Sunday, April 25, 2021

THÓI SĨ DIỆN HÃO CỦA NGƯỜI VIỆT

Đất nước chúng ta trải qua 4000 năm văn hiến, dân tộc Việt được xem là một trong những dân tộc có bề dày truyền thống và văn hóa lâu đời. Con người cần cù, chăm chỉ, hồn hậu và chân chất: “Trai thời trung hiếu làm đầu-Gái thời tiết hạnh làm câu giao tình.” Thế nhưng một cách khách quan mà nói, suy nghĩ nông thôn làng xã đã ăn sâu và gây ra không ít thói xấu của người Việt.


Một trong những cái không đẹp mà trước nhất phải kể đến là “sĩ diện hão”. Có lẽ cụm từ này không còn lạ lẫm gì vì ngày nay nó khá phổ biến-nhất là khi nói đến người Việt. Sống ở trên đời ai cũng cần phải có sĩ diện. Sĩ diện-nói nôm na nghĩa là biết cách để giữ thể diện, điều chỉnh hành động, lời nói, suy nghĩ phù hợp với tiêu chuẩn cuộc sống để người khác coi trọng mình. Như vậy, nói cách khác, sĩ diện chính là tự trọng. Thử hỏi trên đời nếu con người không biết tự trọng bản thân thì làm sao người khác có thể đánh giá cao mình? Tâm lý hướng đến cái đẹp, cái tốt thì không có gì là sai. Thế nhưng, Nguyễn Du từng có câu rằng: “Một vừa hai phải ai ơi”. Việc gì cũng nên có chừng mực nhất định, thiếu thì không được, nhiều quá lại không tốt. Ví dụ như việc ta ăn, ta ngủ. Ăn ít thì dẫn đến còi xương, thiếu chất nhưng ăn nhiều quá thì sẽ bội thực mà chết. Tâm lý sĩ diện cũng như vậy. Chữ sĩ diện một khi đã mang theo sau chữ “hão” là cả một vấn đề lớn. Vậy sĩ diện hão là gì? Trường hợp nào ta đã bước qua ranh giới giữa sĩ diện và sĩ diện hão?

Thùng rỗng kêu to!

Khi người ta làm mọi cách để chứng tỏ bản thân mình đạt những chuẩn mực vô hình trung được đặt ra, để “nâng giá” bản thân, người ta đã dính vào một thứ virut không hình hài mang tên : “sĩ diện hão”. Con người mắc bệnh này chuộng hình thức và coi thường, bỏ rơi cái bản chất sâu xa của mình. Sở dĩ như vậy là vì cảm giác không muốn thua kém bất kì ai. Cho dù không có năng lực cũng phải đầy đắp lên người mình một loạt bằng cấp, một loạt giải thưởng.

Những triệu chứng của căn bệnh này không khó để nhận ra. Thậm chí ngày nay, chỉ cần đi ra đường, ta có thể bắt gặp ngay những con virut di động. Họ ăn uống khiêm tốn nhưng lại gọi rất nhiều món và bao giờ cũng để lại một ít trong dĩa của mình, dù no dù không. Họ trét lên người đủ thứ hàng hiệu mà không biết loại hàng ấy có phù hợp với mình không, chúng đẹp ở đâu và xấu ở đâu. Họ dán tri thức đầy mình. Họ muốn mình phải là người đi đầu, dẫn đầu trào lưu. Chỉ cần người khác ngước nhìn với ánh mắt đầy ngưỡng mộ thì mục đích cuối cùng đã đạt được.

Virut sĩ diện hão này cũng làm nảy sinh ra đủ thứ “chứng” khác như “thói chơi sang”, “bệnh thành tích”, bệnh lãng phí…

Thu nhập trung bình, tiêu dùng xa xỉ

Người Việt chúng ta nổi tiếng chơi sang. Nhiều đại gia trên thế giới cũng phải ngạc nhiên trước những con siêu xe mà người Việt tậu về. Tôi có đọc một tờ báo, trong đó một chuyên gia tâm lý học người Đức khi nghiên cứu tiêu dùng đã làm một ví dụ nho nhỏ. Một người Đức và một người Việt, có trong tay 30.000USD và họ đều đang có ý định mua xe. Người Đức sẽ chọn chiếc xe trị giá 20.000USD, tiền còn lại anh ta dành dụm, làm ăn hay tích lũy. Nhưng một người Việt sẽ sẵng sang vay mượn thêm hàng chục ngàn USD khác để mua chiếc xe thuộc hàng xịn. Đương nhiên chúng ta xét trên phương diện số đông, không kể đến những người thật sự “say xe”, họ tìm hiểu kĩ càng và yêu thích chiếc xe đó. Điều này lí giải tại sao kinh tế ngày một khó khăn, các công ty loay hoay mãi trong vòng khuyến mãi nhưng vẫn không thể kích cầu vậy mà thị trường siêu xe vẫn rất sôi động trong năm. Rolls-Royce đã có đại lý chính thức tại Việt Nam vào tháng 6. Ngoài ra Lexus cũng là một trong những dòng xe được chào đón nồng nhiệt.


Một nghiên cứu khác lại cho kết quả rằng người Việt bỏ ra 1 tỷ USD/ năm để mua điện thoại smartphone phân khúc cao cấp. Hơn một nửa số điện thoại người ta sở hữu là thuộc hàng xa xỉ. Con số trên nếu so với các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật, Anh, Đức thì đây chẳng là gì cả. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng vừa qua, thu nhập bình quân của người Việt Nam đứng hàng 42 thế giới với 1.960 USD/người. Trong khi đó giá của một chiếc Iphone hay Sam Sung, Lumina cao cấp không dưới 1.000USD! Đó là chưa kể đây là thu nhập bình quân, mà đã bình quân thì sao phản ánh được đúng thực trạng. Những người giàu có, thu nhập cao, nhu cầu tiêu dùng cao thì không sao nhưng đến người nghèo, cho dù lương tháng không bao nhiêu cũng cố vay mượn để mua cho bằng được một chiếc Iphone5. Thử hỏi những người cầm trên tay mình Ipad, Ipod, Iphone, đã có bao giờ họ biết và sử dụng hết tính năng của nó?

Sĩ diện hão-không kể giàu, nghèo

Vừa qua cơ quan chính phủ phát động loại trừ bệnh thành tích trong giáo dục. Nhưng nếu nhìn một cách khái quát thì đâu chỉ trong giáo dục, y tế mà mọi lĩnh vực đời sống của xã hội. Tính hình thức và căn bệnh thành tích phủ kín những khiếm khuyết của nền kinh tế. Khi có một vụ việc bê bối xảy ra, hiện tượng thường thấy là cơ quan chức năng này đổ lỗi cho cơ quan khác và chẳng ai đứng ra nhận trách nhiệm về phần mình. Thậm chí là trong sinh hoạt hằng ngày, người ta vẫn có tâm lý chạy theo thành tích. Khi một số người ngồi nói chuyện, ta vẫn thấy họ rỉ tai nhau rằng : “Con ông A đậu đại học X, rồi tốt nghiệp bằng xuất sắc, đi du học nước Y…” hay “Thằng bạn em làm ở công ty đa quốc gia, anh cũng phải ráng mua SH, iphone như nó.” Có lẽ không ít lần những bậc phụ huynh nói với con cái họ rằng: “con cũng phải ráng cho bằng người ta”. Những con điểm, những bằng đỏ giết chết đi nhiều lĩ năng, nhiều ước mơ. Nếu gia đình, cá nhân này làm được mà mình lại không làm được thì sợ sẽ bị làng xám chê cười, xem thường vì thế phải cố bằng mọi cách để thực hiện cho giống với mọi người mặc dù khả năng mình không có. Bởi vì mỗi một con người là một vốn quý riêng, không ai giống ai. Không phải ai cũng có thể vào con đường Đại học, không phải ai cũng muốn vào trường Y danh giá nọ. Nhưng khi những tiêu chuẩn đánh giá vô hình được đặt ra, người ta lại sợ thua kém, sợ không “bằng bạn bằng bè”. Tâm lý này khiến bậc phụ huynh không chấp nhận con cái mình không theo con đường học vấn làm kĩ sư, bác sĩ mà muốn theo đuổi ước mơ khác người của mình như: khảo cổ, phượt, viết lách… Đa phần họ cho rằng người khác nhìn vào sẽ thấy không hay, vì con đường con cái mình lựa chọn chưa được xã hội coi trọng. Kết quả là gì? Học sinh chúi đầu vào điểm số, ra khỏi trường không áp dụng được gì. Sinh viên đại học tràn lan, tốt nghiệp không tìm được việc làm. Những cây cầu chưa xây đã sụp, những bác sĩ gây tai nạn tử vong cho bệnh nhân, những ông tham quan rút ruột công trình, tham ô lãng phí…hay hàng loạt vụ án chém giết mà nguyên nhận không khỏi khiến người ta giật mình. Đó là vì nạn nhân dám liếc nhìn khổ chủ, hay không chào hỏi khi gặp “đàn anh”.


Trưởng giả học làm sang, hàn gia cũng học làm sang

Tôi nhớ đến vở kịch nổi tiếng của Molière mang tên “Trưởng giả học làm sang”. Vở kịch kể về một người đàn ông bỗng nhiên giàu có nhờ may mắn, học đòi làm quý tộc. Ông ta tìm đủ thầy dạy để gia nhập giới thượng lưu, nhưng khổ nổi “tiền mất tật mang”. Không phải cứ chất những bộ lễ phục lộng lẫy trên người, đi đứng theo nhạc, cầm những tấm bằng giáo sư là đã “sang”. Muốn “sang”, nhưng chưa bao giờ hiểu được thế nào là sang trọng, là cao quý. Thiên hạ bảo rằng mang bít tất chật, may hoa ngược là “sang” thì mừng thầm vì mình mặc đúng mốt. Nhìn những trò lố lăng, người ta cười ra nước mắt khi nghĩ lại mình.

Đã có bao giờ, chúng ta trở thành nhân vật chính của vợ kịch ấy chưa?

Thật đáng buồn khi trên trang web campainasia.com, khi nghiên cứu tâm lý người Việt, họ viết rằng: “Do nhận thức của người Việt tiêu dùng xa xỉ là yếu tố “thể hiện sự thành công”, chính vì vậy, Việt Nam được coi là điểm nóng cho thị trường tiêu thụ xa xỉ phẩm”. Người ta cho rằng người Việt coi đẳng cấp của hàng hóa trên người chính là thể hiện phong độ bản thân.

Tất cả những điều đó, suy cho cùng cũng chỉ vì “sĩ diện hão” mà ra.

Nguyên nhân do đâu?

Vậy thì, câu hỏi đặt ra là, tại sao người Việt dễ bị mắc thói xấu này?

Khi con người vươn thẳng hai tay và đi trên đôi chân, họ tách lên một tầm cao mới. Họ đã thấy mình bậc “cao sang” hơn tất thảy muôn loài. Rồi họ ăn ở bầy đàn. Tâm lý cộng đồng, làng xã vốn ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Từ cổ chí kim, người Việt ăn ở gần nhau, văn hóa cộng đồng, tập thể cũng từ đó mà hình thành. Mối quan hệ chằng chịt từ họ hàng, bà con đến hàng xóm khiến những chuẩn mực vô hình được xây dựng. Điều này khiến người ta không dám thể hiện suy nghĩ cá nhân, một đột phá bị coi là táo bạo, là đi ngược lại với truyền thống lâu đời. Người ta dễ dàng đánh giá sự thành bại hay đạo đức của một người trên cơ sở số đông. Khổ nỗi không phải điều gì số đông cũng đúng. Con người chọn cách sống theo kiểu số đông vẫn chọn.

Sống trong một tập thể thì có hình mẫu lý tưởng được đặt ra và người ta lấy đó làm mục tiêu của mình. Trong gia đình, họ hàng thì cũng có nhiều lý do để hình thành thói sĩ diện. Các anh em trong họ không muốn thua kém nhau, phải ráng cho bằng anh bằng em. “Con anh học trường điểm thì con tôi cũng phải ráng học trường chuyên, con chị xài Iphone thì con tôi cũng phải có…” Tuy là cùng một tập thể nhưng họ vẫn có tính cá nhân rất cao, không muốn thua kém ai. Nhưng điều kiện về khả năng kinh tế, nhận thức là khác nhau. Vì vậy mà có những tình huống dở cười dở khóc như vay mượn, trả góp, nợ nần chồng chất nếu không sẽ xấu hổ với bạn bè, hàng xóm. Có nhiều gia đình kinh tế khó khăn vẫn cố gắng làm đám cưới thật linh đình, để rồi cưới xong thì cô dâu-chú rể nhìn nhau ngậm ngùi với một món nợ khủng làm quà cưới.

Một người làm sai, nhiều người xúm vào chửi bới. Nhưng ít ai nhận thấy mình ở trong đó, ít ai dám thừa nhận sai lầm của mình. Đó là chưa kể để không bị “mất mặt”, không bị chê cười, người này bao biện, lươn lẹo cho thói xấu của người kia. Người ta chỉ muốn hơn người mà khó để nói rằng mình thua người khác.


Kết:

Sĩ diện hão vì những thứ danh dự không có thực gây ra nhiều hậu quả, từ nhỏ nhặt đến rất nghiêm trọng như đã nói ở trên. Chúng ta đang bước vào thời đại công nghiệp, vì vậy những tâm lý, tác phong nông nghiệp cần phải được rũ bỏ. Thiết nghĩ, bệnh sĩ diện hão cũng là một trong số đó. Ngày nay, đây là chuyện không phải của riêng ai.

Mỗi một người sinh ra là một viên ngọc chân quý của đất trời. Hãy sống vì bản thân mình muốn, mình thích, chứ đừng vì thái độ của người xung quanh.

Việt Trinh
www.UEHenter.com
S Communications

No comments: