Sunday, April 4, 2021

NHỮNG CÂY CẦU TÌNH YÊU NỔI DANH Ở TÂY HỒ - HÀNG CHÂU

Nếu ví vẻ đẹp của Hàng Châu với vẻ kiêu sa của bậc danh môn khuê nữ thì Tây Hồ nằm trong lòng thành phố này có lẽ chính là đôi mắt cửa sổ tâm hồn của người con gái ấy. Vẻ đẹp thơ mộng của nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao tác phẩm thi họa nổi tiếng của Trung Hoa. Và những cây cầu bắc ngang Tây Hồ cũng là nơi khởi nguồn cho nhiều câu chuyện tình đẹp.


Đoạn Kiều (Broken Bridge)

Đoạn Kiều (cầu gãy) có tên gọi chính xác là “Đoạn Tâm Kiều”, là nơi chụp ảnh nổi phản chiếu nổi tiếng ở Hàng Châu. Vào những ngày trời trong, cả bầu trời và cảnh vật xung quanh như in trên mặt nước Tây Hồ phẳng lặng, chẳng khác nào một tấm gương phản chiếu khổng lồ.

Đoạn Tâm Kiều nơi chụp ảnh nổi phản chiếu nổi tiếng ở Hàng Châu

Vào cuối đông, cảnh vật ở đây trở nên ấn tượng hơn cả, khi những tia nắng hè đầu tiên len lói, một bên đầu cầu đón nắng sớm hơn, tuyết tan trước, trong khi nửa cầu còn lại vẫn khoác một màu trắng xóa của băng tuyết. Bóng cây cầu soi bóng trên mặt nước nhìn không khác gì một cây cầu gẫy, có lẽ chính vì thế mà cầu có tên Đoạn Kiều.

Vào cuối đông, cảnh vật ở đây trở nên ấn tượng hơn cả

Cây cầu thơ mộng này không chỉ nổi tiếng vì quá đẹp mà còn bởi nó gắn liền với một truyền thuyết ly kỳ, chính là câu chuyện Thanh Xà – Bạch Xà quen thuộc. Chuyện kể rằng, xưa có một con rắn trắng (bạch xà) tu luyện thành tinh, hóa thành một cô gái xinh đẹp là Bạch Tố Trinh. Chính tại Đoạn Kiều, nàng Bạch Tố Trinh đã gặp Hứa Tiên, họ đem lòng yêu nhau và kết duyên vợ chồng.

Câu chuyện Thanh Xà – Bạch Xà

Cây cầu này cũng là nơi chứng kiến biết bao chuyện vui buồn hợp tan của đôi uyên ương này. Chính vì lẽ đó mà vẻ đẹp của Đoạn Kiều càng trở nên quyến luyến lòng người, khiến cho ngày nay, nơi đây trở thành nơi hẹn hò lý tưởng cho những cặp đôi yêu nhau.

Trường Kiều (Long Bridge)

Cũng như Đoạn Kiều, Trường Kiều gắn với một mối tình nổi tiếng không kém. Tương truyền, Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài đã không nỡ từ biệt nhau trên cây cầu này. Họ lưu luyến, cùng nhau đi qua cầu đến 18 lần trước khi tạm biệt nhau. Có lẽ vì thế, tuy cầu mang tên Trường, tức là dài nhưng lại dài chưa tới 100m.

Tuy cầu mang tên Trường, tức là dài nhưng lại dài chưa tới 100m

Phải chăng, cầu dài vì tình nghĩa dài như tình nghĩa của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài dành cho nhau, như hàm ý của câu nói “Trường kiều bất trường tình nghĩa trường. Đoạn kiều bất đoạn thốn trường đoạn”. Ý nói: “Cầu Trường không dài nhưng tình nghĩa dài. Cầu Đoạn không gãy mà khiến lòng người đau như đứt từng khúc ruột"

Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài

Tây Lãnh Kiều (Xi Ling Bridge)

Tây Lãnh Kiều gắn liền với chuyện tình giữa nàng kỹ nữ tài sắc vẹn toàn Tô Tiểu Tiểu và con trai vị thượng thư đương triều - Nguyễn Úc. Hai người dạo Tây Hồ, tình cờ gặp gỡ, cảm mến và nên duyên với nhau. Nhưng Nguyễn Úc vốn vâng lệnh cha đi công cán ở vùng Triết Đông, sau vì chuyện gấp, chàng phải quay lại kinh đô và bặt vô âm tín từ đó.

Tây Lãnh Kiều gắn liền với chuyện tình giữa nàng kỹ nữ tài sắc vẹn toàn Tô Tiểu Tiểu và con trai vị thượng thư đương triều - Nguyễn Úc

Vì quá thương nhớ người yêu, nàng Tiểu Tiểu sinh bệnh và qua đời khi tuổi còn quá trẻ. Theo như ý nguyện lúc sinh thời, nàng được an táng bên cây cầu Tây Lãnh, nơi Tiểu Tiểu gặp Nguyễn Úc lần đầu tiên.

Tây Hồ cảnh sắc thơ mộng tuyệt vời lại càng đẹp hơn nhờ có ba cây cầu tình yêu nổi danh: Tây Lãnh Kiều, Trường Kiều và Đoạn Kiều. Đến với Hàng Châu, dạo bước Tây Hồ, lắng nghe những câu chuyện tình yêu trọn vẹn nghĩa tình, lại càng khiến cho phong cảnh nơi đây thêm thi vị hơn.

Theo: VYC Travel


No comments: