Chuyện không liên quan không hỏi, việc không tham gia không bàn (ảnh Adobe Stock)
Việc không tham gia thì không nghe không hỏi
Tôi từng đọc được câu chuyện của một anh ở trên Facebook. Anh này kể rằng, ngày trước anh có một người bạn thường tham gia làm ăn buôn bán những công việc không được chính đáng cho lắm. Có lần khi anh đến nhà chơi thì thấy người này đang bàn việc làm ăn; anh vội bỏ về vì không muốn nghe. Về sau này cũng vậy, cứ hễ bàn công chuyện làm ăn mang tính bí mật mà anh không tham gia thì anh sẽ cố tìm cách để không phải nghe thấy.
Lý giải cho hành động này, anh nói rằng, công việc đó mang tính bí mật, bản thân mình không tham gia mà lại biết được, vậy nhỡ có khi nào lỡ miệng nói ra thì sao? hoặc chẳng may sau này cảnh sát gọi lên điều tra về người bạn của anh; rồi họ dùng các hình thức tra tấn bức anh phải nói; anh có thể không chịu được mà nói ra thì sao? Thà rằng anh không biết gì hết, thì dù có như thế nào anh cũng không thể nói ra điều gì gây hại cho bạn của anh được.
Việc không tham gia thì không nghe không thấy (ảnh Adobe Stock)
Câu chuyện này làm tôi suy nghĩ nhiều về việc: Chuyện không liên quan đến mình thì tránh hỏi, việc bản thân không tham gia thì không nên bàn.
Tôi nghĩ đây cũng là một cách rất hay để tránh thị phi, chuyện không liên quan đến mình thì không nghe không thấy; mà đã không biết thì dĩ nhiên là không thể nói, cũng không thể bàn ra tán vào; như vậy vừa không gây họa cho người khác mà cũng không tạo nghiệp cho bản thân.
Người ưa thị phi là tự chuốc họa vào thân
Trở lại việc có người cứ hay hỏi chuyện riêng tư của tôi. Tôi để ý thì thấy họ là những người rất thích thị phi. Chuyện không liên quan đến họ nhưng họ cũng có thể lấy ra bàn như là chuyện của mình. Mà đương nhiên là ‘tam sao thất bản’, câu chuyện đôi khi được đẩy đi xa đến hàng ngàn dặm. Những người này chẳng phải đang tự tạo nghiệp cho mình hay sao? Người xưa nói “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra“, câu này quả là đúng!
Đồn đoán thị phi về người khác sẽ làm ảnh hưởng đến phúc phận của bản thân (ảnh Adobe Stock)
Vậy còn trường hợp có người muốn kể cho bạn nghe chuyện của họ thì sao? Lúc này tôi lại nhớ đến câu “Người thượng đẳng nói trí tuệ, người trung đẳng nói sự tình, người hạ đẳng nói thị phi”.
Người ta kể cho bạn vấn đề của họ là để san sẻ bớt nỗi buồn hay là xin lời khuyên đi chăng nữa; thì trước tiên vẫn là nên nói chuyện trí tuệ. Dùng đạo lý mà khuyên nhủ họ, giúp họ vượt qua được tình cảnh phiền não hiện tại.
Nếu bạn không thể nhìn nhận vấn đề được như thế thì đương nhiên sẽ bị câu chuyện cuốn vào; bạn tưởng như mình chính là nhân vật trong đó vậy. Lúc này bạn đã bị dấn vào sự tình, đi vào chi tiết của câu chuyện. Ở mức này thì cũng tạm gọi là tán gẫu, giúp bớt căng thẳng phần nào cho đối phương; nhưng có lẽ sẽ không thực sự giúp họ vượt qua được chuyện này.
Tệ hơn nữa thì bắt đầu bàn về thị phi, người này đúng, người kia sai; nói một hồi rồi cả hai cùng phẫn nộ; bạn lại bức xúc thay cho chính người bạn của mình, rồi thì chỉ trích những người khác. Nhưng bạn nên nhớ rằng, bạn của bạn chỉ đang kể câu chuyện từ góc độ của họ, đây vẫn chưa hoàn toàn là sự thật; bạn vội vàng đưa ra nhận định thì sẽ dễ mắc sai lầm.
Người xưa nói “châm trà chỉ cần bảy phần, ba phần lưu lại là nhân nghĩa”. Điều này cũng đúng trong giao tiếp giữa người với người; nói hay làm gì thì cũng không nên quá phận, giữ lại một phần nhân nghĩa cho bản thân.
Theo: Nguyện Ước
No comments:
Post a Comment