Các phương pháp giáo dục hiện đại và nhiều luồng tư tưởng giáo dục nhân bản đang chuyển biến nền giáo dục Việt Nam theo hướng tích cực. Tuy vậy, đâu đó vẫn tồn tại những quan niệm dạy trẻ sai lầm.
Cách nuôi dạy con của người Việt Nam bên cạnh những thế mạnh vẫn tồn tại nhiều bất cập. Dưới đây là những quan niệm dạy con dường như chỉ có ở các gia đình Việt:
1. Dạy trẻ theo cách dạy... thú cưng
Chúng ta bắt con cá phải biết leo cây và con khỉ phải biết bơi dưới nước.
Con nhà người ta học được hoặc học giỏi cái gì thì mình cũng muốn, thậm chí bắt con mình làm được điều đó.
2. So sánh con với người khác
Trong thực tế, rất nhiều bố mẹ hay so sánh con mình với con người khác, thường dùng những câu đại loại như: "sao con đạt điểm thấp thế, bạn A được những 10 điểm cơ đấy" hoặc "bạn B ngoan thế mà con lại hư vậy…", "con làm mẹ/bố phát điên lên ấy. Con nhà người ta vừa học giỏi lại biết thương yêu bố mẹ còn con thì…".
Điều này sẽ dẫn đến việc tạo ra khoảng cách giữa bố mẹ và con cái. Không một đứa trẻ nào muốn mình bị đem ra so sánh với đứa trẻ khác, nhất là lại kém hơn.
Mỗi bé có những khả năng, điểm mạnh, điểm yếu riêng. Hãy nhìn nhận những điểm tốt và giúp con phát triển chúng thay vì so sánh.
3. Nuôi con dựa vào dư luận
"Mẹ nuôi sao mà trẻ gầy thế này", "Mẹ không cho con học thêm là con học dốt…", "Cho con uống sữa công thức này tốt hơn này"… Rất nhiều luồng dư luận xung quanh việc nuôi dạy con của người Việt Nam. Đáng buồn là nhiều bậc cha mẹ lại bị ảnh hưởng và làm theo cách dạy của người khác.
4. Phục vụ con một cách mù quáng
Truyền hình ngày 30 tết đăng chuyện một người cha lớn tuổi từ Nam Định lên Hà Nội làm thuê vất vả đến mức quên cả Tết để kiếm tiền nuôi con đang học... đại học.
Mà không phải cậu con trai đi làm tự nuôi mình chứ chưa nói tới chuyện nuôi cha.
Chuyện cha mẹ không chịu để cho con mình lớn là căn bệnh trầm kha của xã hội ta.
Nhiều cha mẹ coi việc phục vụ hay làm hộ con một cách mù quáng này là một niềm vui hay trách nhiệm hay đơn thuần là sự quan tâm hay bù đắp gì đó. Thật là sai lầm ngoài sức tưởng tượng.
Những đứa trẻ của chúng ta lớn lên hoặc là những cây tầm gửi và cây leo, hoặc là những chiếc ly thủy tinh có thể rơi và vỡ nát bất kỳ lúc nào.
5. Dọa dẫm con
"Con có nín khóc không, mẹ sẽ đưa con đi bác sĩ/gặp chú cảnh sát" - câu nói dọa dẫm này không lạ trong các gia đình Việt, nhưng các nhà tâm lý học khuyên phụ huynh không nên dùng cách này.
Thực tế, khi sợ hãi, trẻ không thể suy nghĩ chi tiết về hành vi của mình. Thay vào đó, trẻ sẽ rất lo lắng mỗi nhìn thấy cảnh sát, bác sĩ hay những người mà bố mẹ thường lôi ra để dọa nạt. Ngoài ra, do não bộ đã quen xử lý nhanh thông tin gây sợ hãi, trẻ sẽ càng dễ cảm thấy sợ hãi hơn.
6. Đánh giá sự phát triển của con dựa vào… cân nặng
Khẩu hiệu "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan" của người Việt thực chất là nuôi con cho béo. Đây là quan niệm dinh dưỡng sai lầm. Các bà mẹ người Việt vẫn ngầm so sánh con mình và con người khác, tự hào vì con mình mũm mĩm hơn.
Cân nặng không nói lên được sức khỏe của trẻ. Con không chỉ cần được cung cấp dinh dưỡng mà còn cần vận động cơ bắp, hoạt động thể thao.
7. Không để cho trẻ ra ngoài khi trời mưa hoặc rét
Các trường học và cha mẹ có một phản ứng gần như tự động là không cho học sinh ra ngoài khi thời tiết không thuận lợi và hủy các chuyến đi học tập dã ngoại của trẻ em.
Người Nhật Bản, trái lại, coi đây là cơ hội để rèn cho trẻ sự cứng cỏi và khả năng thích nghi. Thậm chí họ còn đưa trẻ đi học khi chúng ốm để chúng quên việc bị ốm đi và nhanh chóng hồi phục. Tất nhiên ốm nặng hay bệnh truyền nhiễm là ngoại lệ.
Các bố mẹ Việt hay chia sẻ với nhau, con làm được điều gì thì thưởng, cho đi chơi... Đó là một điều phi lý, như vậy là bố mẹ đã làm ngược. Ăn, học là cho con, không phải cho bố mẹ. Với những đứa trẻ vốn dĩ hay được bao bọc, thậm chí con chưa cần bố mẹ đã đáp ứng mọi thứ, điều này sẽ rất tệ hại.
Đơn giản là con được ăn, con được mặc, con được ở, con được đi học, con được đi chơi, tất cả là do bố mẹ đang cho con thì con phải có trách nhiệm, nghĩa vụ làm tốt những việc của con bởi những điều đó sẽ tạo dựng một tương lai tốt đẹp cho chính con.
9. Học giỏi là "sứ mệnh" duy nhất
Quan niệm của người Việt Nam vẫn đánh giá kết quả học tập qua các bảng thành tích. Học giỏi gần như là tiêu chí duy nhất để đánh giá con trẻ. Đứa trẻ người Việt cắm đầu vào học, không đòi hỏi phải vận động, chơi thể thao, học tập kỹ năng… Thậm chí, trẻ khỏi cần làm việc nhà, vì ba mẹ ưu tiên cho việc học của con hàng đầu.
Đây là một quan niệm rất sai lầm cần thay đổi. Một con người thành công khi tổng hòa được nhiều yếu tố: Kiến thức – Kỹ năng – Sức khỏe – Quan hệ xã hội… Để có được những điều này, trẻ cần được học – chơi, được khám phá và trải nghiệm ngay từ bậc Tiểu học.
10. Phê bình trước toàn trường
Là sự xâm phạm tới cả tính riêng tư của cá nhân và sự xúc phạm tới nhân phẩm của một con người.
Cha mẹ, giáo viên và nhà trường phán xét về một đứa trẻ và dạy cho nó phán xét nhau.
Đây là một hành động rất thiếu nhân văn.
Theo: Lily (th) (Gia đình & Xã hội)