Monday, April 26, 2021

CHỌN MÓN GÌ KHI BUỒN?

Đúng là trái tai khi bàn chuyện ăn uống lúc đang buồn vì dễ gì nuốt cho trôi với tâm trạng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Biết vậy, nhưng, bên cạnh chuyện điều trị với thầy thuốc chuyên khoa, người quá buồn, nếu vượt nổi lên chính mình để ráng ăn cho đúng món, có thể trợ lực cho thầy thuốc để thu ngắn liệu trình và qua đó giảm thiểu lượng thuốc hóa chất. Tình trạng “trầm uất” nhờ vậy khó trở thành “trầm trọng” do phản ứng phụ của… thuốc!


Để chống tâm trạng “nhiều B” bao gồm buồn bã, bực bội, bỏ bê, báng bổ… nên tập trung vào các nhóm thực phẩm có nhiều:

– Acid folic như bông cải, măng tây, củ dền… vì chất này cần thiết để tổng hợp serotonin, chất giúp ngủ ngon và khỏe khoắn khi thức dậy. Chén canh rau trong bữa ăn chiều tuy mộc mạc về hình thức nhưng hữu ích cho người đang bị nỗi buồn gậm nhắm.

– Tinh dầu như rau quế, quế vị, húng chanh, đinh lăng để mượn hoạt chất này phong bế các chất gây chán đời. Nếu tìm được tri kỷ bên mâm bánh tráng cuốn rau sống, thịt luộc, mắm tôm… càng mau vơi nỗi buồn.


– Khoai lang ta, lùi tro hay nướng lửa than tùy ý, để đừng thiếu B6 vì sinh tố này, theo nhiều kết quả nghiên cứu, càng thấp gia chủ càng dễ tủi thân!

Mặt khác, nên tránh xa các món ăn dưới đây khi đời bỗng hết vui:

– Bánh ngọt, chè mứt, nói chung là các món quá ngọt, vì tuy mới ăn thấy bớt buồn nhờ tác dụng vỗ về não bộ, nhưng tình trạng đường huyết sau đó tăng cao đột ngột rồi tụt nhanh bao giờ cũng là yếu tố thuận lợi cho tâm trạng trầm uất.

– Rượu bia vì tai hại hơn xa món ngọt dù là trước mắt trấn an hệ thần kinh.

– Phô mai, chao cũng như các món lên men, vì một loại men trong các món này ức chế tiến trình tổng hợp serotonin. Chay trường khi trầm uất nhiều khi không có lợi. Trái lại, nên ngã mặn vì tế bào não rất cần chất tham sân si, miễn là lượng chất đạm động vật không hơn phân nửa tổng lượng của khẩu phần.


Theo quan điểm “vị sinh khí” của Đông Y, kích ứng thần kinh thông qua vị giác ảnh hưởng rất nhiều trên tiến trình biến dưỡng để sinh năng lượng. Khỏi tả dông dài cũng hiểu trầm uất là tình trạng hết pin của hệ thần kinh trung ương. Đáng nói là thầy thuốc y học cổ truyền đã từ nhiều ngàn năm trước ghi nhận hiện tượng người càng buồn càng ít ăn cay, lỡ nếm chút ớt là la làng. Số nạn nhân này, dù là khó chịu, nên cố gắng ăn cay bằng cách mạnh miệng với các loại gia vị như gừng, ớt, xả, quế… vì tinh dầu cay nồng xúc tác phản ứng tổng hợp serotonin và endorphin. Cần gì phải đợi đến khoa học, trong lúc nhảy dựng tìm ly nước lã chữa cháy mấy ai buồn cho nổi!

Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng

No comments: