Tương truyền rằng, thuở xa xưa có một người phụ nữ sở hữu vẻ đẹp tuyệt trần. Không chỉ mang khuôn mặt phúc hậu mà cả trí tuệ và khả năng ca hát đều vô cùng hoàn mỹ. Rất nhiều người đàn ông trong làng đem lòng yêu say đắm người phụ nữ tài sắc vẹn toàn ấy.
Tuy nhiên, nàng đã lập gia đình cùng một chàng trai hết mực yêu thương, nên dù cho người giàu sang hay quyền lực cao đến đâu cũng không làm trái tim nàng thay đổi. Trong số những gã si tình có một tên lãnh chúa đã thèm khát nàng từ lâu, sau bao lần bị khước từ, lão ta vô cùng tức giận và ra tay thủ ác với người phụ nữ đáng thương.
Nàng được mang về chôn cất trong sân nhà chồng, từ phần mộ của nàng mọc lên những chồi non. Những bông hoa sớm khoe sắc rực rỡ bao quanh lấy sân nhà, giống như một hàng rào bảo vệ và ôm lấy người chồng trong vòng tay.
Sau này, người dân trong vùng gọi loài hoa này là Bunrihwa (bí danh của Mugunghwa).
Mugunghwa (무궁화), còn được gọi là hoa hồng Sharon hay hoa dâm bụt, là một biểu tượng của tình cảm sâu sắc. Điều này đồng nghĩa với việc hoa nở vĩnh cửu không bao giờ phai, và cũng là một hình ảnh tiêu biểu trong nền văn hóa Hàn Quốc qua nhiều thế kỷ.
Các ghi chép cổ xưa cho thấy, ngay cả trước triều đại Gojoseon (vương quốc cổ đại trên bán đảo Hàn Quốc), Mugunghwa đã được trân quý như một loài hoa từ thiên đường.
Ở vương quốc Silla (57 TCN – 935 SCN), Mugunghwa còn được gọi là Geunhwahyang (근화향), tức Quốc gia Mugunghwa, trong lá thư gửi đến nhà Đường (Trung Quốc) có viết: “Trong tình cảm quốc gia do Silla gửi đến, đất nước được gọi là Geunhwahyang, đất nước Mugunghwa”.
Trước đó, người Trung Quốc cổ đại cũng gọi Hàn Quốc là vùng đất của những người thông thái, nơi Mugunghwa nở rộ.
Theo thời gian, tình cảm của người dân với loài hoa này ngày càng mạnh mẽ hơn, khi một cụm từ nói lên vẻ đẹp của hoa được đưa vào quốc ca vào cuối thế kỷ 19 – 무궁화 삼천리 화려강, tượng trưng cho 1.200km chiều dài của Bán đảo Triều Tiên, với những con sông và ngọn núi lộng lẫy phủ đầy hoa Mugung.
Ngoài ra, khi Dangun (단군) lập quốc, ông đã tôn vinh Mugunghwa là quốc hoa, đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu ngày nay cho biết, Mugunghwa là loại hoa trung tính, tức không mang tính nữ hay tính nam. Nó chỉ đơn thuần là loài hoa mộc mạc, vững chãi trước gió sương.
Mugunghwa bung nở đẹp nhất vào tháng 8. Khi được nhìn theo phương ngang, con số 8 giống như ký hiệu vô cực, có ý nghĩa tuần hoàn và vĩnh cửu. Do đó, chính phủ Hàn Quốc quyết định chọn ngày 8/8 là “Ngày Mugunghwa”, để kỷ niệm và tôn vinh loài hoa mang cốt cách người quân tử này.
Hoa Mugung nở vào buổi sáng và khép mình lại về đêm, lặp đi lặp lại trong suốt 100 ngày, kiên cường bất khuất như tinh thần của người dân Hàn Quốc.
Dưới thời Nhật trị, người dân Hàn Quốc bị ép buộc phải tin rằng sẽ bị mù mắt nếu ngắm Mugunghwa.
Ít ai biết rằng, Mugunghwa từng đối mặt với “án tử” trong thời kỳ bán đảo Hàn Quốc là thuộc địa của Nhật Bản. Với các chính sách “ngu dân” và “mị dân”, quân đội Nhật có ý định triệt tiêu giá trị tinh thần của Hàn Quốc từ những tin đồn vô căn cứ.
Đế quốc Nhật Bản thừa nhận Mugunghwa là biểu tượng bất diệt của Hàn Quốc, trong hệ tư tưởng từ các nhà lãnh đạo đất nước đến công chúng, bên cạnh Quốc kỳ của Hàn Quốc (태극기).
Vậy nên, để tách Mugunghwa khỏi ý thức của người dân, đế quốc Nhật khinh bỉ và coi thường Mugunghwa và dạy các lớp học sinh trẻ bài học: “Khi bạn nhìn thấy Mugunghwa, bạn sẽ bị mù mắt!” – 무궁화 꽃을 보면 눈이 먼다.
Đế quốc Nhật còn tận diệt tất cả Mugunghwa trên bán đảo và trồng Sakura (hoa anh đào) thay thế.
Thậm chí, những ai truyền bá phong trào Mugunghwa bằng cách cung cấp hoa cho trường học, nhà thờ và các nhóm trong xã hội, đều bị đế quốc Nhật bắt giữ vì tội danh “gây thương tật cho cộng đồng”. Thực chất, hành động lúc bấy giờ của Nhật chủ yếu nhằm ngăn cản suy nghĩ phản đối chính quyền cai trị lâm thời và nhấn chìm tinh thần dân tộc của Hàn Quốc.
Những tin đồn vô lý cứ thế được lan truyền trong cộng đồng: “Nếu để phấn hoa Mugung chạm vào mắt, ắt sẽ bị mù lòa suốt đời”, “Những cây Mugung có thể được trồng bằng một đống phân dơ bẩn và thối rữa”, “Mugunghwa là loại cây có rất nhiều rệp, thật xấu xí”… đã phá hủy hình ảnh đẹp đẽ vốn có của Mugunghwa.
Sự hiểu nhầm về Mugunghwa kéo dài suốt hàng chục năm sau đó, điều khiến loài hoa vô tội trở nên độc ác trong mắt người dân. Thậm chí, nhiều người còn đốt bỏ hoa Mugung chỉ vì tin vào chính quyền cai trị lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, vẫn còn những người biết công nhận nét đẹp mang giá trị thuần khiết và bền bỉ của dân tộc. Ngay cả trong những ngày đen tối nhất của chế độ thực dân Nhật Bản, những người phụ nữ của vùng đất “삼천리” đã thêu tám cụm Mugunghwa lên bản đồ của Hàn Quốc và giữ vững tinh thần dân tộc đến ngày giải phóng.
Người Hàn Quốc trân trọng quốc hoa vì Mugunghwa tôn vinh tinh thần cao quý và tượng trưng cho những thành công, cũng như khổ nạn mà đất nước từng trải qua.
Có khoảng 200 loài thuộc họ hoa Mugung ở Hàn Quốc và được phân nhóm dựa trên màu sắc như: Dansim, Baedal và Asadal.
– Dansim: hoa màu trắng, đỏ, tím hoặc xanh với nhụy màu đỏ hoặc tím đậm.
– Baedal: hoa trắng tinh khiết.
– Asadal: hoa trắng với nhụy màu đỏ thẫm, rìa cánh hoa ngả nhạt dần sang màu hồng.
Giống hoa Baedal bắt nguồn từ nhóm người yêu màu trắng, được gọi là “người Baedal” ở Hàn Quốc trước đây. Trong khi đó, Dansim và Asadal được chính người dân Hàn Quốc công nhận là quốc hoa, thay vì các gia đình hoàng gia và giới quý tộc như ở các quốc gia khác.
Một số hình ảnh dựa trên các nhóm phân loại của Mugunghwa ở Hàn Quốc:
White dansim.
Red dansim.
Purple dansim.
Blue dansim.
Baedal.
Asadal.
Năm 1984, tàu lửa cao tốc của Hàn Quốc được đặt tên theo quốc hoa – tàu Mugunghwa, vận chuyển hành khách từ Seoul đến Busan và các vùng lân cận.
Kể từ khi giới thiệu đoàn tàu cỡ lớn Mugunghwa vào năm 1994, chiều dài, khoảng cách và kích thước chỗ ngồi cũng được tăng lên để tạo ra một môi trường thoải mái hơn. Sau đó, đoàn tàu được thiết kế nâng cấp theo mô hình giường nằm tiện lợi vào những năm 2000, cho phép hành khách tận hưởng chuyến đi với trải nghiệm tốt nhất.
Nội thất bên trong tàu Mugunghwa.
Mugunghwa dẻo dai, tượng trưng cho sinh lực dồi dào còn là biểu tượng xuất hiện trên các huy hiệu, con dấu của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp Hàn Quốc, cũng như các tổ chức trong nước.
Hình ảnh hoa Mugung 5 cánh được dùng làm huy hiệu của Quốc hội, Tòa án tối cao. Khi sử dụng làm biểu tượng cho tổng thống Hàn Quốc, Mugunghwa được đặt giữa hai con phượng hoàng đối xứng. Tại các nước châu Á, phượng hoàng là loài linh vật trong thần thoại, được gọi là “bonghwang” (봉황) ở Hàn Quốc, nhưng có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại.
Bonghwang đại diện cho đức hạnh, vẻ đẹp, sự thịnh vượng và đạo đức. Điều này phù hợp với vị trí của một người lãnh đạo đất nước, cần có đạo đức và không bao giờ lạm dụng quyền hạn của mình để ngăn cản sự phát triển của dân tộc. Đây cũng là lý do cơ bản để biểu tượng phượng hoàng kết hợp hoa Mugung đại diện cho tổng thống Hàn Quốc.
Biểu tượng của Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc (KNP) cũng mang hình dạng hoa Mugung gắn với chim đại bàng oai vệ. Hình ảnh kết hợp giữa đại bàng, chiếc cân và hoa Mugung lần lượt có ý nghĩa là “cảnh sát”, “sự cân bằng”, “nhà nước và nhân dân”. Điều này thể hiện ý chí mạnh mẽ của lực lượng cảnh sát Hàn Quốc, nhằm bảo vệ quốc gia bằng cách phục vụ tốt nhất cho nhân dân.
Hình ảnh Mugunghwa trở thành biểu tượng trên những huy hiệu và con dấu của các cơ quan nhà nước ở Hàn Quốc.
Hoa Mugung đã nở
Nhìn lại thì thấy tất cả đều không nhúc nhích giống như tượng đồng
Hoa Mugung đã nở, những khuôn mặt giả vờ
Nín thở và ánh mắt nhấp nháy
Không phải tôi, không phải tôi, không phải tôi
Hoa Mugung đã nở, những khuôn mặt giả vờ
Nín thở và ánh mắt nhấp nháy.
Hoa Mugung đã nở
Nhìn lại thì thấy tất cả đều không nhúc nhích giống như tượng đồng
Khóe mắt nheo lại đầy tiếng cười
Miệng cười như muốn nổ tung
Không phải tôi, không phải tôi, không phải tôi
Khóe mắt nheo lại đầy tiếng cười
Miệng cười như muốn nổ tung.
Trẻ em vừa cùng nhau hát vừa chơi trò “giả làm tượng”, với một người đứng quay lưng vào tường hoặc gốc cây và bịt mắt lại. Mọi người được tự do cười nói rôm rả và di chuyển phía sau lưng người đuổi cho đến khi nghe “무궁회 꽃이 피었습니다”, tất cả đều không được cử động, ngược lại sẽ bị bắt. Nhiệm vụ của những đứa trẻ xếp hàng ở phía sau là di chuyển nhanh đến gần người đuổi, ai chạm vào tượng/gốc cây trước sẽ là người sống sót và chiến thắng.
Mặc dù, Mugunghwa tượng trưng cho Hàn Quốc, song trò chơi này lại xuất phát từ trò “Daruma-san ga koronda” của trẻ em ở Nhật Bản. Lý do trò chơi này được đổi tên thành “hoa Mugung đã nở” được cho là có liên quan đến nhân vật Nam Goong Uk (남궁억).
Thầy Nam Goong Uk đã thay đổi thành công thói quen “nô lệ trong cả trò chơi” của trẻ em Hàn Quốc bằng cách đưa Mugunghwa vào trái tim họ.
Năm 1935, ông Nam Goong Uk ở tuổi 72, đang ngồi nghỉ ngơi trên ghế trong một con hẻm và nhìn bọn trẻ con chơi một trò chơi của Nhật Bản. Ngay lập tức, ông gọi lũ trẻ đến chỗ mình và nói: “Các cháu không có lựa chọn nào khác ngoài chơi các trò chơi của Nhật Bản, nhưng chỉ cần thay đổi từ ngữ một chút khi chơi như thế này”. Và từ “hoa Mugung đã nở” được ông thêm vào, dần dần trở nên dễ nhớ và quen thuộc với các lớp trẻ hơn.
Thầy Nam đã cố gắng truyền bá Mugunghwa suốt cuộc đời mình, và cũng bắt đầu một chiến dịch trồng cây Mugunghwa cách đây một thế kỷ.
Tại Việt Nam, trẻ em cũng bày trò chơi với nguyên tắc tương tự. Chỉ khác ở chỗ, thay vì “hoa Mugung đã nở”, tùy thuộc vào luật chơi mà người đuổi sẽ hô khẩu hiệu cho mọi người làm theo. Trong đó, thường gặp nhất là câu nói “đèn đỏ, đèn vàng, đèn xanh”, với “đèn đỏ” là đứng bất động, “đèn vàng” ngụ ý di chuyển chậm và “đèn xanh” là được phép di chuyển tự do.
Trò chơi quen thuộc của bao thế hệ tuổi thơ Hàn Quốc – “Hoa Mugung đã nở”.
Xuất phát từ tình yêu thiên nhiên cũng như niềm tự hào dân tộc, nhiều người dân đã bắt đầu gây giống Mugunghwa trên khắp Hàn Quốc. Đơn cử là cụ ông Song Seok Eung ở xã Wonnam (원남면) đã tự tay chăm sóc hơn 1.000 cây Mugunghwa thuộc 70 giống kháu nhau.
Mỗi ngày, khu vườn xinh đẹp đón tiếp từ 20-30 khách gồm trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn, hội nhiếp ảnh gia hay các nghệ sĩ. Tại khu vườn của ông Song, du khách có thể bắt gặp những cây Mugung còn non, đến những cây đã tồn tại gần 30 năm.
Theo ông Song chia sẻ, vốn dĩ ông có niềm đam mê loài hoa bình dị này xuất phát từ ý thức bảo tồn giá trị mang tính dân tộc. Mặc dù, Mugunghwa là quốc hoa Hàn Quốc, nhưng nó dường như bị bỏ rơi, khiến ông nuôi dưỡng quyết tâm chăm sóc loài hoa này. Dần dần, ông thú nhận mình đã rơi vào sự quyến rũ của Mugunghwa từ bao giờ.
Trên thực tế, ông Song không xuất thân từ một nhà vườn chuyên về Mugung, bước đầu gây khó khăn cho ông. Tuy nhiên, với lòng đam mê thu thập các giống hoa và học tập kỹ thuật, quy trình canh tác và phương pháp quản lý trên khắp đất nước trong 4 năm, gồm Busan, Nonsan, Chungnam, Ansan, Gangwon, Wonju, và Wanju, ông Song đã thu về cả một cơ ngơi Mugunghwa đồ sộ như ngày nay.
“Không có nơi nào trên đất nước bảo đảm tốt nhất cho các giống Mugunghwa. Nếu bạn không yêu thích điên cuồng, bạn sẽ không thể làm được. Vợ tôi cũng yêu hoa Mugunghwa và cả hai đã cùng nhau tìm kiếm”.
Hơn thế, ông cũng ấp ủ ước mơ nhân rộng các giống Mugunghwa trong vườn và kêu gọi nhà trường tổ chức các lớp học thực tế giáo dục về quốc hoa Mugung, nhằm thúc đẩy tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ của đất nước.
Ông Song Seok Eung có tình yêu tha thiết với Mugunghwa và tự tay chăm sóc hơn 1.000 cây Mugunghwa.
Từ thời cổ đại, Mugunghwa đã được biết đến rộng rãi như một cây thuốc ở cả phương Đông và phương Tây. Người ta sử dụng vỏ cây và rễ để điều trị các bệnh về da và đường tiêu hóa. Nụ được sử dụng để nấu ăn, hoa được sử dụng làm các loại trà và vỏ cây được dùng làm giấy chất lượng cao.
Ngày nay, Mugunghwa còn được tinh chế thành các sản phẩm nước hoa, mỹ phẩm, xà phòng đa dạng với mùi thơm dịu nhẹ, thậm chí là một loại thực phẩm bổ dưỡng.
Mugunghwa có thể ăn được không??
Câu trả lời được Bộ an toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDA) công nhận, chứng minh Mugunghwa là một thành phần dùng chế biến thức ăn vào năm 2017.
Nguồn Mugunghwa hiện được các nhà sản xuất tin dùng có nguồn gốc từ các nông trại ở tỉnh Chungcheong. Sau khi nhập nguyên liệu về, một loạt các quy trình áp dụng kỹ thuật tiên tiến để làm sạch, sấy khô, bảo quản, tiệt trùng nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên hương vị gốc của Mugunghwa.
Lần đầu tiên thưởng thức trà Mugunghwa còn đọng lại những cánh hoa mỏng manh, cảm giác có chút ngờ ngợ như ăn một loại cỏ. Từ từ, vị trôi xuống cổ họng và thấm đẫm sự ngọt thanh, vương vấn khó quên.
Hầu hết các loại trà xanh (được làm từ lá trà) thường chứa một lượng nhỏ cafein, phẩm màu hóa học hoặc chất phụ gia. Tuy nhiên, để lưu giữ tròn vị của hoa Mugung, nhà sản xuất cần loại bỏ các yếu tố này và đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.
Hiện nay, nhiều mặt hàng mỹ phẩm, nước uống, xà phòng được tinh chế từ Mugunghwa.
Mugunghwa nở rất đẹp trong khoảng 100 ngày từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, nở rộ nhất vào độ tháng 8. Bạn có thể thấy 2000-3000 bông hoa từ một cây Mugung 10 năm tuổi trong vòng 3 tháng. Thật ngạc nhiên phải không?
Thiên Hương / Theo: TTHQ
No comments:
Post a Comment