Thursday, January 5, 2023

CÂU CHUYỆN ĐÁNG SUY NGẪM VỀ VIÊN KIM CƯƠNG VÀ CHIẾC BÚA SẮT

Viên kim cương bị giấu kín trong chiếc búa, hàng ngày nó làm việc và phát huy tác dụng như một cái búa thông thường. Bởi vậy, nó đã quên đi bản chất cao quý, chấp nhận vui buồn theo sự đối xử của ông chủ.


Viên kim cương bị giấu trong chiếc búa

Người thợ rèn có một viên kim cương nhưng sợ người khác biết sẽ lấy mất nó nên cố tìm cách che giấu. Cuối cùng, ông cho viên kim cương đó vào trong một cục sắt và rèn cục sắt này thành một cái búa để luôn mang theo bên mình.

Về phần viên kim cương, nó bị nhốt trong một cục sắt nên tất nhiên là không thích. Nhưng người thợ rèn lại vô cùng yêu quý cái búa đó. Lúc rảnh, ông thường mang cái búa ra lau chùi, rèn vật dụng cũng dùng đến cái búa rồi khen nó tốt ra sao.

Viên kim cương giấu trong chiếc búa sắt (ảnh: cắt ghép trên Internet)

Viên kim cương ban đầu cũng biết rằng người thợ rèn khen cái búa, nhưng lâu dần thì lại thấy có vẻ như ông ấy đang khen mình. Thời gian trôi đi, viên kim cương cũng cho rằng mình và cái búa đó là một thể. Khi quen với việc được khen là cái búa tốt, là cái búa đẹp, nó không còn để tâm phân biệt giữa nó và cái búa nữa.

Người thợ rèn thỉnh thoảng lại thay cho nó cán gỗ mới, nó tỏ ra rất vui: “ông chủ thật có lòng quan tâm đến ta”.

Người thợ rèn dùng xong cái búa thường cất nó cẩn thận, cái búa vui mừng lắm, nó nghĩ người thợ rèn đối xử với nó (cái búa) thật tốt.

Đôi khi cái cán búa chịu lực đập lớn bị nứt, viên kim cương buồn lắm. Nó đau khổ nghĩ rằng chính nó đã bị tổn thương, chính nó đang bị thiệt hại nặng nề.

Thời gian cứ thế trôi đi, viên kim cương quên hẳn việc nó là một viên kim cương. Nó đã mặc định mình chỉ là một cái búa: vui mừng khi được khen là búa tốt, vui mừng khi được tôn trọng, vui mừng vì nó là cái búa có ích, nó đứng trên quan niệm của cái búa để suy nghĩ, để vui buồn.

Người thừa kế chiếc búa

Cho đến một ngày, người thợ rèn chết đi, con trai người thợ rèn nối nghiệp cha mình và thừa kế luôn chiếc búa mà cha anh hằng yếu quý. Viên kim cương cũng quên hẳn bản chất, nó đơn thuần chỉ là một cái búa cùng ông chủ làm việc kiếm sống. 

Con trai ông thợ rèn chỉ coi chiếc búa này như bao chiếc búa khác nên không chăm sóc chu đáo cho nó (ảnh: Toanbds).

Tuy nhiên, người chủ mới vì không biết bên trong cái búa chứa kim cương nên không trân quý nó như cha mình. Anh không lau chùi, không để chỗ cao, không thay cán gỗ đẹp, dùng búa xong còn tuỳ tiện vứt bừa cái búa vào một góc.

Nó buồn lắm, nó nhớ ông chủ cũ và uất hận tại sao ông chủ này lại có thể đối đãi như vậy với một cái búa tốt như nó. Nó chán nản, khóc than, trách Trời trách đất.

Đến một ngày, bà vợ của ông thợ rèn quá cố, bà ấy vốn biết bí mật của chiếc búa sắt, nhưng vì tuổi đã già, con trai bà cũng đã có nghề nghiệp mưu sinh, không ham danh lợi phú quý, bà chỉ coi chiếc búa đó như một kỷ vật của chồng.

Viên kim cương thức tỉnh

Bà đến xưởng rèn tìm cái búa, hỏi người con trai và mang cái búa đi. Về nhà, bà tâm sự với cái búa như với người chồng của mình vậy. Lúc này cái búa mới vỡ lẽ, cái búa như bừng tỉnh, nó thốt lên:

– Đúng vậy, mình là kim cương cao quý, sao mình có thể coi bản thân là cái búa sắt được. Ông thợ rèn chẳng phải vì không muốn người khác cướp mình đi nên mới giữ mình trong hình hài một cái búa hay sao? Sở dĩ ông nâng niu trân quý cái búa là vì có mình trong đó. Sao mình lại vui mừng khi được khen là cái búa tốt? Sao mình lại đau khi cái búa bị sứt mẻ? Sao mình lại cảm thấy đau khổ, bất công khi bị đối xử không tốt?

Giá trị của kim cương toát lên từ vẻ đẹp và phẩm chất cứng rắn (ảnh: Thesculture)

Viên kim cương đã nhớ lại thân phận cao quý. Nó nằm trong hộp kỉ vật làm bạn với vợ của ông thợ rèn và luôn tự nhắc nhở: “Mình là kim cương, sẽ có một ngày, sắt thép cũng phong hóa còn mình vẫn trường tồn. Mình sẽ lại thấy ánh mặt trời trong hình hài một viên kim cương tinh khiết và rực rỡ”.

Chúng ta cũng giống như viên kim cương đó, bị bao bọc bởi một lớp dày quan niệm phải thế này, phải thế khác; những truy cầu phải được ăn ngon, phải mặc đẹp, phải sang trọng, phải được trân trọng, phải thành công; không biết rằng chúng ta vô tình tạo nghiệp lực qua bao nhiêu năm tháng dày đặc như sắt thép vây kín lấy viên kim cương.

Được người đời khen thì vui thích, bị người chê thì buồn, giàu thì đắc ý, nghèo thì tủi phận. Có chút thành quả nhỏ bé thì khoe mẽ, có lỗi lầm thì tìm cách giấu đi, thường hay nói dối, bao biện, đổ lỗi…

Sinh mệnh chúng ta quý giá cũng như viên kim cương kia vậy, nếu chúng ta có thể sống thức tỉnh thì sinh mệnh cao quý sẽ có thể tìm đường trở về với đúng bản chất nguyên sơ của mình.

Bảo Ngọc (t/h) / Theo: nguyenuoc