sử dụng vô tội vạ các chất độc hại (từ Trung Quốc). Chưa bao giờ có nhiều người mắc bệnh ung thư như hiện nay (theo Bộ Y Tế). Nhưng chính phủ và quốc hội vẫn bất lực, vì ngộ độc thực phẩm “phải lăn ra chết thì mới xử lý được!” (theo bộ trưởng Nông nghiệp).
Đối tượng dễ tổn thương nhất là phụ nữ và trẻ em, có thể bị dụ dỗ hoặc bắt cóc để bán sang Trung Quốc. Trẻ em đến trường có thể gặp nguy hiểm vì bạo lực học đường. Tội phạm “vị thành niên” ngày càng gia tăng. Khi giáo dục và văn hóa xuống cấp, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của cực đoan và vô cảm, dễ bị cám dỗ bởi ma túy và bạo lực.
Đối tượng dễ bị bắt nạt nhất (và cũng dễ phản kháng bằng bạo lực) là nông dân. Trường hợp Đoàn Văn Vươn là một ví dụ điển hình. Để chống lại nhóm lợi ích địa phương cướp đoạt ruộng vườn và thành quả lao động của mình, anh đã bị đẩy vào “bước đường cùng”, buộc phải dùng bạo lực để tự vệ, vì mất hết lòng tin vào chính quyền. Những kẻ bắt trộm chó bị những người nông dân đánh chết vô tội vạ cũng là môt ví dụ (chỉ có tại Việt Nam).
Một đặc điểm khác của các quốc gia độc tài (cộng sản hay không cộng sản cũng vậy) là sử dụng bạo lực để trấn áp những người bất đồng chính kiến, bằng cách bỏ tù hoặc dùng côn đồ để đánh đập họ. Mục tiêu chính là khủng bố tinh thần, làm cho mọi người sợ hãi. Stalin, Hitler, Mao, hay Polpot là những nhà lãnh đạo kiệt xuất trong việc tẩy não khiến hàng triệu trí thức sẵn sàng giết chóc và hy sinh cho những lý tưởng cực đoan và đầy thù hận.
Khủng hoảng Biển Đông: Một thùng thuốc súng?
Khủng hoảng Biển Đông đã xảy ra sau khi Trung Quốc đem dàn khoan HD 981 vào hải phận Việt Nam tại Biển Đông, bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng hạ tầng quân sự trên các đảo đó, tạo ra một bước ngoặt mới. Hành động bành trướng bằng bạo lực này là hệ quả tất yếu của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, con đẻ của chủ nghĩa bá quyền Đại Hán.
Cực đoan và bạo lực vốn là thương hiệu của đảng CS Trung Quốc. Mao chủ tịch đã từng nói, “quyền lực đẻ ra trên nòng súng”. Trong mấy thập kỷ sau khi giành đươc chính quyền, đảng CS Trung Quốc đã gây ra những thảm họa như “Đại Nhảy vọt” (Great Leap forward) và Cách mạng Văn hóa” (Cultural Revolution) làm mấy chục triệu người chết.
Chắc mọi người vẫn chưa quên thảm họa diệt chủng tại Campuchia do Khmer Đỏ gây ra, có bàn tay của đảng CS Trung Quốc. Người Việt Nam (và Triều Tiên) cũng phải gánh chịu những hậu quả tệ hại do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chủ nghĩa Mao đầy cực đoan và bạo lực, cho đến tận ngày nay. Chỉ có người Miến Điện là may mắn “Thoát Trung”.
Những gì đang diến ra tại Biển Đông chỉ là sự tiếp nối của lịch sử. Hay nói khác đi là lịch sử đang lặp lại. Chỉ có “Thoát Trung” mới thoát khỏi định mệnh (karma) và cái vòng kim cô về ý thức hệ đã kìm kẹp và kéo lùi lịch sử Viet Nam nhiều thập kỷ. Biển Đông vừa là nguy cơ vừa là cơ hội để “Thoát Trung”. Bỏ qua cơ hội này chắc không còn cơ hội nào khác.
Hành đông của Trung Quốc tại Biển Đông có thể tóm tắt: Trong khi đe dọa (intimidate), cưỡng đoạt (coerce) và bắt nạt (bully) các nước nhỏ yếu (Việt Nam, Philippines), Trung Quốc thách thức Mỹ, nhưng tránh đối đầu, vì muốn chia quyền với Mỹ (major power diplomacy). Họ bất chấp luật pháp, vì muốn thay đổi luật chơi và thay đổi nguyên trạng.
Sách lược hai mặt này Trung Quốc có hiệu quả, chừng nào họ phân hóa được ASEAN bằng “cái gậy và củ cà rôt”, bằng đàm phán song phương để vô hiệu hóa ASEAN. Họ đã vận dụng tối đa “vùng xám” (gray area) để thao túng bằng cách khoanh vấn đề (localized) để vô hiệu hóa Mỹ và cắt lát nhỏ vấn đề (salami slice), để biến thành việc đã rồi (fait’accompli).
Trong khi Obama hoãn chuyến thăm Việt Nam thì Tập Cận Bình đã đến Hà Nội và đọc diễn văn tại Quốc Hội VN (6/11/2015). Tuy Obama đã bật đèn xanh cho hải quân Mỹ cho tàu USS Lassen vào vùng biển 12 hải lý quanh đảo Subi reef tại Biển Đông, nhưng lại trương biển “đi lại vô hại” (innocent passage). Đây này là một tín hiệu yếu của Mỹ (vẫn là “tiếng kèn ngập ngừng”), làm bạn bè đồng minh thất vọng, trong khi Trung Quốc mừng thầm.
Có thể nói Trung Quốc dùng thủ đoạn và sức mạnh nước lớn để uy hiếp và bắt nạt các nước nhỏ (như Việt Nam và Philippines) cũng là môt loại khủng bố. Ngư dân Việt Nam đang “sống trong sợ hãi”, vì hàng ngày bị tàu thuyền Trung Quốc khủng bố trên Biển Đông. Họ đang bị tước đoạt quyền đánh cá ngay trên vùng biển vốn là của mình. Nếu bị dồn đến bước đường cùng, ngư dân Việt có thể liều mạng lao thuyền chứa chất nổ vào tàu Trung Quốc.
Việt Nam đã thành lập lữ đoàn tàu ngầm 189 có căn cứ tại Cam Ranh, với 6 tàu ngầm “Kilo class 636.3-MV” trong đó 4 chiếc đã được chuyển giao và đang hoạt động, còn 2 chiếc nữa sẽ được chuyển giao trong năm 2016. Đây là các tàu ngầm tấn công được trang bị tên lửa Klub diệt hạm “3M-54E1” và đối đất “3M-14E” (có tầm bắn 300 km).
Hạm đội tàu ngầm non trẻ gồm 6 chiếc tàu “Kilo 636”, cùng với 32 máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4 “Su-30MK2” là lực lượng răn đe hiện đại có khả năng gây tổn thất lớn cho đối phường (anti-access/area denial capabilities). Nếu xảy ra xung đột tại Biển Đông, Viêt Nam có thể buộc phải tự vệ bằng chiến lược “cùng hủy diệt” (mutually assured destruction).
Nếu bị dồn đến bước đường cùng, các tàu ngầm Kilo có thể hoạt động như “U-Boat” của Đức trong Đai Chiến II, tấn công các tàu chở dầu và chở hàng của Trung Quốc trên Biển Đông, gây tổn thất lớn cho đối phương và khủng hoảng thị trường quốc tế, làm các hãng bảo hiểm hàng hải (như Lloyd’s insurance) và các nhà đầu tư nước ngoài hoảng loạn, buộc đối phương phải nghĩ lại và cộng đồng quốc tế phải can thiệp để tìm giải pháp qua đàm phán.
Nhưng vấn đề không phải là tiềm lực quốc phòng, mà là ý chí chính trị của lãnh đạo và sự đồng lòng của toàn dân. Nếu đồng lòng, Việt Nam đã từng thắng Pháp và Mỹ. Nếu chia rẽ, Viêt Nam đã từng mất Hoàng Sa (1974), mất Gac-Ma và một phần Trường Sa (1988), và nay có thể mất nốt Trường Sa và toàn bộ Biển Đông vào tay Trung Quốc.
NLD thắng cử tại Myanmar: Những bài học nào?
Ngày 8/11/2015 sẽ đi vào lich sử Myanmar khi tổng tuyển cử tự do đầu tiên (sau 25 năm) đã được tổ chức thành công. Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã giành được hơn 2/3 số ghế (348 ghế) tại quốc hội, nhiều hơn 19 ghế so với 329 ghế cần thiết để giành chiến thắng tuyệt đối. Kết quả này đồng nghĩa với việc đảng NLD sẽ kiểm soát cả thượng viện và hạ viện, và có quyền chọn Tổng thống, chấm dứt nhiều thập niên cầm quyền của quân đội (mặc dù quân đội vẫn còn nắm giữ 25% số ghế và mấy bộ chủ chốt).
Kết quả to lớn này đã làm nhiều người ngạc nhiên (kể cả bà Aung San Suu Kyi). Nhưng ngạc nhiên hơn cả là thái độ của quân đội: chấp nhận thất bại và sẵn sàng hợp tác. Đây là điều hiếm có. Tướng Min Aung Hlaing nói quân đội sẽ “làm điều gì tốt nhất để hợp tác với chính phủ mới trong giai đoạn hậu bầu cử”. Tổng thống Thein Sein cũng cam kết “sẽ tôn trọng quyết định và lựa chọn của nhân dân và sẽ chuyển giao quyền lực như thời gian đã định”.
Ngày 12/11/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện trưc tiếp cho bà Aung San Suu Kyi để chúc mừng và ca ngợi “nỗ lực không mệt mỏi và sự hi sinh sau rất nhiều năm để thúc đẩy một Myanmar hòa nhập, hòa bình và dân chủ”. Ông cũng bày tỏ hi vọng kết quả bầu cử sẽ dẫn đến một “tương lai hòa bình và thịnh vượng hơn” cho Myanmar.
Bắc Kinh cũng không thể không “bắt tay” với chính quyền mới do đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, mặc dù bà Aung San Suu Kyi là một trong những chính khách Myanmar đã công khai phản đối Trung Quốc xây thủy điện Myitsone tại Myanmar, khiến công trình có kinh phí 3,6 tỷ USD này vừa khởi công đã bị đình chỉ. Tháng 6/2015, lãnh đạo Trung Quốc (Tập Cận Binh) đã đón tiếp trọng thị bà Aung San Suu Kyi trong chuyến thăm TQ, với tư cách là thủ lĩnh đảng đối lập NLD. Đó là một nước cờ khôn ngoan.
Trung Quốc buộc phải hợp tác với chính quyền tương lai của Naypyidaw, vì họ có những lợi ích sống còn tại đây. Myanmar là điểm mấu chốt trong chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, là cửa ngõ tốt nhất để Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ Dương, kết nối Đông Nam A với Nam Á. Myanmar còn là điểm cuối của Hành lang Kinh tế kết nối Trung Quốc với Ấn Độ, Bangladesh và Myanmar, và là một mắt xích quan trọng của tuyến đường bộ cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan. Dự án đường ống dẫn dầu Trung Quốc-Myanmar trị giá hàng tỷ nhân dân tệ, sẽ nối Vân Nam với Ấn Độ Dương qua Myanmar.
Có 3 bài học chính về Myanmar:
Một là, Myanmar đã thoát Trung thành công. Thoát Trung không có nghĩa là chống Trung Quốc hay quay lưng lại, mà là điều chỉnh lại mối quan hệ với Trung Quốc để bình đẳng hơn, độc lập hơn, không bị lệ thuộc, dựa trên lợi ích quốc gia (chứ không phải trên ý thức hệ “viển vông”). Thực tế là Trung Quốc cần Myanmar cũng như Myanmar cần Trung Quốc. Tại sao người Myanmar làm được, mà người Việt lại không?
Hai là, hòa giải thành công giữa chính quyền độc tài quân sự (đảng USDP) và phe đối lập đấu tranh cho dân chủ (đảng NLD) là cơ sở để đoàn kết dân tôc. Sau hơn 2 thập niên bị đàn áp và giam lỏng, Aung San Suu Kyi và đảng NLD không bị khuất phục, mà còn trưởng thành như một đối trọng chính trị được dân chúng ủng hộ và quốc tế hậu thuẫn. Điều đáng nói là cả hai phía đã bỏ qua thù hận và thành kiến, để hòa giải và hợp tác với nhau vì lợi ích chung của dân tộc. Tại sao người Myanmar làm được, mà người Việt lại không?
Ba là, quá trình dân chủ hóa đã thành công tại Myanmar, thông qua con đường đấu tranh bất bạo động, dùng sức mạnh mềm chống lại sức mạnh cứng, để đảo ngược cấu trúc quyền lực cứng đã lỗi thời tại Myanmar. Tư tưởng cách mạng của Aung San Suu Kyi là phải “thoát khỏi nỗi sợ hãi” (freedom from fear”) để thay đổi thể chế chính trị, và thay đổi chính mình. Bà đã thành công. Tại sao người Myanmar làm được, mà người Việt lại không?
Tuyên bố của Aung San Suu Kyi, “Tôi sẽ ở trên Tổng thống” (hiến pháp của chính quyền quân sự không cho phép bà làm tổng thống vì có chồng con là người nước ngoài) đã làm một số người lo ngại như một dấu hiệu độc đoán và kiêu ngạo. Với 25 năm trải nghiệm cuộc đấu tranh chính trị trường kỳ và phức tạp vì dân chủ, chắc bà đủ khôn ngoan và bản lĩnh để không mắc sai lầm. Tuyên bố đó chỉ nên hiểu theo nghĩa hẹp vì thực dụng (realism).
NQD. 22/11/2015
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 23-11-15