Saturday, August 27, 2022

BẢN NGÃ THỰC CHẤT LÀ GÌ?

Cái được gọi là “bản ngã” thực chất là gì? Theo tôi nghĩ, đó là một ảo tưởng sai lầm gây cho ta nhầm lẫn về bản thân. Đó là vọng tưởng của chúng ta về bản thân, là toàn bộ những phóng chiếu, danh ngôn khái niệm mà ta muốn dùng để nói về bản thân cùng các trải nghiệm tạo nên cảm xúc. Bản ngã là lăng kính hay bộ lọc được chúng ta sử dụng để nhìn nhận thế giới và giải thích cuộc sống theo cách hiểu của riêng mình.


Cùng với thời gian, vọng tưởng của ta về bản ngã tạo ra rất nhiều tầng lớp chống lại sự thay đổi và khiến ta càng chấp chặt hơn vào cái “tôi” tồn tại kiên cố. Từ những trải nghiệm đầu đời trong thời thơ ấu, rồi theo suốt cuộc đời sau này, bản ngã luôn khiến ta ảo tưởng về bản thân.

Những nhãn mác về bản thân từ thuở ấu thơ

Bắt đầu là việc cha mẹ nói về bạn khi còn thơ bé, chẳng hạn như, bạn được cha mẹ gán ghép là hay ngượng ngùng và ít nói, từ đó bạn có thể thực hiện thuần thục vai diễn này trong suốt quãng thời thơ ấu cho tới khi bạn nhận ra thực tế mình là người nói khá nhiều. Có lẽ bạn từng được mọi người coi là một em bé “ngoan”, điều đó khiến bạn luôn lo lắng rằng đến một ngày nào đó cuối cùng bạn cũng sẽ khiến mọi người thất vọng. Hoặc nếu bị gắn mác là “nghịch như quỷ sứ”, là “ác mộng”, bướng bỉnh và nổi loạn, thì bạn sẽ băn khoăn rằng không bao giờ mình có thể ngoan ngoãn được. Dĩ nhiên, mỗi đứa trẻ đều có nhiều đặc điểm chứ không chỉ có một tính cách nhất định, nhưng những nhãn mác như trên lại có sức mạnh gắn chặt vào bạn từ bé tới lớn, khiến bản ngã của bạn cũng chấp chặt vào những nhãn mác, coi đó là những đặc điểm thực sự để nhận diện bản thân bạn.

Bạn có xu hướng bám chấp vào quá khứ với cách nhìn cứng nhắc sai lệch về bản thân và thế giới, thấy mọi thứ trong cuộc sống này thật khó khăn. Hoặc có thể bạn là người luôn suy nghĩ, phóng tưởng đến tương lai, bạn bỏ quên quá khứ quá nhanh tới mức không thể tỉnh giác trong hiện tại.


Trẻ em cần được dạy dỗ để trở nên tự tin, nỗ lực hết sức và dám thử sức, biết ước mơ. Nhưng trong những thế hệ gần đây, mong muốn tốt đẹp đó thường biến thành những gánh nặng kỳ vọng đặt lên vai con trẻ từ lúc còn thơ bé cho tới khi trưởng thành. Có kỳ vọng thì bản ngã cũng ngày một tăng trưởng. Chúng ta thấy mình cần có những của cải, danh vị nhất định, ở mức chúng ta coi là thành đạt và giàu có.

Bởi những kỳ vọng được áp đặt như vậy, trong quá trình trưởng thành, con trẻ sẽ khó có điều kiện làm những điều chúng thích và khám phá năng lực của bản thân. Một ví dụ điển hình cho điều này là trẻ em chỉ mơ ước khi lớn lên trở thành người nổi tiếng. Nếu không có mục đích tốt đẹp thì những tham vọng kiểu này sẽ chỉ làm tăng trưởng bản ngã, khiến con trẻ ngày càng khó tìm lại được chính mình.

Khi ta để bản ngã chi phối, điều khiển mình, thì những suy nghĩ bám chấp của ta vào của cải và mọi người, thậm chí là sự bám chấp vào những cảm xúc sôi sục, sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, tựa như những xiềng xích trói buộc không cho ta sống một cuộc sống tự do và giản dị.

Bản ngã chấp chặt vào những nguyên nhân gây khổ đau

Bản ngã ngăn không cho trí tuệ vốn có trong ta hoạt động tự nhiên hoàn hảo. Trí tuệ vốn có từ bản lai bị che phủ bởi tầng tầng lớp lớp những thêu dệt và phóng chiếu phức tạp trong tâm ta. Điều này có thể dễ gây nhầm lẫn, bởi vì mặc dù tất cả mọi thứ trên thế giới và trong cuộc sống đều có mối liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau, nhưng đó không phải là mối liên hệ chi phối, kiểm soát lẫn nhau.


Ngay khi chúng ta thêm từ “của tôi” thì mối liên hệ đó sẽ bị phóng đại, cường điệu lên. Chúng ta phóng đại sự hấp dẫn của một vật hay một người bởi vì người hay vật đó là “của tôi”. Hoặc chúng ta có thể thổi phồng những phẩm chất không mong muốn, thường liên quan tới chính mình - “Tôi không hề có khiếu hài hước” hay “Tôi thật tẻ nhạt”. Những điều nhỏ nhặt mà người khác không để ý lại bị tâm trí ta tô vẽ thành những khiếm khuyết vô cùng to lớn, trở thành lý do khiến ta bám chấp và không nhận ra cuộc sống tươi đẹp quanh mình.

Bản ngã vững chắc và không dễ thay đổi

Bản ngã thường áp đặt cho chúng ta lối sống và cách nhìn nhận cứng nhắc. Đó là lý do khiến bản ngã dễ dàng bị tổn thương, thường là từ va chạm nhỏ nhặt nhất, thách thức nhỏ bé nhất đối với những niềm tin đã có từ trước. Khi bản ngã kiên cố do gia đình, xã hội hay chính bản thân chúng ta tạo ra, nó luôn khiến chúng ta đánh giá, nhận xét, và kết quả là chúng ta thường thất vọng.

Bản ngã thường bị nhìn nhận lầm thành sự tự tin, nhưng nó thực sự mù quáng, vô minh và tạo nhiều chướng ngại, không cho ta được hạnh phúc. Bản ngã thực sự gây phiền toái. Cái “tôi” liên tục có ảnh hưởng mạnh mẽ tới toàn bộ đời sống của chúng ta - “tôi muốn”, “tôi cần”, “tôi thích”, v.v…


Chúng ta bám chấp rất kiên cố vào những gì cái “tôi” mong muốn, và ngộ nhận rằng mong muốn của bản ngã là mong muốn thực sự của mình. Nếu có thể xa rời cái “tôi”, ta có thể chặn đứng ảnh hưởng của bản ngã. Nếu không nuông chiều theo cái “tôi” thì ta có thể từ bỏ bản ngã. Cũng giống như việc ta hiểu rằng nếu cứ nhượng bộ một đứa trẻ khi nó khóc lóc vòi vĩnh thì sẽ chẳng bao giờ dạy được đứa trẻ đó, cách tốt nhất để chế ngự bản ngã là cần phớt lờ những gì bản ngã đòi hỏi cho tới khi sự phớt lờ đó trở thành một thói quen, và khi đó tâm tự nhiên chân thực của ta sẽ thắng thế và hiển lộ.

Theo: "Sống Trí Tuệ" - Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

No comments: