Thân em như quả mít trên cây
Vỏ nó sù sì, múi nó dày
Quân tử có yêu thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay
Bài này hay như thế nào thì sách vở đã nói nhiều rồi, chỉ xin đăng lại để nhắc thôi, không dám bình. Ai thắc mắc nó tục như thế nào thì xin hỏi... Hồ Xuân Hương.
Ca dao về trái mít thì quen thuộc nhất chắc là bài này:
Còn duyên buôn nhãn bán hồng
Hết duyên bán mít cho chồng gặm xơ
Gặm xơ rồi lại gặm cùi
Còn năm ba hột mít để lùi cho con
Ta thấy rằng hễ còn duyên thì bán nhãn, bán hồng (có thể dị bản khác là bán bưởi bán bòng, bán thị bán hồng...) khi hết duyên mới đi bán mít. Rõ ràng là mít không được xếp cùng hàng quý tộc với nhãn, bưởi, thị, hồng...
Trong cặp câu đối sau đây thì tuy không phân biệt giai cấp rõ như các ví dụ trên, nhưng cũng cho thấy mít ở một tầng lớp thấp, khi đi chung với bần; hơn nữa lại đi chung với cặc, dái. Đó là cặp câu đối nổi tiếng:
Nước chảy, cặc bần run bây bẩy
Gió đưa, dái mít giẫy tê tê
Ngay cả khi không phải là nội dung chính trong bài, chỉ mượn hình ảnh, câu chữ để đưa đẩy ý tưởng thôi thì mít cũng là hình ảnh khá thô hoặc bình dân, như:
Con cua kình càng bò ngang cây mít,
Thấy chị hai mầy lớn đít tao thương
hay
Anh thương em, thương quấn thương quít
Anh bồng ra gốc mít, anh bồng khít gốc chanh
Anh bồng quanh đám sậy, anh bồng bậy vô mui
Anh bồng lui sau lái, anh bồng ngoáy trước mũi
Thành ngữ, tiếng tượng hình
Cả hột mít lẫn trái mít đều có hình dáng... không thon thả, cho nên khi nói ai có tướng giống hột mít hay trái mít là biết người đó... tròn tròn. Tuy nhiên, có khác một chút như sau:
Nếu nói một đứa bé "ú na ú nần như hột mít" thì còn có vẻ khen là dễ thương, nhưng nếu nói một cô gái "đi đứng như trái mít" thì có vẻ... muốn cô ấy chửi!
Nếu nói một người dốt nát thì người ta nói "chữ nghĩa không đầy ba lá mít". Ngộ ghê, thiếu gì cái lá nhỏ như hoặc hơn lá mít, mà nỡ lòng nào dành riêng cho lá mít cái hình tượng dốt nát vậy nè! Chắc nó xuất phát từ chữ mít đặt có nghĩa là dốt.
Lại có câu "Tiêu tiền như lá mít". Ừ, thì cứ nói Xài tiền như rác đi, trong câu này là so sánh lá mít ngang với rác rồi. Thiếu gì lá không có giá trị, sao lại phải là lá mít chớ?
Một câu thành ngữ khác là "Trơ trơ như hột mít". Hừm, hột gì mà chẳng trơ trơ, sao lại phải là hột mít chớ?
Còn có thành ngữ "cu li gốc mít". Cu li nhằm chỉ đến một giai cấp lao động nghèo khó rồi, còn thêm chữ gốc mít nữa hàm ý rằng xuất thân người này cũng thấp hèn luôn. Ở đây, gốc mít không phải gốc cây mít, mà có lẽ xuất phát từ chữ Annamite là tiếng có ý khinh thường của người Pháp dành cho dân An Nam. Xui cho cây mít, tên của nó đồng âm với chữ mít trong Annamite, nên khi người ta nói dân Mít hay dân gốc Mít là nói theo hàm ý khinh khi của thực dân Pháp dành cho dân bản xứ.
Một từ nữa liên quan đến mít là mít ướt. Từ này đỡ ý nghĩa coi thường mít hơn, nhưng cũng chẳng phải hay ho gì: đồ mít ướt, con nhỏ mít ướt...
Có lẽ chỉ trong câu thành ngữ "Nhà ngói, cây mít" thì hình ảnh cây mít mới là có giá. Đây là hình ảnh ngôi nhà mơ ước của người dân quê. Tuy nhiên cần phân tích rõ hơn ý nghĩa câu thành ngữ này. Nhà ngói thì rõ rồi, ở miền quê nghèo khó chỉ có nhà tranh vách đất hay vách ván thì ngôi nhà ngói khang trang, bền vững đủ nói lên hoàn cảnh đầy đủ của chủ nhà. Nhưng cây mít thì sao? Đây là một loại cây thông dụng, có rất nhiều, đâu cứ phải là nhà giàu mới có thể trồng cây mít trước ngôi nhà ngói của mình? Thật ra ý nghĩa nằm ở chỗ 2 vế đối nhau của câu thành ngữ: Nhà ngói và Cây mít. Nhà ngói là ngôi nhà chắc chắn, vững bền (so với nhà tranh), còn Cây mít là cây có tuổi thọ rất cao, trồng một lần ăn trái hoài. Cả câu nêu lên hình ảnh an cư bền vững lâu dài.
Chơi chữ
Chơi chữ
Câu đối chơi chữ về mít độc đáo nhất có lẽ là câu đối về cặc bần, dái mít đã nêu ở trên. Ngoài ra, do trong từ mít có vần -ít khá đặc sắc nên khiến sản sinh ra nhiều từ nói lái (thường là tục tĩu) như: mít đặc, mít đóc, mít đông... (đề nghị mọi người tự nói lái).
Có một câu "tiếng Pháp" liên quan đến mít như vầy:
Quít xơ măng bông sên, quông sa oóc măng xít mơ
Ai không rành tiếng Pháp thì xin xem bản dịch tiếng Việt sau đây để biết nó liên quan đến mít thế nào:
Quăng xơ mít bên sông, qua sông ăn mót xơ mít
(kiểu nói lái này tương tự câu tiếng Tàu sau đây: Ngầu lôi tăng kể mẵn cuối hài dón khíu chọ).
Từ đầu tới giờ ta thấy số phận hẩm hiu của cây mít, thường ở vị trí thấp hèn không hà. Đâu chỉ có vậy, trong y học là lãnh vực chẳng liên quan gì mấy đến mít các nhà chuyên môn cũng ráng lôi mít vô bằng cách đặt tên mít cho một loại ký sinh trùng gớm ghiếc: sán xơ mít!
Phạm Hoài Nhân
No comments:
Post a Comment