Mấy chục năm nay tôi đã sử dụng Unikey để đánh chữ Việt trên máy tính một cách vô tội vạ của một phần mềm hoàn toàn miễn phí và cứ ngỡ là do một anh Việt kiều nào đó tạo ra. Bây giờ mới biết đó là "phần mềm quốc dân Việt Nam, made in Vietnam". Trân trọng cám ơn anh Phạm Kim Long cho sự cống hiến của anh và share bài viết này cho những người còn chưa biết như tôi.(LKH)
CHA ĐẺ "PHẦN MỀM QUỐC DÂN VIỆT NAM" UNIKEY GIỜ RA SAO?
Có một phần mềm "Made in Vietnam" mà hàng chục năm nay hầu hết máy tính nào cũng phải cài, đó là Unikey. Đây là điều hiếm có phần mềm Việt nào khác làm được.
Ra đời năm 1994, Unikey đã có 26 năm tồn tại, phát triển nhưng vẫn giữ nguyên tính ổn định và hiệu quả. Đây là sản phẩm của anh Phạm Kim Long, một cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội.Vào năm 1994, khi còn là sinh viên năm cuối, Phạm Kim Long và 3 bạn cùng lớp thách đố nhau xem ai tạo ra bộ gõ tiếng Việt nhỏ gọn nhất dành cho hệ điều hành DOS bằng ngôn ngữ lập trình Assembly. Kết quả, Long giành chiến thắng với bộ gõ chỉ 2Kb siêu nhỏ gọn - sản phẩm có thể coi như phiên bản đầu tiên của Unikey sau này.
Tốt nghiệp Bách Khoa loại giỏi, Phạm Kim Long sang Cộng hòa Séc làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Praha. Với điều kiện kỹ thuật ‘lý tưởng’ ở Séc thời bây giờ, anh có cơ hội nghiên cứu sâu hơn và đã lập trình bộ gõ tiếng Việt trên hệ điều hành Windows với tên gọi LittleVnKey. Phiên bản này Long cũng mới dừng lại ở việc sử dụng cá nhân và tặng bạn bè, thậm chí nó còn chưa hỗ trợ bộ mã quốc tế UniCode.
Anh Phạm Kim Long
Cuối 2000, thời điểm đang bí đề tài làm luận án tốt nghiệp, anh lân la trên một diễn đàn tin học nổi tiếng thì thấy mọi người bàn tán sôi nổi về việc Windows hỗ trợ Unicode tiếng Việt. Đặc biệt, người dùng thường hay hỏi trên diễn đàn về cách ‘bẻ khoá’ VietKey, bộ gõ hỗ trợ UniCode trên Windows nhưng phải trả phí.
Máu sáng tạo nổi lên, Phạm Kim Long quyết định tạo bộ gõ miễn phí để giúp mọi người. Anh dành một đêm thiết kế, hai đêm mã hóa liên tục mới cho ra phiên bản hoàn chỉnh mang tên Unikey. Bên cạnh những góp ý chân thành từ người dùng, Unikey cũng bị nhiều người gièm pha, thậm chí tung tin đồn có virus đính kèm bên trong.
Tuy nhiên, trên tất cả, sự đơn giản, tính tiện lợi và miễn phí đã giúp Unikey trở thành "phần mềm quốc dân" tại Việt Nam. Năm 2001, anh Long quyết định công bố mã nguồn mở Unikey. Một số người đã gửi thư chỉ trích gọi hành động của Phạm Kim Long là nhiệt tình thái quá, giết chết các sản phẩm thương mại. Tuy nhiên với cộng đồng người dùng, việc làm của Phạm Kim Long rất đáng hoan nghênh.
Đến năm 2006, Apple đã liên hệ với Phạm Kim Long để được quyền tích hợp lõi Unikey lên tất cả sản phẩm macOS và iOS của mình. Thật bất ngờ, anh tặng luôn Unikey cho Apple và hoàn toàn không thu phí.
Thông báo về bàn quyền Unikey của anh Phạm Kim Long trong phần Thông báo Pháp lý trên những chiếc điện thoại iPhone.
Trong lần hiếm hoi xuất hiện trước truyền thông, anh Long từng chia sẻ về lý do tạo ra phần mềm miễn phí Unikey như sau:
"Việc Unikey trở thành phần mềm miễn phí là rất tự nhiên, vì nó ra đời từ chính nhu cầu của người dùng cần một chương trình bàn phím miễn phí. Hơn nữa, khi làm được gì hay thì lẽ rất tự nhiên là muốn chia sẻ với người khác. Mình không có ý đối lập với những người viết chương trình thương mại, họ làm ra chương trình để kiếm sống bằng lao động của họ là điều hoàn toàn chính đáng. Mình cũng sống bằng viết phần mềm nhưng Unikey thì không phải phần mềm kiếm sống. Unikey là một thú giải trí của mình, như vậy viết Unikey cũng chính là phục vụ cho mình vậy.
Mình sẽ luôn duy trì Unikey là phần mềm miễn phí. Mà hơn nữa Unikey là open source (mã nguồn mở), ai cũng có thể lấy nó về phát triển thêm".
20 năm trôi qua, nhiều đồng nghiệp cùng thời đang ổn định cuộc sống với những công việc mang tính quản lý thì Phạm Kim Long vẫn miệt mài cho trận chiến mới của mình. Hiện nay, anh đang đứng đầu một nhóm phát triển các ứng dụng di động tại Việt Nam, trong đó Laban Key dành cho Android là phần mềm đáng chú ý sau Unikey. Ra mắt năm 2013, ứng dụng này liên tục lọt top các tiện ích tải nhiều nhất trên Google Play Store với 500.000 người dùng (thời điểm tháng 3/2014).
Kế thừa UniKey, Laban Key trên Android dễ dùng với giao diện tương thích nhiều kích thước màn hình. Phần mềm miễn phí này được nhiều người dùng Việt tải về và lựa chọn chính để soạn thảo trên smartphone và máy tính bảng. Cha đẻ của Unikey mong muốn Laban Key cũng có được vị trí trên thiết bị di động như Unikey trên máy tính để bàn.
Năm 2020, Unikey tròn 26 tuổi và đang là một trong số rất ít phần mềm có tuổi đời lớn, nhưng vẫn vận hành khá ổn. Đây gần như là một sản phẩm được mặc định trong máy tính của bất cứ người Việt nào. Không chỉ là một phần mềm hỗ trợ gõ tiếng Việt tốt, Unikey và Phạm Kim Long còn thay đổi tư duy của nhiều người làm công nghệ Việt, hướng tới tinh thần cống hiến vì cộng đồng hơn là mưu cầu lợi ích cho bản thân.
Theo: Trí Thức Trẻ