Bánh có màu đỏ của chao và vị béo của mè - Ảnh: Bảo Khôi
Chị bán hàng mỉm cười: “Dạ, bánh chao. Bánh mới chứ không phải là bánh trung thu cũ chiên lại đâu”. Bạn cười, vui mua luôn mấy bịch rồi cả đám... đàn ông tuổi 40 xúm xít xin chủ quán ly trà nóng, ngồi rả rôm chuyện ngày xưa.
Ngày xưa của bạn là đi học về, thay áo ra phụ mẹ buôn bán. Nhà đông anh em, bạn ở giữa nên luôn ở thế trên phải nhịn (kẻo bị anh chị lớn đánh đòn), dưới phải nhường (em út còn nhỏ hai ba đứa).
Ba của bạn từ xe lam tuột dần xuống ba gác vì đàn con đông quá. Chiều chiều ông hay nhậu, cũng chỉ là xị đế chứ làm gì có chai bia. Bạn hay len lén ra coi ba nhậu xong để còn đóng cửa, dọn dẹp.
Bữa đó, trên cái đĩa còn sót cái bánh. Bạn len lén bẻ ra ăn một miếng, ôi chao là béo, là ngon. Xách vào cho mẹ, mẹ bạn nói đó là bánh chao. Loại bánh sau trung thu hay có, ưa bán trong mấy tiệm tạp hóa người Hoa.
Rồi bà kể sau trung thu là tới mùa bánh chao, do các loại bánh nhân thập cẩm bán ế các lò thu lại, đem tán nhuyễn rồi chiên vàng, đập dẹp cho vô bịch, bỏ mối mấy tiệm tạp hóa gọi là bánh chao.
Bánh chao có mè, có dầu, có vị beo béo của mỡ nên mấy ông nhà nghèo hay nhậu thích vì ngon và rẻ. Cũng như mua về làm quà như đền bù cho các con sau mùa bánh trung thu (cái bánh mùa tết trung thu ngon và mắc, không phải trẻ con nào cũng được ăn).
Bạn nói còn được ăn bánh chao nhiều lần nữa. Đó là nhờ mẹ. Mẹ đi bán, dành dụm. Canh sát ngày trung thu đến lò mua bánh vụn, bánh bể về ngồi tỉ mẩn trộn lại, nướng lại để các con nguyên bầy đứa nào cũng có cái bánh chao to cỡ bàn tay, nóng hổi, thơm phức. Vừa cắn ăn vừa nhâm nhi...
Vậy mà lớn lên, đi làm, lo cuộc sống riết rồi quên mất cái vị bánh chao ngày xưa.
Nhân bánh chao cũng giống như nhân thập cẩm của bánh trung thu - Ảnh: Bảo Khôi.
Còn bây giờ với một số lò bánh tại gia, bánh chao không chỉ là một hồi ức tuổi thơ của một thời đi qua khốn khó, mùa bánh trung thu qua là tới mùa con nít nhà nghèo được ăn bánh chao cho đỡ thèm là có thể nâng cấp thành một món bánh “đóng lò” cho những ngày mưa.
Khi những chiếc khuôn bánh trung thu đã rửa sạch, gói lại cho vào tủ cất. Chai nước đường cần “thanh lý” để chủ bếp có chỗ nấu món nước đường mới và mứt bí, mè rang, còn lại của món nhưn bánh trung thu thập cẩm...
Bịch bột khui dở và với một hũ chao. Loại bánh này chỉ dành riêng cho cả nhà ăn sau mùa trung thu. Thậm chí bỏ vào lọ keo thủy tinh. Vặn nắp chặt, thèm thì lại lấy ra nhâm nhi chứ khó thấy bày bán ngoài tiệm.
Tôi hí hửng xách một bịch bánh về nhà. Bếp trưởng má tôi, một phụ nữ ngoài 70, giải thích gọi là bánh chao vì ngày xưa cái bánh được nướng từ bộ khuôn chao tám cánh. Nhưng cái khuôn đó giờ ít thấy lắm.
Còn bây giờ vì trong thành phần của bánh có món chao đỏ nên chắc gọi luôn là bánh chao. Cũng có thể xưa người ta tiết kiệm làm bánh chao bằng bánh trung thu thập cẩm giã ra nướng lại. Chứ bà ngoại với má ưng làm bánh chao vì dễ làm hơn bánh trung thu, ăn ít ngán hơn.
Trời mưa ăn bánh chao với trà nóng thì ông cố, ông ngoại, các cậu rất khoái. Còn cách làm tương tự như bánh trung thu, như bột mì, nước đường, lòng đỏ trứng, mứt bí, mỡ heo, mè rang, dầu mè... Riêng chao đỏ sẽ cho ra màu bánh đẹp.
Chị bán bánh dạo với xe bán các loại bánh bình dân, trong đó có bánh chao - Ảnh: Bảo Khôi.
Bánh nhà làm thì có vỏ bọc nhân rồi đem vô lò nướng. Còn bánh ngoài chợ thì tán dẹt đem nướng, mà ở chợ làm chắc chỉ có chao, mỡ và mè.
Rồi má cười, mắt chân chim lấp lánh: “Con với đám nhỏ thích ăn không. Mai chở má đi mua nguyên liệu rồi má làm cho. Bánh nhà làm cứng giòn, chứ không cứng ngắt, khô queo như cái bịch bánh con mang về đâu”.
Thành phố đang mưa, có lẽ sẽ không có gì tuyệt bằng một cuối tuần cả nhà kéo nhau xuống bếp, làm phụ cho bếp trưởng má. Sau đó là cùng ngồi ăn bánh với trà nóng nhâm nhi…
Bảo Khôi / Tuổi trẻ
No comments:
Post a Comment