Tuesday, August 30, 2022

BÁT PHONG XUY BẤT ĐỘNG (八風吹不動 TÁM GIÓ THỔI KHÔNG ĐỘNG)

“Bát phong xuy bất động” (tám gió thổi không động) là một giai thoại vui, thâm thúy và tràn đầy thiền vị về mối thâm giao giữa thi hào Tô Đông Pha (1037-1101) và Thiền sư Phật Ấn (1032-1098).


Chuyện kể rằng, một hôm Tô Đông Pha sáng tác được một bài thơ và ông rất hài lòng, bèn cho người đem tặng Thiền sư Phật Ấn lúc bấy giờ đang ở chùa Kim Sơn. Nguyên văn bài thơ của Tô Đông Pha như sau:

Khể thủ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Bát phong xuy bất động
Đoan tọa tử kim liên.

稽首天中天,
毫光照大千.
八風吹不動,
端坐紫金蓮.

Tạm dịch là :

Đảnh lễ Bậc Giác ngộ,(*)
Hào quang chiếu vũ trụ.
Tám gió thổi chẳng động,
Ngồi vững tòa sen vàng.

(*) thiên trung thiên tức là Phật, Bậc Giác ngộ

Phật Ấn xem qua bài thơ xưng tán cảnh giới giải thoát của Bậc Giác ngộ, thấy chữ nghĩa và ý tứ rất hay nhưng biết quá rõ bạn mình nhờ văn hay, chữ tốt, dùng tâm thức bén nhạy để làm thơ chứ không phải là bậc thượng sĩ thâm nhập nghĩa lý sâu xa của Phật pháp, đạt đến Thượng thừa “Tám gió thổi không động” nên thay vì khen ngợi ngài liền cầm bút phê vào hai chữ “phóng thí” (放屁 đánh rắm- hạ phong) và bảo gia nhân đem về trình lại cho Đông Pha. Quả như điều mà Phật Ấn đã dự đoán. Đông Pha sau khi xem lời nhận xét của Phật Ấn xong liền đùng đùng nổi giận, lập lức bươn bả vượt sông sang chùa Kim Sơn để bắt tội Phật Ấn.


Gặp nhau ở bến sông, Đông Pha liền lớn tiếng trách: Bài thơ của tôi sai sót ở chỗ nào mà ngài lại phê vào hai chữ “đánh rắm” kia. Thiền sư Phật Ấn liền cười xuề: Ông nói “Tám gió thổi không động” mà chỉ một cái “đánh rắm” thôi đã bay sang sông rồi. Đến đây, Đông Pha mới chợt hiểu ra mình còn vọng động.

Về bát phong hay bát thế phong, nghĩa là tám ngọn gió đời, tám pháp ở thế gian hay làm loạn động, mê hoặc lòng người.

Tám ngọn gió ấy gồm:

1-Lợi 利 (được lợi lộc),
2-Suy 衰 (mất mát, hao tổn),
3-Hủy 毀 (bị hạ thấp, làm nhục),
4-Dự 譽 (được tôn vinh),
5-Xưng 稱 (được khen ngợi),
6-Cơ 譏 (bị chê bai),
7-Khổ 苦 (khổ đau),
8-Lạc 樂 (hạnh phúc).


Con người thường giao động, thể hiện cảm xúc vui buồn rõ rệt trước những hoàn cảnh thuận nghịch của cuộc sống.

Khi được lợi (lợi) thì vui mừng hớn hở, ngược lại khi bị mất mát, tổn hại (suy) thì buồn bã, tiếc nuối.

Khi bị hạ thấp (hủy), gặp thất bại, cảm thấy rất khó chịu bất mãn còn khi thành công, được tôn vinh (dự) thì sung sướng, hài lòng.

Khi được mọi người ca ngợi, tung hô (xưng), thì hả hê, ngất ngây hạnh phúc ngược lại khi bị chế diễu, vu khống (cơ), thì hậm hực, bức xúc không yên.

Khi những điều không như ý ập đến (khổ) thì đau khổ, than vãn và ngược lại khi mọi việc đều thuận lợi như ý (lạc) thì mừng rỡ, vui vẻ.

Cuộc sống của con người chẳng mấy khi được bình an, vì luôn bị tám ngọn gió này chi phối. Do vậy, muốn thiết lập hạnh phúc và an vui trong đời sống chúng ta phải giữ vững tâm ý khi tiếp xúc, đối diện với tám ngọn gió này.

Kinh Phật dạy: “Nếu thân tâm vắng lặng an ổn thì tám gió thổi không động”. Cũng như chuyện “gió động hay phướn động”, thì ra tâm người động chứ gió và phướn chỉ là chuyện bên ngoài.

Những giao động của tâm thức như là sóng nhưng bên dưới sự ầm ào đó là yên lặng. Phải quán sát liên tục để thấy rõ bản chất của tám ngọn gió đời ấy tuy thường xuyên thổi đến nhưng thực chất chỉ là ở bên ngoài, bởi vì mình đeo bám, bị dính mắc nên mới bị chúng chi phối.


Mặt khác, bát phong vốn vô thường nên có đó rồi lại không đó. Vì thế, được hay mất, vinh hay nhục, khen hay chê, đau khổ hay vui sướng cũng đều tương đối, không có gì trường cửu. Nhờ thường xuyên quán sát với trí tuệ như thế nên khi được cũng không quá mừng, lúc mất cũng không quá buồn, được khen không kiêu, bị chê không giận v.v… thì có thể chế ngự được bát phong.

Sống vững chãi và thảnh thơi trong vô vàn biến động thuận nghịch của cuộc đời là điều có thể thực hiện được nhờ thực tập và thành tựu tuệ quán về ba sự thật Vô thường- Khổ-Vô ngã của vạn pháp.

Theo: vedepphatphap



No comments: