Sunday, August 28, 2022

BÁNH TRUNG THU XƯA NAY KHÁC RỒI

Một mùa trung thu nữa lại về, đèn lồng, bánh trung thu bắt đầu la liệt “phô mình” trên phố. Song ít người biết rằng ẩn trong những chiếc bánh ấy người xưa đã thể hiện nỗi mong ước về một cuộc sống no đủ, còn thời nay người ta coi chúng như một món quà xa xỉ để biếu xén cho con đường danh lợi.


Theo truyền thuyết dân gian thần Thái Âm là vị thần đã đem đến lương thực cho con người. Bởi vậy vào dịp Trung Thu, khi việc gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi, người ta mở hội cầu mùa, làm lễ cúng thần Thái Âm để bày tỏ sự biết ơn. Lễ vật cho ngày này là hoa quả đủ vị, những chiếc bánh làm từ các sản vật nông nghiệp với hình dáng vuông – tròn tượng trưng cho trời đất bao la.


Ngày nay, cứ đến những ngày đầu tháng tám âm lịch, không khí chuẩn bị cho ngày Tết Trung Thu nhộn nhịp hẳn lên. Từ chợ thành đến chợ xã, đâu đâu cũng có cửa hàng bán bánh, lồng đèn. Song có lẽ cũng chẳng mấy ai biết nguồn cội của những chiếc bánh trung thu.


Từ hình ảnh vầng trăng tròn, con người thuở xưa đã ký thác tư tưởng của mình thành một biểu tượng chiếc bánh tròn trịa được gọi là bánh Nguyệt Bính hay bánh Vầng Trăng. Trong đêm rằm ngắm trăng không thể thiếu chiếc bánh Nguyệt Bính này. Theo tiếng Hán, chữ “tròn” (viên) của trăng gắn với cảnh quây quần, đoàn viên của gia đình, nó là biểu tượng khát vọng về hạnh phúc. Mọi người ăn bánh trung thu trong đêm hội trăng Rằm như minh chứng cho tình yêu của họ với người thân trong gia đình.


Vỏ bánh trung thu truyền thống thường được làm bằng bột mì có ít hương vị, bao bọc một khối nhân ngọt và tươm dầu. Thời xưa nhân bánh thường là quả trứng muối tượng trưng cho trăng rằm, vị mặn của trứng muối dường như đã “trung hòa” cho vị ngọt của nhiều nguyên liệu khác. Bên cạnh đó, những nguyên liệu làm nên nhân bánh còn là những những thứ gần gũi, được chế biến từ những thực phẩm hằng ngày như mứt sen, hạt dưa, mứt bí, mỡ, lá chanh. Sự kết hợp của các nguyên liệu này đã làm dậy mùi đặc trưng và chứa nhiều chất béo mang ý nghĩa của một sự no đủ, mùa màng được vụ.


Ngoài bánh nướng được du nhập từ Trung Quốc, người dân Việt Nam còn có loại bánh dẻo với vỏ làm từ bột nếp trắng ngần kết hợp cùng đường thắng cô đặc và thơm thoang thoảng mùi hoa bưởi. Bánh được đúc trong khuôn gỗ hình tròn với những hoa văn sắc nét. Bánh dẻo tạo nên nét riêng trong đêm hội trăng rằm và thể hiện rõ nét văn hóa lúa nước của người Việt Nam.


Các ký tự trên mặt bánh trung thu thường được dập nổi kết hợp với nhau hài hòa giống chữ tượng hình của chữ cổ. Ngoài ra, những hoa văn trên bánh trung thu truyền thống thường mang thông điệp tốt lành, hay hình ảnh mặt trăng, chú thỏ, chị Hằng Nga – những chi tiết liên hệ đến các huyền thoại về mặt trăng.


Ngày nay, với sự thay đổi về thời thế cũng như khẩu vị của người tiêu dùng mà bánh cũng đã khác nhiều cả về kiểu dáng lẫn hương vị. Không chỉ còn là vuông, tròn hay cá chép, những chiếc bánh trung thu giờ còn có nhiều hình dạng khác nhau với những mẫu mã bắt mắt, kỳ lạ như hình bông hoa, con heo, nhân vật hoạt hình… Bánh ngày nay cũng không còn quá ngọt mà còn được biến tấu với các hương vị đa dạng như vị trà xanh, hạt sen, socola, vị rượu, sữa chua…


Trong cuộc sống hiện đại, chiếc bánh trung thu giờ cũng không còn nhiều ý nghĩa xưa cũ mà phần nào mang hơi hướng của xã hội thực dụng. Người ta chọn bánh không phụ quá nhiều vào vào hương vị, mà được cân đo trên giá tiền và món quà đi kèm. Bởi những hộp bánh này được coi là món quà xa hoa, đo đẳng cấp, được coi là quà biếu với mục đích đổi chác nhiều hơn là sự tri ân, trọng tình. Nắm bắt những nhu cầu này mà các nhà sản xuất giờ cũng đổ xô đi làm các sản phẩm siêu cao cấp với giá thành không chỉ tiền trăm mà cả nhiều triệu đồng. Từ đó có thể thấy rõ những chiếc bánh ấy đâu phải để dâng lên thánh thần, cũng đâu phải dành cho niềm vui con trẻ. Trung Thu giờ cũng đã nhuốm màu tiền, danh.

Hương Nguyên

No comments: