Saturday, April 24, 2021

TURKMENISTAN - LẤP LÁNH MỘT ĐIỂM SÁNG TRÊN CON ĐƯỜNG TƠ LỤA XA XƯA

Turkmenistan có một lịch sử lâu dài và sóng gió, hết đội quân đế chế này tới đế chế khác từng đến đây trên con đường tìm kiếm những lãnh thổ thịnh vượng hơn.


Alexander Đại đế đã chinh phục vùng đất này vào thế kỷ thứ IV trước Công nguyên trên đường tới Nam Á, cùng khoảng thời gian con đường tơ lụa hình thành và trở thành cầu nối thương mại chính giữa châu Á và vùng Địa Trung Hải. Có thể nói Turkmenistan là vùng đất sở hữu nhiều di tích lịch sử liên quan đến hệ thống con đường thương mại cổ xưa trên Trái đất. Những di tích lịch sử còn lại ở Merv, Urgench hay Nisa chứng minh thời kỳ cực thịnh của vùng đất này trong quá khứ. Giữ vị trí cửa ngõ kết nối giữa Trung Á và vùng Trung Đông, Turkmenistan luôn khơi gợi sự tò mò cho khách du lịch. Tiếc rằng do chính sách “đóng cửa” vẫn đang được chính quyền duy trì, Turkmenistan là một trong mười quốc gia có lượng du khách quốc tế ít nhất trên thế giới, mỗi năm chỉ đón gần 9.000 lượt khách. Điều này càng kích thích đoàn du khách chúng tôi nhân chuyến đi tìm thị trường ở các nước thuộc Liên Xô cũ.

Tượng đài Độc Lập cùng tượng cố Tổng thống Niyazov ở Ashgabat

Di sản con đường tơ lụa

Với diện tích 488.100km², Turkmenistan là quốc gia lớn thứ 52 trên thế giới. Hơn 80% lãnh thổ của nước này là sa mạc Karakum, khí hậu khô cằn, lượng mưa ít, nhiệt độ mùa hè có khi lên đến 50oC. Mùa đông khô và không khắc nghiệt cho lắm, mùa mưa kéo dài từ tháng 1 đến tháng 5.

Do việc xin visa trực tiếp rất khó khăn (Turkmenistan không có lãnh sự quán ở các nước Đông Nam Á), chúng tôi chọn cách xin visa quá cảnh, đi từ Iran sang. Lãnh sự Turkmenistan yêu cầu phải có thư mời của các cá nhân hoặc tổ chức ở Turkmenistan, vì thế cách dễ nhất là nhờ một đại lý du lịch làm thư mời. Sau khi mất hơn hai giờ làm các thủ tục nhập cảnh và chờ đợi, chúng tôi có được visa và bắt đầu chuyến xe xuyên sa mạc.


Turkmenistan có ba di sản văn hóa thế giới đều nằm trên con đường tơ lụa xa xưa: quần thể di tích Kunya ở Urgench, pháo đài Nisa của người Parthia cách thủ đô Ashgabat 18km về phía Tây Nam và khu khảo cổ Merv gần thành phố Mary có niên đại hàng nghìn năm. Trong số này, Merv được xem là thành phố ốc đảo rất quan trọng trên con đường tơ lụa, nối với trung tâm kinh tế, chính trị và tôn giáo Bukhara của Uzbekistan thời bấy giờ.

Merv nằm cách Mary (thành phố lớn thứ hai ở Turkmenstan) khoảng 40km, được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới cần được bảo tồn. Khu vực Erk-Kala vốn là trung tâm của thành phố Merv xưa, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VI-VII, là cửa ngõ vào Ba Tư cổ đại của hoàng đế Akhemenid, có diện tích rộng khoảng 20ha, được bao quanh bởi những bức tường bằng gạch thô mà đến nay vẫn còn vết tích.

Gyaur-Kala – “Pháo đài của những kẻ ngoại đạo” được hoàng đế Antiochus Soter (280-261) xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ IV trước Công nguyên với bức tường thành dài 230km, là nền tảng của thành phố Margian Antioquia. Những bức tường thành quây hình vuông với các tòa tháp trên các ngọn đồi có khoảng cách như nhau, mỗi bức dài chừng hai cây số và có một cổng. Nơi đây còn lưu giữ được những bản Kinh thánh cổ xưa Avesta – Gathas, được viết bởi nhà lãnh đạo tôn giáo bí ẩn Ba Tư là Zarathustra và một số tàn tích thuộc về những người theo Hỏa giáo.

Hai tòa nhà Greater và Lesser Kyz Kala (Lâu đài của các thiếu nữ) có từ thế kỷ thứ VI-XII với những bức tường đất cũng khá đặc biệt vẫn còn sót lại sau bao thăng trầm lịch sử. Theo truyền thuyết Turkmenistan, xưa kia có 40 cô gái trốn trong tòa lâu đài này, nhưng khi nhìn thấy những gì mà đội quân hung bạo Mông Cổ đã làm với người dân Merv, họ đã quyết định tự tử bằng cách nhảy từ mái nhà xuống. Chúng tôi trèo lên bờ đất cao, ghé mắt nhìn vào bên trong gờ đất nhưng chỉ thấy những bờ tường đất cao ngất ngưởng, bên dưới là cỏ bụi lẫn đất cát và phía trên đầu là bầu trời trong xanh thăm thẳm. Bảo tàng Sultan Sandzhar có từ giữa thế kỷ thứ XII, vốn là lăng mộ của hoàng đế Seljuk, có mái vòm rất tráng lệ, nổi bật giữa vùng đất ốc đảo mà các đoàn lữ hành đi trên sa mạc Karakum có thể nhìn thấy.

Bảo tàng Sultan Sandzhar vẫn vững chãi giữa gió cát sa mạc

Mary (còn gọi là Margiana) trong thời đại cổ xưa là tên gọi xuất phát từ Murghab – con sông khơi nguồn cho sự khai sinh quốc gia nông nghiệp nằm trên khu vực này khoảng 4.000 năm trước. Mary từng được ca ngợi là “hòn ngọc phương Đông” và là thành phố Hồi giáo chỉ đứng thứ hai sau Baghdad hồi giữa các thế kỷ từ VIII đến XIII, sau đó bị tàn phá bởi vó ngựa của quân Mông Cổ, hiện là trung tâm chính của ngành công nghiệp bông và khí gas, đồng thời là cửa ngõ giao thông quan trọng của Turkmenistan.

Gurbanguly Hajji Mosque nổi bật nhất ở Mary

Nổi bật ở thành phố Mary là Gurbanguly Hajji Mosque (tên gọi khác là Mary Mosque), được xây dựng từ năm 2001, đến 2009 mới hoàn thành. Sắc trắng nổi bật cùng mái vòm xanh thiên thanh và bốn tòa tháp vươn lên ngạo nghễ giữa trời xanh. Lang thang giữa trung tâm thành phố Mary, chúng tôi ghé ngang đài tưởng niệm Chiến tranh thế giới thứ II với bức tượng người lính đứng trước phông nền xanh ngọc, thư viện thành phố và những ngôi nhà theo kiểu kiến trúc độc đáo thời Liên Xô cũ tạo nên một nét riêng của Mary. Ngắm nhìn lũ trẻ nô đùa và dòng người tản bộ trên phố, chúng tôi cảm nhận được một buổi chiều yên bình, chậm rãi, không hề náo nhiệt như nhiều thành phố vùng Đông Nam Á.

Thủ đô Ashgabat tráng lệ

Turkmenistan là quốc gia có trữ lượng khí tự nhiên và dầu hỏa đứng hàng thứ tư thế giới. Vì vậy, giá xăng dầu và gas rất rẻ, phương tiện di chuyển phổ biến từ thành phố này đến thành phố khác là xe lửa và máy bay. Chúng tôi quyết định chọn đường hàng không để vượt qua quãng đường 350km từ Mary đến thủ đô Ashgabat với giá chỉ khoảng 20 USD.

Tọa lạc tại rìa sa mạc Karakum, Ashgabat là một thành phố hiện đại, tỏa sáng với một vẻ hào nhoáng kỳ lạ. Những tòa nhà bằng đá cẩm thạch trắng, mái được dát vàng, kiến trúc nói chung khác thường nằm oai nghiêm trên những con đường rộng lớn. Quanh các tòa nhà đó là những khu vườn được chăm sóc kỹ lưỡng. Khá nhiều đài phun nước, tượng đài được thắp sáng về đêm. Xét về vẻ ngoài, có vẻ thành phố này không thua kém Abu Dhabi hay Dubai ở Trung Đông là bao. Anh lái taxi bảo đó là nhờ công của cố Tổng thống Saparmurat Niyazov. Năm 1991, khi trở thành tổng thống đầu tiên của Turkmenistan mới tách khỏi Liên Xô cũ, ông đã tiến hành kế hoạch xây dựng lớn nhằm đưa đất nước vào “thời đại hoàng kim của Turkmenistan”, dựng lên nhiều nhà ở và tượng đài như cổng chào Trung lập hay công viên Độc lập, thay đổi hoàn toàn diện mạo của thành phố. Năm 2013, Ashgabat đã đi vào sách kỷ lục Guinness nhờ có nhiều tòa nhà được xây dựng bằng đá cẩm thạch nhất thế giới. Mặc dù thành phố chỉ rộng 22km2, nơi đây có đến 543 tòa nhà được xây dựng với 4,5 triệu mét khối đá cẩm thạch nhập khẩu từ Ý. Về đêm, những tòa nhà màu trắng của Ashgabat được thắp sáng bằng rất nhiều đèn màu, khiến các đại lộ thêm hào nhoáng. Thành phố này có nhiều luật lệ kỳ lạ được Tổng thống Niyazov áp dụng, chẳng hạn đàn ông không được để tóc dài và râu quai nón, cấm diễn opera, nhà dân không được nuôi chó. Du khách không được phép chụp hình gần dinh Tổng thống và các công sở quan trọng. Độc đáo hơn, ông còn đặt tên cho tháng trong năm theo tên các thành viên trong gia đình mình. Cũng giống như nhiều nơi ở Trung Á, chợ là một phần quan trọng trong văn hóa người Turkmenistan. Gulistan chính là một trong những chợ lớn và cổ nhất ở nước này. Chợ nằm ngay trung tâm thành phố, là nơi lý tưởng để trò chuyện với người dân và nếm những món ăn đặc biệt của ẩm thực Turkmenistan. Nhiều loại gia vị được bày bán thành đống, bánh mì naan truyền thống mới ra lò được đặt trên quầy hàng để khách dễ lựa. Có khá nhiều quán ăn bán mì laghman. Không chịu kém cạnh là các quầy bán hàng điện tử gia dụng, quần áo và đồ lưu niệm. Nằm ở khu phố cổ của Ashgabat, nhà nguyện Ertugrul Ghazi là một phiên bản phỏng theo nhà nguyện Xanh ở Istanbul. Được đặt theo tên của cha vua Osman I – người đã lập ra đế chế Ottoman, nhà nguyện này đại diện cho sự hữu hảo giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Turkmenistan. Bên trong nhà nguyện có rất nhiều họa tiết được chạm trổ chi tiết cùng những tấm thảm dệt tay giống như ở nhà nguyện Xanh Istanbul.

Thủ đô Ashgabat xa hoa

Sau khi tham quan Ashgabat, chúng tôi quyết định mạo hiểm đến với “Cửa địa ngục” Derweze, cách thủ đô khoảng 260km về hướng Bắc. Đây là nơi khá hoang vắng, chưa có những tuyến xe buýt nên chúng tôi thuê một xe taxi đi và về trong ngày với giá tương đương 2,5 triệu đồng. Thì ra “cánh cửa địa ngục” là một hố gas khổng lồ, rộng 70m và sâu 50m, được hình thành từ khi các nhà khoa học Liên Xô thăm dò khu vực này để tìm nguồn khí đốt. Để tránh khí độc metan lan ra, các nhà khoa học đã quyết định châm lửa và nghĩ rằng chỉ trong vài ngày sẽ đốt hết khí độc. Nhưng trái với tính toán, sau bốn thập niên, lửa vẫn tiếp tục cháy và hố này có thể nhìn thấy từ cách đó hàng trăm cây số. Cho dù luôn cháy sáng nên rất nóng, nơi đây lại còn nằm trong sa mạc rất ít người dân sinh sống, nhưng “Cửa địa ngục” vẫn có sức thu hút du khách quốc tế một cách kỳ lạ. Vào ban ngày và nhìn từ xa, nơi đó có vẻ yên tĩnh và an toàn không khác gì những hố nước trong lòng sa mạc. Nhưng đến khi lại gần, ai cũng sững sờ khi thấy những đám lửa vẫn luôn cháy sáng trong lòng miệng núi. Lúc trời dần tối, miệng hố trở thành một lò lửa lớn giữa lòng sa mạc, hắt sáng cả bầu trời đêm.
“Cửa địa ngục” Derweze thu hút du khách ưa mạo hiểm

Anh tài xế cho biết rằng tổng thống nước này từng chỉ thị lấp miệng hố để đảm bảo an toàn cho người dân ở khu vực lân cận nhưng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp nào hợp lý, khả thi. Còn đối với những khách du lịch như chúng tôi, một lần đến “cánh cửa địa ngục” quả là may mắn vì biết đâu trong tương lai, nó sẽ vĩnh viễn biến mất.

Kim Hoàng / Theo: DoanhNhan+