Mì vịt tiềm
Mỗi tô mì dùng kèm miếng vịt to thơm mùi thuốc Bắc, ăn với đu đủ bào miếng lớn dai dai. Món này phải ăn khô mới thấy ngon miệng và cũng để cảm nhận trọn vẹn sự dai của từng sợi mì vàng. Ăn kèm là chén nước lèo nấu với khoảng 5 loại thuốc Bắc cùng xương hầm.
Chợ Lớn được xem như “thủ phủ” của món mì vịt tiềm với nhiều điểm bán tập trung có từ hai đến ba hàng, chạy dọc đường Nguyễn Trãi, Huỳnh Mẫn Đạt, Trần Hưng Đạo… Giá một tô từ 50.000 đồng. Ảnh: Foody.
Phá lấu
Một nồi nước phá lấu gồm các gia vị như ngũ vị hương, quế chi, bát giác, đại hồi, tiểu hồi cùng một số vị thuốc Bắc. Còn phần thịt của heo ở bất cứ bộ phận nào cũng đều có thể dùng nấu phá lấu, bao gồm cả lưỡi, tai, ruột đến bao tử... Ở Sài Gòn, phá lấu được chế ra rất nhiều loại như ăn với bánh mì, nướng, lẩu và còn có cả món phá lấu mì gói, bánh mì kẹp phá lấu... Ở quận 5, Phá lấu Tâm Ký là tiệm nổi tiếng nhất, giá từ 280.000 đồng một kg, bánh mì phá lấu từ 20.000 đồng một ổ. Ảnh: Huỳnh Thảo.
Sủi cảo
Trong ẩm thực của người Hoa, sủi cảo là một món ăn truyền thống, gồm ba thành phần chính là sủi cảo, cải ngọt và nước dùng. Ở Chợ Lớn, món này được biến tấu cho phù hợp khẩu vị người Việt với nhiều nguyên liệu như mực, cá viên, da heo, tôm... Phần nhân sủi cảo thường làm từ tôm tươi nên khi ăn có vị ngọt thanh mà không béo. Nước dùng trong vắt, có vị ngọt tự nhiên rất vừa miệng. Ở quận 11, đường Hà Tôn Quyền được gọi là "đường sủi cảo" với nhiều quán bán món này, giá một phần là 35.000 đồng. Ảnh: Huấn Phan.
Hủ tiếu hồ
Hủ tiếu hồ có sợi hủ tiếu bản to, lá bánh mỏng mượt, ăn kèm cải chua xắt nhỏ, bao tử và lưỡi heo. Nước hủ tiếu pha ít bột năng để tạo độ hồ. Các quán bán món này nằm ở góc đường Gò Công - Gia Phú (Quận 6), đường Đình Hòa (Quận 8), giá 25.000 đồng một tô. Ảnh: Việt Đức.
Hủ tiếu sa tế
Hủ tiếu sa tế thường ăn kèm thịt bò hoặc thịt nai. Nước dùng có độ sệt, chỉ vừa xăm xắp sợi hủ tiếu, màu nâu đục và thơm lừng vị đậu phộng rang với mè. Sự tổng hòa của các loại gia vị tạo nên món nước dùng thanh dịu mà không kém phần nồng nàn, mang đủ vị cay, chua, mặn, ngọt. Nơi bán món này phổ biến là quán Quảng Ký trên đường Triệu Quang Phục Quận 5 hoặc một số xe đẩy xung quanh chợ Kim Biên. Giá mỗi tô từ 50.000 đồng. Ảnh: Lozi.
Chè người Hoa
Chè khu Chợ Lớn lấy sự ngọt thanh tao của đường phèn làm tiêu chuẩn. Những món chè đặc trưng khó kiếm ở quận khác mà du khách nên một lần nếm thử là: hột gà trà, chè đậu hũ hạnh nhân, chè bo bo trứng cút, chè bạch quả... Các tiệm chè lâu đời và nổi tiếng để tham khảo gồm Chè Hà Ký, Chè Thanh Tâm, chè Nhà Đèn…, giá dao động 20.000-50.000 đồng một ly. Ảnh: Diadiemanuong.
Má Lúm
VnExpress Du lịch