Tuesday, April 20, 2021

CHIM CÚ VÀ BỒ CÂU

Chim khôn hót tiếng thanh nhàn.
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.


Có một câu chuyện kể rằng…

Chuyện của hai con chim như sau: Một hôm, con chim cú vọ sửa soạn dọn tổ dời sang nơi khác. Con chim bồ câu thấy vậy hỏi thăm: Chẳng hay chị định, dọn tổ đi đâu? Cú vọ đáp rằng: Con người ở đây ác ôn quá xá, cứ hễ thấy tôi đậu ở nơi đâu, họ liền ném đá hoặc lấy cây đập. Tôi không chịu nổi, định dọn tổ đi, qua ở phương tây hy vọng bên đó dân chúng hiền lành không như ở đây. Bồ câu bèn nói: Ở chỗ hàng xóm, thân tình lâu nay nói thiệt chị nghe đừng giận tôi nhé. Nếu chị không sửa tiếng kêu ghê rợn đinh tai nhức óc thực là khó nghe, dù chị đến đâu cũng bị bạc đãi!

Ở những xứ có nhiều sắc dân khác nhau cùng chung sống. Người ta có thể không hiểu người khác nói gì, vì bất đồng ngôn ngữ, nhưng người ta có thể đoán được người khác muốn nói gì, qua sắc mặt, cách nói và giọng nói.

Cho nên sắc mặt, cách nói và giọng nói của chúng ta cũng đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc giao thiệp hay tiếp xúc hằng ngày. Giọng nói êm ái lễ độ tế nhị ngọt ngào từ tốn sắc mặt hiền hòa dễ thương dễ mến nhiếp phục lòng người, hơn là giọng nói ồn ồn ào ào, ồm ồm rào rào chanh chua khế chát the thé khó nghe, mặt mày đỏ ké khoa tay múa chân.

Lời nói hiền từ, hòa nhã thanh tao thân thiết thành thật ngay thẳng rõ ràng, sáng suốt khôn khéo, cởi mở vui vẻ rất là dễ dàng cảm hóa lòng người có thể hướng dẫn người vào chánh đạo. Trong sách có câu:

Chim khôn hót tiếng thanh nhàn.
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.


Hạnh bố thí:

*Khi thực hành hạnh bố thí, đồng thời, chúng ta nên thực hành ái ngữ. Nghĩa là: Khi cho vật gì, giúp đỡ việc gì, chúng ta nên làm, với cả tấm lòng từ bi bình đẳng và dùng lời nói êm ái dịu dàng khuyên nhủ an ủi khuyến khích động viên.

Chúng ta hiểu rằng: người cho nên cám ơn người nhận, chứ không mong cầu người nhận nhớ ơn. Tại sao như vậy? Bởi vì, nhờ có người nhận, người cho mới có cơ hội làm phước. Hiểu được như vậy, chúng ta đã thực hành hạnh bố thí một cách thanh tịnh bất cần vụ lợi, bất cầu báo đáp bất kể ơn nghĩa.Trong kinh sách gọi là “bố thí ba-la-mật”. Trong sách có câu:

Miếng khi đói gói khi no.
Của tuy tơ tóc nghĩa so ngàn trùng.

Ơn nghĩa ngàn trùng đó, chẳng qua do lời nói ái ngữ, khi đem cho một miếng vậy. Nói một cách khác, ơn nghĩa tạo được từ cách đem cho, và, lời nói khi cho, chứ không phải hoàn toàn do của đem cho. Sách cũng có câu: “Cách cho hơn của cho”, chính là nghĩa đó vậy.

Bằng như ngược lại, người nào bố thí với tâm mong cầu sự đền đáp, hay trông đợi việc báo ơn, hoặc luôn miệng kể lể chuyện ơn nghĩa đã làm, với nhiều người khác, người đó chắc chắn sẽ nhận sự phủ phàng từ kẻ thọ ơn. Và việc làm phước như vậy mất đi ý nghĩa cao đẹp. Phước báo nếu có cũng rất hạn hẹp như tâm nhỏ hẹp của người làm ơn.


Người đời mỉa mai như vậy gọi là: Bố thí ba la làng, hay: Bố thí la ba làng. Nghĩa là: người đó bố thí tiền bạc, hay đem của cải cho người khác, rồi la to lên cho cả ba làng, làng trên hay xóm dưới xóm giữa đều biết. Nhiều khi không khéo dùng lời nói trong khi bố thí thay vì được nhớ ơn, trái lại người cho bị thù oán mà chẳng hề hay biết!

Tất cả những thứ hạnh phúc trên đời đều bắt đầu từ lời nói của chính chúng ta. Chúng ta khởi đầu tất cả mọi sự mọi việc. Chúng ta sinh sự thì sự sẽ sinh. Chúng ta hòa bình thì cuộc sống bình yên tự tại. Đừng mong người khác nói lời dễ nghe, trong khi chính mình chưa làm được như vậy.Tây phương có câu: “Nothing will change if we do not change anything”.

(Sưu tầm trên mạng)