Saturday, August 20, 2022

CUỘC ĐỜI HUYỀN THOẠI CỦA CÔNG CHÚA SISSI

Nàng là nữ hoàng đẹp nhất thế giới, sắc đẹp và sức quyến rũ đã chinh phục thiên hạ, cuộc đời đầy truyền kỳ, và câu chuyện về nàng vẫn được truyền tụng đến ngày nay. Đó chính là Nữ hoàng Elizabeth của Áo, được mọi người quen gọi là Công chúa Sissi.


Trong số các gia đình hoàng gia ở Châu Âu, Công chúa Sissi là một nhân vật vô cùng đặc biệt, mặc dù ở cô tập trung cả sắc đẹp và vinh quang, nhưng cuộc đời của cô dường như luôn đi ngược lại với những ý nghĩ của cô. Cô không muốn trở thành hoàng hậu, nhưng vẫn cứ được chọn; cô thích một cuộc sống tự do tự tại, nhưng bị gò bó trong nơi cung đình; cô vốn là một người tính cách sôi nổi, nhưng lại sống một cuộc sống bất hạnh, và ngay cả cái chết của cô cũng khá ly kỳ. Vậy cuộc đời của cô như thế nào?

Công chúa Sissi có dung mạo xinh đẹp (Nguồn ảnh: miền công cộng)

Tình cờ kết hôn, bước vào vương thất

Công chúa Sissi có tên đầy đủ là Elisabeth Amalie Eugenie, sinh ngày 24 tháng 12 năm 1837, mất ngày 10 tháng 9 năm 1898, hưởng thọ 61 tuổi. Trong lịch sử, bà thường được biết đến với cái tên “Elizabeth của Áo-Hungary”, hoặc “Elizabeth của Áo”, nhưng mọi người thường gọi bà bằng biệt danh - Công chúa Sissi .

Cha của Công chúa Sissi là công tước của Vương quốc Bavaria (ngày nay thuộc Đức), còn mẹ của cô là con gái của quốc vương xứ Bavaria, không cần nói cũng rõ Sissi chính là cháu ngoại của quốc vương, hoàn cảnh gia thế vô cùng hùng mạnh.

Cha mẹ của Sissi và những người con. Sissi thừa hưởng vẻ đẹp của bố mẹ (Ảnh: miền công khai)

Cha của Sissi không giữ chức vụ gì trong triều đình, bản tính ông ưa tự do, thích cuộc sống không gò bó, thích du ngoạn và cưỡi ngựa, Sissi cũng thừa hưởng tính cách và sở thích của cha.

Bức chân dung Sissi cưỡi ngựa khi cô 15 tuổi (Ảnh: miền công cộng)

Hôn nhân trong họ hàng rất phổ biến trong các gia đình hoàng gia và quý tộc Châu Âu. Họ cho rằng sự giàu có và địa vị sẽ chỉ trở nên mạnh mẽ hơn khi lực lượng hùng mạnh hợp lực. Nói về hôn nhân của Sissi thì phải kể đến một người - mẹ chồng của cô - Sophie, bà đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hôn nhân sau này của Sissi. Sophie và mẹ của Sissi là hai chị em.

Chồng của Sophie là em trai của vua Ferdinand I của Áo, vua không có con trai, sau khi thoái vị, chồng của Sophie lẽ ra phải là vua, nhưng Sophie đã thuyết phục chồng từ bỏ quyền thừa kế ngai vàng và đẩy con trải cả 18 tuổi lên ngôi, tức là Franz Joseph I (18 tháng 8 năm 1830 - 21 tháng 11 năm 1916).

Khi Franz 23 tuổi, Sophie chuẩn bị đi tìm hoàng hậu cho con trai, bà đã chọn con của em gái, Helen, là chị gái của Sissi, nhưng Franz lại yêu Sissi. Anh hiểu tính cách mạnh mẽ của mẹ mình, để thuyết phục bà, Franz đã nói với mẹ: “Con có thể nghe mẹ trong những sự việc khác, nhưng việc hôn nhân thì không được. Nếu con không cưới Sissi, thì cả đời con sẽ không lấy ai”. Thấy con trai kiên quyết như vậy, Sophie đành phải nghe theo.

Vậy là Sissi kết hôn với Franz năm 16 tuổi. Cô nghiễm nhiên trở thành Nữ hoàng Áo, Nữ hoàng Bohemia, Nữ hoàng Croatia, v.v.

Sissi trở thành nữ hoàng trẻ tuổi (Ảnh: phạm vi công cộng)

Nữ hoàng yêu thời trang

Ăn kiêng, giảm cân, rèn luyện sức khỏe là những điều vốn quen thuộc với người hiện đại, nhưng công chúa Sissi đã làm từ 100 năm trước.

Không chỉ sở hữu gương mặt thiên thần, Sissi còn được biết đến với thân hình mảnh mai. Ngay cả sau khi đã sinh 4 người con, cô vẫn không từ bỏ việc chăm sóc cơ thể, ăn kiêng và tập luyện suốt cuộc đời.

Cô cao 1,73 mét nhưng kiểm soát cân nặng nghiêm khắc xuống khoảng 50 kg. Để giữ được vóc dáng thon gọn, cô thường không ăn cơm cùng gia đình mà có đầu bếp riêng chuyên chế biến các món luộc hoặc ít dầu mỡ cho cô. Khi cô cho rằng mình đang thừa cân, cô sẽ lại càng tuân thủ nghiêm ngặt “bữa ăn” cực kỳ khắc nghiệt và ăn rất ít.

Sissi có thân hình mảnh mai (Ảnh: phạm vi công cộng)

Sissi rất thích vận động, đặc biệt là thể thao và cưỡi ngựa. Mỗi lâu đài cô sống đều được trang bị phòng tập thể dục, thảm, xà thăng bằng, vòng và các dụng cụ để đấu kiếm. Cô cũng mua một số thiết bị thể thao hạng nặng mà khi nhìn thấy chúng, mọi người đều nghĩ là dành cho nam giới. Những thiết bị đó không phải là đồ trang trí, cô thực sự sử dụng chúng để tập thể dục. Sissi cũng là một vận động viên cưỡi ngựa nổi tiếng ở châu Âu, mỗi ngày cô cưỡi ngựa vài giờ, và đây chỉ là một thói quen trong cuộc sống của cô.

Thời đó, phụ nữ châu Âu coi vòng eo thon thả là đẹp. Sissi cũng kiểm soát rất khắt khe đối với vòng eo của mình. Cô có những chiếc áo nịt được thiết kế riêng, làm bằng da hoặc chất liệu cứng hơn, và buộc chặt bằng dây đai để giữ cho vòng eo của cô khoảng 50cm, đôi khi thậm chí 40cm. Vì vậy, cô mặc đồ lên trông luôn luôn đẹp.

Sissi là một vận động viên cưỡi ngựa nổi tiếng ở Châu Âu (Ảnh: phạm vi công cộng)

Sissi có mái tóc rất đẹp, vừa dài vừa dày, đôi khi tóc dài tới đất. Việc thường xuyên chăm sóc mái tóc cũng cần có sự kiên trì. Khi gội đầu, cần có người trợ giúp, còn khi dưỡng tóc, có thể mất hàng giờ đồng hồ.

Sissi đã mời Franziska Feifalik, một nhà làm tóc trên sân khấu tại The Burgtheater ở Vienna làm “thợ làm tóc riêng của Nữ hoàng”. Feifalik được thuê trọn đời phụ trách tất cả các kiểu tóc đẹp, đầy trí tưởng tượng cho Sissi. Những mái tóc tinh xảo của Sissi đến từ bàn tay của người thợ làm tóc này. Trong quá trình kết giao với nhau, họ cũng trở thành những người bạn tốt của nhau. Kiểu tóc của Sissi không chỉ được các chị em của cô bắt chước mà còn thịnh hành trong giới các phu nhân của xã hội thượng lưu thời bấy giờ.

Công chúa Sissi có mái tóc dài chạm đất. Bức chân dung này cũng là một bức yêu thích nhất của chồng cô (Ảnh: phạm vi công cộng)

Sissi rạng rỡ, vẻ đẹp và sự duyên dáng của cô đã thu hút sự chú ý của mọi người đối với triều đình Áo lúc bấy giờ. Thời trang của cô được săn đón và thu hút một lượng lớn người hâm mộ ở Châu Âu và thậm chí là thế giới. Mẹ chồng Sophie từng nhận xét: “Hoàng hậu chính là người thu hút tất cả mọi người vì cô là niềm vui, là thần tượng của họ”. 

Nữ hoàng đẹp nhất thế giới - Công chúa Sissi (Ảnh: miền công cộng)

Mẹ đã đưa cô thoát khỏi bệnh

Khi công chúa Sissi 23 tuổi, cô mắc bệnh phổi nặng. Ngự y đưa ra thông báo về bệnh tình nguy kịch và nói rằng, cô phải tách khỏi gia đình để tránh lây nhiễm. Đây là một đòn giáng nặng nề đối với gia đình.

Sissi được chuyển đến hòn đảo Madeira của Bồ Đào Nha, nơi cô được điều trị và hồi phục sức khỏe. Từ năm 1860 đến năm 1861, cô đã dành thời gian nửa năm ở đây.

Thời gian đầu, Sissi cảm thấy như mình sắp chết, khó thở, ho và cô nằm trên giường cả ngày, kiệt sức. Hơn nữa cô lại bị tách khỏi gia đình, cách xa hàng nghìn cây số, cô rất chán nản và bi quan.

Mẹ cô rất lo lắng và nhớ con gái, nên dù ở rất xa xôi, bà vẫn đến với cô. Bà nói với Sissi: “Con đừng nghĩ về cái bệnh đó nữa! Thượng Đế sẽ sắp xếp tốt nhất! Con hãy nhìn vẻ đẹp nơi đây, tại sao không ra ngoài dạo chơi và đi một vòng?”

Sự xuất hiện của mẹ khiến Sissi rất vui. Lời nói của mẹ đã trở bài thuốc tuyệt diệu với cô. Cô cùng mẹ, từng bước, chậm rãi bước đi. Cứ thế tình trạng của Sissi ngày càng chuyển biến tốt hơn, và sau đó cô đã có thể chạy.

Khi ngự y của triều đình đến kiểm tra, kỳ tích đã xảy ra, Sissi đã hoàn toàn bình phục!

Từ mẹ, Sissi đã học được thái độ đối đãi với bệnh tật, đó là: đừng quá chú ý đến nó! Thượng Đế đã sắp đặt hết mọi thứ một cách tốt đẹp, vậy thì chúng ta hãy tập trung vào sống mỗi ngày cho thật tốt!

Tự mình giải quyết nguy cơ của quốc gia

Khi nghe tin Công chúa Sissi hồi phục, vua Franz ở Áo vui buồn lẫn lộn. Vua chuẩn bị đến Madeira để đích thân đón công chúa Sissi trở về.

Với tư cách là Vua của Áo, các công việc riêng tư của ông cũng là một phần của việc công. Các cố vấn khuyên vua và hoàng hậu nên ghé qua Ý trên đường trở về để xoa dịu cuộc khủng hoảng ngoại giao ở đó. Người Ý lúc đó đang gây rối loạn đòi giành độc lập, đó là lãnh thổ của Đế quốc Áo, hai bên đã có một vài lần chiến tranh.

Nhưng vua Franz cho rằng công chúa Sissi đang hồi phục sau một căn bệnh nghiêm trọng, không thích hợp để đảm nhiệm một chuyến thăm nặng nề như vậy. Nhưng dưới sự thuyết phục của cố vấn và mẹ Sophie, ông đã đồng ý. Có thể tưởng tượng, chuyến thăm của họ đã không diễn ra tốt đẹp, và họ đã nhận phải sự đối xử thờ ơ - sự phản kháng âm thầm từ người Ý.

Nhưng người Ý từ lâu đã nghe nói về vẻ ngoài tuyệt vời của Sissi. Câu chuyện về việc cô vượt qua bạo bệnh cũng được người dân Ý lưu truyền. Thái độ thân thiện của cô với người dân được mọi người rất hoan nghênh. Trong chuyến thăm này, Franz mang theo con mà không nói với Sissi. Khi phải xa con một thời gian dài vì bệnh tật và gặp lại con, tâm tình của Sisi rất phấn khích, cô không thể nói thành lời. Cô ôm chặt lấy con! Người Ý đã chứng kiến ​​tất cả những điều này, và khoảnh khắc đó đã khiến người Ý xúc động, họ hét lên: “Tình mẹ muôn năm!” “Tình mẹ muôn năm!”. Họ chấp nhận và chào đón nồng nhiệt Sissi cùng các con và chồng của bà - Vua Franz của Áo.

Công chúa Sissi đã tự mình hoá giải quyết cuộc khủng hoảng giữa người Ý và Đế quốc Áo .

Sissi và hai con của cô (Ảnh: Miền công cộng)

Nữ hoàng Hungary lên ngôi

Kể từ năm 1848, người Hungary trên lãnh thổ của Đế quốc Áo đã nhiều lần phát sinh bạo loạn, đòi độc lập. Năm 1867, Đế quốc đã bắt được một số thủ lĩnh của quân nổi dậy. Vào thời điểm đó, các cố vấn trong triều đình và thái hậu Sophie chủ trương giết người không thương tiếc, nhưng Franz, chồng của Sissi thì không muốn giải quyết tranh chấp bằng cách giết người.

Trên thực tế, ông đã bị ảnh hưởng của Sissi nên mới có ý tưởng như vậy. Sissi bản tính thiện lương, yêu thiên nhiên, thích chim chóc và tất cả các loại động vật nhỏ. Cô không bao giờ nhẫn tâm làm tổn thương chúng, điều này cũng khiến Franz cảm động. Vì vậy, thay vì ký vào các giấy tờ để chặt đầu các thủ lĩnh phiến quân, ông đã ân xá cho họ, bao gồm cả Andrássy Gyula nổi tiếng.

Andrássy đã gặp công chúa Sissi và bị thu hút và ấn tượng sâu sắc bởi sự quyến rũ mà cô toát ra. Anh nói rằng, anh và những người dân Hungary sẵn sàng phục vụ cô và nhà vua cho đến khi họ qua đời. Sau đó, hai bên đã ký “Kế hoạch thỏa hiệp Áo -Hung năm 1867”, thiết lập chế độ quân chủ kép của Đế quốc Áo-Hung. Andrássy được bổ nhiệm làm Thủ tướng Hungary đầu tiên, trong khi Franz và Sissi chính thức lên ngôi Vua và Nữ hoàng Hungary.

Franz Joseph I và Elisabeth (Sissi) được trao vương miện ở Hungary với tư cách là Vua và Nữ hoàng của Hungary (Ảnh: miền công cộng)

Như một món quà đăng quang, Hungary đã tặng cho cặp vợ chồng hoàng gia một ngôi nhà ở thôn Gödöllő, cách Budapest 32 km về phía đông. Sau này, nó dần trở thành địa điểm thời thượng của tầng lớp quý tộc Hungary.

Cuối cùng, thiện lương đã hoá giải hận thù. Andrássy và những người Hungary rất biết ơn Sissi, Sissi cũng rất thích những người Hungary và sẵn sàng sống ở Hungary.

Tranh chân dung Công chúa Sissi và gia đình tại Cung điện Gödöllő ở Hungary (Nguồn: Miền công cộng)

Du lịch trở thành một phần cuộc sống của cô

Vào giữa thế kỷ 19, du lịch trở nên phổ biến trong giới quý tộc châu Âu. Sissi rất thích đi du lịch, ngoài việc chịu ảnh hưởng từ bố, sự căng thẳng giữa mẹ chồng nàng dâu và cuộc sống cung đình dồn nén cũng là những nguyên nhân quan trọng khiến cô thường xuyên đi du lịch xa.

Sissi và chồng lớn lên trong những gia đình hoàn toàn khác nhau. Do tính cách cha của Sissi là người vui vẻ và tự do, nên cô cũng lớn lên trong bầu không khí vui vẻ và tự do. Còn mẹ của Franz - bà Sophie lại mang tới một nền giáo dục cung đình rất nghiêm khắc cho con trai, và Franz được giáo dục theo những yêu cầu đối với người thừa kế ngai vàng. Franz nói được nhiều thứ tiếng, hiểu các nghi thức triều đình, và nổi tiếng là người siêng năng, thường làm việc 12 giờ một ngày, yêu dân, nên người dân rất kính trọng vua Franz. Vào những năm cuối, người dân tôn kính gọi ông là “Quốc phụ” của đế quốc Áo Hung.

Sophie không thừa nhận phong cách nuôi dạy của cha Sissi, càng không thừa nhận một Sissi do cha cô giáo dục tạo ra. Bà muốn biến Sissi trở thành một nữ hoàng ngoan ngoãn, giống như con trai mình. Sự thật đã chứng minh rằng Sissi không thích nghi, thậm chí ghét cuộc sống cung đình như này, vì nó đi ngược lại với sự tự do mà cô khao khát. Cuộc sống nơi hoàng cung khiến cô cảm thấy chán nản, phiền muộn, thậm chí là ngột ngạt. Cô đã từng nói với chồng mình rằng sẽ tốt biết bao nếu anh không phải là vua. Trong hồi ký của mình, con gái của Sissi cũng kể về nỗi sợ hãi và trầm cảm của Sissi nơi hoàng cung.

Do khác biệt tư tưởng nên Sissi và mẹ chồng đã mâu thuẫn trong một thời gian dài, mẹ chồng thậm chí còn đem con của Sissi đi, bà cho rằng Sissi không thể đào tạo tốt thế hệ sau, và bà cần phải nuôi dưỡng chúng. Sissi rất yêu thương con cái, và việc buộc phải xa con cũng khiến tình cảm và cuộc sống của cô rơi vào ngõ cụt, điều này càng làm trầm trọng thêm cuộc đối đầu giữa mẹ chồng và con dâu.

Vì vậy, Sissi phải chọn cách bỏ trốn và đi du lịch bên ngoài để khuây khỏa, như vậy có thể giảm bớt mâu thuẫn giữa cô và mẹ chồng, và cũng là để rời khỏi nơi khiến cô cảm thấy chán nản. Đi du lịch cũng trở thành một cách để Sissi giải phóng bản thân.

Lúc đầu, vua Franz phản đối, nhưng sau khi khuyên can không hiệu quả, ông đã chuyển sang ủng hộ và cung cấp tiền cho cô. Ông biết rằng bệnh phổi của Sissi chỉ được chữa khỏi sau khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Tất nhiên ông hy vọng rằng hoàng hậu yêu quý của mình sẽ có một cơ thể khỏe mạnh và tâm trạng vui vẻ.

Khi ở bên ngoài, Sissi thường xuyên trao đổi thư với chồng, giới thiệu về nơi cô đã đến, cảnh vật cô ấy đã nhìn thấy, những người cô ấy đã gặp, những gì cô ấy đã trải qua, v.v. Sau khi nhận được những lá thư này, Franz phấn khích như đang đọc nhật ký du lịch. Ông cũng nhiệt tình viết thư lại cho Sissi, và mối quan hệ giữa hai người trở nên tốt đẹp hơn.

Công chúa Sissi đã đến Vương quốc Anh, Hà Lan, Pháp, Thụy Sĩ, Hy Lạp và các quốc gia khác. Cô cũng đi đến các quốc gia mà hoàng gia châu Âu chưa từng đến thăm vào thời điểm đó, chẳng hạn như: Maroc, Algeria, Malta, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Sissi đã dành phần lớn thời gian của nửa sau cuộc đời để đi du lịch.

Công chúa Sissi và con chó của cô (Ảnh: miền công cộng)

Chỉ mặc đồ màu đen khi về già

Hành động này của Sissi có liên quan đến con trai bà là Rudolf. Năm 21 tuổi, Sissi sinh người con trai duy nhất của mình, Rudolf (tiếng Đức: Rudolf, Kronprinz von Österreich und Ungarn), sau này được gọi là Hoàng tử của Áo và Hungary.

Dưới sự sắp đặt của bà nội Sophie, Rudolf ngay từ nhỏ đã nhận sự giáo dục rất nghiêm khắc của triều đình, bao gồm cả huấn luyện quân sự nghiêm ngặt. Sau khi lớn lên, anh buộc phải kết hôn với Công chúa Stephanie của Bỉ, con gái của Vua Leopold II của Bỉ. Đây là cuộc hôn nhân chính trị, hai người cũng bằng mặt mà không bằng lòng.

Rudolf cũng giống mẹ, anh khao khát tự do, cùng với cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, nhất là trong thời đại đó, khi phong trào lật đổ hoàng gia châu Âu đang dâng cao, và hoàng gia Áo cũng lâm vào cảnh bấp bênh. Rudolf nhìn thấy sự suy tàn của hoàng gia và những tham vọng chính trị của mình khó đạt được, nên vào ngày 30 tháng 1 năm 1889, đã chọn cách tự sát trong tuyệt vọng.

Trước cái chết của người con trai duy nhất, Sissi rất đau khổ và tự trách bản thân. Kể từ đó, bà chỉ mặc đồ đen để tưởng nhớ con trai mình.

Sau cái chết của con trai, Sissi chỉ mặc đồ màu đen (Ảnh: phạm vi công cộng)

Cái chết ly kỳ

Ngày 10 tháng 9 năm 1898, là ngày cuộc đời công chúa Sissi kết thúc.

Vào ngày này, tại Geneva, Thụy Sĩ, Công chúa Sissi và nữ quan của mình, Nữ bá tước Sztáray, rời khách sạn nơi họ đang ở và đi dạo trên con đường bên Hồ Geneva, chuẩn bị đi tàu hơi nước đến Montreux. Lúc này, một người đàn ông bất ngờ lao lên, dùng cái giũa đâm một nhát vào tim Sissi rồi bỏ chạy.

Lúc đó Sissi không nhận ra tình trạng vết thương rất nghiêm trọng, vẫn tiếp tục lên tàu cho đến khi máu chảy quá nhiều rồi mới đi thuyền trở lại bến tàu. Sau khi lên bờ, bà được cáng tạm về khách sạn. Một giờ sau vụ tấn công, các bác sĩ tuyên bố Sissi đã chết. Những lời cuối cùng của bà là: “Chuyện gì đã xảy ra vậy?”

Hung thủ ngay sau đó bị bắt, hắn tên là Luigi Lucheni, 25 tuổi, người Ý, một kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ. Chủ nghĩa vô chính phủ thuộc phái cực tả trong các phe phái chính trị, và chủ trương bạo động lật đổ chế độ hiện có.

Lucheni cho biết, anh ta đã định ám sát Công tước Orleans để tuyên truyền cho một hoạt động vô chính phủ, nhưng công tước tạm thời thay đổi hành trình của mình, cản trở kế hoạch của Lucheni. Anh ta nói rằng, anh ta chỉ muốn giết một thành viên của gia đình hoàng gia, bất kể đó là ai!

Vì vậy, Công chúa Sissi , người đang ở Thụy Sĩ, trở thành mục tiêu của vụ ám sát một cách khó hiểu.

Vì Thụy Sĩ đã bãi bỏ án tử hình vào thời điểm đó, Luigi Lucheni bị kết án tù chung thân, thụ án tại Nhà tù de l'Évêché ở Geneva. Vào ngày 19 tháng 10 năm 1910, hắn đã tự sát trong phòng giam của mình ở tuổi 37.

Sau khi Sissi bị sát hại, một hội nghị quốc tế được triệu tập khẩn cấp, trong đó đại diện từ 21 quốc gia coi chủ nghĩa vô chính phủ là chủ nghĩa khủng bố, cho phép theo dõi những người khả nghi và cho phép hành quyết những kẻ đã ám sát quốc vương.

Sau khi nghe tin Sissi qua đời, chồng bà vô cùng đau buồn, ông thầm nói: “Cô ấy sẽ không bao giờ biết ta yêu cô ấy đến nhường nào…”

Sissi và chồng cưỡi ngựa (Nguồn ảnh: phạm vi công cộng)

Sissi được chôn cất trong phòng chôn cất hoàng gia ở Vienna, Áo. Đây là nơi chôn cất chính của các thành viên trong gia tộc vương triều Habsburg. Cuộc đời huyền thoại của bà đã được tái hiện trong nhiều tiểu thuyết, phim ảnh và các tác phẩm văn học nghệ thuật khác sau này và nhận được sự chào đón rộng rãi. Nhiều nơi bà từng sống và đến thăm, ngày nay là những điểm du lịch nổi tiếng, chẳng hạn như Cung điện Schönbrunn ở thủ đô của Áo, và Cung điện Gödöllő ở Hungary. Tất cả những gì liên quan đến “Công chúa Sissi” cũng trở thành thu hút với công chúng, điều đó cho thấy sức hút và tầm ảnh hưởng của công chúa. Công chúa Sissi đã trở thành đại diện và biểu tượng của nước Áo và cả Châu Âu, được mọi người yêu mến và thương nhớ...

Minh An / NTDTV
Theo: SOH
Link tham khảo:



No comments: