Người thứ hai được Nguyễn Mạnh Trinh giới thiệu là nhà văn Lý Lan. Vời tôi thì lúc còn trong nước chưa biết qua về chị nhưng với người trong nước bây giờ có lẽ biết nhiều vì chị là dịch giả bộ tiểu thuyết "Harry Potter" sang tiếng VN. Tôi rất thấm thía trong một đoạn chị viết về tấm tình của mình:
“Nhà là gì? Là một nơi ta quen thuộc, nơi ta là ta, nơi ta chia sẻ với người thân cuộc sống ở cõi đời này” (Lý Lan)
Mời các bạn đọc tiếp. (LKH)
NHỮNG NHÀ VĂN HOA KIỀU VÀ ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM:
NHÀ VĂN LÝ LAN.
Lý Lan, là một nhà văn nữ khá nổi danh ở Việt Nam có truyện ngắn được giảng dạy ở chương trình văn, bậc trung học ở trong nước. Cô cũng là một thi sĩ và là một dịch giả đã chuyển ngữ truyện Harry Potter sang Việt ngữ. Trong thực tế, cô là một nhà văn người Việt gốc Hoa, và cũng là một nhà văn người Mỹ gốc Việt. Cha cô người Quảng Ðông, huyện Triều Dương, thành phố Sán Ðầu. Mẹ cô người Lái Thiêu và cô sinh ra ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Và cô lấy chồng người Mỹ, một giáo sư đại học, định cư ở cả hai nơi, Việt Nam và Hoa Kỳ. Nhưng tôi vẫn gọi cô là một nhà văn nữ Hoa Kiều.
Tại sao? Bởi vì, trong các tác phẩm của cô, tôi thấy rõ nét chân dung của một người gốc Hoa với tất cả tâm tư, vóc dáng, đời sống… được thể hiện. Những người gốc Hoa này không phải là hình ảnh của những ông chủ bụng bự, những bang chủ chi phối đời sống kinh tế chính trị ở Việt Nam. Họ cũng xa lạ với khung cảnh của Chinatown mà bất cứ ở quốc gia nào trên thế giới cũng hiện diện. Ở trong truyện của Lý Lan, nhân vật có thể là một cô gái nhạy cảm ngây thơ, là những cô cậu thiếu nhi bé nhỏ, là những ông già “các chú” , những bà “xẩm” của những xóm lao động ồn ào, những nhân vật mà thường ngày chúng ta bắt gặp trong cuộc sống gần cận. Ở trong những khung cảnh quen thuộc của Chợ Lớn, nhịp đập nhân sinh đã được vẳng nghe từ những tâm sự bình thường của những đời thường tiếp diễn. Trong đời sống ấy, của những ngày sau 1975, dường như lẩn khuất đâu đó có tiếng thở dài, “trầm và sâu.”
Có thể, vì cảm nhận từ những cuộc dời đổi. Lúc Cộng sản chiếm miền Nam, Lý Lan là một sinh viên, rồi sau đó đi dạy học, viết văn, làm báo. Cô không viết về thời sự, nhưng ghi nhận lại cuộc sống bằng con mắt quan sát của mình. Kinh nghiệm sống làm cho cô chín chắn hơn trong những đãi lọc để có một quan niệm viết trung thực. Ðời sống thực tế với biết bao nhiêu dời đổi và cuộc sống người dân cũng ảnh hưởng theo với những khó khăn những nghiệt ngã. Lý Lan phác họa lại cuộc sống ấy, nhẹ nhàng đi tìm những chi tiết tưởng nhỏ nhoi nhưng sống động. Ðọc những truyện ngắn, độc giả có cảm tưởng như lần trải theo những tâm sự những đoạn đời mà người kể chuyện, với tâm hồn nhạy cảm và tấm lòng nhân hậu, đã viết ra.
Lý Lan kể lại đời sống và thấp thoáng ở đó, những tiếng thở dài, “trầm và sâu”. Có thể là một cảm hoài về đời sống. Có thể là một cảm giác phải có của người hay nhìn ngoái lại thời gian cũ xưa trong cơn dời đổi của xã hội. Trong truyện ngắn “Bé Sáo vào đại học”, thấp thoáng tiếng thở dài. Người mẹ, Ðiệp, bạn gái của tác giả, như một thí dụ cho tiếng thở dài ấy:
“Với lý lịch của mình, Ðiệp không thể nào vào đại học và cũng không thể kiếm được một việc làm ở thành phố. Người yêu học tập cải tạo ba tháng trở về, đám cưới rồi Ðiệp theo gia đình chồng “hồi hương” Bân tôi xa Sài Gòn từ đó, 18 tuổi, quần jeans bạc màu sơ mi xắn tay áo cao trên cùi chỏ. Hai vợ chồng trôi dạt qua mấy vùng đất khai hoang, hồi đó gọi là kinh tế mới. Mười năm trước bắt đầu ổn định, Ðiệp rủ tôi về thăm rẫy nhà nó. Bé Sáo quấn quít gần như nhại theo cách ngồi cách đứng cách trò chuyện của “dì Lan ở Sài Gòn”. Con Sáo nhỏ mếu máo chạy theo tôi níu chéo áo tôi đòi cho lên thành phố. Ðiệp dỗ con: “Ráng học giỏi mới được lên Sài Gòn.” Sau làn khói xe và bụi đường con sáo nhỏ của tôi mím môi ghìm nước mắt nhìn theo hướng chiếc xe đò lao đi.”
Chuyện kể thật, và tràn lan ở đời sống này, quen thuộc đến thành bình thường mà sao vẫn gợi ra một nỗi niềm nào trắc ẩn. Những người có lý lịch liên hệ nhiều đến chế độ cũ trong xã hội này liệu có chỗ đứng không? Hay chuyện lên Sài Gòn học đại học như một giấc mơ của những con sáo, sang sông, nhưng vẫn còn đầy bẫy sập chực chờ từ một xã hội mà con người phải tranh sống để vượt qua những khó khăn chồng chất của cuộc nhân sinh…
Một truyện ngắn khác “Dân Ngã Tư” trong tập “Sài Gòn Chợ Lớn Rong Chơi” lại là một truyện của những người không nhà chọn lề đường hè phố làm nơi cư ngụ. Và một điều lạ lùng, là sinh hoạt của góc phố ấy vẫn bình thường dù hứa hẹn cơn mưa bão sắp kéo tới. Họ, những người nghèo nhất của thành phố, vẫn an phận với cái nghèo nàn cơ cực của mình. Ai buôn bán lặt vặt cứ buôn bán, ai gây lộn cãi cọ cứ tự nhiên, và thời tiết có bão bùng cũng mặc kệ.
Lý Lan viết: “Tôi nói với chị Bình: “sắp bão gió cấp 12 không lo thân mình chưa có chỗ trú lại đi lo chuyện bao đồng” Chị cười thản nhiên (hay hồn nhiên quá?)
- Ôi, bất quá gió thổi bay tấm ni-lông hay mấy giỏ đồ rách. Cầm như xui xẻo bị “hốt” lòng lề đường vậy mà. Mình lo sao nổi chuyện tự nhiên của trời đất.
Nói vậy nhưng khi mưa bắt đầu lắc rắc, chị lật đật giành giật với cơn gió tấm ni lông đang bay phần phật, cột hai chéo vô cửa sắt, còn hai chéo kia chèn mí bằng gạch để tạo một không gian hẹp hình tam giác nơi thằng Tẹo đang ngủ say…”
Và tác giả kết luận:
“Nhà là gì? Là một nơi ta quen thuộc, nơi ta là ta, nơi ta chia sẻ với người thân cuộc sống ở cõi đời này” Tôi hiểu vậy khi anh Su đứng ở ngã tư mà nói rằng “Nhà tiu là đây” Nhưng anh Su à, tôi vẫn không muốn đính chính điều đã viết. Ngã tư không phải là nhà”
Có phải tác giả muốn diễn tả về cuộc sống mà sự cam chịu đã thành một quán tính để vượt qua những khó khăn của kiếp người hiện tại. Hình như, tôi thoáng nghe được tiếng thở dài, “trầm và sâu”…
Lý Lan là người Việt gốc Hoa, cha người Quảng Ðông, mẹ người Thủ Dầu Một. Cô lớn lên trong một xóm người Hoa và có lẽ chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Có lẽ, có lúc cô cũng thấy mình đang chơi vơi giữa hai văn hóa Việt và Trung Hoa. Nhất là khi đế quốc phương bắc đang dòm ngó và tạo cho cô có cảm giác bị kỳ thị. Trong khi viết văn, cô kể chuyện nhiều khi với tư cách tự thuật và trang trải vào đó những tâm sự của mình. Những nơi chốn, khi cô sống tự thuở ấu thơ trải ra biết bao nhiêu kỷ niệm. Những nhân vật, qua những góc cạnh nhìn ngắm, ngầm chuyên chở những tâm tư, mà, qua cuộc sống, vẫn lấp lánh trong tâm thức những dư vị êm đềm, của tấm lòng đối với quê hương.
Lý Lan viết về sinh hoạt của cộng đồng người Hoa nơi cô đã sống cả một thời tuổi trẻ. Những chuyện ghi nhận từ những nơi quen thuộc hàng ngày được phác họa lại, có một chút hoài niệm và một chút trăn trở.
“Bây giờ đi dạo quanh khu vực này, nằm giữa đường Trần Hưng Ðạo và Nguyễn Trãi, khoảng gần Nguyễn Tri Phương tôi cố hình dung cảnh quan đã đập vào mắt cha tôi khi ông lần đầu tiên bước chân lên từ Bến đò La Cai: mấy cái xóm nhà lá đó đã cầm chân chàng lãng tử đến già! Ðất lạ quê người, nhiều địa danh nhân vật ngày đó bây giờ ông nhắc lại đọc theo âm tiếng Tiều, mà cảnh đã đổi, người không còn, chuyện chưa ghi trong sách, tôi không biết làm sao đối chiếu truy tìm. Vả lại làm sao hình dung “xóm nhà lá” ở giữa quận 5 Sài Gòn?..”
Cảnh cũng đổi và người đã thay, những phố Tàu ngày xưa không còn những đường nét cũ và sinh hoạt ngày nào cũng biến đổi đi. Lý Lan, làm người đi trở lại ngược dòng thời gian, trở về những con hẻm nhỏ, về những cuộc sống mà phong vị cũ đã thành những ký ức xưa. Chính cái thái độ chân thành đã làm sức lôi cuốn cho người đọc. Ði tìm lại những khoảng thời gian đã mất thật khó lắm thay!
Viết về đời thường, một công việc dễ mà khó. Làm sao trong cái hỗn độn đời sống ấy, ai cũng biết, ai cũng quen, tìm ra được những điều bất ngờ để thành lạ lùng và mang nhiều ý tình chuyên chở. Viết về một quán nước người Hoa thường hay nằm ở những ngã tư đường, đã có Sơn Nam, đã có Bình Nguyên Lộc…. Cũng tả về tiếng kêu ê a của phổ ky gọi nhà bếp làm thức ăn cho thực khách, cũng có những câu chuyện làm ăn mỗi ngày giao dịch trong quán,.. Nhưng ở trong “Tiệm nước“ của Lý Lan còn có một chút thoáng qua của thời sự, của ngày đổi tiền của Cộng sản, và lòng trung tín của những người nghèo như bác xích lô không lợi dụng thời thế để giựt tiền của người trao gửi. Lý Lan viết như người kể chuyện, không cố tình thêm thắt, không xử dụng kỹ thuật văn chương. Nhưng, ở chính điều đó, lại là một điểm để tác giả “Sài Gòn Chợ Lớn Rong Chơi” khác với những người cầm bút khác.
Có người nói văn chương của Lý Lan có những nét mộc mạc từ tả cảnh tả người của văn chương miền Nam Bộ với những Hồ Biểu Chánh, rồi Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc,… Riêng tôi, thì thấy rằng hình như trong các câu chuyện kể, nhiều khi giản đơn không cố tình phức tạp hóa sự kiện, lại ngầm chứa những điều gì mà tôi cho là mới lạ từ văn phong diễn tả của cô. Có lúc cô là người tự thuật, nhưng có khi cái tôi của nhân vật lại là một người khác mà tôi thường gặp phong cách này trong văn học hiện đại. Tôi cảm nhận một điều, cô đã cố gắng đi tìm kiếm những cái mới mà mọi người tưởng như đã cũ…
NGUYỄN MẠNH TRINH
(Sưu tầm trên mạng)