Bánh trăng khuyết ở Hàn Quốc
Khác với một số nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam… trăng tròn là biểu trưng cho sự hạnh phúc viên mãn thì người Hàn Quốc lại cho rằng trăng khuyết mới là hình ảnh lý tưởng của cuộc sống. Bởi “trăng khuyết rồi sẽ tròn” tượng trưng cho hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Cuộc đời không phải lúc nào cũng tốt đẹp mà sẽ luôn biến đổi, xoay vần để có thể tiến tới sự hoàn mỹ, đạt được hạnh phúc. Thế nên, vào Tết Trung thu (Tết Chuseok), người Hàn Quốc thường làm bánh Songpyeon – bánh gạo có hình lưỡi liềm. Người Hàn còn truyền tụng nhau rằng thiếu nữ nào làm bánh Songpyeon vừa ngon lại đẹp thì sẽ gặp được tình yêu đích thực của mình, phụ nữ có gia đình sẽ sinh được con gái xinh xắn.
Cách làm loại bánh này cũng rất đơn giản, gần giống như làm bánh trôi nước của người Việt Nam. Bánh Songpyeon được làm từ bột gạo, nặn thành hình bán nguyệt và hấp với lá thông tươi. Ngoài màu trắng thì bánh còn có nhiều màu sắc khác như hồng, xanh… được lấy từ màu của các loại rau củ quả tươi nên trông rất sống động. Với mùi hương thanh nhẹ của lá thông tươi và hương vị dai dai, thơm ngon khiến món Songpyeon trở thành món đặc trưng của người Hàn Quốc trong ngày Tết Trung thu.
Bánh Hopia của Philippines
Bánh Hopia nhân khoai lang tím
Bánh trung thu ở Philippines thường được gọi là Hopia (bánh nướng ngon), có hình dạng hơi giống bánh bao. Bánh Hopia thoạt nhìn bên ngoài tuy đơn giản, màu sắc, hoa văn không cầu kỳ nhưng nhân bên trong vô cùng phong phú với nhiều loại như hopiang mungo (bánh nướng đậu xanh), hopiang baboy (bánh nướng thịt heo), hopiang Hapon (bánh nướng Nhật Bản), hopiang ube (bánh nướng khoai lang tím)…
Ngoài ra, bánh còn độc đáo ở phần bột ngoài xếp lớp giòn giòn, khi bẻ bánh ra sẽ thấy bột bánh mỏng và lộ phần nhân khá thơm ngon. Bánh dễ dàng tự làm thủ công tại nhà nếu có lò nướng.
Tới Nhật Bản ăn bánh Tsukimi Dango
Ở Việt Nam, Thỏ ngọc chỉ có trong truyền thuyết, trong câu chuyện kể trong đêm trăng rằm nhưng người Nhật lại tin rằng có Thỏ ngọc sống trên mặt trăng. Vì thế nên khi ngắm trăng họ thường tưởng tượng thấy hình chú thỏ đang ăn bánh bao hoặc đang giã bánh Tsukimi Dango. Dango là tên gọi chung của loại bánh bao được làm từ bột gạo (mochiko). Tsukimi dango có công thức tương tự bánh trôi nước, nhưng khác biệt ở chỗ được nướng sơ qua cho nóng giòn. Khi ăn bánh, người ta thường thêm chút mật đường ngọt lịm lên trên.
Vào rằm trung thu, người Nhật thường bày bánh Tsukimi-Dango theo hình tam giác trên chiếc kệ gỗ bên cạnh là bình cỏ susuki và thêm một số loại hoa quả nữa. Sau đó họ đặt kế lên hiên nhà, hoặc gần bên cửa sổ, bất cứ chỗ nào có thể nhìn thấy trăng rõ nhất, để vừa ăn, vừa ngắm trăng. Ở một số nơi người ta cho rằng bánh dango sau khi cúng xong để bên ngoài hiên nếu trẻ con tự ý đến lấy thì là một điều may mắn. Bên cạnh món chính là Tsukimi dango, lễ Trung Thu ở Nhật còn có sự góp mặt của khoai lang, hạt dẻ, các loại mì như soba, ramen...
Bánh đoàn viên của Trung Quốc
Bánh Trung thu tại Trung Quốc có lịch sử lâu đời, có nơi còn được gọi bánh đoàn viên, bánh đoàn tụ, là vật cúng tế thần vào dịp Trung thu và dần trở thành một phong tục. Ở Trung Quốc, trên bề mặt bánh trung thu có đóng dấu những chữ mang thông điệp tốt lành như “sức khỏe”, “hòa thuận”… hay tên của cơ sở sản xuất. Ngoài ra, bánh trung thu của Trung Quốc còn được đóng dấu hình mặt trăng, chị Hằng, Thỏ ngọc hay hoa lá… dùng để trang trí bổ sung.
Tùy theo từng vùng miền mà người ta có các loại bánh nướng mang hương vị đặc trưng riêng. Có chủ yếu bốn loại khác nhau được phân biệt dựa trên sự khác nhau về nguyên liệu làm nhân bánh: bánh nhân sen nhuyễn, bánh nhân đậu đỏ, bánh nhân mứt hoa quả và bánh nhân ngũ cốc.
Bánh nướng, bánh dẻo của Việt Nam
Tết Trung thu ở Trung Quốc và Việt Nam có khá nhiều điểm giống nhau do đặc điểm giao thoa văn hóa có từ lâu đời giữa 2 quốc gia. Vì thế món ăn chính – món bánh nướng trong dịp lễ này của 2 nước khá tương đồng khi bánh có hình tròn hoặc vuông, vỏ bánh màu nâu vàng óng. Tuy nhiên công thức chế biến nhân bên trong ở mỗi nước có sự khác nhau để phù vị với khẩu vị của người dân. Tại Việt Nam bánh nướng có 2 loại chính là bánh chay (nhân đậu xanh, dừa, cốm…) và bánh mặn (nhân thịt, thập cẩm, trứng muối).
Ngoài bánh nướng thì trong dịp lễ này, người Việt còn thích ăn một loại bánh nữa là bánh dẻo. Bánh dẻo truyền thống thường có màu trắng với mùi thơm dịu dịu man mát đặc trưng, đó là mùi của tinh dầu hoa bưởi. Ngày nay, bánh dẻo hiện đại được làm với nhiều màu sắc hơn và nhiều mùi vị hơn như bánh dẻo màu xanh thường có vị trà xanh hoặc lá dứa, bánh dẻo màu hồng có vị dâu, bánh màu vàng có vị cam, xoài, bánh màu nâu có vị socola, cafe… Thêm vào đó, theo khẩu vị của người Hà Nội thì bánh dẻo thường ngọt sắc hơn trong Nam.
Hải Băng