Một trong những phong tục đẹp của người Trung Quốc trong ngày tết là treo câu đối đỏ. Đối với đất nước có nền văn hóa phong phú và đặc sắc này, cá trở thành một biểu tượng thường xuất hiện trong các câu đối, thể hiện ước nguyện năm mới đủ đầy.
Vì sao người Trung Quốc thích cá đến như vậy? Cá (鱼) và “dư”(余)có cùng phiên âm đọc là “yú”, cho nên năm mới ăn cá để mong cả năm được dư thừa, đồng thời thể hiện ước nguyện có một năm mới tốt đẹp.
Cá (鱼) với cách phát âm giống với chữ 余 không chỉ thể hiện sự dư dả mà còn tượng trưng cho việc diệt tà trừ yêu. Vào thời nhà Hán cổ đại, những con cá được vẽ trên cửa đóng vai trò quan trọng trong việc diệt trừ ma quỷ. Vào thời Đường, các hình vẽ, hoa văn liên quan đến cá thường xuất hiện ở tay năm cửa, cổng chính, cửa tủ, cửa rương… để xua đuổi ma quỷ.
Những quan niệm truyền thống về diệt trừ ma quỷ dần bị lãng quên nhưng vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn đến tập tục ăn cá vào năm mới của người Trung Quốc. Một số nơi vẫn tồn tại quan niệm khá mê tín, món ăn từ cá thường không thể ăn hết sạch sẽ trên đĩa, qua đó thể hiện cách nghĩ về một năm mới luôn dư thừa.
Tập tục ăn cá trong năm mới ở nhiều khu vục phía nam sông Trường Giang dường như có một quy tắc ngầm, cá luôn là món ăn cuối cùng trong bữa tiệc. Họ quan niệm, con cá là loài vật mà chúng ta không thể ăn hết tất cả các bộ phận, nó trở thành một vật thiêng biểu tượng cho sự dư dả, đủ đầy.
Có nơi, ăn cá trong bữa cơm tất niên phải giữ lại đầu và đuôi cá đến năm sau, nhằm thể iện mong ước một năm mới “có đầu có đuôi”, thuận buồm xuôi gió.
Đồng thời, khi dọn món cá lên mâm, đầu cá nên đối diện với khách quý hoặc những người bậc trên, thể hiện sự tôn trọng.
Nếu khách là người văn nhân trí thức, phải để bụng cá hướng về phía vị khách (vì trong bụng cá thường có màu như mực và luôn căng đầy) ý chỉ khen văn nhân kia là người có học vấn, nhiều chữ nghĩa.
Nếu khách là một vị tướng, phần gáy gắn với xương sống của cá sẽ đặt nằm đối diện với vị khách này, nhằm khen ngợi vị khách tính cách vừa hào sảng phóng khoáng vừa chắc chắn vững chãi.
Ngoài ra, khi đã đặt cá xuống mâm, đầu cá, đuôi cá một khi đã đặt đối diện với ai thì không nên đặt lại hướng khác. Người đối diện với đầu cá được ví như người “cắt băng khánh thành” còn người đối diện với đuôi cá giống như “nhà tài trợ”. Bữa cơm sẽ bắt đầu bằng việc hai vị này nâng cốc, sau đó vị ngồi phía đầu cá sẽ là người đầu tiên ăn cá. Sau đó, mọi người mới đụng đũa, không khí sau đó sôi nổi hơn với những lời chúc năm mới.
Ngoài cách thưởng thức món cá, chọn loại cá nào để ăn cũng là một nét đẹp truyền thống của người Trung Quốc.
Thông thường họ sẽ chọn cá chép. Bởi đây là loài cá “hóa rồng” thể hiện rõ nhất không khí lễ tết và ước nguyện dư thừa trong năm mới. Cá chép(鲤)trong tiếng trung phát âm giống chữ lễ (礼) cũng thể hiện mong muốn gia đình luôn giữ được phép tắc, lễ nghĩa.
Ngoài ra, cá giếc, cá trê, cá hồi cũng là những loại cá thường được chế biến trong mâm cơm ngày tết. Bởi cách phát âm những loài cá này trong tiếng trung cũng có sự tương đồng với ước nguyện phú quý, cát tường trong năm mới.
Vũ Hoài / Theo: PNO
Video: Cách làm món "Tùng Thử Quyết Ngư" (松鼠鳜鱼)