Tuesday, August 16, 2022

NHỮNG UẨN KHÚC CỦA LOÀI CÁ VỒ CỜ

Con cá có nhiều uẩn khúc ở miền Tây là con cá vồ. Đó là nói cá vồ con vài ký đổ lại, không nằm trong Sách đỏ. Người khen ngon. Kẻ chê thịt lạt. Lại nhiều truyền thuyết, nhiều hàm oan.

Cá vồ mùa nước về nướng cũng đủ béo, thịt cá không bở lắm. Ảnh: Ngữ Yên

Thường dân miền Tây khen cá vồ ngon. Con cá nặng chừng ba đến năm ký ăn rất đã. Nhất là cá vồ bắt dưới sông Vàm Nao. Chỉ riêng mình Ba Cát, tay sát cá có cỡ trên sông Trường Tiền, ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, chê: “Thịt cá dồ ăn lạt nhách!”.

Hôm 26/7/2017 tôi về Cần Thơ, được ông bạn Bửu Việt đãi con cá vồ ba ký. Ông nói: “Cỡ đó tui ăn thấy ngon rồi. Kho tiêu và nấu chua ăn cơm được lắm. Không biết cái lưỡi ông Ngữ Yên nó ra sao?”. Cá đó, ông mua ngoài chợ, chẳng rõ là cá bắt ngoài sông hay rộng hầm.

Dân miền Tây quen miệng kêu con cá này là cá “dồ”. Cũng như cá tra và cá xác là âm mượn từ tiếng Khmer trey pra tray chhwaet, cá vồ là từ âm trey po. Nói đến cá nuôi hầm, dân miền Tây coi con cá tra cũng là con cá “dồ”. Đó là nuôi hầm thời Viglacera, Toto, Inax, Caesar chưa Tây Nam bộ… du. Chớ trong tài liệu về cá sông Mekong của uỷ hội sông Mekong, cá “ăn thịt, thức ăn chủ yếu là cá và giáp xác. Cá trẻ chủ yếu ăn côn trùng và ấu trùng côn trùng”. Dân gian còn nói nó tìm ăn xác súc vật thối như chim, chó. Có người còn cho nó ăn bình bát – một trong mười loại trái cây ngon nhất thế giới. Bởi vậy, nên hình ảnh con cá “dồ” trong mắt dân miền Tây là bạ thứ gì cũng ăn. Một ông nhà báo khá nổi tiếng dưới miệt này, do ăn tạp như nó nên cũng đã mang biệt danh “cá vồ” kèm sau tên ông. Chỗ này có oan cho con cá không vì tài liệu nói cá vồ trẻ sống quanh năm trên sông Mekong và ăn các động vật thuỷ sinh gần sát đáy. Cá lớn thì sống trong các lưu vực sâu chờ các loại cá khác di cư qua lại khu vực chúng ở để săn mồi. Khác với tập tính cá tra ăn tạp.

Cá vồ cờ

Cá vồ cũng có nhiều truyền thuyết như tác giả Huỳnh Minh ghi nhận trong Cần Thơ xưa và nay: “Ngày kia, có cha con ông thợ chài vừa vãi chài xuống rạch bỗng trúng nhằm kỳ trên cặp cá và dính cứng như mắc lưỡi câu; cha con ông hoảng hồn buộc miệng lưới vào mũi ghe, cặp cá lôi chiếc thuyền chạy như dông, chẳng khác buồm bọc gió […]. Chặp sau, có ông lão nông nhắc lớn ông chài chặt sợi dây cột miệng lưới vô ghe, hy sinh chiếc lưới […]”. Nhờ thế mà cha con ông thoát nạn. Sau cặp cá bị người Pháp bắn chết. Dân làng kéo cá lên, chặt khúc đem về kho ăn, trong bao tử cá họ tìm được nhiều vòng vàng, bông tai, chuỗi hột… Chắc con cá này ghét “địa, phú” chăng!

Huỳnh Minh còn kể về vụ cá vồ ma của một phú ông nuôi đã mười mấy năm: “Cá trê lớn bằng bắp chơn, còn cá vồ to bằng cây cột nhà. Gần ao cá vồ là một bãi tha ma. Trong nhà phú ông, bỗng nhiên sanh nhiều điều quái dị bà chủ nhà thình lình không đau mà chết; những đêm trời âm u, gió thổi lạnh lùng, văng vẳng tiếng quỷ khóc ma rên trong mấy bụi chuối quanh ao cá vồ”. Chủ nhân kêu bán ao cá, nhưng tát bốn năm cạn ao thì không thấy con cá nào. Đêm ông đặt bàn cúng thì sáng ra cá lội lúc nhúc trong ao. Lái cá bắt thả lên thuyền chèo đi qua một khúc sông, không thấy cá chỉ toàn nước…


Tài liệu cho biết cá vồ lớn dưới 250cm, thông thường là 50cm, chỉ lớn thua cá tra dầu. Nên những truyền thuyết trên chẳng biết đâu mà lường. Cá vồ mà dân miền Tây hay ăn cũng chỉ là cá vồ cờ họ cá tra tên khoa học là Pangasius sanitwongsei, phân biệt với con cá vồ đém cùng họ tên Pangasius sanitwongsei. Ngoài ra còn một loại cá vồ nữa, mà dân ở Cà Mau thường nhắc đến, đó là cá vồ nước mặn, dân gian gọi là vồ chó, Arius sagor, họ cá Úc, bộ cá nheo, vì nó có sọc như chó vện. Loại cá này Vũ Bằng có nói thoáng qua trong Thương nhớ mười hai, nhưng có lẽ chỉ liệt kê cá ngoài chợ chớ hổng rành… Dân miền Tây xa biển còn không biết vồ chó nữa là.

Hôm ăn con cá mua ở chợ nặng ba ký đằng chỗ ông Việt, thịt cũng vừa, dai không dai, chỉ vừa qua hết độ bở của thịt cá sông. Có lẽ cá lớn hơn thịt sẽ dai hơn. Mới bảo đảm ngon hơn. Nhưng theo Ba Cát, con cá vồ bỏ lâu trong ao, ít chịu ăn, ốm nhách, thịt ngon hơn con cá mập bắt ngoài sông. Là người theo nghiệp “đâm hà bá” hơn 40 năm, nghe ông nói vậy thì tin vào kinh nghiệm và sự sành sỏi của ông. Cũng có thể con cá ròm thịt dai hơn con cá béo.
 
Ngữ Yên / Theo TGTT