Tôi không cón nhớ nhiếu lắm về lịch sử nhưng nếu để so sánh giữa An Dương Vương và Triệu Đà có lẽ nhiều người sẽ thương xót cho An Dương Vương qua chuyện cổ tích "Trọng Thủy Mỹ Châu" và ghét Triệu Đà đã dùng "Nam nhân kế" để đánh tráo nỏ thần. Cho tới nay tôi mới biết An Dương Vương là người xóa sổ triều đại Hùng Vương. Với tôi lịch sử chỉ ghi lại những sự sát phạt, tranh quyền, xâm lược, ca tụng triều này, che trách triều kia,...mà người thắng cuộc là người ghi lại lịch sử. Lịch sử không bao giờ công bằng, sử quan chỉ là "nô tầy" của triều đình và những gì bất lợi cho triều đình sẽ bị cấm viết.
Bài dưới đây hôm nay tôi đã đọc lâu rồi nhưng chưa muốn post chỉ vì không muốn có sự tranh luận. Ai cũng có một ý kiến và suy nghĩ cá nhân nhưng với tôi, tôi post để có một đóng góp cho sự hiểu biết mới. Tôi không biết đúng hay không nhưng biết được thêm thì tốt hơn là chẳng biết. Cho nên đề nghị các bạn đọc xong đừng comment vì những ý kiến theo chiều chánh trị hay tư tưởng dân tộc,...Không thích, không đọc vì comment lăng nhăng tôi sẽ delete hết nhé! (LKH)
Bài dưới đây hôm nay tôi đã đọc lâu rồi nhưng chưa muốn post chỉ vì không muốn có sự tranh luận. Ai cũng có một ý kiến và suy nghĩ cá nhân nhưng với tôi, tôi post để có một đóng góp cho sự hiểu biết mới. Tôi không biết đúng hay không nhưng biết được thêm thì tốt hơn là chẳng biết. Cho nên đề nghị các bạn đọc xong đừng comment vì những ý kiến theo chiều chánh trị hay tư tưởng dân tộc,...Không thích, không đọc vì comment lăng nhăng tôi sẽ delete hết nhé! (LKH)
AN DƯƠNG VƯƠNG VÀ TRIỆU VŨ ĐẾ NÊN THỜ AI?
Chúng ta thường nói: Nước ta có lịch sử lâu dài, hơn bốn ngàn năm. Nói thế là đúng, nếu như cộng các đời vua Hùng hơn 2000 năm với các triều đại tiếp theo đến ngày nay, hơn 2000 năm nữa, mặc dù dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, nghĩa là phụ thuộc người phương Bắc, bị Bắc triều đô hộ. Phần đông dân ta chỉ là nghe nói thế thôi, nên nhiều người còn nửa tin nửa ngờ, đơn giản vì lịch sử nước ta hồi ấy có thấy chính sử ghi chép kỹ càng gì lắm đâu? Khoảng hơn hai ngàn năm qua các đời vua Hùng, nếu “chia chác” chi ly ra thì phải là nhiều hơn 18 đời như ngày nay ta vẫn nói thế. Gạt bỏ những lớp vỏ huyền tích xa xưa, nếu tính từ vua Hùng thứ nhất là con trai của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, cháu nội Kinh Dương Vương, thì các đời vua Hùng quả thật có hơn hai ngàn năm lịch sử. Đọc bài Đại Việt thông giám tổng luận của quan Thiếu bảo Lễ bộ thượng thư Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu tri Kinh diên sự là Đôn thư bá Lê Tung (Tên thật là Dương Bang Bản, quê Hà Nam) viết, thì các đời vua Hùng được ghi như sau:
“Hùng Vương nối nghiệp của Lạc Long, chăm ban đức huệ, để vỗ yên dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, chẳng có can qua chinh chiến, con cháu nối dòng đều gọi là Hùng Vương, phúc gồm 18 đời, năm trải hơn 2000 năm; buộc nút dây mà làm chính trị, dân không thói gian dối, có thể thấy được phong tục thuần hậu quê mùa vậy. Đến vua sau (tức vua cuối cùng) đức kém, lười chính sự, bỏ việc vũ bị không sửa, ham mê tửu sắc làm vui, binh nước Thục vừa đến thì quốc thống mất”.
Thế là Thục Phán, hậu duệ của nước Thục (ở khoảng Tứ Xuyên Trung Quốc bây giờ) đã đem quân xâm chiếm nước Văn Lang của Hùng Vương, rồi hợp nhất bộ tộc Tây Âu của ông ta với tộc Lạc Việt của Hùng Vương, thành bộ tộc Âu Lạc, rồi lên làm vua, xưng là An Dương Vương, chuyển đô từ Bạch Hạc xuống Phong Khê, xây thành ốc Cổ Loa, nay thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Cũng cần nói thêm rằng: Tổ tiên của Thục Phán, tức nước Thục, đã bị nhà Tần diệt từ năm 360 tr.cn. Con cháu nhà Thục sống sót chạy xuống phương Nam, nương náu ở vùng núi Cao Bằng, một phần xuống đến tỉnh Yên Bái của nước ta bây giờ. Thục Phán là người nước Thục, chiếm nước của vua Hùng, làm vua được 50 năm, sau bị Triệu Đà diệt. Về nhân vật Thục Phán (An Dương Vương), bài Tổng luận của sử thần Lê Tung (Dương Bang Bản) viết:
“An Dương Vương, phía Tây thì dời sang Ba Thục, phía Nam thì diệt vua Hùng Vương, đóng đô ở Loa Thành, giữ nước Âu Lạc, nhờ được nỏ móng rùa, đánh lui quân nhà Tần, quen mui đánh được, yên vui sinh kiêu, quân Triệu (Đà) đến đánh mà cõi bờ không thể giữ”.
Tóm tắt thế thôi, chứ sự thực ra thì An Dương Vương Thục Phán cuối đời bê tha hưởng lạc, lại thêm kiêu căng hồ đồ. Ông ấy đã nghe lời dèm pha của bọn gian thần, giết các Lạc Hầu Lạc Tướng trung thành như Nồi Hầu, Đinh Toán… Ngay cả bậc lão trượng, đệ nhất công thần giúp An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa, chế Nỏ Thần là Tướng quân Cao Lỗ (quê xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh bây giờ) cũng bị nghi oan mà chết, đời sau tôn làm Cao Lỗ Vương. An Dương Vương mới chính là kẻ làm mất nước vậy! Sử nước ta không có lời nào khen ngợi ông vua người nước Thục này.
Về nhà Triệu, cũng bài Đại Việt thông giám tổng luận của Lê Tung nói trên ghi:
“Triệu Vũ Đế nhân loạn nhà Tần, chiếm lấy đất Lĩnh Biểu, đóng đô ở Phiên Ngung (thuộc tỉnh Quảng Đông bây giờ-VBL), cùng với Hán Cao Tổ (Lưu Bang-VBL) đều làm đế một phương, có lòng nhân thương dân, có mưu trí giữ nước, vũ công khiến Tàm Tùng (Tên vua nước Thục ngày xưa, sau xưng là Thục Vương, dạy dân trồng dâu nuôi tằm) phải kinh sợ, văn giáo khiến Tượng Quận được chấn hưng; lấy thi thư mà biến đổi tục nước, lấy nhân nghĩa mà cố kết lòng người; dạy dân cày trồng, nước giàu binh mạnh. Đến như các việc sai sứ (sang nhà Hán) thì lời rất khiêm tốn, Nam Bắc giao hoan, thiên hạ vô sự, hưởng nước hơn trăm năm, đáng là bậc vua anh hùng tài lược. Văn Vương (con Trọng Thuỷ-VBL) là đích tôn của Vũ Đế nối giữ nghiệp cũ, phàm các chế độ điển chương, hết thảy đều tuân theo phép cũ của vua trước, lấy nghĩa mà cảm nước láng giềng, đánh lui quân địch, giữ yên biên cương, cũng là bậc vua nối nghiệp giữ nền vậy!”…
Triệu Đà, tức Triệu Vũ Đế, tổ tiên là người Chân Định, Trung Quốc. Ông ấy nhân loạn nhà Tần mà chiếm lấy đất Lĩnh Biểu, tức bao gồm phần đất đai của người Bách Việt (hàng trăm tộc Việt), thuộc phía nam núi Ngũ Lĩnh, xưa gọi là đất Lĩnh Ngoại (ngoài Ngũ Lĩnh), tức các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, đến bán đảo Hải Nam của Trung Quốc bây giờ. Hàng trăm tộc Việt (Bách Việt), mà Triệu Vũ Đế cai quản, trong đó có người Việt của nước ta bây giờ, gọi chung là nước Nam Việt. Triệu Đà lãnh đạo dân Bách Việt, chống nhau với nhà Hán, các cụ ta xưa tôn vinh Triệu Vũ Đế là người dựng nước độc lập đầu tiên là có lý do lịch sử của nó.
Đền thờ Triệu Đà |
Nhà Triệu bị nhà Hán thôn tính, nước Nam Việt trở thành đất đai của nhà Hán. Năm 40 sau công nguyên, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị khỏi nghĩa giành độc lập. Về sự kiện này, bài Tổng luận của Lê Tung chép:
“Kịp đến Trưng Vương là dòng dõi Hùng Vương, chị em đều có tiếng dũng lược, căm giận về chính lệnh hà ngược của Tô Định (Thái thú quận Giao Chỉ-VBL), hăng hái đem người các bộ, nổi quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, quận huyện hưởng ứng, cho nên lấy được 65 thành ở Lĩnh Ngoại (tức đất đai Nam Việt cũ thời nhà Triệu-VBL), thu lại hết đất cũ Nam Việt, cũng là bậc hào kiệt trong nữ lưu. Song vì trời không giúp họ Lạc, nên quân nhà Hán sang lấn, nếu bấy giờ có vua anh hùng tài lược, thì nhà Hán đâu dám nhòm ngó đến đèo Mai Lĩnh”.
Bàn về sự thất bại của Hai Bà Trưng, các sử gia ngày trước bình luận ở hai điểm chủ yếu. Thứ nhất là đèo Mai Lĩnh trước đó đã bị nhà Hán chiếm mất. Đây chính là con đèo rất hiểm trở, có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, là cửa ngõ mà nhà Hán có thể nhòm ngó xuống nước Nam Việt của ta. Mất đèo Mai Lĩnh thì Hai Bà Trưng khó có thể giữ được thành quả chiến đấu của mình. Thứ hai là vua đàn bà, không thực sự có tài thao lược lớn, nên mới mau chóng bị thua. Nguyễn Trãi có hơn ba năm phiêu dạt bên Tàu, chưa rõ vì lý do gì, nhưng ông cũng đã từng qua con đèo Mai Lĩnh, còn có tên khác là đèo Đại Dũ này. Ông viết: “Đi hết Mai quan mà không thấy cây mai nào cả”… Đèo này, Tể tướng nhà Đường là Trương Cửu Linh, đồng thời là một nhà thơ lớn, cho mở mang rộng rãi, rồi trồng rất nhiều cây mai, nên mới có tên là đèo Mai Lĩnh, cũng là biên giới giữa nhà Hán và Nam Việt của ta trước đó. Trong 65 thành mà hai Bà Trưng chiếm lại, chủ yếu nằm trên đất Luỡng Quảng của Trung Quốc ngày nay. Hiện đền thờ Hai Bà Trưng rải rác khắp mọi nơi bên đất Lưỡng Quảng, biểu thị niềm tôn kính của nhân dân Bách Việt đối với sự nghiệp vĩ đại của Hai Bà Trưng. Ngay như ở thời Quang Trung Hoàng đế nước Đại Việt thế kỷ 18, cũng đã có chủ trương đòi lại Lưỡng Quảng bằng ngoại giao và thậm chí, bằng cả võ lực nếu cần thiết, bởi đất ấy là đất đai của nguời Nam Việt xưa kia. Chỉ tiếc rằng Nguyễn Huệ chẳng may mất sớm, sự nghiệp còn dở dang.
Vậy, xem xét công nghiệp của hai ông Thục Phán An Dương Vương và Triệu Vũ Đế, ai hơn? Chẳng cần phải bàn luận chi nhiều, cũng đã thấy rõ. Chúng tôi nêu thêm một số căn cứ để minh hoạ thêm về sự nghiệp dựng nước của Triệu Vũ Đế để bạn đọc cùng tham khảo.
1.Về sự thật được ghi trong chính sử nước ta
- Thục An Dương Vương thuộc dòng dõi nước Thục bên Tàu. Ông ta cũng là một tay dũng lược, làm thủ lĩnh bộ tộc Tây Âu, nhiều năm đánh nhau với vua Hùng. Con rể vua Hùng là Nguyễn Tuấn (tức Tản Viên) đánh nhau với Thục Phán nhiều trận. Vua Hùng suy yếu rồi mất nước. Thục Phán cai trị nước Văn Lang 50 năm. Sử ta không thấy câu nào khen ngợi công nghiệp của An Dương Vương cả.
- Triệu Vũ Đế, tổ tiên cũng là người Hán, nhưng ông ấy đã sống với người Việt, đã thành người Việt (Việt hoá), lấy vợ Việt, thụ hưởng văn hoá thuần phác của các tộc Việt ở phương Nam, lập ra nước Nam Việt, lãnh đạo người Bách Việt chống nhau với nhà Hán, khôn khéo lấy sách lược “Nội cương ngoại nhu”, bảo vệ được đất nước, tồn tại mạnh mẽ tới hơn trăm năm. Đến đời chắt của Triệu Đà (Ai Vương) thì suy yếu, lại thêm Hoàng hậu họ Cù là người Hán mưu toan dâng nước Nam Việt cho nhà Hán, nên Tể tướng Lữ Gia dù cố gắng mấy cũng không bảo toàn được Nam Việt. Công lao dựng nước của Triệu Vũ Đế được chính sử nước ta hết lời ca ngợi, xem ông là vị vua dựng nước đầu tiên.
Đền thờ An Dương Vương |
Chỉ nêu vài ví dụ: Diễn ca của các cụ ta xưa về cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng có câu: “Đô thành đóng cõi Mê Linh / Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”... Ghi việc Hai Bà Trưng đã giải phóng toàn bộ đất đai của người Bách Việt, gồm Quảng Đông, Quảng Tây đến bán đảo Hải Nam của Trung Quốc ngày nay, chứ không phải chỉ có đất đai của nước Đại Việt sau này (Đời Hậu Lý – 1009-1226- mới có quốc hiệu Đại Việt). Phần lớn đền thờ Hai Bà Trưng là ở Lưỡng Quảng của Trung Quốc bây giờ.
Đời Trần (1226-1400), Trương Thiếu Bảo (Trương Hán Siêu) có bài BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ nổi tiếng, đoạn mở đầu, Trương Hán Siêu viết rằng ông đã học theo Tử Trường (Tư Mã Thiên) cái thú thích tiêu dao, rằng ông cũng đã từng đi chơi khắp đó đây, “Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt / Nơi có người đi đâu mà chẳng biết”, rồi ông lại “Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều / Đến sông Bạch Đằng thuyền bơi một chèo / Bát ngát sóng kình muôn dặm / Thướt tha đuôi trĩ một màu Nước trời một sắc / Phong cảnh ba thu”...Đó không chỉ là một cuộc du chơi trong văn chương có tính ước lệ, mà còn dựa trên những cơ sở hiện thực lịch sử, rằng đó là vùng đất, là quê hương muôn đời của người Bách Việt. Khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ốm nặng, vua Trần Anh Tông (Con rể) đến thăm và hỏi rằng nếu chẳng may ngài mất đi, giặc phương Bắc lại sang lấn cướp thì kế sách giữ nước như thế nào. Hưng Đạo Vương nói rằng: “Ngày xưa, Triệu Vũ Đế dựng nước, vua Hán cho quân đánh thì nhân dân làm kế thanh dã (Kế “vườn không nhà trống”) rồi đem đại quân từ Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường sa, dùng đoản binh úp đằng sau, đó là một thời”!...
Thế kỷ 15, Nguyễn Trãi viết trong BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO như thế này: “Như nước đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nền văn hiến đã lâu / Núi sông bờ cỡi đã chia / Phong tục Bắc Nam cũng khác (Bắc: chỉ Trung Quốc; Nam, chỉ phương Nam, tức Nam Việt xưa). Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập / Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương / Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau / Song hào kiệt đời nào cũng có!” (Duy ngã Đại Việt chi quốc / Thực vi văn hiến chi bang / Sơn xuyên chi phong vực ký thù / Nam Bắc chi phong tục diệc dị / Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc / Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương / Tuy cường nhược thời hữu bất đồng / Nhi hào kiệt thế vị thường phạp). Thế nghĩa là Nguyễn Trãi vẫn tôn trọng lịch sử, nói đúng sự thật lịch sử. Sách giáo khoa của ta khoảng vài chục năm trước vẫn in đầy đủ bản Đại cáo bình Ngô có chữ Triệu, đối với chữ Hán ở câu sau, nhưng Giáo sư Bùi Văn Nguyên lại chú thích: “Có lẽ Nguyễn Trãi nhầm”. Thật là lửng lơ quá. Nguyễn Trãi quyết không nhầm. Chỉ có con cháu đời sau là nhầm lẫn mà thôi! Sách giáo khoa Trung học phổ thông khoảng mấy năm trước, vẫn in đầy đủ theo nguyên tác, nghĩa là có chữ “Triệu”, nhưng lờ đi không chú thích gì nữa. Chúng tôi hiểu sự bế tắc này có căn nguyên ở đâu, nên phần nào thông cảm với với các nhà làm sách giáo khoa. Tuy nhiên, lịch sử thì không thể có sự “thông cảm” được.
3.Trong đời sống tâm linh của nhân dân ta
- Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì hầu hết các bi ký, ngọc phả, thần phả ở các đền miếu hai bên bờ sông Đà, đều thờ các vị tướng của vua Hùng chống giặc Thục (Phán).
- Tài liệu khảo sát mới công bố gần đây của tác giả Phạm Quý Mùi trên tạp chí Xưa&Nay, số 426, tháng 4-2014 cho hay: Trong tổng số 15 ngôi đình đền được khảo sát ở tỉnh Hải Dương, cụ thể như sau: Có 1 đền thờ vua Hùng Duệ Vương ở Cẩm giàng. 1 đền thờ ở Cẩm Giàng thờ tướng giúp vua Hùng đánh Triệu Đà (Tôi nghĩ là tướng của Thục An Dương Vương thì đúng hơn. Làm gì còn tướng của vua Hùng khi Thục Phán đã diệt vua Hùng từ mấy chục năm trước?). 2 ngôi đền ở huyện Chí Linh thờ Cao Lỗ Vương, người chỉ đạo xây Loa Thành và chế máy bắn tên hàng loạt, mỗi lần bắn ra diệt hàng trăm địch, truyền thuyết cho đó là Nỏ Thần). Riêng bia đình thôn Lễ Quán (Nay thuộc thành phố Hải Dương) thì thờ An Dương Vương, vì đây là địa phương mà An Dương Vương khi bị Triệu Đà truy đuổi chạy qua đây, có để lại 200 lạng bạc và dặn dân làm đền thờ sau khi ông ta bỏ nước chạy ra biển tự tử. Số còn lại gồm 10 ngồi đình đền ở các huyện Gia Lộc, Chí Linh, Cẩn Giàng, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Ninh Giang…đều thờ các tướng của vua Hùng đánh nhau với giặc Thục (Thục Phán). Chỉ cần nhìn vào con số thống kê trên đây ở tỉnh Hải Dương thôi, chúng ta đã thấy rõ lòng dân đối với An Dương Vương như thế nào. Trong đời sống tâm linh, An Dương Vương đối với nhân dân nước ta chưa có gì đáng kể, lý do là vì ông ta cướp nước Văn Lang của vua Hùng. Năm mươi năm cai trị của An Dương, chưa nói lên được điều gì lớn đối với dân ta, ngoài công lao chế tác vũ khí và xây thành ốc của tướng quân Cao Lỗ, còn lại, chỉ là những kỷ niệm đau buồn. Trên khắp nước Đại Việt ta, theo chỗ chúng tôi được biết, không ở đâu có lễ hội tưởng nhớ An Dương Vương cả.
Nhưng đến khi Triệu Vũ Đế thôn tính được An Dương Vương, thì dân ta lại hưởng thái bình thịnh trị hàng trăm năm, đặc biệt là không bị Hán hoá, không bị Trung Quốc đồng hoá, cho dù ta chỉ là một phần của cộng đồng các dân tộc Bách Việt ở phía Nam Ngũ Lĩnh, tức nước Nam Việt. Ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hàng năm vẫn có lễ hội tưởng nhớ công lao của Triệu Vũ Đế.
Sử ta từ khi được chép vào sách vở, đều xem Triệu Vũ Đế là vị vua dựng nước đầu tiên. Các đời vua Hùng Vương lập nước, tồn tại khoảng hơn 2000 năm, sau bị Thục Phán đánh bại, chính sử không thấy chép kỹ càng, Đại Việt sử ký toàn thư chép ở phần ngoại kỷ, tức là theo truyền thuyết mà chép đại khái thế thôi. Trong khi đó, nhà Triệu được chép trang trọng vào phần “bản kỷ”, được thừa nhận là triều đại dựng nước đầu tiên. Thời các vua Hùng Vương, nước ta có chữ viết hay chưa? Có thể tin là đã có chữ viết, ví như “hoả tự” (chữ hình ngọn lửa) ngày nay đang được nghiên cứu. cho rằng đó là chữ viết của người Việt cổ. Sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, chữ viết của người Việt cổ dần bị Bắc triều tiêu huỷ, đến nỗi mất cả tăm tích, thay thế bằng chữ Hán từ thời Sĩ Nhiếp (Sĩ Vương) đô hộ. Tuy nhiên, những chứng tích vật thể còn tồn tại đến bây giờ, ví như trống đồng Đông Sơn chẳng hạn, đã cho thấy trình độ văn minh của người Việt đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ như thế nào. Một dân tộc đã làm ra trống đồng tinh vi như thế, lại hàm ẩn trong các họa tiết hoa văn chạm khắc đến mức tuyệt vời bề sâu văn hoá và tâm hồn của một dân tộc, không thể nói là không có hoặc chưa có chữ viết! Chữ Hán được sử dụng làm văn tự chính thống ở nước ta, đến khi có chữ Quốc ngữ ra đời…Nhà Minh đánh bại nhà Hồ (1407), Minh Thành Tổ ra lệnh cho các tướng nhà Minh phải triệt để tiêu hủy nền văn hóa của nước ta. Sau đó, hắn còn chỉ thị tiếp tục tiêu hủy đến cùng văn hóa nước ta, từ sách vở đến bia ký. Tội ác của chúng trời không dung đất không tha, quỷ thần đều căm giận.
4. Vậy sai lầm bắt đầu từ đâu?
Đây là lời của quan Tham tụng Lại bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ thiếu bảo, Yên quận công Phạm Công Trứ viết trong bài (tựa) cuốn ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TỤC BIÊN, năm Ất Tỵ 1665: “...Hãy thử xét xem. Ngày xưa Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu là Lê Văn Hưu vâng mệnh Trần Thái Tông chép bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ bắt đầu từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng và sử quan Phan Phu Tiên vâng mệnh Nhân Tông của bản triều (tức triều Hậu Lê) chép nối bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ từ Trần Thái Tông đến khi người Minh trở về nước, nghĩa lớn khen chê đã rành rành ở lời công luận của bút chép sử ...Vào khoảng năm Hồng Đức thứ 10 (1479) sai Lễ bộ tả thị lang kiêm Quốc tử giám tư nghiệp Ngô Sĩ Liên biên soạn bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ . Tiếp đến Tương Dực Đế năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) sai Binh bộ thượng thư kiêm Quốc tử giám tư nghiệp kiêm sử quan đô tổng tài là Vũ Quỳnh biên soạn bộ ĐẠI VIỆT SỬ THÔNG GIÁM, chép từ Hồng Bàng Thị đến 12 sứ quân, tách làm “ngoại kỷ”, từ Đinh Tiên Hoàng đến năm đầu Thái Tổ cao hoàng đế bản triều mới lại định thiên hạ làm “bản kỷ”...Đến năm Hồng Thuận thứ 6 (1514) lại sai Thiếu bảo Lễ bộ thượng thư Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám Tế tửu tri Kinh diên sự là Đôn thư bá Lê Tung soạn bài ĐẠI VIỆT THÔNG GIÁM TỔNG LUẬN...”. Trong bài PHÀM LỆ VỀ VIỆC BIÊN SOẠN SÁCH “ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ”, tác giả viết : “Sách này làm ra, gốc ở hai bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên, tham khảo với Bắc sử, dã sử, các bản truyện chí và những việc nghe thấy truyền lại, rồi khảo đính biên chép mà thành. Chép bắt đầu từ Ngô Vương, vì Vương là người nước Việt đương lúc Nam Bắc phân tranh đã dẹp loạn dựng nước để nối đại thống với Hùng Vương và Triệu Vũ Đế. (Nay theo BẢN KỶ TOÀN THƯ của Vũ Quỳnh, bắt đầu từ Đinh Tiên Hoàng, là để nêu rõ mối đại thống nhất).
Tượng Triệu Vũ Đế |
Chúng ta đã có một thời giáo dục sai lịch sử, khi cho rằng Triệu Đà (Triệu Vũ Đế) là giặc, lại còn xem An Dương vương là vua của nước ta, đúc tượng đồng thờ ông ấy ở Cổ Loa, đặt tên đường ở khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc. Con cháu đời sau cứ thế mà nối tiếp cái sự nhầm lẫn đến tệ hại này. Rồi không biết sẽ còn sai lầm đến đâu nữa. Tôi cho rằng đã đến lúc thẳng thắn nhìn lại lịch sử, viết cho đúng lịch sử, đừng nên làm nó méo mó đi, bởi như thế là bất nhẫn với tiền nhân, có tội với tiền nhân và con cháu chúng ta. Rất mong được các nhà làm sử, dạy sử quan tâm chỉnh sửa sai lầm rất đáng tiếc này.
Hà Nội mùa thu năm 2015
Vũ Bình Lục
Nguồn: Văn Hiến Việt Nam