Monday, April 26, 2021

NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ VỀ THÁNG LỄ RAMADAN

Với sự giao lưu văn hóa toàn cầu như hiện nay, tháng lễ Ramadan đang ngày càng trở nên quen thuộc hơn với người dân khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều thú vị mà ít người biết về ý nghĩa của tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.


Tháng lễ Ramadan là một trong những dịp lễ quan trọng nhất của hơn 1,8 tỷ người dân Hồi giáo trên khắp thế giới. Tháng lễ Ramadan sẽ bắt đầu vào thời điểm trăng non, là đầu tháng thứ 9 của lịch Hồi giáo nên không có ngày cố định theo dương lịch. Năm 2020, tháng Ramadan bắt đầu từ ngày 23/4 và kết thúc ngày 23/5.

Truyền thuyết kể rằng, vào thời điểm này nhiều năm về trước, một thương nhân tên là Mohammed khi đang đi trên sa mạc thì tiếp nhận được lời nói của thánh Allah và trở thành người truyền đạo. Các tín đồ Hồi giáo sau đó đã chọn tháng 9 hàng năm là thời điểm để để sám hối và thanh tẩy tâm hồn, đồng thời tỏ lòng biết ơn với nhà tiên tri Mohammed và thực hành những tư tưởng cao đẹp mà ông để lại cho con người.

Họ tin rằng trong tháng Ramadan, cửa thiên đường sẽ mở ra và cửa địa ngục đóng lại, và mọi lỗi lầm sẽ được tha thứ. Trong đó, từ 1-10 Ramadan được coi là những ngày cầu nguyện để nhận được "sự nhân từ của Allah", từ 11-20 Ramadan được coi là những ngày "Allah xoá tội", từ 20-30 Ramadan được coi là những ngày cầu nguyện để "tránh phải xuống Địa Ngục". Trong tháng này, các tín đồ hay trở dậy vào ban đêm để đọc kinh Koran và đến giáo đường nhiều hơn ngày thường.


Vào thời điểm này, mọi người dân Hồi giáo đều phải nhịn ăn, một trong năm cột trụ của Hồi giáo. Ngoài ra, trong tháng lễ Ramadan, họ còn phải thực hiện các nghĩa vụ khác như làm từ thiện, cầu nguyện năm lần trong ngày và thực hiện chuyến đi hành hương dài ngày tới thánh địa Mecca. Nhìn chung, không có nhiều sự khác biệt trong việc đón tháng lễ Ramadan giữa các quốc gia.

NHỊN ĂN TỪ BÌNH MINH ĐẾN HOÀNG HÔN

Một trong những nghi lễ tín đồ Hồi giáo buộc phải tuân thủ trong tháng lễ Ramadan, đó là "Sawm" - không ăn uống, không hút thuốc, không sinh hoạt tình dục trong khoảng thời gian giữa lúc mặt trời mọc và lặn, để có sự thông cảm với những người nghèo đói, rèn luyện sự tiết chế, chống lại những cám dỗ. Tuy nhiên, người Hồi giáo không coi đây là một quy định bắt buộc mà ngược lại, họ coi đây là cách để rèn luyện tinh thần và thể chất.

Sarajevo, Bosnia bắn đại bác báo hiệu kết thúc thời điểm nhịn ăn trong ngày

Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ như những người ốm, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và đang cho con bú có thể không tuân theo luật lệ này nếu việc ăn kiêng có hại cho sức khoẻ. Ngoài ra, những tín đồ đang đi du lịch ở nước ngoài mà ở đó không coi Hồi giáo là quốc giáo cũng không cần nhịn ăn, nhưng họ sẽ nhịn bù sau đó.

Một bữa iftar đơn giản ở Dubai

Các tín đồ cùng ăn bữa tối đầu tiên của tháng lễ Ramadan tại Công viên Chiến thắng gần Thánh đường tưởng niệm Hồi giáo ở Moscow, Nga

Đã thành truyền thống, các tín đồ tập trung ăn tối trong tháng lễ Ramadan tại quận Sultanahmet, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Tuy nhịn ăn uống cả ngày nhưng không vì thế người Hồi giáo có ít hoạt động hơn trong tháng này. Trái lại, đây là tháng có khá nhiều hội hè và các hoạt động tinh thần. Bạn bè cũng thường thăm viếng và ăn uống cùng nhau khi mặt trời lặn với những bữa tiệc được gọi là "iftar" để kết thúc quá trình chay tịnh trong ngày.

Đối với các gia đình khá giả thì đây là một bữa tiệc linh đình, gồm nhiều loại đồ ăn với số lượng lớn để cung cấp năng lượng. Sau khi ăn uống, mọi người vui chơi đến tận khuya. Khoảng 2 giờ - 3 giờ sáng, mỗi phố lại có một người mang một cái trống nhỏ, vừa đi thong thả vừa đánh theo nhịp ngũ liên, vừa hô to để đánh thức mọi người dậy lo nấu nướng, kịp ăn bữa sáng gọi là "suhoor" trước khi mặt trời mọc để sang một ngày nhịn ăn mới.

Việc ăn uống thất thường cùng với cố gắng ăn thật nhiều vào buổi đêm để lấy sức khiến người Hồi giáo tăng cân nhanh chóng vào tháng này

Sau khi kết thúc tháng Ramadan, còn có một lễ hội lớn kéo dài ba ngày với rất nhiều đồ ăn và quà tặng. Đó là lễ Eid al-Fitr, dịp để mọi người bày tỏ sự cảm ơn, bỏ qua những gì không phải của năm trước và cùng sống gắn bó, đoàn kết trong năm sau.

Ở mỗi quốc gia hay từng vùng miền, các nghi thức lễ Eid al-Fitr có những nét đặc trưng văn hóa khác nhau song vẫn tuân theo những quy tắc chung nhất định của cộng đồng người Hồi giáo.

UAE bắn pháo hoa mừng Eid ul-Fitr

BẮT BUỘC LÀM TỪ THIỆN

Truyền thống Ramadan cũng chú trọng khái niệm “Zakat” - tình nguyện và giúp đỡ những người nghèo khổ - được thực hiện bằng các hình thức từ thiện và bố thí hay thiết thực hơn là dọn rác. Đây đều là điều bắt buộc đối với các tín đồ Hồi giáo. Những người giàu thường chia cho người nghèo các túi thức ăn cơ bản gồm trà, đường, dầu và gạo.

Đồ ăn từ thiện ở Deira, Dubai

Mỗi buổi chiều trong suốt cả tháng, các thánh đường Hồi giáo đều phát những bữa ăn miễn phí tại các vườn hoa hoặc những vỉa hè rộng, chào đón tất cả người nghèo từ khắp nơi. Khoảng 5 giờ chiều, những người nghèo mang theo cả con cái đến những tụ điểm này, ngồi vào bàn một cách rất trật tự. Sau khi tiếng loa từ các giáo đường vang lên, đọc xong câu nguyện: "Không có thần linh nào xứng đáng để được tôn thờ ngoài Thượng đế (Allah), và Muhammad là Thiên sứ của Ngài", mọi người bắt đầu ăn uống.

CẦU NGUYỆN NĂM LẦN TRONG NGÀY

Và mặc dù đã nhịn ăn, nhịn uống cả ngày, trước mặt lại là những đĩa thức ăn thơm ngon nhưng sẽ không một ai động đến nếu chưa đọc xong lời cầu nguyện.

Người dân Ai Cập cầu nguyện dịp lễ Eid al-Fitr

Người dân Palestine cùng cầu nguyện đêm đầu tiên của tháng lễ Ramadan bên ngoài trại biểu tình gần biên giới Israel ở phía đông Gaza

Các tín đồ Hồi giáo phải cầu nguyên năm lần một ngày, gọi là "Salat", vào lúc bình minh, giữa trưa, giữa chiều, khi mặt trời lặn và tối. Tín đồ có thể cầu nguyện tại bất cứ đâu - tại trường học, nơi làm việc, tại nhà hay ngoài trời - nhưng phải theo quy định. Trước khi cầu nguyện, tín đồ phải ở trong một trạng thái tinh thần và thể xác thanh khiết. Trước tiên, họ phải súc miệng, sau đó rửa mặt, cổ, tay và chân. Nghi thức cầu nguyện này nhằm nhắc nhở các tín đồ về lối sống đúng đắn. Hồi giáo cũng được cho là tôn giáo quy định tín đồ phải thực hiện nghi thức cầu nguyện thường xuyên nhất trong ngày.

Các tín đồ tập trung cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo al-Akbar, Surabaya, Đông Java, Indonesia

Các tín đồ dòng Shia tập trung gần đền thờ vàng của Imam Moussa al-Kadhim ở Baghdad, Iraq

Buổi cầu nguyện bao gồm việc đọc một số đoạn kinh Koran, quỳ lạy trên một tấm thảm và chạm trán xuống đất, thể hiện sự kính Chúa. Khi cầu nguyện, các tín đồ phải quay mặt về hướng Mecca, trung tâm tinh thần của Hồi giáo, nơi có Ka'bah, Đại thánh đường lưu giữ Hắc Thạch. Các tín đồ tin rằng khi nhà tiên tri Mohammed về với Allah, tảng đá đòi đi theo nhưng Mohammed không đồng ý nên tảng đá đứng im lơ lửng tại đó.

CHUYẾN ĐI HÀNH HƯƠNG DÀI NGÀY TỚI THÁNH ĐỊA MECCA

Nghi lễ cuối cùng là "Hajj", cuộc hành hương tới thánh địa Mecca (ở Saudi Arabia). Đây là một trong những cuộc hành hương lớn nhất thế giới và là bổn phận tôn giáo mà mọi người Hồi giáo trưởng thành đều cần thực hiện ít nhất một lần trong đời. Việc hành hương thể hiện sự kính Chúa và diễn ra vào tháng thứ 12 của lịch Hồi giáo.

Những người hành hương đến Mecca trong tuần lễ Hajj

Chuyến đi thường diễn ra trong năm ngày với nhiều quy định nghiêm ngặt như những người hành hương phải mặc áo choàng trắng đơn sơ, không được cắt móng tay, cạo râu tóc, đeo trang sức hay xức nước thơm, làm hư hại cây trồng hay sát sinh. Tất cả những điều này tượng trưng cho đức tin rằng mọi người đều bình đẳng trước Chúa, đồng thời thể hiện sự đoàn kết và rèn luyện tính khiêm nhường cho các tín đồ. Họ phải gạt bỏ phù hoa để tìm kiếm sự tha thứ, dẫn dắt và cứu rỗi linh hồn. Eid al Adha, lễ hiến tế, đánh dấu ngày kết thúc kì hành hương, kéo dài trong mười ngày.

Hà Lê / Travellive+


No comments: