Qua lăng kính của Đại úy quân đội Hoa Kỳ Nathan Algren - người được quân lực Hoàng gia Nhật thuê để đánh các lãnh chúa phiến loạn, nhưng lại bị phe nổi dậy bắt - Katsumoto và các samurai nổi loạn là hiện thân của danh dự võ sĩ đạo.
Họ là những kẻ trí dũng, trung tín, có kỷ luật và sẵn sàng xả thân nhưng luôn lịch sự và từ bi với kẻ thù bị bắt.
Bị cuốn hút bởi con đường kiếm sĩ quý phái của họ, Algren đã tuân phục và giúp Katsumoto thực hiện sứ mệnh cuối cùng của số phận.
Từ những bộ phim bom tấn Hollywood cho tới phim truyền hình Nhật, kiếm sĩ samurai luôn được mô tả như hình mẫu của sự xuất chúng cả về thể chất lẫn đạo đức, những người coi danh dự và lòng trung thành quý giá hơn cả mạng sống của chính mình.
Hình ảnh như vậy về kiếm sĩ samurai, dù không thật chính xác về mặt lịch sử, nhưng vẫn rất phổ biến trong trí tưởng tượng của nhiều người, một nguyên nhân không nhỏ là do cuốn sách được viết bằng tiếng Anh của Inazō Nitobe vào đầu thế kỷ 20.
Hình một samurai năm 1882 với kiếm, giáp và mũ trụ. Anh: Getty Images
'Bushido: The Soul of Japan' (Bushido: Linh hồn Nhật Bản), được xuất bản lần đầu tiên năm 1900 và là cuốn sách bán chạy nhất tại thời điểm đó, gần đây được Penguin tái xuất bản.
Mặc dù là một trong vô vàn cuốn sách viết về bushido (võ đạo), cuốn sách của Nitobe vẫn có ảnh hưởng nhất với những ai đang tìm hiểu về hệ thống giá trị xã hội đang tuôn chảy trong lòng nước Nhật cho đến tận ngày nay.
Làm thế nào để đạt Chân, Thiện, Mỹ
Qua cuốn sách của mình, Nitobe, một nhà kinh tế học nông nghiệp, nhà giáo dục, nhà ngoại giao và là người cải đạo Quaker, từng giữ chức Phó Tổng thư ký Hội Quốc Liên từ năm 1919 đến 1929, đã tìm cách lý giải cho những người phương Tây (gồm cả bà vợ người Mỹ của ông, Mary) về các giá trị đạo đức căn bản của văn hóa Nhật.
Nitobe đã lần theo những giá trị đó từ bushido, thứ mà ông gọi là quy tắc đạo đức của kiếm sĩ samurai.
Theo Nitobe, bushido hướng kiếm sĩ samurai đến nhận thức về công lý và lòng dũng cảm để thực thi công lý. Nó truyền bá lòng từ bi và lịch sự, trung tín, danh dự và lòng trung thành với cấp trên.
"Ý thức về danh dự, ám chỉ một ý thức sống động về phẩm giá và giá trị cá nhân, chắc chắn là đặc điểm của kiếm sĩ samurai…" Nitobe viết.
Thực tế lại không như vậy, giới sử gia đã chỉ trích những mô tả của Nitobe về kiếm sĩ samurai là quá lãng mạn hóa.
Sven Saaler, giáo sư chuyên về lịch sử hiện đại của Nhật, thuộc Đại học Sophia ở Tokyo, nói rằng: "Samurai và daimyo (lãnh chúa phong kiến) không thực sự sống với danh dự và lòng trung thành".
"Nếu có cơ hội, họ cũng sẽ giết chủ nhân của mình để chiếm lấy vị trí."
Trong tác phẩm ban đầu của mình, Nitobe, xuất thân từ một gia đình samurai, cũng khẳng định rằng các giá trị của kiếm sĩ samurai được kế thừa rộng rãi ở Nhật.
Nitobe viết: "Tinh thần bushido bao trùm lên mọi tầng lớp xã hội."
Trái ngược với tuyên bố của Nitobe, trong thời kỳ Edo (1603-1868), samurai bị coi thường vì đã lạm dụng các đặc quyền ở thời điểm mà các kỹ năng võ thuật của họ đã không còn cần thiết do xã hội Nhật đã trải qua hai thế kỷ không có biến động.
Tuy vậy, mục đích viết sách của Nitobe không phải là cung cấp tư liệu lịch sử chính xác về samurai, mà là để cho thế giới bên ngoài thấy rằng nước Nhật có một hệ thống giá trị tương tự giá trị đạo đức của Cơ đốc giáo.
“Hiệp sĩ ở châu Âu như cánh hoa, không khác gì hoa anh đào trong linh hồn Nhật ” Nitobe viết. Ảnh: Getty Images
Nitobe viết: "Tinh thần hiệp sĩ (chivalry ở châu Âu) giống như một đóa hoa, không kém gì hoa anh đào, biểu tượng của nước Nhật..."
Theo Saaler, Nitobe tìm cách chống lại nạn phân biệt chủng tộc và nỗi sợ hãi 'Yellow Peril' (Hiểm họa da vàng) ở phương Tây bằng cách xây dựng hình ảnh kiếm sĩ samurai, và tìm cách phổ biến với thế giới bên ngoài rằng người Nhật không chỉ dũng cảm mà còn rất hào hiệp.
Chỉ 4 năm trước khi cuốn sách của ông được xuất bản, Nhật Bản đã thắng trong cuộc chiến đánh Trung Hoa thời nhà Thanh, từ năm 1894 đến 1895.
Cuộc chiến gây sững sờ các cường quốc phương Tây thời đó, và nhanh chóng được tiếp nối bởi chiến thắng nữa của Nhật đập tan hạm đội Nga trong Chiến tranh Nga-Nhật 1904 - 1905.
Xác lập quyền chiếm hữu
Cuốn sách của Nitobe nhằm mục đích xóa đi nỗi lo sợ rằng một ngày nào đó Nhật Bản sẽ trở thành mối đe dọa với châu Âu và "xây dựng một hình ảnh tích cực về Nhật Bản như một quốc gia mạnh về quân sự nhưng là nước văn minh, cư xử một cách văn minh trong chiến tranh", Saaler nói.
Theo Eri Hotta, nhà sử học và là tác giả cuốn "Japan 1941: Countdown to Infamy", cuốn sách cũng là "một nỗ lực nhằm đưa Nhật ngang hàng với các cường quốc phương Tây mạnh nhất để họ có quyền đòi hỏi làm chủ các thuộc địa."
Sự hoan nghênh của độc giả quốc tế với cuốn sách cho thấy Nitobe đã thành công với mục tiêu của mình là viết về các giá trị Nhật Bản và nhờ đó cải thiện hình ảnh của đất nước này trong mắt phương Tây.
Được xuất bản vào thời điểm ngày càng có nhiều người quan tâm đến Nhật, sau chiến thắng quân sự của nước này trước Trung Quốc và Nga, cuốn sách của Nitobe đã có được một lượng độc giả sẵn sàng đón nhận trong số độc giả phương Tây, những người vừa ấn tượng vừa hoang mang trước sự trỗi dậy kinh ngạc của Nhật.
Đối với độc giả phương Tây, lòng dũng cảm, thái độ đạo đức và các giá trị khác của bushido được mô tả trong cuốn sách của Nitobe đã cung cấp lời giải thích thuyết phục về cách một quốc gia nhỏ bé còn chưa được biết đến, có thể đánh bại các nước láng giềng lớn hơn và dường như cũng mạnh hơn.
"Cuốn sách của Nitobe đã đưa ra giải thích nguồn gốc sức mạnh ngày càng tăng của Nhật Bản," Lance Gatling, tác giả cuốn Biên niên sử Kanō sắp ra mắt, nói về Jigorō Kanō, người sáng lập môn phái judo, nói.
"Đây là một trong những cuốn sách đầu tiên ở phương Tây về văn hóa Nhật, và nó bán chạy như điên."
Sách của Nitobe lý tưởng hóa hình ảnh samurai bên ngoài Nhật Bản. Ảnh: Getty Images
Sức hấp dẫn của bushido như một quy tắc đạo đức thậm chí còn thu hút sự chú ý của Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Theodore Roosevelt, một người tập judo nhiệt tình.
Trong bức thư gửi cho nhà ngoại giao và chính khách, Bá tước Kentarō Kaneko vào ngày 13 tháng 4 năm 1904, Roosevelt viết: "Tôi ấn tượng nhất với chương sách nhỏ về Bushido. Tôi học được không ít từ những gì tôi đã đọc về tinh thần Samurai cao đẹp… "
Tại Anh, bá tước Robert Baden-Powell, người sáng lập của Boy Scouts (Hướng đạo sinh), đã viết rằng mục đích của Sói Con Hướng đạo là "phục hưng các quy tắc của hiệp sĩ xưa, mà đã làm nên rất nhiều giá trị đạo đức của chủng tộc chúng ta, giống như… Bushido... đã và đang làm cho Nhật.
Trái ngược với sự đón nhận cuồng nhiệt ở ngoài nước, cuốn sách bị chỉ trích rộng rãi ở Nhật rằng nó không chính xác, theo Oleg Benesch, viết trong cuốn sách "Inventing the Way of the Samurai."
Tuy vậy, thành công vang dội quốc tế của nó đã được ca ngợi ở Nhật Bản, và bằng cách gieo mầm ý tưởng rằng thái độ chính trực của Nhật đã cho phép nước này có quyền gia nhập nhóm đặc quyền của các quốc gia thuộc địa phương Tây, cuốn sách của Nitobe "khiến người Nhật tin rằng họ là những người được thừa hưởng những giá trị vượt trội và rằng họ đã sửa chữa sai lầm," Hotta viết.
"Điều đó rất quan trọng đối trong mắt người Nhật."
Sau Thế chiến thứ hai, bushido, vốn gắn liền với chủ nghĩa quân phiệt Nhật, đã trở thành "mục tiêu của sự phẫn nộ của công chúng" ở Nhật Bản, Benesch viết.
Gần đây, bushido một lần nữa nhận được sự quan tâm và cuốn sách của Nitobe lại được công chúng quốc tế công nhận vào những năm 1980, khi thế giới muốn tìm hiểu nguồn gốc của công nghệ hiện đại và 'thần kỳ kinh tế' Nhật Bản.
Bushido, tức nguyên tắc võ sĩ đạo, theo Nitobe, hướng dẫn kiếm sĩ sống chết vì công lý và phải ra tay hành hiệp khi cần. Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, ngoài sự bùng nổ quan tâm theo từng giai đoạn như vậy, Nitobe và cuốn sách từng bán chạy nhất của ông không phải là những cái tên quen thuộc ở Nhật Bản.
Ngay cả những người nhớ đến Nitobe cũng nhận ra ông thường xuyên hơn như gương mặt trên tờ 5.000 Yên lưu hành từ năm 1984 đến 2004.
Những giá trị của bushido như lịch sự với mọi người, đề cao danh dự cá nhân, tự chủ và trung thành với cấp trên - vẫn là quan điểm cốt lõi của người Nhật về chuẩn mực hành vi.
Bushido được nhắc đến rộng rãi trong các môn thể thao, như đội bóng chày quốc gia Nhật có biệt danh là "Samurai Japan" và đội bóng đá nam quốc gia được gọi là "Samurai Blue".
Theo Yukiko Yuasa, phó giáo sư tại Đại học Teikyō Heisei ở Tokyo, sự phổ biến của các giá trị bushido trong xã hội Nhật phản ánh sự ảnh hưởng không ngừng của Nho giáo hơn là sách của Nitobe.
"Nhiều điều viết trong cuốn sách của Nitobe là một phần hành vi ứng xử của người Nhật, vì vậy mọi người không cần phải đọc cuốn sách để tìm hiểu về những giá trị đó," bà nói.
Mặc dù vậy, cuốn sách của Nitobe vẫn cung cấp thông tin cho thế giới bên ngoài về những giá trị cốt lõi của xã hội Nhật.
Kiếm sĩ samurai được mô tả là biểu hiện của sức mạnh thân thể và đức tính trí dũng.
Do đó, 'Bushido: Linh hồn Nhật Bản' được kỳ vọng có thể giúp nâng cao hiểu biết của thế giới về nước Nhật trong những năm tới.
Michiyo Nakamoto
The Collection, BBC
Link tiếng Anh: