Wednesday, March 31, 2021

BẢO TÀNG "MÌ ĂN LIỀN" Ở NHẬT BẢN

Tại Nhật Bản – đất nước nổi tiếng với món mì ăn liền, có một bảo tàng mì ramen vô cùng độc đáo. Nếu bạn đã từng khám phá ngôi đền ramen nổi tiếng ở Yokohama, thì đã đến lúc bạn mở nắp hộp, chan nước nóng vào và bắt đầu chuyến tham quan thôi nào!


Bảo tàng mì Ramen Momofuku Ando Instant tại Osaka. Tươi sáng, rực rỡ và đầy lôi cuốn, bảo tàng này phục vụ khách du lịch, những người yêu thích ramen, kể cả trẻ nhỏ. Nếu bạn không thể nói tiếng Nhật, hãy lấy một cuộn băng hướng dẫn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hoa ở gần cửa ra vào nhé, hoàn toàn miễn phí đấy.


Cũng sẽ rất có ích nếu bạn ghé qua ngôi nhà lán được mô phỏng lại, nơi mà Momofuku Ando đã sáng tạo ra món Mì gà tại sân vườn Ikeda của nhà ông vào năm 1958.


Tại nhà hát kịch Cup Noodle, một đoạn phim hoạt hình vui nhộn sẽ cho bạn biết làm thế nào mà vị phát minh thiên tài này có thể biến một tô mì bình thường trở thành một món ăn nhanh nổi tiếng khắp thế giới như vậy.

Mỗi khi bạn bước qua đường hầm Instant Ramen Tunnel, sau khi nhúng ướt tất cả loại mỳ mà bạn muốn, đã tới lúc cho phần thú vị nhất: tự tạo một tô mì cho riêng mình ngay tại nhà máy My Cup Noodle.


Bỏ ba trăm yên vào chiếc máy tự động, bạn sẽ nhận được một chiếc cốc xốp rỗng. Tại đây bạn sẽ được hướng dẫn trang trí chiếc cốc, đổ mì sao cho vừa cốc, chọn một vị nước dùng và bốn món đông lạnh kèm theo tùy theo khẩu vị của bạn (bánh cá hình trái tim hay những miếng gà vàng tí xíu như trên menu), và để bịt kín, hãy bọc sản phẩm của bạn trong lớp giấy bóng kính rồi nén nó cho tới khi căng phồng.


Bạn muốn khám phá thêm về mì ư? Vậy thì hãy học cách kéo căng, nhào trộn, cắt mì và cuối cùng là ngồi thưởng thức món mì ramen do chính tay bạn làm ra ngay tại xưởng làm mì, chỉ có tại tầng hai vào năm ngày trong tuần thôi nhé.

Nhưng đừng lo, sẽ có một khu để cho bạn thưởng thức mì được mở cửa hàng ngày, đặc biệt sẽ có máy làm mì tự động cùng chỗ ngồi cho bạn, quá tuyệt vời cho những khách hàng không cưỡng lại được hương vị hấp dẫn của chúng.

Mỗi ngày, hàng triệu người trên thế giới dành bữa trưa của mình để xì xụp những sợi mì nóng hổi mà không cần quan tâm xuất xứ hay thương hiệu của nó. Nhưng đến với bảo tàng này, bạn sẽ trở thành người sành mì hơn bất cứ ai, bạn sẽ được thưởng thức thứ hương vị tuyệt vời này cùng với cảm nhận riêng của bạn.


Nhật Bản chính là cái nôi của món ăn khoái khẩu và phổ biến nhất hành tinh này. Và mới đây thôi, công ty thực phẩm Nissin Foods đã mạnh dạn khai trương Bảo tàng Mỳ tôm đầu tiên trên thế giới, nơi mà mọi người có thể tự tay làm những bát mỳ cho chính mình.


Khoảng 500 người cả trẻ em và người lớn đứng xếp hàng chờ giờ khai trương chính thức để “bóc tem” bảo tàng độc đáo này tại thành phố cảng Yokohama gần thủ đô Tokyo (Nhật Bản).

Theo: Japanduhoc


KHÁM PHÁ XỨ SỞ RƯỢU VANG BORDEAUX


Bordeaux, thành phố cảng ở Tây Nam nước Pháp, là giấc mơ của những người yêu rượu. Khu di tích lịch sử của thành phố được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, khiến nó trở thành một thành phố mang đậm tinh hoa văn hóa Pháp.


Bordeaux nằm ở phía tây nam nước Pháp, là một trong những vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng nhất nước Pháp nói riêng và cả thế giới nói chung. Trong số các dòng rượu vang nổi danh nhất tại Bordeaux, dòng vang đỏ không ngọt, nồng độ vừa phải được ưa chuộng hơn cả. Những chai rượu vang ngon nhất (và đắt nhất) đến từ các lâu đài danh tiếng của Médoc (đặc biệt là Pauillac và Margaux), St. Émilion và Pomerol. Bên cạnh rượu vang đỏ, Bordeaux còn nổi tiếng với rượu vang trắng không ngọt từ Pessac-Leognan và vang trắng ngọt vùng Sauternes.

Có lẽ vì thế mà Bordeaux được coi là thủ phủ của rượu vang, nơi tổ chức hội chợ rượu vang thế giới Vinexpo, là giấc mơ của những người yêu rượu vang trên toàn thế giới. Trước khi tới đây, tôi đã được mách rằng: ngoài việc ghé thăm những vườn nho bạt ngàn và các hầm rượu lớn, chứa những chai rượu vô cùng quý hiếm đã lên đến cả trăm năm tuổi, nhất định phải dành thời gian tham dự những lớp học rượu vang để hiểu thêm về các loại vang Bordeaux nổi tiếng, biết cách thẩm định, đánh giá các loại rượu dựa vào màu sắc, mùi vị của rượu.


Các vườn nho của Bordeaux trải dài 130 km tính từ bờ biển Đại Tây Dương. Đây là quê hương của hơn 10.000 nhà sản xuất rượu vang khác nhau, mỗi năm đóng góp vào thị trường rượu vang thế giới sản lượng rượu khổng lồ. Bordeaux có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ ban ngày vào mùa hè khoảng 25-28oC, mùa đông hiếm khi xuống dưới 0oC, với dòng chảy từ ba con sông Dordogne, Garonne và Gironde Estuary, chia cắt Bordeaux thành những vùng vang đặc trưng mang những nét đặc sắc về hương vị riêng biệt.

Vùng đầu tiên phải kể đến là vùng Médoc, ở bờ trái sông Garonde, nơi có điều kiện thổ nhưỡng tuyệt vời cho ra đời những chai vang đỏ đậm đà và nồng nàn với sự kết hợp giữa Cabernet Sauvignon và Merlot. Đi chếch xuống phía nam khu vực Médoc, qua thành phố Bordeaux nhộn nhịp, bạn sẽ đến vùng vang Graves và vùng vang trắng ngọt Sauternes. Không kém phần nổi bật là bờ phải sông Dordogne, khu vực St. Émilion, nơi sản xuất những chai rượu rượu vang đỏ Merlot nhẹ nhàng quyến rũ. Và cuối cùng là vùng trung tâm Entre-Deux-Mers nằm giữa hai nhánh sông, với đặc sản là những chai vang trắng thanh mát.


Bên cạnh những vườn nho, Bordeaux còn là một trong những điểm đến mới và hấp dẫn nhất nước Pháp, với các quán cà phê, vườn hoa, bảo tàng và di tích tân cổ điển thu hút khách du lịch khắp nơi trên thế giới như cầu Đá, Nhà hát lớn... Bordeaux còn có những phố mua sắm dài nhất châu Âu, hải sản hảo hạng và nằm ngay gần đại dương. Sau một chuyến đi thăm vườn nho trong ngày, bạn có thể trở về thành phố và nghỉ ngơi để cảm nhận rõ cuộc sống thanh bình của người dân địa phương tại thành phố cảng cổ kính này.

  

Đã đến Bordeaux thì không thể bỏ qua Médoc, vùng trồng nho nằm trên bờ trái sông Gironde, cách Bordeaux khoảng hơn 40 km về phía bắc. Tên của nó xuất phát từ Metallicus, một bộ lạc Celtic địa phương, khu vực này phát triển kinh tế mạnh mẽ chủ yếu nhờ vào sản xuất rượu vang đỏ với khoảng 1.500 vườn nho. Khu vực này cũng có rừng thông và những bãi biển cát dài, gần Đại Tây Dương với khí hậu tương đối ôn hòa và lượng mưa cao.

Du khách đến Bordeaux có thể khám phá những vườn nho Médoc chỉ trong trong một ngày. Có ba sự lựa chọn để di chuyển từ Bordeaux đến Médoc, bằng tàu hỏa, xe bus (mất khoảng 90 phút) hoặc taxi (mất khoảng 45 phút, nhưng tất nhiên là chi phí sẽ đắt hơn). Ngoài ra còn có những tour tham quan Médoc trọn gói, nhưng khi đến Médoc rồi, bạn có thể đi bộ hoặc thuê xe đạp để tự khám phá các vườn nho cũng rất dễ dàng.


Về phía tây Médoc, được bao phủ trong ánh sáng và nắng mặt trời, là những bãi biển cát trắng được bao quanh bởi một khu rừng bao la. Về phía đông Médoc, bên cửa sông Gironde, là nơi tập trung những lâu đài nổi tiếng, những vườn nho, các xưởng rượu vang với những loại rượu có uy tín nhất thế giới.

Nổi tiếng với các loại rượu vang đỏ mạnh mẽ, đậm vị cùng những xưởng rượu gia đình truyền thống nổi tiếng nhất ở Pháp, Médoc có những lâu đài rượu vang nổi tiếng như Pauillac, Margaux, St. Julien và St. Estephe. Không phải là những lâu đài lung linh thơ mộng như trong cổ tích đâu, mọi tòa nhà sản xuất rượu vang ở Bordeaux đều được gọi là các lâu đài (château), mang nghĩa là "điền trang", được xây bằng đá với dáng vẻ mộc mạc, không quá cầu kỳ và hoa mỹ. Thời xưa, chủ nhân của các xưởng rượu vang thường là các lãnh chúa, các nhà quý tộc, nên các tòa nhà này đều được gọi là lâu đài. Và con đường băng qua những vườn nho bạt ngàn ở đây được gọi là Route des Chateaux (đường lâu đài) vẫn giữ nguyên dáng vẻ như từ thời Trung cổ.


Nếu bạn dự định ghé vào thăm xưởng rượu thì hãy ghi nhớ, nổi tiếng nhất là những xưởng rượu ở Margaux và Haut-Médoc. Đừng bỏ qua cơ hội nếm thử vài loại vang để cảm nhận sự khác biệt của các loại nho. Nho Cabernet Sauvignon hạt nhỏ, vỏ dày màu tím thẫm, cho rượu có vị chua vừa phải và hương thơm của lý chua đen, lá cà chua, gia vị cay và gỗ tuyết tùng. Nho Merlot vỏ màu xanh đậm, cho rượu hơi chát nhẹ, có hương vị gỗ sồi, mận và việt quất. Phần lớn các dòng rượu Bordeaux Blend đều pha trộn cả Cabernet Sauvignon và Merlot. Các thành phần còn lại có thể là Cabernet Franc, Petit Verdot, Malbec được sử dụng xen kẽ với tỷ lệ và thành phần tuỳ thuộc vào từng vụ.

Người ta kể rằng, một trong những danh nhân mê rượu vang đỏ Château Margaux nhất là văn hào Ernest Hemingway, đến nỗi người cháu nội đầu tiên ông được đặt tên là Margaux Hemingway.

Trước đây, kiến thức về rượu vang của tôi chỉ dừng lại ở quy tắc "vang trắng cho hải sản và thịt trắng, vang đỏ cho thịt đỏ". Nhưng theo những chuyên gia rượu vang mà tôi đã gặp ở Médoc thì "nghề chơi cũng lắm công phu". Rượu làm từ nho Cabernet Sauvignon thì nên ăn với bít tết, gan ngỗng béo, nấm cục, thịt bò Wellington và thịt nai. Rượu làm từ nho Merlot lại phải ăn với thịt lợn hầm hay thịt cừu kho tộ mới đúng điệu. Còn các loại rượu Blend thì quả thực là vô vàn cách kết hợp cùng thực phẩm, không thể nào nhớ hết được.

Ở Pháp, có những khu chợ trời hay chợ bán đồ cũ gọi là brocante - một loại hoạt động khiến tôi mê say bởi tính chất đặc biệt thú vị của chúng. Người Pháp có câu “giá rẻ như ở brocante”. Ở Médoc có nhiều khu chợ brocante được tổ chức tại các địa điểm khác nhau. Tùy theo từng vùng, thường brocante họp vào ngày thứ bảy, chủ nhật đầu tiên của tháng. Hầu như cuối tuần nào cũng có những khu chợ trời tấp nập thay phiên nhau. Tại brocante, có thể tìm mua đủ hết vật dụng gia đình: TV, nhạc cụ, radio cổ, đồng hồ, đồ bếp, sách vở, băng đĩa, quần áo, bánh kẹo, mỹ phẩm… thứ gì cũng có, đông vui như hội chợ, nhất là trang phục của trẻ con thì gần như mới nguyên vì chúng rất mau lớn. Không chỉ có đồ cũ mà còn có rất nhiều món đồ còn mới như quần áo do lỗi mốt hay “hàng độc” đều có mặt tại các brocante này. Và cũng giống như ở chợ trời ở Việt Nam, tùy vào tình trạng cũ mới của món hàng, bạn có thể thoải mái trả giá, chọn mua món đồ vừa ý.


Một khi đã đi chợ ở Pháp thì đừng bỏ qua cơ hội ăn quà vặt (mà thực ra thì tôi thấy đi chợ truyền thống ở nước nào cũng vậy). Một món quà vặt đặc sản Bordeaux là bánh canelé với vỏ giòn tan vị caramel, bên trong là nhân custard mềm mịn, thơm lừng mùi vanille và rượu rum. Lịch sử của bánh canelé liên quan mật thiết với rượu vang xứ Bordeaux. Trong quá trình sản xuất rượu vang, có một công đoạn gọi là "collage", để thêm protein vào rượu nhưng không làm thay đổi hương vị. Các xưởng rượu vang ở Bordeaux đã đánh bông lòng trắng trứng và rót rượu qua đó. Công đoạn này xa xỉ vì rất nhiều lòng đỏ trứng bị bỏ đi, nên người ta đã nghĩ ra cách dùng lòng đỏ trứng làm bánh canelé để tránh lãng phí.

Kết thúc một ngày tham quan Médoc, tôi ghé qua thị trấn nghỉ dưỡng Soulac-sur-Mer với những bãi cát trắng tuyệt đẹp trải dài và những ngôi nhà xinh xắn được xây dựng từ thời kỳ Belle Époque.

Đi chếch xuống phía nam Médoc là đến Graves, được coi là nơi sản sinh ra rất nhiều loại rượu vang tuyệt ngon của Bordeaux. Với lịch sử hơn 2.000 năm tuổi, Graves cũng là vùng trồng nho lớn nhất nước Pháp với 120.000 ha vườn nho, một điểm đến hàng đầu cho những người hâm mộ rượu vang. Du khách từ khắp thế giới đổ đến khu vực này để nếm rượu vang mới và khám phá những loại rượu vang Grands Crus đẳng cấp.


Một số xưởng rượu vang phổ biến nhất để tham quan là Suduiraut, Smith Haut Lafitte, Carbonnieux và La Tour-Martillac. Và đừng quên ghé thăm lâu đài d'Yquem nơi sản xuất của Sauternes, một loại rượu vang trắng vô cùng đậm đà. Graves nằm ở phía nam Bordeaux, bạn chỉ mất từ 15 - 45 phút để đi đến hầu hết các xưởng rượu vang ở đây. Các nhà máy rượu vang đều nằm về phía tây của tuyến đường E62, bạn có thể đến đây từ phía bờ trái sông Garonne.


Tạm biệt Médoc, tôi lên đường khám phá một trong những vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng và đa dạng văn hóa nhất của Pháp là St. Émilion, cách Bordeaux 35 km về phía đông bắc. Nơi đây đã được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO, nổi tiếng với các hầm mộ được xây dựng trên thung lũng Dordogne, những con đường lát sỏi dốc được tô điểm với những ngôi nhà cổ quyến rũ, các di tích phong cách La Mã hấp dẫn và nhà thờ đá nguyên khối.


St. Émilion bắt đầu sản xuất rượu vang trong thế kỷ thứ VIII, dù người La Mã đã trồng vườn nho ở đây trong thế kỷ thứ II, các giống nho chính hiện nay là Merlot và Cabernet Sauvignon. Du khách đến St. Émilion có thể lưu trú tại những khách sạn duyên dáng, lâu đài rượu vang tráng lệ và cổ kính, với phong cảnh rộng lớn, di sản văn hóa phong phú, và tận hưởng những cơ hội được thưởng thức các loại rượu vang nổi tiếng của Bordeaux.

Ở đây, có những tour du lịch rượu vang dành cho các du khách muốn được thưởng thức hương vị cuộc sống ở những vườn nho nổi tiếng nhất trong khu vực. Bạn có thể tham quan St. Émilion và ra về trong ngày, hoặc dành một vài đêm ở lại đây, không chỉ để dạo chơi ở những vườn nho, mà còn có thể khám phá những di tích và tàn dư của thời La Mã, cũng như các hầm rượu bí ẩn và đầy mê hoặc.


Băng qua những khu rừng, vườn nho và những ngôi làng lâu đời trong khu vực Entre-Deux-Mers, giữa Dordogne và sông Garonne, những con đường quanh co qua từng thung lũng xứ St. Émilion là thị trấn thời Trung cổ St. Macaire, nơi rất nhiều tàn tích La Mã còn được lưu giữ.

Cạnh St. Émilion là Pomerol, một làng rượu nhỏ chỉ có diện tích khoảng 2.000 mẫu Anh nhưng lại cho ra đời những loại rượu vang thơm ngon không thua kém bất kỳ của khu vực khác. Pomerol đã trở thành một trong những khu vực sản xuất rượu vang quan trọng của nước Pháp trong những năm cuối của thế kỷ XX.


Với sản lượng khoảng 3.000 chai mỗi năm, các xưởng rượu vang ở Pomerol là điểm đến thu hút du khách sành rượu khi mua vé máy bay đi Pháp. Bạn có thể đến Pomerol dễ dàng từ Bordeaux, chỉ mất khoảng 45 phút qua các tuyến đường E70, D1089 và D245.


Đến Toulouse bằng cách đạp xe vòng qua kênh de Garonne là một cơ hội tuyệt vời cho những ai muốn khám phá Bordeaux. Vì sao lại là xe đạp? Vì bạn sẽ không thể chủ động dừng lại ngắm cảnh hay rẽ ngang rẽ dọc nếu di chuyển bằng taxi, tàu hỏa và xe bus. Thuê xe tự lái thì đắt đỏ hơn, lại không thể đi vào đường nhỏ men theo kênh.


Hành trình qua miền Tây Nam nước Pháp này sẽ đi từ trung tâm văn hóa Bordeaux đến đại đô thị Toulouse, bên dòng kênh trải dài với phong cảnh nên thơ, đẹp như tranh thủy mặc, trên bờ là những vườn cây ăn trái, những ruộng nho và những thung lũng ngoạn mục. Hành trình này thường kéo dài khoảng 7 ngày, mỗi ngày đạp xe khoảng 2 - 5 giờ, đi 30 - 70 km và dừng lại nghỉ ở những thị trấn nhỏ cổ kính với nhiều di tích lịch sử. Bạn có thể trú chân trong những homestay xinh xắn, khách sạn gia đình hoặc căn hộ Airbnb dọc đường với giá cả phải chăng nhưng vẫn thoải mái.

Dù đường khá bằng phẳng và an toàn, nhưng bạn vẫn nên đi thành nhóm tối thiểu 2 người. Thời gian thích hợp nhất để thực hiện chuyến đi là vào mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 10. Tuy nhiên, nếu có thể thì nên tránh tháng 7 và tháng 8 là mùa cao điểm du lịch.


Toulouse có diện tích không quá lớn, chính vì vậy việc di chuyển trong thành phố bằng xe đạp cũng khá thoải mái. Không chỉ mang một vẻ đẹp cổ kính, thanh bình, Toulouse còn được xem là một trong những thành phố sạch nhất của Pháp, không có khói bụi và không khí vô cùng trong lành.

Trước khi rời Bordeaux, bạn nên ghé qua L’Intendant, một “thánh địa” của dân sành rượu, để mua vài chai rượu vang hảo hạng. Nhưng cũng thật khó để tìm cho mình một chai vừa ý vì có quá nhiều sự lựa chọn, mỗi dòng vang đều có hương vị độc đáo riêng biệt.


Tòa nhà thương xá chỉ dành riêng cho rượu vang này có 4 tầng, với cầu thang hình xoắn ốc trưng bày bộ sưu tập rượu vang hơn 15.000 chai, theo thứ tự những chai rượu vang có giá từ thấp nhất, rồi tăng dần đến trung bình và đắt nhất theo những bậc thang.

Mỗi năm, L’Intendant đón tiếp hàng ngàn lượt khách và lượng tiêu thụ cũng khoảng 10.000 chai. Tuy nhiên, nó cũng chẳng thấm vào đâu với năng lực sản xuất tới 7.000.000 chai/năm của vùng Bordeaux.

Hương Thảo / Theo: Travellive+


CÓ 3 LOẠI TÂM THÁI, CÀNG "RỖNG" CÀNG TỐT

Tâm "rỗng", không khiến người ta sống giả, trái lại giúp họ dễ hòa nhập vào cuộc sống mới. Tâm có bình yên, tương lai mới có thể nắm bắt cuộc sống an nhàn.


Có một câu chuyện nhỏ mang tính triết lý như sau:

Một cái ly, nếu trong ly có rót sữa, mọi người sẽ gọi nó là "một ly sữa", nếu trong ly rót nước trái cây, mọi người sẽ gọi nó là "một ly nước trái cây".

Ly nước đựng cái gì, sẽ có cái tên là vật đó. Chỉ khi ly nước rỗng, mọi người mới gọi tên nó về đúng nguyên trạng "một cái ly".

Đồng dạng, nếu nội tâm một người chứa đầy tài phú, định kiến, phiền não, con người sẽ không còn đơn thuần, thoải mái nữa. Chỉ khi sống với một trái tim trống rỗng, chúng ta mới có thể là chính mình.

Tôi đã từng đọc được một câu nói thế này trên mạng:

"Lúc con người mạnh mẽ nhất, không phải khi kiên cường, mà là khi buông bỏ."

Khi bạn chọn giơ đôi tay không có gì lên, còn ai có thể đoạt mất đồ trong tay bạn?

Chúng ta cần nên học cách loại bỏ kịp thời những phức tạp trong lòng, khiến tâm trở về số không, sau đó mỉm cười bước về phía trước.


Thể diện "rỗng", tâm hồn đầy

Thể diện, là thứ mà dù là người đời xưa hay hiện nay đều vô cùng để ý. Nhưng nếu chỉ vì bảo toàn thể diện mà lựa chọn đường cùng cho bản thân, vậy tuyệt đối không phải người có nội tâm mạnh mẽ thật sự.

Một tổng giám đốc công ty nọ đã lần lượt cử 3 giám đốc bộ phận đến thăm một người bạn tên M. của anh ta.

Sau khi nhận được lệnh, ba người họ liên tiếp làm theo lời hướng dẫn, đến đưa danh thiếp để thể hiện sự tôn trọng và thăm hỏi M.

Nhưng M. nghe xong lại xụ mặt đuổi bọn họ đi ngay. Hơn nữa, còn ném tất cả quà ra khỏi cửa.

Hai người trong số họ liền nghĩ: "Đây mà là bạn bè, rõ ràng hai người là kẻ thù thì có."

Bọn họ thất vọng và quay về kể rõ câu chuyện, nhưng ông chủ lại gật đầu mà không nói gì.

Mà người cuối cùng cũng gặp tình huống tương tự, nhưng không hề rời đi ngay, mà đứng ở ngoài cửa tiếp tục bày tỏ thành ý của mình, đồng thời khuyên người bạn kia:

"Bất luận giữa hai người từng xảy ra chuyện gì, tổng giám đốc phái tôi đến lần này, mục đích không phải vì muốn hàn gắn lại tình bạn của hai người hay sao?"

M. nghe xong càng tức giận, mắng một hồi, nhưng anh ta mắng đến đâu, vị cuối cùng kia lại xin lỗi và khuyên đến đó.

Nửa tiếng sau, M. cuối cùng cũng mở cửa. Anh ta không chỉ nhận quà, còn mời vị giám đốc bộ phận kia vào ăn tối. Hai người trò chuyện với nhau rất vui vẻ.

Chẳng bao lâu, vị giám đốc bộ phận đó được thăng chức lên làm phó tổng giám đốc.

Lúc này mọi người mới hiểu, hóa ra tổng giám đốc và người bạn M. kia đã thông đồng cùng diễn kịch với nhau từ trước.

Mà người có năng lực thực sự, thứ nghĩ đến là làm tốt công việc, lúc quan trọng có thể từ bỏ thể diện.

Thể diện không phải do người khác cho, mà thông qua thực lực bản thân giành được.


Quá khứ "rỗng", tương lai nhàn

Buông bỏ quá khứ không phải chuyện dễ dàng, đặc biệt là những chuyện gây tổn thương sâu sắc đến tâm và thân.

Bộ phim "Room" của Mỹ kể về một cô gái trẻ bị một người đàn ông hơn 40 tuổi bắt cóc từ năm 17 tuổi. Cô gái bị giam cầm trong một căn phòng ở sân sau và bị làm nhục tận 7 năm.

Trong sự tủi nhục, cô gái đã sinh hạ một bé trai.

Sau khi bé trai trải qua sinh nhật lần thứ 5, cô gái đã dàn dựng tình huống chết giả của cậu bé, dạy cậu trốn thoát để cầu cứu người qua đường. Cuối cùng hai mẹ con đã được giải cứu.

Cô gái mừng rỡ vì nghĩ sau khi trốn thoát, từ đây có thể sống cuộc đời hạnh phúc, không còn thống khổ nữa.

Nhưng sau khi về nhà, cô gái mới phát hiện cha mẹ đã ly dị được nhiều năm, hơn nữa mỗi người đều có gia đình riêng. Bởi vì mọi người đều nghĩ cô gái đã chết, nên ai nấy đều có cuộc sống an ổn của riêng mình.

Cô ấy cảm thấy bản thân trở về, lại thành một người thừa.

Cô trách cha mẹ vô tình, trách mẹ dạy cô ấy phải đối đãi lương thiện với người khác, nên kết quả mới bị người xấu hãm hại.

Ngày nào cô ấy cũng gặp ác mộng, dùng nước mắt rửa mặt, từng nhiều lần muốn tự tử để thoát khỏi bóng tối.

Cô ấy thoát khỏi căn phòng giam, nhưng không thoát khỏi ám ảnh bị tổn thương trong lòng.

Muốn buông bỏ, thật sự rất khó!

Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều phải gặp những tình huống tồi tệ tương tự: bị sa thải, hiểu lầm; bị phản bội, lừa gạt...

Tuy nhiên, nếu bạn cứ mãi không chịu hòa giải với quá khứ, bạn sẽ tiếp tục vướng vào bất hạnh, bởi vì bạn không thể thoát khỏi bóng tối nội tâm.

Cho dù quá khứ có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng nên chấp nhận và đối mặt, bình tĩnh đặt nó xuống. Lựa chọn này không phải thỏa hiệp, mà là sự can đảm.

Tâm "rỗng", không khiến người ta sống giả, trái lại giúp họ dễ hòa nhập vào cuộc sống mới. Tâm có bình yên, tương lai mới có thể nắm bắt cuộc sống an nhàn.


Định kiến "rỗng", tâm trưởng thành

Trong bộ phim "Nhất đại tông sư" có một câu nói rất hay:

"Người sống đời này, nên bước ra ngoài nhìn thế giới, nhìn mọi người, và nhìn chính mình."

Bởi vì chỉ có ai chứng kiến sự rộng lớn của thế giới, mới không dễ bị mắc kẹt trong lối tư duy hạn hẹp và những định kiến cổ hủ.

Buông bỏ định kiến là một loại trưởng thành. Mà trong quá trình trưởng thành này, hãy dũng cảm tiếp nhận thử thách dù nó là đúng hay sai, luôn giữ vững tự tin cho chính mình.

Dù có sai cũng chẳng sao, ai trong đời mà không vừa phạm sai lầm, vừa rút ra kinh nghiệm trưởng thành từng ngày?

Trưởng thành rất đau đớn, giống như con nhộng biến thành bướm, đều phải trải qua nỗi đau cùng cực, mới có thể trở nên lộng lẫy trong đời.

Nhưng nếu không trải qua quá trình lột xác đau đớn đó, bạn làm sao có thể tự do tung bay khắp nơi, tự do ngắm nhìn vẻ đẹp bình phàm của cuộc sống?

Hãy phá bỏ định kiến, đem những tư duy đã cũ trong quá khứ trả về số không, sau đó bước ra ngoài, tìm kiếm chân trời thú vị hơn dành riêng cho chính bạn.

"Từ bỏ, là một lựa chọn của tâm thái; từ bỏ, là một loại kiến thức tâm hồn; từ bỏ, là một loại trí tuệ cuộc sống."

Buông bỏ áp lực, đạt được thoải mái; buông bỏ phiền não; đạt được vui vẻ; buông bỏ tự ti, đạt được tự tin; buông bỏ lười biếng, đạt được thành tựu.

Buông bỏ tiêu cực, đạt được năng lượng; buông bỏ báo oán, đạt được thư giãn; buông bỏ do dự, đạt được tự do.

Hãy buông bỏ thể diện, vì đôi lúc nó chỉ là sự tôn nghiêm giả dối. Thể diện thật sự, nên được biểu hiện từ nội hàm...

Theo: Hạt Giống Tâm Hồn

Tuesday, March 30, 2021

NƯỚC TƯƠNG GIẢ, NƯỚC TƯƠNG THẬT Ở NHẬT BẢN

Dù rất mê đồ ăn Nhật Bản, có thể bạn chỉ mới được ăn loại xì dầu giả chứa đầy chất phụ gia ở Nhật.


Vấn đề nghiêm trọng


Yasuo Yamamoto có một bí mật - hay chính xác hơn là 68 bí mật.

Vào một buổi sáng thời gian gần đây trên Đảo Shodoshima, Nhật Bản, thế hệ thứ năm trong gia đình làm xì dầu này mở cửa nhà kho gỗ của gia đình để lộ ra 68 thùng lớn làm bằng gỗ tuyết tùng phong kín trong lớp vỏ phủ đầy nấm mốc.

Khi ông trèo lên những bậc thang kẽo kẹt lên căn gác xép tối tăm đầy mạng nhện, từng tấc sàn gỗ, xà gồ và trần đều bị vi khuẩn đen phủ kín trong hàng thế kỷ, chất nhờn màu nâu đặc sệt bên trong thùng gỗ nổi bọt. Cả nhà kho là tập hợp các sinh vật sống.

"Đây là điều khiến xì dầu của chúng tôi có hương vị độc đáo," Yamamoto nói, chỉ vào một thùng gỗ 150 năm tuổi. "Ngày nay, chưa đến 1% lượng xì dầu ở Nhật Bản được chế biến theo cách này."

Mãi đến 70 năm trước, tất cả xì dầu ở Nhật Bản đều được làm theo cách này, và nó có vị hoàn toàn khác với những gì mà thế giới ngày nay biết đến.

Nhưng dù đã có quy định của chính phủ hiện đại hóa sản xuất sau Thế Chiến thứ Hai, một vài gia đình làm xì dầu truyền thống vẫn tiếp tục sản xuất theo cách cũ, và Yamamoto là gia đình quan trọng nhất trong số đó.

Ông không chỉ coi sứ mệnh của bản thân là cho thế giới biết xì dầu thật có hương vị ra sao, mà ông còn đang dẫn đầu nỗ lực trong toàn quốc nhằm bảo tồn công thức bí mật 750 năm tuổi đời trước khi nó biến mất.


Sự khác biệt to lớn

Có thể nói rằng xì dầu, hay nước tương đậu nành (shoyu), là thức chấm quan trọng nhất trong ẩm thực Washoku của Nhật được Unesco ghi nhận.

Thức chấm này có mặt trong mọi nhà bếp, được sử dụng gần như trong mọi bữa ăn và có mặt trên mọi bàn ăn ở các nhà hàng Nhật Bản, từ Tokyo đến Texas.

Không chỉ là thức chấm, vị mặn ngọt thơm ngon là hương vị hoàn toàn khác biệt - đến mức vào năm 1908, vị umami được xếp là một trong năm vị mà con người có thể cảm nhận, bên cạnh ngọt, chua, mặn và đắng.

Khi được ủ lâu năm và lên men trong thùng gỗ, nước tương có thể tinh tế như rượu cao cấp, nhưng ngày nay, hầu hết mọi người trên thế giới chấm sushi với thứ nước tương được làm từ những thùng phuy kim loại.

Đó là vì phải theo kịp nhu cầu và tăng cường sản xuất vào cuối thập niên 1940, chính phủ Nhật Bản khuyến khích người làm nước tương bỏ những thùng gỗ được dùng làm thực phẩm lên men, còn được gọi là kioke, chuyển sang dùng những thùng thép chống gỉ và cắt giảm thời gian ủ lên men tính bằng hàng năm thành ra chỉ còn ba tháng.

Theo Yamamoto, thùng gỗ kioke không chỉ là thùng chứa, mà nó còn là thành phần thiết yếu để làm nước tương, vì thớ gỗ là nơi lưu trú của hàng triệu vi sinh vật làm hương vị umami thêm đậm đà và thấm đượm.

Vì những vi khuẩn này không thể sống trong thùng thép, rất nhiều công ty thương mại đã thêm vào nước tương đầy chất phụ gia.

Vì vậy, nếu bạn không đến thăm một xưởng làm nước tương cổ truyền hay một cửa hàng bán đồ thủ công ở Nhật, thì có vẻ như bạn chỉ mới được nếm qua vị mặn, lợt của chất bắt chước vị nước tương phức tạp, độc đáo mà thôi.


Hơn cả đậu nành

Trong 150 năm qua, gia đình Yamamoto và hàng triệu vi sinh vật của họ đã chế biến ra loại nước tương Yamaroku của gia đình bằng cách trộn đậu nành với lúa mì, muối và nước, và để hỗn hợp đó lên men trong bốn năm.

Nhưng ngày càng nhiều nhà sản xuất nước tương của Nhật chuyển đổi từ thùng gỗ sang thùng thép, một vấn đề lớn nảy sinh: đó là quốc gia này đang dần hết thùng gỗ kioke, và hầu như không ai còn biết cách làm loại thùng này.

Trong bảy năm qua, Yamamoto đã học ngành thủ công cổ xưa này và dạy lại cho nhiều người khác nhằm cố gắng đảm bảo ngành này có thể tồn tại.

Vấn đề ở đây còn lớn hơn cả chuyện nước tương. Mãi đến một thế kỷ trước, năm loại nguyên liệu lên men của Nhật Bản (nước tương, miso, giấm, rượu mirin và rượu sake) đều được làm trong thùng gỗ kioke.

Ngày nay, chỉ có 3.000 thùng kioke được sử dụng để làm nước tương ở Nhật, và số thùng được dùng để lên men các nguyên liệu chủ yếu của quốc gia này còn ít hơn nhiều so với con số đó.

Khi những thùng lên men tự nhiên bị thay thế bằng thùng thép, bạn sẽ mất đi hương vị nguyên bản của ẩm thực truyền thống Nhật Bản. Và nếu chúng biến mất hoàn toàn, thì một phần linh hồn của văn hóa và ẩm thực Nhật cũng biến mất.

"Thức chấm để nêm nếm giờ đây hầu hết được sản xuất hàng loạt. Rất hiếm có sản phẩm thật nào còn lại," Yamamoto nói. "Khi khả năng sản xuất thùng gỗ kioke biến mất… thì những thành tố chính cũng sẽ biến mất theo. Tôi cần phải bảo tồn thứ thật sự và truyền cho thế hệ con cháu của mình. Đó là sứ mệnh của chúng tôi."


"Với chúng tôi, xì dầu là một phần của cuộc sống - đó là món nước chấm cực kỳ quan trọng trong đời sống thường nhật của chúng tôi. Nếu thiếu nó thì nước tương Washoku sẽ không thể đạt được vị ngon tinh tế," Yasuyaki Mawatari, chủ nhà hàng và quán trọ Ryokan Mari ở Đảo Shodoshima nói.


Nguyên liệu 750 tuổi

Xì dầu là môt trong những gia vị cổ xưa nhất trên thế giới. Thức chấm này bắt nguồn từ Trung Quốc khoảng 2.200 năm trước và được cho là đã được một nhà sư Phật Giáo đem đến Nhật Bản vào giữa thế kỷ 13.

Khác với nước tương jiang của Trung Quốc chủ yếu được lên men trong hũ đất nung, nước tương shoyu của Nhật Bản có truyền thống được làm từ thùng gỗ, khiến thức chấm này có vị thơm ngon và dịu hơn. Là thức chấm rẻ tiền và ăn với món nào cũng được, shoyu nhanh chóng trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong bếp nhà người Nhật - và vai trò của gia vị này trong việc định hình nền ẩm thực quốc gia là cực kỳ to lớn.

"Có rất nhiều món ăn Nhật Bản có lẽ đã không tồn tại đến ngày nay nếu không có nước tương; chẳng hạn như món sushi, sukiyaki (món lẩu với thịt và rau) và món tempura," đầu bếp nổi tiếng và chủ nhà hàng Masaharu Morimoto nói. "Đó là nguyên liệu thiết yếu."

Theo Yamamoto, vì nước tương có thể được sử dụng để chan lên thức ăn hoặc làm tăng hương vị tự nhiên của thực phẩm, hầu hết các món ăn theo vùng của Nhật Bản có nguồn gốc từ cách phát triển nước tương và vi khuẩn ở Nhật Bản, từ món nước tương đậm và đặc truyền thống của Tokyo đến món lươn biển mặn unagi và món cơm nắm mặn yaki onigiri.

Món mì udon sanuki của Kagawa cũng hài hòa với nước tương Shodoshima béo ngậy trong nước dùng dashi. Ở Kyoto và Osaka, nơi nước tương loãng và nhẹ hơn, người ta tập trung vào rau và cá hơn. Ở miền Nam Nhật Bản, nước tương có vị ngọt hơn, tương tự như món ăn khác của địa phương.


Những hạt đậu nhỏ


Shodoshima (có nghĩa là "hòn đảo hạt đậu nhỏ") là trung tâm sản xuất đậu nành trong hơn 400 năm qua. Hồi đầu thập niên 1900, có khoảng 400 công ty sản xuất tương đậu nành tại đây. Ngày nay, nơi này còn 21 công ty và theo Hiệp hội Nước tương Shodoshima, có hơn 1.000 trong 3.000 thùng kioke vẫn đang được sử dụng làm nước tương tại Nhật đang có mặt trên hòn đảo 30.000 dân này.

Gia đình Yamamoto chưa bao giờ đi ăn nhà hàng, và mãi đến khi ông rời đảo Shodoshima lần đầu sau khi học trung học ông mới lần đầu nếm loại nước tương không ủ bốn năm như loại từ xưởng của cha. "Tôi nghĩ, 'thứ nước tương mặn chát này là quái gì vậy?'" ông kể lại.

Khi ông tốt nghiệp, cha Yamamoto nói với ông rằng sau bốn thế hệ, ông không thể thừa kế doanh nghiệp gia đình nữa. Thời thế đã thay đổi, thị trường đã chuyển biến và không còn tiền nữa.

Chán nản, Yamamoto tìm việc bán nước tương ở Osaka và Nhật Bản. "Khi tôi đến siêu thị, tôi thấy hàng dãy nước tương làm từ hương vị nhân tạo," ông kể. "Tôi nghĩ, 'Tôi không muốn bán thứ này chút nào'. Vì vậy tôi nghỉ việc và trở về nhà." Hai năm sau đó, cha Yamamoto bất ngờ ngã bệnh, bỏ lại tương lai doanh nghiệp gia đình vào tay Yamamoto.


Quy trình kiên trì

Thay vì chuyển đổi qua thùng thép trong thời thúc đẩy phát triển công nghiệp sau chiến tranh ở Nhật, cha của Yamamoto đã sử dụng một số thùng gỗ kioke của ông để sản xuất loại nước tương rẻ tiền có vị mặn mà chính phủ đã ủy thác, bên cạnh loại nước tương truyền thống của ông.

Việc đầu tiên Yamamoto làm khi bắt đầu quản lý doanh nghiệp vào năm 2003 là đổ bỏ những loại nước tương mới và tăng gấp đôi loại nước tương theo công thức cổ xưa của gia đình, phải ủ bốn năm.

Ông bắt đầu bằng cách xếp đậu nành hấp và lúa mì rang vào những thùng kioke mới hơn cùng với nước và muối biển. Hỗn hợp này được gọi là moromi có tuổi đời 24 tháng khi các vi sinh vật trong thùng gỗ, vi khuẩn trong nhà kho và các loại enzyme trong moromi cùng hoạt động như những nguyên tố lên men bí mật.

Vào mùa xuân, nhà kho thẫm đẫm hương vị cam quýt trái cây. Đến mùa hè, men khiến đậu nổi bọt dữ dội. Và khi mùa thu và mùa đông đến, những bào tử nấm đầy trong không khí tạo mùi hương say như rượu.

Sau hai năm, Yamamoto trút bỏ đậu đã nhừ khỏi những thùng gỗ kioke và sử dụng cách ép cổ xưa để chiết xuất ra từng giọt hương vị. Thức chấm nhỏ giọt ra chính là vị umami nguyên chất.

Nhưng thay vì đem đóng chai ngay, ông Yamamoto rót loại nước tương nồng nàn này vào thùng gỗ kioke cũ hơn để lên men và tăng cường hương vị thêm hai năm nữa. Không thùng gỗ nào có vị giống nhau. Tính đến khi Yamamoto cuối cùng đem nước tương ra đóng chai thì trong cùng thời gian đó các thương hiệu lớn khác đã ủ xong được 16 lượt nước tương sản xuất đại trà bằng thùng thép.


"Tôi không làm ra nước tương, mà là vi khuẩn. Tôi chỉ trợ giúp. Công việc của tôi là duy trì hệ sinh thái này," Yamamoto nói.


Điều kỳ diệu từ vi sinh vật

Yamamoto có lẽ là người làm nước tương duy nhất trong công ty của ông, nhưng ông không làm việc một mình. Cách ông nhìn nhận công việc này là, vai trò của ông là chăm sóc hàng triệu vi sinh vật chăm chỉ làm việc.

Vì vậy, hai lần mỗi ngày, ông trèo lên căn gác và rón rén đi qua những tấm ván hẹp để ngửi nước tương moromi, trộn hỗn hợp đậu khi nó đang hoạt động và "trò chuyện với những vi khuẩn từ sâu kín tâm hồn tôi". Và theo ông Yamamoto, vi khuẩn đáp lại ông bằng cách sủi bọt ồn ào hơn.

"Tôi nghĩ điều đó cho thấy chúng hạnh phúc," ông nói. "[Khi] vi khuẩn hạnh phúc và chăm chỉ làm việc, chúng tạo ra nước tương ngon tuyệt vời."

Yamamoto trò chuyện với nước tương của ông như thể đó là người thân yêu, và theo nhiều cách, đó là quá khứ và tương lai của gia đình.

Cùng với việc truyền lại kiến thức về cách làm nước tương, điều quan trọng nhất mà tổ tiên nhà Yamamoto làm được là truyền lại những vi khuẩn thực sự cần thiết để ủ được nước tương. Nhà kho có tuổi đời hàng thế kỷ của gia đình Yamamoto đã được xây dựng với những xà gồ phủ đầy vi khuẩn tồn tại cùng gia đình ông đến nay đã được 300 năm.

Nhà kho này, cùng với thùng gỗ 150 tuổi của gia đình, là cách nhà Yamamoto tạo dựng và duy trì hai dòng nước tương đặc trưng của họ qua nhiều thế hệ: nước tương Tsuru cực kỳ đặc, béo ngậy và thơm nức, và nước tương Kikuza nhẹ nhàng và tinh tế hơn.


Người chăm sóc thùng gỗ kioke

Ngày nay có hơn 1.400 công ty sản xuất nước tương ở Nhật Bản, và Yamaroku là một trong những công ty cuối cùng sử dụng thùng gỗ kioke.

Dù sự khác biệt này đã giúp Yamamoto hồi sinh doanh nghiệp của gia đình trong thời đại thân thiện với cách ủ nước tương thủ công hơn, nhưng điều đó cũng có nghĩa hệ sinh thái mỏng manh của gia đình này đang gặp phải tương lai bất định.

Vì thùng gỗ kioke chỉ có thể tồn tại khoảng 150 năm tuổi, tổ tiên của ông Yamamoto chưa bao giờ phải đóng thùng gỗ. Nay thì rất nhiều thùng gỗ đang mấp mé giai đoạn không thể dùng được nữa.

Trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, hàng trăm công ty khắp Nhật Bản từng đóng thùng gỗ để làm nước tương, rượu sake, rượu mirin và các loại thức chấm khác. Ngày nay chỉ còn có một công ty, đó là Fujii Seiokesho.

Khi Yamamoto liên hệ với họ vào năm 2009, ông nhận ra họ đã không hề nhận được đơn hàng làm thùng gỗ kioke nào mới trong 70 năm qua, và đã dành bảy thập niên đó để sửa chữa những thùng gỗ đang cũ dần và vẫn đang sử dụng ở Nhật Bản.

Hơn thế nữa, ông biết được người thợ đóng thùng trẻ nhất trong công ty chỉ có ba người này giờ đây đã 68 tuổi, không có người nối nghiệp và sẽ nghỉ hưu vào năm 2020. Vì vậy, dù Yamamoto có thể mua thùng gỗ của ông nhưng rồi sẽ chẳng còn ai biết sửa thùng nữa.

Nhận thức được tương lai của công ty mình và tất cả những món ẩm thực lên men truyền thống Nhật Bản phụ thuộc vào sự tiếp nối của ngành thủ công này, Yamamoto và hai thợ mộc đã đến xưởng của công ty Fujii Seiokesho, nằm ở ngoại thành Osaka năm 2012 để tự tay học nghề thủ công cổ truyền này. Sau ba ngày được hướng dẫn và một năm thực hành, họ đã làm ra chiếc thùng gỗ đầu tiên vào năm 2013.


Kho báu ẩn giấu

Để làm ra loại thùng gỗ khổng lồ 4.000 lít này cần có nỗ lực của cả nhóm thợ làm việc. Hơn 40 tấm ván từ cây tuyết vùng Yoshino 100 năm tuổi được xếp thành vòng tròn theo chiều dọc để tạo thành một hình trụ.

Để cố định những tấm ván chặt vào đúng chỗ, thợ của xưởng Fujii Seiokesho đã chỉ dẫn Yamamoto không được sử dụng keo, mà là dùng tre. Sau khi trò chuyện với một người hàng xóm, Yamamoto biết được rằng ông nội của ông đã trồng một bụi tre nhiều thập niên trước cho đúng mục đích này, vì ông biết đến lúc sẽ có người thân trong gia đình cần phải làm thêm thùng gỗ.

Với mỗi thùng gỗ, Yamamoto tìm cây tre đúng kích cỡ, chặt và vót tre thành những sợi đàn hồi để ông có thể từ từ tết chúng thành những vành đai tre. Những vành đai hình trụ này sau đó sẽ được đưa lên đỉnh thùng gỗ và cẩn thận dùng búa đóng vào đúng vị trí để trám kín, tránh để chất lỏng rỉ ra ngoài.

Từ năm 2013, Yamamoto và đồng nghiệp của ông đã làm được 23 thùng gỗ, nhưng ông không giữ tất cả những thùng đó.

Vì người ta nghe đồn về sứ mệnh khôi phục nghề làm thùng gỗ của ông, Yamamoto bắt đầu nhận được đơn đặt hàng từ những hàng sản xuất thực phẩm lên men trên khắp cả nước. "Khi ba người [tại xưởng Fujii Seiokesho] nghỉ hưu, họ sẽ không làm thùng gỗ nữa, có nghĩa là tôi sẽ là người duy nhất còn lại có thể làm," ông nói.


Chia sẻ bí mật

Yamamoto biết rằng nếu ông không tìm được người kế nghiệp vững vàng, kỹ thuật đằng sau công thức bí mật làm nước tương đậu nành cũng sẽ chết theo ông. Vì vậy mỗi tháng Giêng hàng năm, Yamamoto tổ chức xưởng học cách làm thùng gỗ kioke kéo dài 10 ngày tại nhà của gia đình và nhà ủ nước tương.

Ở đó, ông dạy những đồng nghiệp làm nghề thủ công những kỹ năng cần thiết để đóng thùng gỗ kioke. Từ năm 2014, hơn 100 nhà ủ nước tương, thợ mộc và những người làm thực phẩm lên men từ khắp Nhật Bản đã tham dự, và ngày càng có nhiều học trò tham dự mỗi năm.

Thông thường, nhóm tham dự sẽ cùng nhau làm chín thùng gỗ trong mỗi xưởng tập huấn, và dù Yamamoto giữ lại một số thùng kioke này, nhưng ông cho lại hầu hết các thùng cho các công ty khác.

Theo cách ông nhìn nhận, thì cách duy nhất để nước tương thật có thể tồn tại là làm thêm nhiều thùng kioke, giúp thế giới làm quen lại với vị thật của nước tương và qua đó làm gia tăng nhu cầu. Để làm việc này, ông đề xuất một mục tiêu tham vọng với những nhà ủ nước tương khác: đó là tăng thị phần tại Nhật từ 1% lên 2% - một bước nhảy vọt đòi hỏi phải sản xuất thêm 3.000 thùng gỗ nữa.

"Yamamoto là người đáng được kính trọng trong số những nhà sản xuất nước tương tại Nhật," Takahiro Hiramatsu, một nhà ủ nước tương mới nổi tại Shodoshima nói. "Ông ấy là anh hùng của nước tương."


Thức chấm hoàng gia

Tại một trong những xưởng tập huấn Tháng Giêng vài năm trước, Yamamoto nhớ có một người đàn ông đến tham dự là nhân viên của công ty Kikkoman - nhà sản xuất nước tương lớn nhất thế giới. Quý ông này đặc biệt hào hứng học kỹ năng cơ bản sửa thùng gỗ kioke, và cho biết ông không đến học theo yêu cầu của công ty.

Sau này, người đó chia sẻ rằng những gì ông học từ xưởng của Yamamoto cùng với đồng sự tại xưởng của công ty ở Noda, nơi công ty vẫn duy trì nhiều thùng gỗ cũ là để cung cấp nước tương đậu nành nguyên bản cho Thiên Hoàng và gia đình hoàng gia.

Sau đó, thêm một số nhân viên của xưởng Noda thuộc công ty Kikoman cũng hứng thú học cách sửa thùng gỗ kioke, và ông Yamamoto tử tế mời họ đến tham dự xưởng học làm thùng gỗ trong đợt giảng tiếp theo. Từ đó, nhân viên của công ty Kikoman đã mời ông Yamamoto đến xưởng Noda nhiều lần để tham vấn cho họ cách bảo trì thùng gỗ cho thức chấm quý hiếm hoàng gia của họ.


Thế hệ tương lai

Đến ngày nay, không có ai ngoài 100 thợ thủ công đã tham dự xưởng tập huấn của Yamamoto có thể thành thục kỹ năng làm thùng gỗ kioke.

Giống như kỹ thuật ủ nước tương truyền thống, đó là quá trình chậm chạp và tốn công. Đó là điều khiến rất nhiều nhà ủ nước tương khác bỏ cuộc từ lâu. Và dù Yamamoto sẽ có vẻ như không bao giờ sản xuất đủ số thùng gỗ kioke để cứu nước tương truyền thống và ẩm thực Washoku trong đời ông, nhưng có ba lý do chính khiến ông vẫn dấn thân vào việc này.

Với mỗi thùng gỗ mới kioke mà Yamamoto làm, ông viết tên ông và tên của ba đứa con nhỏ của ông trong một thanh gỗ đặt bên trong của gỗ tuyết tùng trước khi hàn chặt thùng lại.

Đến lượt các con ông, chúng sẽ để lại dấu tích bên trong mỗi thùng gỗ. Con gái của Yamamoto đã bắt đầu chạy vào nhà kho của gia đình hỏi xin nếm nước tương của cha. Con trai lớn nhất, người mà Yamamoto hy vọng ngày nào đó sẽ nối nghiệp nghề thủ công của gia đình, giờ đây rất hào hứng dẫn ông đến bụi tre của ông cố để tìm cây tre.

Đến lúc mà chiếc thùng gỗ mới nhất Yamamoto đóng hoàn toàn phủ đầy những vi khuẩn hàng thế kỷ của gia đình, có lẽ ông không còn nữa. Đến lúc người ta cuối cùng cũng gỡ thùng gỗ ra và để lộ những tên thành viên trong gia đình được viết bên trong, thì có lẽ con và cháu của ông cũng đã không còn nữa.

Nhưng Yamamoto hy vọng rằng bất cứ ai khám phá ra về họ trong tương lai sẽ nhận ra điều mà ông học được từ lâu: "Lý do duy nhất khiến tôi có thể ăn nước tương đậu nành ngày nay đó là vì có ai đó mà tôi không hề biết đã làm ra thức chấm đó hàng trăm năm trước."

Eliot Stein & Mari Shibata
BBC Travel
Link tham khảo:


CHUNG CƯ KIM TỰ THÁP Ở GIANG TÔ

Chung cư kim tự tháp rất nổi tiếng ở thành phố Côn Sơn, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), với kiến trúc độc đáo khiến ai cũng muốn một lần tận mắt chiêm ngưỡng.


Với cách bố trí tầng lầu tạo hiệu ứng 3D hình khối vô cùng ấn tượng. Nếu có dịp đến Giang Tô, chắc chắn bạn không muốn bỏ qua cơ hội đến tham quan những căn nhà ở chung cư kim tự tháp này. Với độ cao 100m, gồm cả 2 toà nhà nằm riêng biệt với 12 tầng xếp chồng lên nhau. Ngay từ khi được hoàn thành vào năm 2013, kiến trúc này đã nhanh chóng thu hút nhiều sự chú ý.


Theo đơn vị thiết kế, hình thù độc lạ của toà nhà này lấy cảm hứng từ những thửa ruộng bậc thang và một phần từ môn nhảy vượt địa hình Parkour. Khoảng cách giữa những tầng đều được tính toán kĩ lưỡng để đảm bảo độ chắc chắn, cũng như tính thẩm mỹ dù nhìn ở bất kì góc độ nào.


Tất cả 12 tầng chung cư kim tự tháp xếp chồng lên nhau với dốc 45 độ. Chính điểm đặc trưng này mà dù đi từ xa, bạn cũng dễ dàng nhìn thấy. Nhiều người đến đây vì hiếu kì, một số khác lại xem toà chung cư như một địa điểm “sống ảo” để tạo ra những bức ảnh siêu thực. Hình khối đẹp mắt cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn.


Nói về cảm nhận khi được sống trong toà chung cư kim tự tháp này, một người dân chia sẻ: “Vì mỗi căn hộ được thiết kế có sân thượng rộng rãi nên tôi cực kì thích. Những vị khách ghé thăm nhà cũng hay chọn ngồi ngoài ban công hoặc sân thượng. Lý do là vì nó tạo được một cảm giác thư giãn, dễ chịu”.


Tuy cũng có nhiều ý kiến trái chiều khi cho rằng chung cư kim tự tháp không phải là kiểu kiến trúc tối ưu không gian, nhưng hầu hết đều xem đây là một điểm nhấn ở vùng Côn Sơn. Sự xuất hiện của toà nhà cũng tốn nhiều giấy mực của các nhà báo trên thế giới. Rất nhiều người đã ngay lập tức thêm Tô Châu vào list địa điểm nhất định phải ghé qua khi du lịch đến Trung Quốc.

Theo: Ivivu
Link tham khảo:


THUẬT XĂM MÌNH BẰNG SỮA MẸ CỦA PHỤ NỮ THỔ NHĨ KỲ

Deq là một thuật xăm cổ của người Kurd với mực xăm chế từ sữa người phụ nữ mới sinh bé gái và bồ hóng hoặc tro.


Tới miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, ở những ngôi làng hẻo lánh thuộc các tỉnh Mardin, Şanlıurfa và Diyarbakır ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các vùng lân cận có người Kurd sinh sống, bạn sẽ thấy nghệ thuật tô điểm khuôn mặt và cơ thể bằng các hình xăm rất được ưa chuộng.

Ý nghĩa hình xăm

Ayse Yusufoglu, 84 tuổi, chia sẻ về hình xăm trên mặt và tay bà tại nhà ở làng Alukus, gần Kiziltepe, một thị trấn thuộc tỉnh Mardin, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Ảnh: REUTERS/Umit Bektas.

Những phụ nữ lớn tuổi đều có hình xăm trên cằm, tay, lỗ mũi, trán, cổ, mắt cá chân và cả ở bầu ngực. Một số hình xăm có dạng hình học, số khác giống với hình ngôi sao, các loài chim, mặt trời hoặc mặt trăng. Chúng thể hiện chính thuật xăm cổ của người Kurd được gọi là deq theo tiếng địa phương. Mặc dù thuật xăm này ngày càng bị mai một, deq từng là một cách làm đẹp cho khuôn mặt phụ nữ nơi đây. Mỗi biểu tượng có một ý nghĩa riêng, bắt nguồn từ sự thỏa mãn, hy vọng, nỗi đau hoặc nỗi sợ từ chính cơ thể con người.

Theo truyền thống, các hình xăm được tạo nên nhờ hỗn hợp sữa của người phụ nữ mới sinh con gái trộn với bồ hóng hoặc tro. Lý do dùng sữa của mẹ bé gái là từ niềm tin sữa mẹ có thể làm hình xăm không bao giờ biến mất. Đôi khi, hỗn hợp mực xăm có thể chế thêm từ túi mật một con vật. Bước đầu tiên, một bà cụ vẽ hình trước lên da và tạo những chấm nhỏ bằng một chiếc kim khâu. Deq là một quá trình xăm rất đau đớn với phụ nữ, nhưng hình xăm sau khi hoàn thành sẽ còn mãi.

Cách chế mực xăm hình khi dùng thuật xăm deq. Ảnh: dailysabah.

Các biểu tượng khi xăm deq có nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng hầu hết đều thể hiện mong muốn bảo vệ phụ nữ khỏi các thế lực hắc ám. Chúng được cho là mang tới sức khỏe dồi dào, chữa trị được bệnh tật và liên quan tới khả năng sinh con cũng như kết nối với cộng đồng.

Xăm hình một mắt được tin là có thể làm chệch hướng những đôi mắt ác quỷ, trong khi hình con linh dương sẽ đem tới may mắn cho người xăm. Hình mặt trời hoặc mặt trăng có nghĩa là mang tới cuộc sống dồi dào sức khỏe, hình động vật nhiều chân như rết thì có thể giúp việc quản lý gia đình tốt hơn. Với mong muốn về vẻ đẹp, người Kurd sẽ xăm hình mặt trăng hoặc một ngôi sao. Biểu tượng chữ V có nghĩa là ký hiệu nhận dạng của bộ tộc. Các hình học hoặc hình động vật thường thể hiện ước vọng về sinh sản.


Sự mai một theo thời gian

Deq là một “phụ kiện” mà phụ nữ cao tuổi ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ rất tự hào khoe với mọi người. Năm 2016, nhiếp ảnh gia Mỹ Jodi Hilton đã tới Syria và sau đó chuyển tới một trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đó cô đã chụp được nhiều ảnh tư liệu về những phụ nữ cuối cùng còn sử dụng thuật xăm deq. Jodi chia sẻ trên web cá nhân: “Một số biểu tượng xuất phát từ Yezidi giáo – tôn giáo cổ của người Kurd, gồm mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, con công, đều thấy trên các hình xăm”.

Khoảng giữa thập niên 1960 tại các vùng dân Kurd sống ở miền bắc Syria, nhiều phụ nữ tránh xăm deq, bởi nó không chỉ thể hiện sự bất kính mà còn vì lỗi thời. Ngày nay, dấu vết truyền thống có thể thấy ở những chấm nhỏ đơn giản trên trán, mũi, hoặc cằm của phụ nữ. Những người xăm mình ở Kobani (thành phố thuộc Syria nằm giáp biên giới nam Thổ Nhĩ Kỳ) chính là những tạo tác sống cho mọi người trong quá khứ.


Jodi trả lời phỏng vấn với National Geographic: “Tôi đã thấy chúng ở Thổ Nhĩ Kỳ ở cả người Arab lẫn người Kurd, đặc biệt là tỉnh Urfa, nhưng các hình xăm còn xuất hiện ở Kobani thì tôi nhận ra truyền thống này từng phát triển vượt biên giới tới Syria. Ở cả hai phía biên giới, con người kết nối bằng ngôn ngữ, bộ tộc, danh tính dân tộc, vì thế mà có thể họ cũng có chung nhiều nét văn hóa khác”.

Safi Haso, 70 tuổi, người làng Girik ở Kobani, kể cho Jodi: “Chúng tôi có thể là những người cuối cùng còn có hình xăm deq”. Amina Saleh, 60 tuổi sống ở trại tị nạn Suruç, tỉnh Sanliurfa, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có các hình xăm trên mặt từ khi mới 10 tuổi. Ngày nay, hình xăm deq chỉ còn thấy ở những phụ nữ trên 60 tuổi, các cô gái trẻ hơn thì có thể tạo hình xăm tạm thời trên mặt cho các dịp đặc biệt như cưới xin. Một số đàn ông có xăm deq thì chủ yếu trên cánh tay hoặc bàn tay.

Cuối tháng 11 vừa rồi, Umit Bektas, phóng viên của Reuters đã tới các tỉnh miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và thực hiện bộ ảnh về những cụ bà xăm deq.

Hulu Aydogdu, 87 tuổi, người làng Kisas, chia sẻ với Reuters, theo truyền thống họ lấy bồ hóng ở đáy xoong nồi nấu bằng củi và trộn với sữa của phụ nữ mới sinh bé gái để làm mực xăm. Ảnh: REUTERS/Umit Bektas.

Theo: Hương Chi/Vnexpress
Link tham khảo: