Bởi thế mới có chuyện, có những thành phần bị xem là “đồ vứt đi” ở đất nước này, nhưng ở một số đất nước khác, nó lại được tận dụng để chế biến thành những món ăn mang hương vị đặc trưng mà không nơi nào có thể tìm thấy.
Với nền văn hóa ẩm thực lâu đời, kết hợp cùng đặc điểm địa lý và khí hậu, Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia sở hữu không ít những món ăn độc lạ, mà theo nhiều người nước ngoài nhận xét: “Chỉ ở Hàn Quốc mới có”.
1. Cua ngâm tương (간장게장)
Cua vốn không phải là món ăn xa lạ với phần đông dân số trên thế giới. Song ý tưởng thực hiện món cua sống ngâm nước tương có lẽ chỉ Hàn Quốc mới có.
Được công nhận là một trong những “món hao cơm”, một con cua đầy ắp trứng được ngâm qua nước tương đậm đà chắc chắn sẽ khiến người Hàn Quốc xơi hẳn hai bát cơm đầy, nhưng vẫn còn thòm thèm vì… muốn ăn nữa.
Chính bởi sự nổi tiếng vượt cả biên giới này, nhiều du khách nước ngoài đã không ngại lặn lội đường xa đến Hàn Quốc chỉ để thưởng thức cho bằng được món cua ngâm tương thần thánh.
Phần lớn đều nhận xét, ban đầu họ thấy khá sốc bởi vị tanh nồng đặc trưng của hải sản tươi sống. Tuy nhiên, dư âm của món ăn này lại mạnh mẽ đến mức khiến họ không khỏi “nhung nhớ” ngay cả khi trở về nước.
2. Bạch tuộc sống (산낙지)
Bạch tuộc sống chắc chắn đã không còn là món ăn quá xa lạ với các fan yêu mến K-Drama và các chương trình thực tế. Vậy nếu có cơ hội, bạn có muốn thử nhâm nhi vài miếng bạch tuộc sống còn đang ngọ nguậy trên đĩa?
Thực tế, không phải ai cũng đủ can đảm để làm được điều này, kể cả người bản xứ. Do đó, không có gì bàn cãi khi nhận định bạch tuộc sống chính là một trong những món ăn “kinh dị” nhất mà chỉ xứ Hàn mới có.
3. Thạch hạt sồi (도토리묵)
Một số quốc gia phương Đông vẫn có văn hóa ăn các loại thức ăn được làm đông, như mì thạch đậu xanh Trung Quốc, hay thịt đông của Việt Nam, nhưng có lẽ Hàn Quốc mới chính là quốc gia duy nhất sử dụng tinh bột hạt sồi làm thạch và chế biến thành nhiều món ăn thông dụng.
Bởi lẽ từ trước đến nay, hạt sồi chỉ thường được biết đến như một loại thức ăn cho sóc. Vì vậy, đối với nhiều du khách nước ngoài, thạch hạt sồi là một đặc sản mà không phải ai cũng có thể tự tin nếm thử một lần.
Tuy nhiên trên thực tế, thạch hạt sồi lại là món ăn có lịch sử rất lâu đời. Theo nhiều tài liệu ghi chép, thạch hạt sồi không chỉ là món ăn dâng vua, mà còn là nguồn lương thực cứu đói dân nghèo thoát khỏi những năm tháng khốn khổ vì mất mùa và hạn hán.
Dư vị của thạch hạt sồi có một chút đắng nhẹ, thường được sử dụng trong những bữa ăn thường ngày của người Hàn, với nhiều kiểu chế biến phong phú khác nhau như salad kèm một chút nước tương cay cay, mỳ lạnh, hoặc cơm trộn.
4. Giá đỗ tương (콩나물)
Trong khi một số nước trên thế giới chỉ thường sử dụng giá đỗ xanh, người Hàn lại đặc biệt ưa chuộng giá đỗ tương trong việc chế biến thức ăn trên mâm cơm thường ngày như canh giá đỗ, giá đỗ trộn nước tương và cơm trộn giá đỗ.
Khác với giá đỗ xanh, giá đỗ tương có thân lớn và hạt đỗ cứng, tạo cảm giác giòn giòn khi nhai. Tuy nhiên cũng chính vì điều này, một số người nước ngoài cảm thấy không mấy thiện cảm với giá đỗ tương, vì không thể nào quen được với vị cưng cứng và cảm giác lộm cộm trong miệng.
5. Lá vừng (깻잎)
Nếu là tín đồ của các món nướng Hàn Quốc, bạn chắc chắn sẽ thấy quen thuộc với lá vừng. Tương tự như lá tía tô xanh Nhật Bản, lá vừng của Hàn Quốc cũng là một loại thực phẩm đặc biệt mà chỉ người dân xứ kim chi mới sử dụng đến. Tất nhiên đó là trước khi các món nướng Hàn Quốc bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay.
Lá vừng có hương vị khá độc đáo, là sự giữa kết hợp giữa mùi hương của lá húng quế và lá bạc hà, đồng thời lại rất giàu chất xơ và khoáng chất như canxi, sắt, kali, vitamin A, C. Do đó, lá vừng luôn là một nguyên liệu không thể thiếu trong các menu nướng của người Hàn, như thịt nướng samgyeopsal và lòng nướng, nhằm ngăn chặn các triệu chứng táo bón và những tác hại do các món nướng mang lại.
Ngoài ra có một điều thú vị rằng, một số người nước ngoài cho biết bản thân không thể nào chịu được mùi hương quá nồng của rau mùi, nhưng lại có thể ăn lá vừng một cách ngon lành. Thậm chí, họ cũng không thể chấp nhận việc ăn thịt nướng mà không có loại rau đặc biệt này.
6. Dưa lê vàng (참외)
Được ưu ái gọi với cái tên “dưa Hàn Quốc” (Korean melon), có thể thấy người dân xứ sở kim chi tự hào thế nào về loại trái cây mà chỉ đất nước mình mới có. Dưa lê vàng không chỉ có vị ngọt tự nhiên, mà còn giàu dinh dưỡng như vitamin A, C, E, chất xơ, chất khoáng, chất chống oxy hóa… được y học Hàn Quốc đưa vào sử dụng từ rất lâu.
Tuy ngày nay, hạt giống dưa lê vàng đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, nhưng không ít ý kiến vẫn cho rằng, dưa vàng ngon và ngọt nhất chỉ có thể là ở Hàn Quốc.
Tổng hợp từ Naver