Monday, August 15, 2022

ĐỪNG NHẦM LẪN HÀI LÒNG VỚI THỎA MÃN

Hài lòng đến từ việc biết rằng ngày hôm nay mình đã cố gắng hết sức, từ việc có thể thích ứng với những thay đổi đến biết tri ân cuộc sống tự đáy lòng mình.


Hạnh phúc chính là sự hài lòng. Điều này nghe có vẻ thiếu thuyết phục với một số người, vì hài lòng dường như không mạnh bằng vui thích, hoan hỷ. Nhưng đối với tôi, nếu tôi hài lòng với bất cứ điều gì như một mối quan hệ, những việc mình làm trong ngày, hay món ăn mình đang thưởng thức, vậy là tôi đã hạnh phúc và hoan hỷ.

Điều này khác hoàn toàn so với cảm giác thỏa mãn vào thời điểm đạt được điều gì đó mà bạn đặt ra từ trước với suy nghĩ rằng mình chỉ hạnh phúc khi có được điều ấy. Nhìn nhận hạnh phúc như thế là sai lầm bởi hạnh phúc thực sự chính là mối quan hệ vô điều kiện giữa tôi và cuộc sống, với những gì đang xảy ra lúc này. Đó chính là sự thấu hiểu dù hoàn cảnh bên ngoài có thay đổi ra sao, điểm mấu chốt nằm ở việc bản thân tôi nhìn nhận những hoàn cảnh đó và gắn ý nghĩa cho chúng như thế nào. Nếu biết động cơ là tốt đẹp và mình đã nỗ lực hết sức, tôi có thể dễ chấp nhận những điều xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Đó là cách giúp tôi nắm trong tay chìa khóa hạnh phúc và niềm vui cho bản thân ngay trong hiện tại.

Hạnh phúc thực sự chính là mối quan hệ vô điều kiện giữa chúng ta và cuộc sống, với những gì đang xảy ra lúc này

Một vài người có thể cảm thấy thành công là chìa khóa của hạnh phúc. Tất nhiên, khi làm tốt một việc chúng ta có thể thấy rất vui, nhưng tôi tin rằng hạnh phúc chỉ đến khi chúng ta thực sự hài lòng. Nếu không bao giờ hài lòng thì dù có thành công đến đâu ta cũng vẫn thấy mình cần phấn đấu hơn nữa. Chúng ta sẽ không bao giờ cho bản thân cơ hội được hân hưởng hay tri ân những gì mình đang có mà thay vào đó luôn mải miết hướng tới tương lai.

Hài lòng có thể bị nhầm lẫn với thỏa mãn nhưng với tôi, hai khái niệm này không giống nhau. Hài lòng không có nghĩa là chúng ta ngồi xuống thư giãn và nghĩ rằng: “Tuyệt vời! Giờ mình đã có thể khoanh chân ngồi nghỉ bởi đã được thỏa mãn mọi nhu cầu”. Hài lòng đến từ những nỗ lực được thực hiện với tâm hoan hỷ, biết rằng hôm nay mình đã cố hết sức, từ việc thích ứng với những thay đổi đến biết tri ân cuộc sống tự đáy lòng mình.

Khi biết hài lòng, ta sẽ thấy bớt đi nhu cầu bám chấp vào thành công, những mối quan hệ và ý kiến của người khác. Đồng thời ta cũng bớt lo sợ phải mất đi những gì mình đang có. Điều này khiến cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn.

Thay vì lãng phí năng lượng tinh thần cho lo lắng buồn phiền khi luôn so sánh bản thân với mọi người và tìm kiếm vị trí của mình trong xã hội, ta chỉ cần làm việc với duy nhất một người mà mình có thể gây ảnh hưởng: đó chính là bản thân chúng ta.

Thay vì đòi hỏi vợ, chồng hay bạn bè của mình phải hành xử theo những cách nhất định, chúng ta nên cố gắng là một người chồng, người vợ hay người bạn biết quan tâm, chăm sóc yêu thương và để người khác được là chính họ.


Hài lòng là cảm nhận luôn hiện diện

Những khoảnh khắc hài lòng liên tục xâu chuỗi thành một quá trình và từ đó chuyển hóa tính cách, giúp ta trở thành người an bình, thư thái và có tính khí ôn hòa.

Hướng đến sự hài lòng trong tương lai chỉ là ảo tưởng hay ngụy biện vì nó dựa trên điều kiện cần phải hoàn thành một công việc: ta sẽ hài lòng mãn nguyện khi một việc diễn ra hay sau khi ta cảm nhận, trải nghiệm được việc đó.

Đây là ngộ nhận phổ biến nhất về động cơ của hài lòng.

Hài lòng là thiết lập lại cân bằng về hoàn cảnh hiện tại khi mọi thứ được sắp xếp theo khả năng, mục đích, mức độ cố gắng và thời gian.

Hãy nhìn theo cách này: Bạn đang có việc làm, có gia đình, sự nghiệp, nhà cửa, thú cưng, sức khỏe của bạn nhìn chung là tốt. Bạn nên hài lòng với những gì mình đang có. Nếu ngay khi mọi thứ đang cân đối đủ đầy như vậy, bạn lại khao khát tìm kiếm một công việc tốt hơn, một sự nghiệp thành công hơn, một ngôi nhà lớn hơn hay đơn giản là có một thân thể cường tráng, cơ bắp hơn, thì khi đó hạt giống tham cầu được gieo trồng và nó sẽ khiến bạn trở nên bất mãn, không còn hài lòng nữa. Hoàn cảnh tương đối an ổn, hợp lý trước đó đã bị đảo ngược và trở nên tồi tệ theo sự khuấy đảo của ham muốn. Việc tìm kiếm một công việc tốt hơn hay một ngôi nhà lớn hơn có thực sự hợp lý không?

Bản chất tự nhiên của con người là vậy. Từ trước tới giờ mọi thứ vẫn tốt. Nhưng khi bạn tự phá vỡ cân bằng dưới sự thúc đẩy của tham, sân, si, khi bạn lấy đích đến làm điểm hạnh phúc thì bạn sẽ mất cân bằng và trở nên bất mãn. Nếu biết tiến bước với những gì mình đang có, cố gắng tự nhiên, không gò ép, bạn sẽ hài lòng và giữ được sự hài lòng này lâu dài. Còn khi bạn tìm cách lôi kéo, xô đẩy, cố kiếm tiền nhanh hơn, nhiều hơn thì sự việc có thể trở nên tồi tệ, và khi đó bất mãn sẽ nổi lên.

Nếu biết tiến bước với những gì mình đang có, cố gắng tự nhiên, không gò ép, bạn sẽ hài lòng và giữ được sự hài lòng này lâu dài.

Gặm nhấm tham cầu chỉ tạo thêm nhiều phiền não trong cuộc sống. Ngày nay, khái niệm “thêm” đã trở thành nền tảng tạo ra thái độ bất mãn trong cuộc sống và trong nhiều trường hợp là nền tảng của sự phá hoại. Tôi không cổ xúy cho khái niệm “bớt”, sự đối nghịch tự nhiên của “thêm”, như suy nghĩ của một số người. Khái niệm “đủ” chính là nền tảng của hài lòng, đó là quan điểm của tôi. Và chỉ “đủ” thôi là đã quá đủ để chúng ta được hạnh phúc, hoan hỷ.

Theo: ‘Sống trí tuệ’ – Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa