Nguyễn Ánh có mối thù nợ máu với Nguyễn Huệ
Năm 1775, Nguyễn Nhạc lúc ấy là chúa Tây Sơn đã quyết định cử Nguyễn Huệ khi đó mới 23 tuổi, làm chủ tướng mang quân vào Nam đánh quân chúa Nguyễn. Trong thời gian ngắn, Nguyễn Huệ liên tục thắng trận, gây khiếp đảm cho quân nhà Nguyễn, chiếm lấy Phú Yên. Cuối năm đó, Nguyễn Nhạc lại điều Nguyễn Huệ từ Phú Yên ra đánh tan quân Nguyễn, lấy lại Quảng Nam. Trong khoảng thời gian đó, Nguyễn Huệ đánh đâu được đó.
Nhà Nguyễn khi đó không chỉ bị Tây Sơn đánh phá mà còn bị quân nhà Trịnh từ Đàng ngoài đánh vào. Không những thế nội bộ lục đục nên chúa Nguyễn khi ấy là Nguyễn Phúc Thuần (chúa Nguyễn thứ 9) không giữ được trọn vẹn binh quyền mà quân đội rơi vào tay của Lý Tài và Đỗ Thành Nhân mà Nhân và Tài lại bất hoà với nhau. Cuối 1776, viên kiêu tướng Lý Tài ép Nguyễn Phúc Thuần phải nhường ngôi cho Đông cung là người cháu Nguyễn Phúc Dương. Đông cung vì nỗi sự thế đương ngặt nghèo, bất đắc dĩ phải vâng mệnh, xưng là Tân Chính vương (chúa thứ 10 nhà Nguyễn), tôn Định vương Nguyễn Phúc Thuần làm Thái thượng vương.
Tháng 3.1777, Nguyễn Nhạc lại cử Nguyễn Huệ làm tướng mang thủy quân vào đánh Gia Định. Lý Tài thua trận bỏ chạy khỏi thành và đưa 2 chúa Nguyễn về Hóc Môn. Sau Lý Tài rút khỏi Hóc Môn về Ba Giồng bị Đỗ Thanh Nhân nhân cơ hội đón đường giết chết để trả tư thù. Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần theo Đỗ Thanh Nhân giữ Tranh Giang, chúa Nguyễn Phúc Dương theo tướng Trương Phúc Thận giữ Tài Phụ. Nguyễn Huệ chia đường đánh bại cả hai cánh quân Nguyễn. Nguyễn Phúc Thuần và Đỗ Thanh Nhân phải bỏ chạy về Cần Thơ cầu viện Tổng binh Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ, còn Nguyễn Phúc Dương bỏ chạy về Ba Việt (Bến Tre).
Tháng 9.1777, Nguyễn Huệ mang quân bao vây tấn công Ba Việt, bắt sống chúa Nguyễn Phúc Dương và toàn bộ quân tướng. Chúa Nguyễn thứ 10 (Phúc Dương) và 18 tướng tuỳ tùng bị đưa về Gia Định xử tử vào tháng 9.1777. Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần bại trận bỏ Cần Thơ sang Long Xuyên nhưng bị quân Tây Sơn đuổi đến nơi, bắt được Nguyễn Phúc Thuần mang về Gia Định xử tử vào tháng 10.1777. Nguyễn Ánh, Đỗ Thanh Nhân và Mạc Thiên Tứ trốn thoát mỗi người một nơi. Về phần Nguyễn Ánh thời gian này đang đi cùng với Nguyễn Phúc Dương cũng xém bị bắt giết, may được một đứa trẻ con nhà kép hát che giấu nên trốn thoát.
Như vậy trong vòng ít tháng, Nguyễn Huệ đánh thắng như chẻ tre và bắt sống rồi xử tử cả hai chúa Nguyễn là Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương. Riêng Nguyễn Ánh, cháu gọi Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần bằng chú, đã thoát được.
Sau cái chết của 2 chúa, năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Ánh khi này mới 17 tuổi được các tướng tôn làm Đại nguyên súy Nhiếp quốc chính lãnh đạo quân đội còn sót lại của nhà Nguyễn bước vào cuộc chiến gần 1/4 thế kỷ với quân Tây Sơn. Nhiều lần Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đưa quân vào đánh quân Nguyễn Ánh nhưng chỉ chiếm ưu thế chứ không tiêu diệt được tận gốc.
Sau này, Nguyễn Huệ từ trước khi Bắc tiến cho đến khi lên ngôi vẫn luôn canh cánh về mối lo Nguyễn Ánh. Ban đầu, Nguyễn Huệ chú tâm giải quyết mối lo phía bắc cũng như chuyện "trong nhà" trước nên không dốc toàn lực đánh Nguyễn Ánh. Đến khi lên ngôi vua và ổn định phía Bắc, Nguyễn Huệ chuẩn bị khởi quân vào nam đánh Nguyễn Ánh thì ông lại qua đời.
Nguyễn Ánh trả thù Tây Sơn
Sau khi Quang Trung mất, nhà Tây Sơn lục đục nội bộ, không còn tướng tài là đối thủ của Nguyễn Ánh. Tháng 6 âm lịch năm 1802, quân Nguyễn Ánh tiến ra chiếm được Thăng Long, Quang Toản (người con nối nghiệp Quang Trung) không chống nổi, bỏ chạy và sau đó bị bắt. Nhà Tây Sơn bị tiêu diệt, Nguyễn Ánh chính thức thống nhất quốc gia, triều đại Gia Long bắt đầu.
Ngày 1 tháng 12 năm 1802, Gia Long tiến hành làm lễ "Hiến Phù" nhằm báo công với tổ tiên; và nhân đó tiến hành trả thù gia đình Quang Toản và những người theo Tây Sơn một cách tàn bạo.
Đại Nam thực lục chép: "Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực, Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho 5 voi xé xác (Dùng 5 con voi chia buộc vào đầu và hai tay hai chân, rồi cho voi xé, đó là một thứ cực hình), đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vất đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ (bài vị thờ) của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ Ngoại (năm Minh Mệnh thứ 2 đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi)" và "Phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây bêu đầu ở chợ. Con trai, con gái, họ hàng và tướng hiệu của giặc 31 người đều bị lăng trì cắt nát thây. Thiên hạ lấy làm khoái".
Mãi đến đời Minh Mạng, Đại Nam thực lục chép: "Bầy tôi tâu rằng xương đầu lâu giặc Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang Toản và thần chủ của vợ chồng Nguyễn Huệ, khoá giam ở Vũ Khố hơn 20 năm nay, phép hình phạt đã đủ tỏ cho thiên hạ rõ rồi, nay xin huỷ nát vứt đi. Một mình quan Hình bộ xin bỏ lẫn cả hòm gỗ mà giam vào nhà ngục. Vua (Minh Mạng) theo lời bộ bàn".
Chúng ta có lẽ không nghe quen tai cụm từ "giặc Tây Sơn" nhưng thời nhà Nguyễn thì các sử gia không coi Tây Sơn là triều đại mà coi là giặc và gọi là "ngụy triều Tây Sơn" (trích Đại Nam thực lục). Rồi sau này khi nhà Nguyễn sụp đổ thì cụm từ "giặc Tây Sơn" hay "ngụy triều Tây Sơn" cũng biến mất.
Và chung một mái đền
Còn với hậu thế thì chuyện thù hận giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn, giữa Quang Trung và Gia Long chỉ còn là sự kiện lịch sử chứ không còn ám ảnh nặng nề rằng ai chính danh hơn ai. Mỗi nhân vật lịch sử trên đều có đóng góp cho dân tộc, cho đất nước. Quang Trung có công đánh đuổi quân nhà Thanh cũng như phá bỏ tình trạng cát cứ chia cắt đất nước thời Đàng Trong, Đàng Ngoài. Còn Gia Long xây dựng cơ nghiệp nhà Nguyễn từ đống tro tàn và cai trị một nước Việt Nam sau nhiều thế kỷ chia cắt và nội chiến.
Bàn thờ chúa Nguyễn Phúc Nguyên |
Bàn đặt tượng thờ vua Quang Trung |
Bàn đặt tượng thờ Gia Long |
Nam Phương Linh Từ thờ tự 125 nhân vật lịch sử đất phương Nam. Trong đó có 21 nhân vật thời khai hoang, mở cõi, 62 nhân vật giữ gìn, bảo vệ và 42 nhân vật làm rạng danh đất phương Nam.
Nam Phương Linh Từ được xây dựng theo kiến trúc nhà cổ – gỗ với phong cách nhà rường truyền thống Huế, mang đậm dấu ấn cung đình triều Nguyễn.
Đền có 7 gian, 2 chái, 3 lòng với mái hạ và hàng hiên bao quanh diện tích 509 m2 với 60 cây cột (đường kính từ 0,45 m trở lên). Các hệ thống cửa, bao lam, phù điêu, hoành phi, câu đối đều sử dụng loại gỗ danh mộc, được chạm khắc rất nghệ thuật và công phu.
Có những dãy trường lang (hành lang có mái che) bao bọc chung quanh công trình với tổng chiều dài 675 m và 240 cây cột gỗ (toàn công trình có 540 cột).
Ngoài ra, Nam Phương Linh Từ còn có Nhà bảo tàng Nam bộ, trường lang, sân hành lễ,… Công trình cũng dành hơn 20.000 m2 trồng 54 loại cây xanh, hoa kiểng..
Lấy mốc thời điểm từ khi mở cõi đến năm 1975, và chia thành 3 lĩnh vực, bước đầu, ban cố vấn chọn được 125 nhân vật (đã mất trước 1975).
Trong đó lĩnh vực có công thời khai mở có 21 nhân vật, lĩnh vực gìn giữ có 62 nhân vật và làm rạng danh vùng đất phương nam có 42 nhân vật. Do vậy, ở đây thờ từ Chúa Nguyễn Phúc Nguyên với các danh thần thời mở cõi, rồi các danh thần gốc Minh hương như Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu…
Anh Tú