Sau khi hợp tác với đầu bếp người Pháp gốc Mali Mory Sacko để mở nhà hàng ''phù du'' (pop-up), chỉ hoạt động trong mùa hạ tại trạm nghỉ mát Saint-Tropez (miền nam nước Pháp), giờ đây Louis Vuitton lại hợp tác với đầu bếp 3 sao Michelin Alain Passard, chủ nhân của nhà hàng Pháp nổi tiếng ''Arpège'' tại Paris quận 7. Còn tại Seoul, tiệm ăn Louis Vuitton nằm ở trên tầng cuối của cửa hàng chính, tái tạo không gian của một vườn rau sạch (bio/organic), kết hợp các gam màu của mùa thu xứ bình minh yên tĩnh với nhiều vật dụng trang trí lấy từ bộ sưu tập nội thất ''du mục'' của Louis Vuitton.
Nhà hàng chay của Vuitton chỉ hoạt động trong mùa thu
Trên bàn ăn, thực đơn của Alain Passard tập trung khai thác các món ăn chay thượng hạng, gồm nhiều loại rau tươi, nấm hương, thảo mộc, củ quả, cũng như các loại trái cây được trồng ngay tại chỗ, giàu chất dinh dưỡng. Các món ăn hoàn toàn không có thịt cá, nhờ vào màu sắc phong phú cũng như mùi hương đa dạng của gia vị sẽ tạo ra bức tranh ẩm thực hấp dẫn của mùa thu, dựa trên toàn những nguyên liệu hảo hạng và tươi ngon thu hoạch vào đúng mùa này.
Sinh trưởng tại vùng Bretagne (La Guerche de Bretagne, gần thành phố Rennes), Alain Passard vào năm 66 tuổi là một trong những đầu bếp 3 sao Michelin trứ danh nhất của Pháp, bên cạnh các tên tuổi như Anne Sophie Pic, Arnaud Donckele, Guy Savoy hay Alexandre Mazzia. Alain Passard khởi nghiệp năm ông mới 14 tuổi (1970), học nghề với các bậc đàn anh là hai đầu bếp Michel Kerever và Gérard Boyer.
Thế nhưng, đầu bếp Alain Senderens trong vai trò cố vấn mới thật sự là người đã dìu dắt ông lên đỉnh cao sự nghiệp. Alain Passard chẳng những được đào tạo về tay nghề, mà còn được hướng dẫn trong cách quản lý nhà hàng, điều hành đội ngũ nhân viên. Trong vòng 4 năm, từ năm 1980 đến 1984, Alain Passard quản lý ''Les Ducs d'Enghien'', nhà hàng lớn tại sòng bài Enghien. Nhờ tài nghệ đứng bếp cũng như quản lý, Alain Passard vào năm 26 tuổi, trở thành đầu bếp trẻ nhất được sách hướng dẫn Michelin trao tặng hai sao.
Món gà hun khói rơm khô độc đáo
Năm ông tròn 30 tuổi, Alain Passard mua lại nhà hàng của thầy ông là Alain Senderens sau khi đầu bếp Pháp này tuyên bố giải nghệ. Khi đổi tên nhà hàng thành ''Arpège'' (có nghĩa là Hợp âm), Alain Passard đã giới thiệu với thực khách món ăn độc đáo nhất (signature) mang đậm dấu ấn cũng như các kỹ năng chế biến món ăn của ông : món ''poulet au foin'' tức là món thịt gà hun khói rơm khô. Trong vòng mười năm liền, Alain Passard từng bước chinh phục các ngôi sao Michelin. Năm thứ nhất ngôi sao đầu tiên (1987), năm thứ nhì ngôi sao thứ hai (1988) và đến năm 1996, tức đúng một thập niên sau ngày ông mở tiệm ăn mang tên mình, nhà hàng ''Arpège'' lại giành được danh hiệu cao quý nhất : ngôi sao thứ ba trong quyển cẩm nang bìa đỏ Michelin.
Sau hơn 20 năm điều hành nhà hàng Arpège, Alain Passard vẫn giữ được danh hiệu ba sao Michelin nhờ tính sáng tạo trong cách kết hợp các hương vị mới cũng như chế biến món ăn. Đây là một điểm đáng khen ngợi, chủ yếu cũng vì thực đơn nhà hàng Arpège đã thay đổi khá nhiều với thời gian. Vào năm 2001, ông là một trong những đầu bếp 3 sao đầu tiên giới thiệu một thực đơn gồm toàn các món ăn chay, không hề có thịt.
Khi nâng các loại rau quả lên hàng đầu, chứ không còn là thành phần thứ yếu chỉ dùng để ăn kèm, đầu bếp người Pháp Alain Passard đã thử nghiệm điều mà trước đây chưa từng có trong làng ẩm thực cao cấp. Thực đơn của ông Alain Passard thực sự mở ra một kỷ nguyên mới cho các món ăn bớt protein, trước khi các trào lưu ăn chay hay thực phẩm vegan (từ bớt thịt cá cho tới hoàn toàn không có protein động vật) trở thành một xu hướng chung trên toàn cầu.
Để có thể tự do chế biến các món ăn chay mà vẫn không quá lệ thuộc vào hệ thống cung cấp cũng như phân phối, đầu bếp Pháp trong 5 năm liền đã mua ba mảnh đất để trồng cây, cũng như làm vườn rau. Các vườn hoa quả nằm ở vùng Sarthe, tỉnh Eure và vùng Manche, tức là không quá xa thủ đô Paris để tiện bề vận chuyển các loại rau tươi từ vùng nông thôn về thành thị, hầu cung cấp đầy đủ thức ăn tươi trồng theo mùa cho nhà hàng Arpège. Vào năm 50 tuổi, Alain Passard trở thành một trong những tên tuổi của làng ẩm thực quốc tế khi được giới đồng nghiệp chuyên môn bình chọn làm Đầu bếp tài ba nhất năm 2016. Nhân ngày sinh nhật lần thứ 50, ông được tặng cùng lúc 2 món quà vì song song với giải thưởng này, ông còn được mạng Netflix dành nguyên một tập phim trong loạt phim tài liệu ''Chef's Table : France'' nói về các đầu bếp trứ danh nhất của Pháp.
Bữa ăn chay với giá gần 150 đô la mỗi người
Sự kiện Louis Vuitton mở thêm nhà hàng chuyên về các món chay với Alain Passard, sau khi thành công hồi tháng 05/2022 cũng tại Seoul tại với nhà hàng (pop-up) của đầu bếp Pháp gốc Hàn Pierre Sang Boyer, cho thấy là hiện đang có mốt kinh doanh ẩm thực nơi các thương hiệu thời trang hạng sang như Chanel, Gucci, Boss, Dior và thậm chí Breitling, kết hợp trải nghiệm ẩm thực cao cấp với thời trang đắt tiền tại Hàn Quốc và Nhật Bản, thông qua các quán cà phê hay tiệm ăn sang trọng, chủ yếu nhắm vào thành phần thực khách giàu sang. Một bữa ăn trưa tại các nhà hàng như vậy thường lên tới 200.000 won (145 đô la). Mặc dù mức giá của thực đơn rất đắt đỏ, giá thấp nhất của mỗi món là khoảng 19 đô la, cao nhất là 32 đô la, nhưng các nhà hàng pop-up lại tạo ra nhiều tiếng vang trong cả hai ngành thời trang và ẩm thực, cũng như thu hút giới trẻ có tiền ghiền Instagram.
Tính chất ''phù du'' của nhà hàng chỉ hoạt động trong một mùa và mỗi mùa do một tên tuổi lớn của làng ẩm thực đảm nhận khiến cho các quán ăn pop-up trở thành một hiện tượng, thời gian khai thác có phần hạn chế nên theo luật cung cầu, giá của bữa ăn vì thế cũng đắt hơn nhiều. Tại nhà hàng Vuitton hồi tháng 5/2022 với đầu bếp Pierre Sang Boyer chuyên kết hợp hai nền ẩm thực Hàn với Pháp, chỉ vài phút sau khi mở hệ thống đặt chỗ trên mạng, hầu như tất cả các bàn của tiệm ăn Louis Vuitton đã chật kín trong vòng một tháng.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang đa dạng hóa các hoạt động, chuyển sang kinh doanh thêm trong ngành khách sạn nhà hàng. Các thương hiệu Ý như Versace, Bulgari hay Gucci, các công ty thời trang hàng đầu của Pháp như Chanel, Dior hay Vuitton đều dấn thân vào lãnh vực này. Nhà hàng chay hợp tác với Alain Passard tại Seoul là tiệm ăn thứ ba của Louis Vuitton. Tiệm ăn đầu tiên của Vuitton từng được khai trương tại Osaka, Nhật Bản vào năm 2020. Nhà hàng thứ hai mở cửa đón khách vào mùa xuân năm 2022 tại Seoul, thủ đô Hàn Quốc. Cả ba trường hợp này cho thấy là khách hàng Nhật Bản cũng như Hàn Quốc có nhiều cảm tình với các thương hiệu xa xỉ phẩm của Pháp.
Ngoài việc gầy dựng uy tín, mảng ẩm thực cũng là một cách để cùng cố thương hiệu, chinh phục thêm khách hàng, nhất là thế hệ luôn có kết nối và thành thạo về các mạng xã hội. Giới trẻ thời nay có tầm ảnh hưởng quan trọng : các hình ảnh hay video (reel) đăng trên mạng có nhiều hiệu quả hơn so với các đợt quảng cáo thông thường. Khi biết tận dụng các trào lưu mới trên các mạng xã hội như Instagram, Snapchat, TikTok, các hiệu thời trang cao cấp có thêm cơ hội để chinh phục những ai không ngại chi tiền để gìn giữ sắc đẹp và sức khỏe, trải nghiệm du lịch hay ẩm thực.
Việc kinh doanh thêm trong ngành ẩm thực cũng là một phần trong chiến lược mới của các hiệu thời trang. Các tập đoàn này dần dần chuyển đổi các điểm bán hàng ''truyền thống'' của họ thành những điểm đến với nhiều trải nghiệm đa giác quan, phong phú mới lạ. Sự kiện Alain Passard muốn tạo ra một không gian mô phỏng theo một vườn rau ''sạch'', cho thấy sức mạnh của tính sáng tạo : dùng thủ pháp gợi ý để gieo ham muốn vào trong tâm trí của người tiêu dùng. Tiệm ăn Louis Vuitton mùa thu không có nhân viên phục vụ mà chỉ toàn là ''thợ làm vườn''. Không gian nhà hàng trở thành một khuôn viên mát rượi xanh tươi, nơi các món ăn tỏa nồng thơm ngát hương đồng cỏ nội.
Tuấn Thảo
Theo: RFI Tiếng Việt
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment