Monday, April 5, 2021

THÁC ĐỖ QUYÊN - NÀNG TIÊN NGỦ QUÊN GIỮA RỪNG BẠCH MÃ

Nằm giữa một miền Trung đầy nắng gió khô rát, núi Bạch Mã hiện lên với vẻ xanh mát, trong lành làm say đắm cả lòng người. Bạch Mã đẹp, nhưng không chỉ đẹp vì cảnh núi rừng biên biếc mà còn là vì có thác Đỗ Quyên - dòng thác cuộn chảy trong lòng ngọn núi tự bao đời nay.

Bên chân Bạch Mã bình yên - Ảnh: Tui Tí

Người ta thường nói, ai yêu sông suối, thác, ghềnh mà không một lần đến thăm Thác Đỗ Quyên trong rừng Bạch Mã, thì quả sẽ là một điều đáng tiếc vô cùng. Đỗ Quyên cao khoảng 300m, tuôn đổ dòng chảy ngày đêm theo bờ đá thật dốc, nổi bật giữa ngàn cây rừng, nơi có những cây đỗ quyên đến mùa xuân lại rộ hoa đỏ rực, làm cho cả một không gian thành bức tranh đẹp đến kỳ thú.

Bạch Mã quanh năm chìm trong mây trắng - Ảnh: Laura Harvey

Những chùm hoa đỗ quyên khoe sắc giữa núi rừng - Ảnh: Thangnv

Đường đến thác cũng lắm gian nan, ngoằn ngoèo. Xuôi dòng suối Yến, vượt qua vùng Ngũ Hồ huyền diệu của Vườn Quốc gia Bạch Mã, cuốc bộ thêm 45 hoặc 50 phút nữa, du khách mới chạm đỉnh ngọn thác Đỗ Quyên - tên một loài hoa rất đẹp và hiếm. Con đường mòn quanh co và khá gập ghềnh, lúc vượt dốc, lúc lội suối… như thử thách đôi chân người lữ khách.

Chặng đường đến thác lắm sỏi, nhiều suối - Ảnh: sưu tầm

Dọc đường, mỗi loài cây, mỗi đoạn suối đều mang một vẻ đẹp rất riêng. Tuy vậy, đáng để ý hơn cả chính là những cây tùng Bạch Mã, cây chắp tay, cây sau sau hay cây dương xỉ thân gỗ. Với hình hài khác biệt của lá, những loài cây này không thể lẫn được mặc dù nhiều chỗ chúng mọc xen giữa nhiều loài cây lá rộng khác. Lội qua dòng nước chảy tràn trên bề mặt những phiến đá khổng lồ, nhẵn và trơn, con suối và đất đá dần biến mất nhường chỗ cho một không gian mây trời của ngọn thác.

Bên thác Đỗ Quyên - Ảnh: Sir.Mayday

Phóng tầm mắt sang sườn phía bên kia chỉ thấy một màu xanh mờ đục vì hơi nước bốc lên từ bề mặt lá dưới ánh nắng mặt trời trong một ngày không có gió. Ngay phía bên trái, như hút vào dưới tán cây rừng là con đường nhỏ dẫn xuống chân thác.

Non thiêng, tiên cảnh trên đỉnh thác Đỗ Quyên - Ảnh: Laura Harvey

Để xuống được chân thác, du khách phải di chuyển qua 689 bậc thang. Độ cao hạ thấp khá nhanh theo những bậc bê tông đưa du khách dần xuống phía dưới. Đường rợp mát vì tán cây rừng. Những ngày có gió, việc đi xuống cốt làm sao giữ nhịp độ điều hòa và không bị chồn chân, nhưng vào những ngày nắng, không có gió thì thường phải nghỉ ít phút cho đỡ mỏi chân sau khoảng 80 đến 100 bậc.

Con thác cuộn chảy bên vách đá cheo leo - Ảnh: Anh Tuấn

Những bậc thang cuối cùng sẽ đưa các bạn ra một không gian ồn ã nhưng huyền ảo. Từ vị trí này nhìn sang phía bên kia, rừng xanh tụt dần xuống lũng sâu nhưng kịp cũng kịp lộ ra nhiều thân cây gỗ màu mốc trắng giữa những tán lá đủ sắc màu. Ngước nhìn thật cao phía bên phải chợt sáng lòa: nước, bụi nước bắn tung sáng lấp lánh dưới ánh nắng.

Cuồn cuộn thác nước khung trời – Ảnh: besthue

Nước ào ào dội xuống vách đá dựng đứng cao tới 250m. Trong quá trình chuyển động, thỉnh thoảng gặp gờ đá nhô ra, dòng nước bật tung tạo nên những tinh thể nhỏ sáng như bông rơi xuống nhập vào dòng, rồi lại bật ra khi khi gặp gờ đá khác. Nhìn từ xa dòng thác Đỗ Quyên khi ra hoa như là chiếc khăn màu đỏ thắm của một cô gái có mái tóc thật dài. Cứ xem dòng thác đang mùa hoa là chiếc khăn gió ấm cho những người giữ rừng vào cuối đông để thấy yêu thêm loài hoa và con thác đẹp này.

Con người trở nên bé nhỏ dưới chân thác - Ảnh: Martenzi

Quãng đường về vẫn là 689 bậc với độ chênh cao không quá 300m nhưng là một thử thách thực sự. Bạn hãy đi chậm, nghỉ và ngắm cây rừng. Những cảm xúc vừa có được cùng với những nét đẹp riêng và độc đáo của những loài cây khác nhau dọc ven đường sẽ làm với đi cái mệt nhọc và vơi đi độ chênh cao của mỗi bậc xi măng đá bạn bước qua.

Vui đùa bên dòng nước mát - Ảnh: Anh Tuấn

Thác Đỗ Quyên với đẹp hoang sơ và hùng vĩ, bao lâu nay vẫn cuồn cuộn chảy trong lòng núi rừng Bạch Mã, vậy mà ít ai hay, cứ ngỡ đây là tên của loài hoa lặng thầm nào đấy. Đỗ Quyên không chỉ đứng một mình, bên nó là hoa, là đá, là nước, là mây trời và thấp thoáng dáng hình âm thầm của con người xứ Huế.

Te Amo/Theo: Mytour