Tôi cho rằng dùng từ “Phật Pháp” có lẽ thích hợp hơn là “Phật giáo” bởi vì Đạo Phật không phải là một tôn giáo, trong khi đó chữ “giáo’’ trong từ “Phật giáo” dễ gây hiểu lầm rằng Đạo Phật là một tôn giáo. Phật Pháp hay những giáo pháp của Đức Phật hoàn toàn hướng về tâm linh chứ không phải tôn giáo. Bởi vậy, chúng ta cần trưởng dưỡng trí tuệ hiểu biết sâu sắc về Phật Pháp rồi nỗ lực áp dụng trong đời sống.
Khi nói rằng Đạo Phật là triết học, không có nghĩa là chúng ta chỉ ngồi đó suy nghĩ suông mà không áp dụng được gì trong cuộc sống. Người ta thường hay hiểu nhầm rằng triết học chỉ để tư duy chứ không phải để thực hành.
Đạo Phật là một triết lý sống cần phải được đưa vào thực hành trong đời sống hàng ngày. Sự thực hành ấy phải dựa trên nền tảng triết lý không chấp nhận tư tưởng cho rằng có một đấng tạo hóa đang chi phối cuộc đời bạn và có khả năng làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn hay xấu đi.
Thay vì tin có một đấng tạo hóa toàn năng, bạn nên tin vào chính bản thân và trưởng dưỡng trí tuệ bên trong chính mình. Đây là phương pháp đúng đắn để tiếp cận Phật Pháp.
Rất nhiều Phật tử cố chấp tin rằng Đạo Phật là một tôn giáo và họ thực hành như đang theo một tôn giáo. Tôi cho rằng quan niệm và cách thực hành như vậy là hoàn toàn sai lầm. Một số hành giả lâu năm tự cho mình là đại hành giả cũng bị mắc kẹt vào quan kiến Thậm chí những khái niệm này đã hằn sâu vào tâm thức họ. Quan niệm như vậy là vô cùng sai lầm. Trước hết, như tôi đã nói, hiểu Đạo Phật là một triết học tâm linh là vô cùng quan trọng. Mục đích của thực hành tâm linh hay thực hành Phật Pháp là để giải thoát chúng ta khỏi sự hiểu biết sai lệch cũng như thoát khỏi các trạng thái khổ đau thô lậu và vi tế. Bởi vậy, nếu không có sự hiểu biết tâm linh này thì việc bám chấp mạnh mẽ vào ý niệm Đạo Phật là một tôn giáo chính là nguyên nhân gây ra nhiều rắc rối. Rồi niềm tin cố chấp vào tôn giáo sẽ trở thành sự trừng phạt đối với chính bản thân bạn, mang lại cho bạn nhiều khổ đau và chướng ngại.
Chẳng hạn, mỗi khi xảy ra thiên tai lũ lụt, bệnh dịch,động đất, hay gặp phải tai ươngchẳng lành, khổ đau xảy đến, chúng ta thường quen đổ lỗi cho người khác và than rằng: “Ôi, Phật đang trừng phạt chúng ta!”. Nếu Đức Phật là người trừng phạt thì chúng ta thà không tin và không quy y nương tựa Phật. Nếu Đức Phật là người mang tới rắc rối thì Ngài chẳng từ bi chút nào.
Thật vô lý nếu Đức Phật được tôn sùng là đấng từ bi nhất trong khi ngày nay có biết bao nhiêu người đang chịu khổ đau. Nhưng sự thật là chúng ta không thể đổ lỗi cho Đức Phật. Chúng ta cần hiểu rằng đó là do ác nghiệp và sự vô tâm của chính chúng ta. Nhờ trí tuệ hiểu biết này, thay vì đổ lỗi cho người khác và hoàn cảnh bên ngoài về những bất hạnh của mình, chúng ta nỗ lực thực hành thiện hạnh, chính niệm tỉnh giác trong mọi suy nghĩ và hành động để khổ đau bất hạnh không tái diễn trong tương lai.
Đây chính là ý nghĩa của tâm linh. Nếu nói rằng Đức Phật trừng phạt chúng ta khi Ngài không hài lòng, thì đây chính là tà kiến, bởi Đức Phật không bao giờ trừng phạt ai. Ngay cả khi bạn phạm phải một sai lầm nghiêm trọng, Phật cũng không bao giờ giận dữ hay buồn phiền.
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa trong chuyến bộ hành triều bái Thánh tích Phật giáo vì môi trường Pad Yatra, năm 2011)
Trên thực tế, thiên tai xảy đến là do cộng nghiệp của chúng ta. Đó là hậu quả xấu do chúng ta đã cùng nhau tích lũy những nghiệp nhân bất thiện. Cộng nghiệp là kết quả của những hành động hay những quyết định chung do một nhóm người hoặc nhóm chúng sinh cùng tạo nên.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng tuyên thuyết nhiều lần rằng Ngài chỉ có thể trợ giúp chúng ta thông qua giáo pháp: “Ta chỉ có thể con đường đến giác ngộ. Chính các con phải tự mình bước đi trên con đường đó”. Thậm chí Ngài không thể ban cho chúng ta sự giác ngộ.
Bởi vậy, theo logic, nếu Đức Phật không thể giúp chúng ta thì làm sao Ngài có thể tổn hại chúng ta được. Đây là một bài pháp vĩ đại. Trước khi thị hiện viên tịch, Đức Phật đã dạy các đệ tử rằng: “Ta đã truyền trao giáo pháp và đó là những gì các con cần thực hành. Bây giờ, tất cả đang nằm trong tay các con, không phải trong tay Ta. Ngoài ra, Ta không thể giúp các con điều gì khác”. Cho nên, chúng ta thực sự cần thực hành giáo pháp mà Đức Phật đã hướng đạo cho. Đây là con đường chân chính để trở thành một hành giả thực hành Phật Pháp. Chúng ta cần phải có chính tín thay vì mê tín chỉ biết đổ lỗi cho người khác và hoàn cảnh bên ngoài.
(Chuyến bộ hành vì môi trường 2011 của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)
Bạn có thể rằng các bậc thần linh sẽ nổi giận nếu ta không thờ cúng họ. Chẳng hạn, nếu bạn thờ cúng một cái cây, vị thần cây sẽ giúp thỏa mãn mọi ước nguyện thế tục, còn nếu không, thần cây sẽ tức giận và trừng phạt bạn. Một số người còn áp dụng cách hiểu vô minh đó đối với Đức Phật và tin rằng nếu chúng ta không cung kính Đức Phật, Đức Phật sẽ nổi giận, Ngài sẽ khiến chúng ta gặp tai nạn và chịu nhiều khổ đau. Nếu đúng là như vậy thì quy luật nghiệp nhân quả không thể tồn tại.
Để có thể loại bỏ tà kiến này, trước hết chúng ta cần hiểu Đạo Phật như một triết lý hay một phương cách sống; kế đến, chúng ta cần phải thực hành và ứng dụng triết lý đó trong đời sống.
(Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)