TẾT THANH MINH LÀ GÌ?
Tiết Thanh minh (tết Thanh minh) là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Đây là một trong số hai mươi tư tiết khí trong một năm, tính theo lịch của Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì lịch của người Trung Quốc, cũng như Việt Nam cổ đại, bị nhiều người lầm tưởng là âm lịch thuần túy nên rất nhiều người cho rằng nó được tính theo chu kỳ của Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất.
Trên thực tế lịch Trung Quốc cổ đại là một loại âm dương lịch nên nếu giải thích theo thuật ngữ của lịch hiện đại ngày nay (lịch Gregory) thì nó được tính theo vị trí của trái đất trong chu kỳ chuyển động trên quỹ đạo của mình xung quanh mặt trời. Nếu tính điểm xuân phân là gốc (kinh độ Mặt Trời bằng 0°) thì điểm diễn ra hay bắt đầu tiết Thanh minh là kinh độ Mặt Trời bằng 15°.
Do vậy, tiết Thanh minh thực tế được tính theo cách tính của dương lịch hiện đại theo quy ước tiết Thanh minh đến sau ngày Lập xuân 60 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày, tức là tiết Thanh minh bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 (khi kết thúc tiết xuân phân) và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 dương lịch.
Một tranh cổ Trung Quốc nói về Tết Thanh Minh
Từ “Thanh minh” (清明) cũng được chiết nghĩa theo khoảng thời gian này, “Thanh” có nghĩa là trong, “Minh” có nghĩa là sáng. Vì vậy tiết thanh minh có nghĩa là khoảng thời gian khí trời trong sáng và thanh khiết. Ngày đầu tiên của tiết này được gọi là tết Thanh minh. Vậy tết Thanh minh ở một số quốc gia châu Á có gì khác nhau và có những phong tục đặc biệt nào?
VIỆT NAM
Đối với người Việt, tết Thanh minh là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn. Dù ai đi đâu, đến tết Thanh Minh cũng cố gắng về với gia đình để được đi tảo mộ, để cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình. Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất.
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo quan niệm là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã, đặt thêm bó hoa lên mộ rồi về nhà làm cỗ cúng gia tiên.
Trong phần lễ, những người con trai của gia đình thường sẽ lo khấn vái nơi phần mộ. Trong khi đó, trẻ em thường đi theo để biết kính trọng tổ tiên. Vào ngày này, những người đi xa cũng thường trở về quê hương để tảo mộ và sum họp với gia đình như một nét đẹp văn hoá của người Việt thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.
TRUNG QUỐC
Người Trung Quốc còn gọi tết Thanh Minh là tết Tam Nguyệt với hơn 2.500 năm lịch sử. Sau Tết cổ truyền ở Trung Hoa, nhiệt độ thường tăng dần, mưa nhiều hơn, cày vụ xuân và gieo mạ rất phù hợp, thuận tiện nên người Trung Quốc còn coi đây là nghi thức đầu xuân quan trọng, được xem như sự kết nối nỗi buồn và hy vọng.
Do vậy, vào ngày này người Trung Quốc thường tổ chức các hoạt động văn hóa để kết nối tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình với nhau, đặc biệt là các trò chơi dân gian truyền thống như: đá banh da hay thả diều, chèo thuyền, thắp đèn lồng. Tiết Thanh Minh cũng là dịp để người Trung Quốc chơi xuân, nam nữ gặp gỡ, thưởng hoa. Không kể ngày hay đêm, người dân cùng nhau thả những chiếc diều trên bầu trời với mong ước mang tới sự yên bình cho một năm mới thuận hòa.
Về ẩm thực, người Trung Hoa thường có tục ăn bánh Thanh đoàn tử vào dịp này. Đây là loại bánh gạo, có nhân được làm từ bột đậu xanh trộn với đường và những miếng mỡ lợn nhỏ. Cả gia đình sẽ quây quần bên bàn ăn và thưởng thức những xửng ánh Thanh đoàn tử nóng hổi.
NHẬT BẢN
Theo sử sách ghi lại, Tết Thanh minh được tổ chức rộng khắp tại Nhật Bản từ thế kỷ thứ 8 và chính thức trở thành ngày nghỉ quốc lễ từ năm 1868. Trong tiếng Nhật, lễ Thanh minh gọi là Shunbun-No-Hi (Higan), thường diễn ra trong suốt một tuần từ khoảng 18/3 đến 24/3.
Theo quan niệm của người Nhật “hi” trong higan có nghĩa là bên kia, “Gan” là bờ dùng để nói ám chỉ bờ phía bên kia Tây phương Cực Lạc. Higan chính là cõi niết bàn hay còn gọi là “Cực lạc Tịnh độ” – vùng đất thanh tịnh, một nơi người Phật tử lúc nào cũng ước muốn được đi đến đó sau kiếp này. Vào ngày giữa của lễ thanh minh – mặt trời sẽ mọc ở hướng chính Đông và lặn ở hướng chính Tây – ngay trước cửa Đông của Thế Giới Cực Lạc. Đây là thời gian tốt nhất trong năm để chúng sinh hướng về phía Tây nguyện cầu mong cho linh hồn tổ tiên của họ đang trên đường vãng sinh được chư Phật độ cho siêu thoát khỏi cái kiếp luân hồi.
Loại bánh đặc trưng trong Tết Thanh minh ở Nhật Bản là bánh botamochi
Theo phong tục, người Nhật sẽ sửa sang lại mộ phần, dâng hoa, dâng hương, dâng bánh và rượu Sake. Loại bánh đặc trưng trong ngày này là bánh botamochi (sẽ được gọi ohagi trong ngày hạ chí), loại bánh nếp, dẻo, mềm, hơi ngọt được vắt tròn sau đó được phủ quanh bằng một lớp đậu đỏ đánh nhuyễn và ngọt.
Ngoài việc thăm mộ phần tổ tiên, người Nhật thường cũng đi chùa và đền vào những ngày này để cầu nguyện hạnh phúc và an vui cho cuộc sống. Trong cảnh nhộn nhịp đó, có những gia đình cả nhà mặc đồ truyền thống, những cô gái mặc kimono ôm trên tay một hộp gỗ xinh xắn…
HÀN QUỐC
Khác với Việt Nam hay Trung Quốc, Hàn Quốc cũng có tết Thanh minh để tảo mộ tưởng nhớ tổ tiên, nhưng hoạt động tảo mộ này ở Hàn Quốc lại được tổ chức cùng dịp vào tết Trung Thu Choseuk. Người Hàn rất xem trọng lễ Chuseok vì đây là dịp để họ bày tỏ lòng biết ơn và hiếu thảo đối với tổ tiên. Do đó, việc quan trọng nhất mà các gia đình Hàn Quốc thường làm vào ngày lễ này là tảo mộ và dâng cúng tổ tiên mâm lễ nhỏ, bao gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm đã thu hoạch.
Sau khi đã hoàn thành xong các nghi lễ tưởng niệm, mọi thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để thưởng thức bữa ăn chủ đạo của dịp lễ như canh khoai sọ, bánh gạo songpyeon, rượu bạch tửu...
My Tống (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment