Khi gió thổi qua những cánh đồng của Hạt Siaulai thôn dã, những chuỗi hạt lộng lẫy đập leng keng vào những cây thánh giá bằng kim loại và bằng gỗ, khiến không gian vang động những tiếng hợp âm ma quái.
Không rõ nguồn gốc
Được mọi người gọi là Ngọn đồi Thánh giá, lịch sử gò đất này là một câu chuyện phức tạp của các cuộc chiến tranh và những phong trào nổi dậy.
Bao quanh ngọn đồi là các truyền thuyết cổ xưa, những câu chuyện bí ẩn và những lời kể về ma ám. Nguồn gốc chính xác của gò đất vẫn còn là một bí ẩn cho đến ngày nay.
"Ngọn đồi này có rất nhiều bí ẩn," Vilius Puronas, một nghệ sỹ và một sử gia ở địa phương, nói.
"Theo truyền thuyết dân gian, ở chỗ ngọn đồi này ngày xưa đã từng có một nhà thờ. Trong một cơn bão khủng khiếp, sét đánh trúng nhà thờ và cơn bão chôn vùi nhà thờ dưới cát đá với tất cả mọi người bên trong. Người dân địa phương nói rằng chúng ta có thể nhìn thấy một đoàn diễu hành của những hồn ma các linh mục ở chân ngọn đồi vào lúc Mặt trời mọc. Trải qua bao nhiêu năm, những sự xuất hiện bí ẩn, những hình ảnh các vị thánh và những lần bắt gặp hồn ma đã là một phần lịch sử của ngọn đồi."
Một truyền thuyết khác kể rằng vào đầu những năm 1300, ngọn đồi này là nơi có một tòa lâu đài gỗ, là nơi trú ngụ của những vị bá tước theo tà giáo ở Samogitia vốn từng là một bang trong Đại Công quốc Lithuania.
Vào năm 1348, tòa lâu đài bị phá hủy theo lệnh của Hội Huynh đệ Cầm gươm - tức các vị tu sỹ-chiến binh được giao nhiệm vụ phải cải đạo Livonia (vùng đất giờ đây là Latvia và Estonia) sang Thiên chúa giáo.
Nhiều người tin rằng những người sống sót sau trận chiến ở Samogitia đã chất thi thể của những đồng đội ngã xuống của mình thành đống và chôn cất họ, do đó tạo thành gò đất. Cũng giống như hồn ma của các linh mục, oan hồn của những chiến binh Samogitia đã ngã xuống được cho rằng vẫn còn ám ngọn đồi này mỗi lúc đêm xuống.
Tuy nhiên, câu chuyện nổi tiếng nhất về sự ra đời của ngọn đồi là câu chuyện về một người cha tuyệt vọng có con gái đột ngột lâm bệnh nặng.
Khi người con gái đang nằm trên giường bệnh chờ chết, người cha đã nhìn thấy hiện lên hình ảnh một người phụ nữ nói với ông nên làm một cây thánh giá bằng gỗ và đặt nó trên ngọn đồi gần đó. Nếu ông làm đúng như vậy thì con gái của ông sẽ bình phục.
Vào buổi sáng, người cha tuyệt vọng đã vội vã đục đẽo một cây thánh giá gỗ và đem đến ngọn đồi. Khi ông trở về nhà, ông nhìn thấy con gái đứng đợi ông ở cửa, hoàn toàn khỏe mạnh như thường. Kể từ đó, mọi người đã đặt thánh giá trên ngọn đồi với hy vọng lời cầu nguyện của họ sẽ được đáp ứng.
Chứng nhân của sự kháng cự
Tuy nhiên không phải cây thánh giá nào cũng được cắm xuống bởi một tín đồ lạc quan. Một số cây thánh giá là chứng nhân của những cuộc nổi loạn âm thầm.
Sau khi vượt qua được những cuộc bao vây thời Trung cổ của quân Thập tự chinh Đức và những cuộc nổi dậy vào thế kỷ 19 của người dân Lithuanian chống lại Sa hoàng Alexander Đệ nhị, Ngọn đồi Thánh giá phải đối mặt với đe dọa nghiêm trọng nhất: Liên bang Xô-viết.
Trong nỗ lực triệt tiêu Thiên chúa giáo ở trong khối Đông Âu, chính quyền Xô viết đã tìm cách san bằng ngọn đồi trong nhiều lần vào những năm 1960 và 70: họ đưa xe đến ủi, đốt các thánh giá bằng gỗ và dọn dẹp các thánh giá bằng kim loại và bằng đá làm sắt vụn hay để dùng trong xây dựng. Những ai đem thêm thánh giá đến ngọn đồi sẽ bị phạt và bị bỏ tù.
Tuy nhiên, những cây thánh giá trên ngọn đồi vẫn cứ tiếp tục nhân lên. Chúng được đưa đến vào ban đêm như là một hành động kháng cự lại sự đàn áp tôn giáo. Giờ đây, đã hơn một phần tư thế kỷ kể từ khi Liên Xô sụp đổ, những cây thánh giá vẫn còn đứng đó.
Kể từ đó, địa điểm này đã trở thành nơi thu hút người hành hương của mọi tôn giáo - các thánh giá Thiên chúa giáo đứng cạnh những bảng khắc chữ Do Thái và những lời dạy của Kinh Koran.
"Ngọn đồi Thánh giá không thuộc về bất cứ ai mà thuộc về tất cả mọi người," ông Puronas nói. "Cả Giáo hội lẫn chính phủ đều không sở hữu nó và người dân đưa thánh giá đến đây không phải vì họ được bảo làm như vậy mà họ cảm thấy muốn làm như vậy."
Ngọn đồi Thánh giá, được chính quyền Siauliai và các tu sỹ dòng Francis ở địa phương chăm sóc gìn giữ ở mức tối thiểu, giờ đây có đến hơn 100.000 cây thánh giá và các biểu tượng tôn giáo khác - và con số này vẫn đang tăng lên từng ngày.
"Đối với một số người, Ngọn đồi Thánh giá là nơi để suy ngẫm và cầu nguyện. Còn đối với những người khác, nó tượng trưng cho sự kiên cường và sự kháng cự trong những thời kỳ đen tối. Và đối với một số người khác nữa thì nó là một hiện tượng lạ thường trong cái buồn tẻ của cuộc sống hàng ngày. Ai cũng đúng cả," Puronas nói.
Egle Gerulaityte
BBC Capital
Link tiếng Anh:
No comments:
Post a Comment