Tuesday, February 28, 2023

NGƯỜI BIẾT NHÌN XA TRÔNG RỘNG LUÔN CHỪA CHO MÌNH 3 "ĐƯỜNG LUI"

Nhà văn người Mỹ Mark Twain đã nói: “Áp lực thực ra là biểu hiện của việc không đủ năng lực; khó khăn là hệ quả của việc bản thân không có bản lĩnh”.


Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Heraclitus đã nói: “Chỉ có sự thay đổi là vĩnh cửu”. Dưới đại dịch, chúng ta nhận thức rõ hơn bao giờ hết rằng những thay đổi đang không ngừng diễn ra trên thế giới này. Khi đối mặt với sự bất ổn, cách tốt nhất là có sự chuẩn bị, đồng thời bù đắp cảm giác an toàn trong lòng.

Tiết kiệm để đảm bảo cho chất lượng cuộc sống

Tiền quan trọng như thế nào, bạn sẽ hiểu ngay khi bản thân hoặc người nhà đổ bệnh. Một khoản tiết kiệm có thể không đáng kể trong những ngày bình thường. Nhưng tai nạn sẽ không cho chúng ta thời gian để chuẩn bị, và một khi tai họa ập đến, chúng ta thường trở tay không kịp, chật vật đến bí bách.

Tiết kiệm tiền là để tạo nên cảm giác an toàn vững chắc cho bản thân và gia đình. – Nguồn: timo.vn

Bỗng một ngày, khi phát hiện ra rằng số tiền mà chúng ta đang sở hữu có thể kéo dài sinh mạng, chúng ta mới biết cảm giác an toàn do tiền bạc mang lại là không thể thay thế.

Không có gì xấu hổ khi nói về tiền bạc, nỗ lực kiếm tiền không bao giờ là sai, nó chỉ sai khi bạn đánh mất bản thân trong quá trình này mà thôi. Tiết kiệm tiền là để tạo nên cảm giác an toàn vững chắc cho bản thân và gia đình.

Chỉ khi đến tuổi trung niên, người ta mới buộc phải hiểu rằng hầu hết những tủi nhục và rắc rối trong cuộc sống đều liên quan đến tiền bạc. Do đó, thay vì tìm kiếm sự an toàn từ bất cứ ai, chi bằng nỗ lực kiếm tiền, mua những gì mình thích, còn gì an tâm hơn khi có khoản tiết kiệm trong tay.

Những kỹ năng là “cần câu cơm” để sống và làm việc

Trên Zhihu (nền tảng hỏi đáp và tâm sự) có một chủ đề bàn luận: “Bạn đã từng gặp phải tình huống khiến bạn bị cuộc sống buộc phải phát triển một kỹ năng và kiếm sống bằng nó chưa?”.

Một cư dân mạng đã chia sẻ câu chuyện về cô bạn của mình: “Cô bạn tôi mặc dù tốt nghiệp khoa du lịch ở trường đại học như sau đó chỉ làm buồng phòng trong một khách sạn nhỏ, chịu trách nhiệm dọn dẹp hàng chục căn phòng.

Làm việc chăm chỉ như vậy, nhưng chỉ kiếm được hơn 3-4 triệu mỗi tháng. Cô ấy muốn thay đổi công việc, nhưng không có kỹ năng và chỉ có thể nghiến răng chịu đựng. Chớp mắt mà đã qua 4 năm trôi qua, không tiết kiệm được bao nhiêu mà thân tàn ma dại.

Không muốn như thế này đến hết đời, cô quyết định nghỉ việc và đến thành phố một mình, làm việc trong một trung tâm dịch vụ vào ban ngày, học hành vào buổi tối. Trong hai năm, cô đã có được các chứng chỉ liên quan và trở thành một chuyên gia có trình độ.

Cấp trên nhìn thấy sự tiến bộ của cô ấy và bắt đầu để cô tham gia vào các dự án lớn”.


Nhà văn người Mỹ – Mark Twain đã nói: “Áp lực thực ra là biểu hiện của việc không đủ năng lực; khó khăn là hệ quả của việc bản thân không có bản lĩnh”.

Cảm giác làm chủ cuộc sống của một người có quan hệ mật thiết với năng lực của họ. – Nguồn: viettelidc.com.vn

Giá trị của bạn trong công việc tỷ lệ thuận với năng lực chuyên môn. Một khi đã sở hữu những thế mạnh trong tay, bạn sẽ có thể tạo ra nhiều giá trị cho bản thân và xã hội hơn; nếu chỉ có bấy nhiêu năng lực, bạn chỉ có thể phụ thuộc vào sự sắp xếp của người khác.

Sự đau khổ của con người đôi khi là sự tức giận đối với sự kém cỏi của chính mình. Cảm giác làm chủ cuộc sống của một người có quan hệ mật thiết với năng lực của họ. Khi trở nên mạnh mẽ và vững vàng, cuộc đời sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Lương thiện là cái phúc cuối cùng

Nhà văn người Pháp từng đoạt giải Nobel – Romain Rolland nói: “Nếu một người đối xử với người khác bằng trái tim nhân hậu, trong sáng và cởi mở, thì cuộc sống hạnh phúc hơn nhiều”.

Lòng tốt không cần phải làm chuyện to tát, phần lớn chỉ là những điều nhỏ nhặt bình thường; một nụ cười, một tiếng nói thấu hiểu, một tấm lòng tưởng chừng như không đáng kể nhưng thực ra lại rất quan trọng.

Khi bạn cho đi sự tử tế một cách hào phóng, thứ bạn nhận được cũng sẽ là sự ấm áp. – Nguồn: afamily.vn

Lòng tốt không chỉ là sự ấm áp cho người khác, mà còn là món quà cho chính bạn. Bạn đối xử với người khác như thế nào, người khác sẽ đáp lại bạn như thế đó. Khi bạn cho đi sự tử tế một cách hào phóng, thứ bạn nhận được cũng sẽ là sự ấm áp.

Vì có lương thiện cho nên biết đủ, vì có lương thiện mà biết thấu hiểu, bởi vì thấu hiểu cho nên từ bi, không so đo tranh giành, không ganh đua ân oán từ đó mà nội tâm thanh tịnh, an hòa, vui vẻ.

Thiện lương chính là phẩm chất cao quý của con người, là kim chỉ nam cho mỗi chúng ta và cũng là nguồn tài sản vô giá cho mỗi người. Người thông minh chưa hẳn đã lương thiện, nhưng người lương thiện chắc chắn là người thông minh nhất.

Vì vậy lương thiện chắc chắn là một loại trí tuệ, là một loại phúc lành. Bởi vì những bất ngờ và may mắn bất ngờ trên thế giới đều do bạn tích lũy được sự dịu dàng và lòng tốt.

Tịnh Yên
Nguồn: soha

NƯỚC UỐNG KAVA - "THẦN DƯỢC" CỦA NGƯỜI DÂN FIJI

Fiji - Hòn đảo nhiệt đới đầy màu sắc với cảnh đẹp như mơ cùng những nghi lễ và văn hóa đặc sắc, hàng năm thu hút rất nhiều khách du lịch thập phương. Quốc gia này cũng được công nhận là một trong những đất nước hạnh phúc nhất thế giới. Một trong những nét ẩm thực thú vị nhất của người Fiji là Kava - một loại nước được người bản địa xem là "thần dược".

Cảnh quan tại Fiji (Ảnh: Pixabay)

Nằm ở trung tâm của khu vực nam Thái Bình Dương, Fiji là thiên đường nhiệt đới với những cảnh vật đầy màu sắc, khiến du khách đặt chân đến nơi này đều có cảm giác thư giãn, sảng khoái. Đó là vô số màu xanh của phong cảnh, màu xanh lá của những cây cọ xào xạc trong gió, cùng màu cam rực rỡ của xoài và đu đủ chín. Những thác nước trắng xóa đổ xuống lòng hồ với đá nham thạch đen, cùng với đó là màu xanh ngọc của nước biển và những rạn san hô tạo cảm giác êm dịu và thư thái.

Bên cạnh những vẻ đẹp của thiên nhiên đầy màu sắc, thì người dân nơi đây cũng vô cùng thân thiện và hiếu khách. Người Fiji có một xã hội rất chặt chẽ, chủ yếu dựa trên cơ sở làng xã. Ngay cả các thành phố cũng có vẻ nhỏ bé khi cô, chú, bác và anh chị em họ có thể sống cùng trong một khu phố. Trẻ em được chăm sóc bởi cộng đồng, ngoài ra tỷ lệ tội phạm ở đất nước này rất thấp. Không khó để nhận thấy mối liên kết giữa mọi người và sự hỗ trợ họ dành cho nhau. Chính cơ sở vững chắc này khiến người Fiji luôn giữ được sự thiện lương và những văn hóa truyền thống tốt đẹp.


Nghi lễ tế thần Kava

Theo truyền thuyết, vào thuở hồng hoang, bầu sinh quyển Fiji vốn không nhiều các loại dược liệu hoang dại có khả năng giúp con người chữa trị bệnh, do đó các vị thần linh đã mang cây Kava đến tặng người Nam Đảo để họ sống sót khỏe mạnh qua hàng ngàn thế kỷ.

Theo ngôn ngữ của người Nam Đảo, “Kava” có nghĩa là “đắng” hoặc “linh dược của các vị thần”. Cây thần dược Kava thuộc họ tiêu, kích thước lá tương tự như dây lá lốt của người Việt. Một chút khác biệt so với dây lốt là Kava được phủ bằng lớp lông tơ dày và hình lá không tròn đầy đặn như lá lốt mà trông giống lá hình thùy của khoai mỡ.

Ảnh lá cây Kava chụp tại Vườn bách thảo Oahu, Hoomaluhia (Ảnh: Wikipedia/CC BY 3.0)

Khi đi qua bất kỳ ngôi làng nào ở Fiji, không khó bắt gặp ai đó đang uống Kava và mời bạn uống thử. Nếu uống quá nhiều, miệng của bạn có thể sẽ bị tê cóng, nhưng đổi lại là cảm giác khỏe khoắn và cảm giác êm đềm. Không giống như rượu, Kava làm cho mọi người nhẹ nhõm hơn nên không dẫn đến tình trạng say xỉn hoặc ẩu đả.

Nếu muốn được thử qua hương vị của Kava thì cả chủ lẫn khách phải thực hiện nghi lễ tế thần linh Kava. Dù uống ở chợ, nhưng thưởng thức Kava thì phải trân trọng và cảm ơn các vị thần linh bằng cách nâng bát Kava bằng 2 tay. Kava ngày nay đắt đỏ đến mức những người Fiji khó duy trì tập tục cổ truyền xưa, và mỗi khi năm mới đến, người Fiji đi chợ để mua Kava chỉ để biếu tặng vị trưởng làng để tỏ lòng thành kính.


Đặc biệt, người Fiji còn lưu giữ được nhiều nét của văn hóa truyền thống. Khi đi bộ qua các ngôi làng, bắt buộc phải mặc áo dài (sarong) để che chân, vai và phần trên cơ thể; và không ai được đội mũ hoặc đeo túi với dây đeo trên vai. Dù tất cả những điều này nghe có vẻ phức tạp nhưng những quy tắc này thể hiện sự tôn trọng cộng đồng và truyền cảm hứng cho sự đoàn kết.

Chén nước Kava đón chào khách quý

Khi có một vị khách quý đến thăm làng thì một nghi thức gọi là "Meke" sẽ được diễn ra và câu chuyện mở đầu để thắt chặt tình nghĩa là bằng bát nước Kava. Tiếng trống gỗ Lali trầm ấm cùng tiếng khèn được làm từ vỏ ốc biển nổi lên khi khách vừa đến cổng làng.

Đoàn phục vụ Kava gồm 5 người nam, trong đó 4 thành viên có nhiệm vụ pha chế Kava và thành viên còn lại đóng vai trò là người phục vụ Kava cho khách quý được gọi là “Ava”.

Lễ Meke đang được thực hiện cho khách du lịch (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 4.0)

Đầu tiên, Ava phải thực hiện nghi lễ tế thần Ốc Biển bởi theo truyền thuyết của người Nam Đảo xưa, chính thần Ốc đã mang cây Kava từ đảo Tonga sang Fiji và Samoa. Sau khi nâng vỏ ốc trên đầu, Ava thỉnh cầu các vị thần xuống chứng giám bằng cách thổi 3 lượt khèn từ vỏ ốc ấy.

Sau đó, họ múc bát Kava đầu tiên, quỳ giữa đất trời để dâng lên các vị thần và bát nước ấy sẽ dành riêng cho vị khách quý. Sau khi khách cạn bát thì bát thứ 2 sẽ được dâng lên cho chủ nhà.

Tuy đã trải qua thời gian nhiều thiên niên kỷ, nhưng những văn hóa của người Fiji vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn. Sự tôn kính đối với thần linh được thể hiện qua các nghi lễ đã giúp họ luôn giữ được sự thiện lương thuần khiết của người dân ở một trong những quốc gia được công nhận là hạnh phúc nhất thế giới.

Thần dược Kava


Đối với khách thập phương còn xa lạ với văn hoá của người Fiji thì Kava có thể sẽ hơi khó uống, bởi vị hăng, đắng của nó. Tuy nhiên, món nước uống cổ truyền có màu đục sữa này có thể chữa được rất nhiều bệnh tật, đặc biệt là chứng rối loạn thần kinh.

Chính vì Kava là một nét đẹp của văn hoá bản địa và có giá trị về sức khỏe, nên giá thành của nó không hề rẻ chút nào. Giá của 1 kg bột Kava lên tới 200 USD/kg, nên nếu có cơ hội đến quốc đảo Fiji này, du khách đừng quên nếm thử một chén Kava - Thần dược của người dân Nam Đảo.

Đông Phong / Theo: NTDVN
Link tham khảo:



NGUYÊN NHÂN CÁC CẶP VỢ CHỒNG NGÀY NAY THƯỜNG XUYÊN CÃI NHAU VÌ NHỮNG CHUYỆN VỤN VẶT


Có một người chồng khen cô vợ của mình rằng: “Làn da của em rất đẹp, chạm vào nó không có cảm giác giống như một phụ nữ 40 tuổi”

Cô vợ cười: “Thế ạ! Gần đây có rất nhiều người cũng nói thế ạ”

Tát! Người chồng tát vào mặt người vợ và hét lên: “Gần đây ai đã chạm vào người cô? Cô hãy thành thật nói cho tôi biết”

Người vợ che mặt, khóc lóc nói: “Mọi người đều nói thế mà! Mọi người phụ nữ trong trung tâm chăm sóc da đều nói như vậy.”

Đây là sự thật, nó trông giống như một trò đùa, phải không? Vấn đề là, khi bạn cẩn thận quan sát chung quanh, bạn sẽ thấy rằng chung quanh chúng ta đầy những trò đùa cười ra nước mắt.

Chỉ vì một câu nói không đúng, nói mà không chú ý, câu chuyện đùa đã trở thành bi kịch, những điều tốt đẹp lại trở thành những điều tồi tệ.

Mọi người đều có thể nói, nhưng không phải ai cũng có thể biết nói chuyện. Nếu có điều gì muốn nói, chỉ là không phải ai cũng có thể nói những điều tốt đẹp. Lý do mà không thể nói những lời đạo lý tốt đẹp, đơn giản là vì trước khi nói chúng ta đã không suy nghĩ kỹ.

Một câu chuyện khác:

Có hai vợ chồng cãi nhau chỉ vì những chuyện vặt vãnh mà muốn ly hôn. Nguyên nhân lại không phải vì chuyện gì xấu mà ngược lại đây là do chuyện tốt.

Có một ngày, người vợ đã mua một con cá mú đặc biệt ngon, lại đặc biệt gọi điện đến văn phòng làm việc của chồng: “Khi anh tan sở, thì gọi cho em nhé, vì như thế em có thể hấp cá mú, đến khi anh về đến nhà là vừa, chúng ta sẽ có món cá hấp thơm ngon. Anh nhớ nhé!”

Ý tưởng của người vợ rất hay, chồng khi trên đường về thì chị hấp cá, chồng về là chỉ việc vào bàn ăn.


Khi anh chồng tan sở, anh ấy gọi điện cho vợ và nói rằng anh đang chuẩn bị trên đường về rồi. Vừa cúp điện thoại, một khách hàng lại bất ngờ ghé thăm và cuộc gặp kéo dài 20 phút. “Rất tiếc!” Người chồng nghĩ, mình phải nhanh chóng gọi một cuộc điện thoại về nhà: “Anh xin lỗi, có chuyện đột nhiên xảy ra, bây giờ anh đã giải quyết xong có thể về nhà ngay”

Người vợ nghe và nói: “Cái gì? Anh vẫn còn ở văn phòng à? Anh không biết cá hấp để nguội sẽ không ngon sao? Anh có biết con cá mú này giá bao nhiêu không?

Người chồng không nói nhiều, và vội vã trở về nhà, suy nghĩ suốt chặng đường, lo lắng suốt chặng đường, cộng với việc bị trễ, đói, đau bụng và gần như trên đường về dạ dày của anh rất đau. Khi anh bước vào cửa, anh giận dữ nói: “cá lạnh thì lạnh! Nó không đủ nóng thì đã sao?”

Người vợ cũng tức giận nói: “Anh sẽ không được ăn cá ngon, sau này chỉ được ăn cá lạnh”

Hai người tất nhiên cãi nhau, nói to và gầm lên, khiến lũ trẻ sợ hãi, một con cá mú thơm ngon vẫn để trên bàn, không ai đến ăn nó, họ còn cãi nhau đến mức đòi ly hôn.


Bạn nói xem, họ như vậy có đáng không?

Nếu như người vợ có thể nói: “Đừng lo! Đừng lo! Cá lạnh, em cho vào lò vi sóng làm nóng trong một phút là được, lái xe cẩn thận, em và con sẽ đợi anh.”

Nếu như vậy mọi chuyện sẽ êm đẹp, người chồng còn đánh giá cao sự chu đáo của người vợ.

Cách nói như thế nào, thường chỉ khác nhau bởi suy nghĩ.

Trong khoảng khắc ấy, người chồng nếu biết chịu đựng một chút, lùi lại một bước nữa, suy nghĩ một chút về những lời tồi tệ mà mình nói ra, điều chỉnh lời nói, nói nhẹ nhàng một chút, có lẽ kết cục đã tốt đẹp.

Giữa những suy nghĩ đó, bạn buột miệng mà không cân nhắc, thì đó có thể dẫn đến một kết thúc của bi kịch.


Nhiều mâu thuẫn gây gổ của các cặp vợ chồng ngày nay, chẳng phải đều do những lời nói như vậy gây ra sao. Mỗi người đều không nhịn được khẩu khí, thế là ai cũng bất chấp hậu quả buông ra những lời nói có lực sát thương lớn, khiến đối phương tổn thương, để rồi chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt không đâu đó mà cãi nhau đến mức ly hôn. Liệu có đáng không?

Âm lượng trong lời nói thể hiện đạo đức tu dưỡng của một người. Chúng ta nên suy nghĩ kỹ trước khi nói, nên sửa dần cách nói chuyện của bản thân, xem lời nói đó đã phù hợp chưa, cần sửa như thế nào? “có cách nào tốt hơn để nói” Làm dần dần, bạn có thể khắc chế được tính nóng nảy của mình, nóng tính cũng đều là do không kìm chế được lời nói của bản thân mà ra.

Biên dịch và chỉnh lý: Thiên Hà
Đăng Dũng / Theo: vandieuhay

LẠ ĐỜI VĂN HÓA ĂN LẨU CỦA NGƯỜI MIỀN TÂY

Người miền Tây rất hay ăn lẩu! Khi có cơ hội sum họp, họ luôn chọn lẩu làm món chính mang tính gắn kết các thành viên trong nhà. Thậm chí họ có thể ăn lẩu hằng ngày mà chẳng cần chờ đến một dịp đặc biệt nào.


"Đặc trưng lớn nhất trong bữa ăn của người miền Tây là sự đơn giản và dân dã. Người miền Tây chỉ cần một món chính ví dụ như một con cá kho, một chảo kho quẹt, một thố mắm kho, rồi đứng dậy ra sau hè (sau vườn) hái thêm ít rau ghém mọc dại là đủ", chị Đào Thị Mai Thuông (ĐH Văn hoá TP.HCM) chia sẻ chút thông tin về thói ăn uống của người miền Tây Nam Bộ.

Cũng từ ý này, có người bàn với tôi rằng: "Người miền Tây ăn đơn giản, nhiều khi một bữa ăn chỉ cần 1 nồi lẩu, nhưng khác những nơi khác ở chỗ họ cho tất cả vào trong lẩu, kể cả mớ rau dại ngoài đồng. Có thể một lúc cho hết vào nồi lẩu đang sôi chứ không ăn từng món, từng đợt như những nơi khác?!".

Điều này quả thật rất khó để giải thích. Nhưng nguyên căn của nó là một thứ chuyện có thể mang ra làm quà, bàn từ năm này qua tháng nọ. Đấy là cái ngữ văn hoá, không thể nói suông!


PHẢI CÓ "RAU RÁC" ĐỂ ĂN GHÉM MỚI CHUẨN NỒI LẨU MIỀN TÂY

Bàn về ngữ ăn lẩu của người miền Tây có thể bắt đầu bằng việc ăn rau ghém. Mặc dù chỉ là thức ăn kèm nhưng với họ, rau ghém quyết định 30% độ ngon của nồi lẩu và cách ăn rau ghém của người miền Tây cũng riêng biệt. Cái riêng ấy vừa hay lại là một thể thức khác của cái chung.

Rau ghém ở miền Tây ngoài mồng tơi, rau muống, cải ngọt, cải bẹ xanh, cải cúc, cải ngồng, đọt bí,... còn có các loại rau mọc dại ngoài vườn, ngoài bờ sông, bờ kè,...

Nào là đắng đất, nhãn lồng, rau càng cua, rau trai, rau dừa, rau ngổ, rau dệu, hay kể cả bông súng, bông điên điển, đọt lang, đọt choại, năn, kèo nèo, bồn bồn,... đều được người miền Tây dùng để nhúng lẩu. Vậy, điều gì đã khiến họ tin vào những thứ "rau rác" dại mọc ven bờ mà không nhờ vào sự phát hiện của ai đi trước?


Đối với người miền Tây rau là thứ hoàn toàn dễ tìm thấy ở ngoài bờ sông, dọc đường hay sau nhà và giá thành cũng rất rẻ thậm chí có khi chẳng tốn đồng nào để mua, nên "rau rác" cũng từ đó được áp dụng vào cách nói chuyện đời thường.

Không phải bàn cãi khi nó dựa trên tinh thần của vùng đất trù phú "trên cơm dưới cá". Nhờ nguồn lương thực dồi dào từ nền văn minh sông nước, thực phẩm chính của người miền Tây ngoài lúa, gạo còn có "rau rác" mọc men theo những nhánh sông. Sự "dư dật" ấy giúp cho họ tạo dựng đủ các phương thức ăn, cho dù trong hoàn cảnh nào, vẫn có thể kết hợp những sản vật của địa phương một cách bài bản.

Những thức rau ghém mọc dại này coi vậy mà đang từng bước mang phong vị của riêng nó để hoàn thiện nền văn hóa ẩm thực độc đáo của vùng đồng bằng châu thổ. Mặc dù phóng khoáng nhưng không phải cứ loại rau dại nào người miền Tây cũng cho vào trong lẩu, giống như chị Đào Thị Mai Thuông (ĐH Văn hoá TP.HCM) vắn tắt dưới đây về các loại rau dại để ăn lẩu:

"Đối với các loại như đọt choại, bông điên điển, rau nhút nhúng lẩu, thường chỉ hái được buổi sáng hừng đông, buổi chiều rau héo, không còn chất dinh dưỡng, ăn vào mất ngon mà dai. Bởi vậy các bà trong quê chỉ thường hái rau bán vào buổi sáng. Người miền Tây cũng hay xem con nước để lựa rau rừng, mùa nào nước lên rau xanh mơn mởn, ngược lại ngắt ngang đọt cũng thấy rau già khú đế".

Lại thêm, phải bàn về ngữ nghĩa "rau rác" của người miền Tây, đó là một cách nói của người dân địa phương. Hay có thể hiểu đơn giản là rau ở miền Tây "mọc nhiều như rác", sự so sánh khuếch đại này mang hàm ý mô tả cho cách mọc đại trà của các loại rau rừng ở miền Tây: mọc tá lả, ở đâu cũng có!


NHÀ NÀO CŨNG KHOÁI ĂN LẨU, CÓ THỂ ĂN SUỐT 7 NGÀY TRONG TUẦN!

Người miền Tây rất hay ăn lẩu! Khi có cơ hội sum họp, họ luôn chọn lẩu làm món chính mang tính gắn kết các thành viên trong nhà. Thậm chí họ có thể ăn lẩu hằng ngày mà chẳng cần chờ đến một dịp đặc biệt nào.

Nồi lẩu cộng thêm một chiếc bếp gas cỡ nhỏ, người trong một nhà ngồi bệt xuống nền gạch, bày ra nào cá, tôm, rau sống, không thể thiếu chén nước mắm cá linh huyền thoại. Nếu là quyến thuộc thì trải chiếu dưới gốc cây sau nhà, chụm 3 chụm 5 rôm rả chuyện trên trời dưới đất. Dân dã là thế nhưng khi nhà có đám tiệc, dù vẫn nồi lẩu ấy nhưng cách bày biện lại chỉn chu, như một đãi đằng lịch sự.


Khi khách vào bàn thì người nhà xởi lởi, người trên tay vá múc canh liên tục trụng rau vào trong nồi lẩu đang sôi ùng ục. Bên kia bàn chắc chắn một người khác cũng nhanh nhảu đứng lên, lấy đĩa cá nghiêng nhẹ vào trong nồi lẩu rồi dùng chiếc vá nhấn cá xuống bên dưới tầng nước lẩu vừa sôi.


Nói về việc người miền Tây yêu thích việc ăn lẩu, ở một góc khác họ còn xem lẩu như món xả "xà bần" trong tủ lạnh. Chẳng hạn như cuối tuần, trong tủ còn mỗi một đoạn đầu cá hú, họ chỉ cần bắt nồi nước lẩu, hái thêm trái dừa, vặt thêm chút rau rừng sau vườn, cuối cùng sấy chút ít tỏi phi để lên trên, thế là thành ra một nồi lẩu cá.

"NÈ HE, AI CHƯA THỬ MỘT TRONG MẤY MÓN LẨU NÀY THÌ CHƯA ĐI MIỀN TÂY"!

1. Lẩu cù lao

Có mặt trong hầu hết mâm cỗ của người dân vùng châu thổ, lẩu cù lao (hay còn gọi là lẩu ngọt) ngoài làm nhiệm vụ tập trung sự đặc trưng của vùng sông nước, nó còn gần như là bao hàm cả sự đủ đầy, khuôn phép,... Và, người miền Tây thể hiện sự mến khách thông qua cách đãi đằng một nồi lẩu ngọt.


Đất đai màu mỡ ra sao, cơ man "trên cơm dưới cá" thế nào,... thì chiếc lẩu cù lao của người miền Tây cũng thể hiện y hệt vậy.

Tuỳ theo sản vật địa phương mà mỗi nơi sẽ có một phong vị của lẩu ngọt. Chẳng hạn như lẩu ngọt ở xứ Cà Mau, thể nào cũng có tôm, cua, mực còn lẩu ngọt vùng An Giang thế nào cũng có cá linh non, cá hú, thịt gà, vịt... Nước lẩu cũng tuỳ nơi, có nơi nấu ngọt có nơi nấu chua cay.

Nhưng dù là theo cách biến tấu nào thì những món bất biến trong nồi lẩu ngọt như tim - gan - thịt - phèo lợn, chả cá, cà rốt, hành tây, hành lá tỉa... ốp lên trên bề mặt lẩu là không được thiếu.

Chỉ có người miền Tây mới biết, điểm khiến lẩu cù lao khác biệt với những nồi lẩu bình thường ngoài hương vị còn là nhờ vào cách dùng than. Than dùng ở giữa nồi phải là than cây đước loại đầm, ít trọ, được "khè" hồng 70%. Nhớ đám tiệc, mâm 10 người quây quần bên chiếc lẩu cù lao, thi thoảng nó "thở" ra những tia lửa hồng, bập bùng theo từng đầu đũa.

2. Lẩu cá kèo

"Ai ơi nhớ ghé miền Tây.
Cá kèo nấu lẩu hây hây má hồng".

Cá kèo là thuỷ sản đặc trưng của dọc kênh rạch vùng Nam Bộ. So với các món ăn nổi bật đất Nam, lẩu cá kèo được xếp vào dạng khiến bao thực khách vấn vương lần đầu thưởng thức.


Nhớ mùa mưa, nhà nào xổ vuông bắt được con cá kèo bóng loáng, đem "rọng" cả đám cá trong một cái xô nước lưng, tay chân nhanh nhẹn cắt thêm ít ớt hiểm để cá nhả mồi. Độ 10 - 20 phút sau thì đưa tay bắt con cái thấy nó tê tê, đoạn này chỉ cần rửa sạch, không cần mổ, bởi cá kèo ngon nhất phần bụng.

Nước lẩu cá kèo tuỳ nhà mà có một phong vị khác nhau. Nhưng cơ bản nhất, nước dùng phải đệm chút vị cay để một phần khử mùi tanh của cá, một phần kích thích vị giác. Có nhà tận dụng me pha nên một nồi nước dùng chua, cay. Một thứ mà nồi nước lẩu cá kèo tuyệt đối cũng không thể thiếu là tỏi phi. Trụng cá kèo vào nước lẩu đang sôi ùng ục, cho thêm chút chuối ghém thái sợi, kèo nèo, bông súng,...

3. Lẩu mắm

Tuy qua rồi thời buổi nguy nan nhưng những bữa ăn ghi đậm dấu ấn thời khẩn hoang vẫn được người miền Tây lưu truyền, tiêu biểu ngoài mắm kho, mắm sống, họ còn làm ra món lẩu mắm từ việc "ninh cốt mắm".


Phải là cốt mắm cá sặc, mắm cá linh và mắm cá trèn thì mới ra nồi lẩu mắm miền Tây. Đồ tươi bỏ lẩu ngoài cá hú, cá basa hoặc cá phi còn có ba rọi tỉ lệ nạc 6 mỡ 4, tôm, mực… Nồi lẩu cũng phải buộc bỏ thêm cà tím, và sả băm phi cháy kèm chút tỏi để đệm thêm dư vị. Thứ rau ăn kèm là bông súng, cù nèo, rau nhút,... Đặc biệt, không thể bỏ qua rau đắng, sự xuất hiện của rau đắng trong nồi lẩu mắm miền Tây chính là lời khẳng định họ sành ăn như thế nào.

Rau đắng trấn vị mằn mặn của nước cốt mắm, để lại hậu ngọt dai dẳng trong họng. Lấy một ít bún tươi cho vào trong chén, thêm nước lẩu, vài miếng thịt, cá kèm rau đắng vừa trụng còn nóng, ăn đúng bài bản một lần là nhớ cả đời.

4. Lẩu vịt nấu chao

Ở miền Tây, vịt nấu chao Cần Thơ là nổi danh nhất. Để vịt nấu chao ngon đúng điệu người miền Tây thường ưu tiên chọn vịt xiêm thay vì vịt cỏ.


Vịt được chà gừng với rượu, làm sạch và chặt nhỏ trước khi ướp với chao. Khoai môn người ta chọn loại dẻo, thêm nấm rơm cắt đôi, chỉn chu hơn nữa thì chuẩn bị thêm ít huyết lợn. Quan trọng không kém thịt vịt là chao, theo người miền Tây, chao càng lâu càng đậm vị (tất nhiên còn hạn sử dụng), nấu lẩu càng ngon.

Người miền Tây ăn lẩu vịt nấu chao như thế nào là ngon nhất?

Là nồi lẩu nóng hổi, thịt vịt săn lại, thơm ngậy mùi chao. Nhúng thêm ít rau muống, cải xanh, hẹ… vào trong nồi lẩu, vớt ra chan lên chén bún cùng với nước lẩu. Một số gia đình sành ăn hơn, bỏ thêm hột vịt lộn vào trong nồi lẩu. Tuỳ cách thưởng thức của từng người mà để nguyên trứng hoặc đập vào trong nồi.

5. Lẩu cá linh bông điên điển


Cá linh và bông điên điển là "cặp bài trùng", là đơn cử xuất sắc trong việc kết hợp đặc sản địa phương lại với nhau của người miền Tây.

Lẩu cá linh bông điên điển có vị hao hao canh chua. Nhiều gia đình dùng cơm mẻ hoặc dấm làm nước lẩu nhưng một số khác lại chọn me. Thật ra, cách nấu nào cũng đúng, tuỳ theo sở thích của mỗi nhà.

Nồi lẩu cá sôi ùng ục nhưng dại gì mà cho bông điên điển vào ngay, phải đợi khi cả nhà túm tụm lại ăn, ngồi quây quầng bên nhau. Vừa ăn, vừa nhúng bông điên điển vào nước dùng để giữ độ giòn và thơm của bông. Tất nhiên một thứ rau đêm không thể thiếu trong món lẩu này là ngò gai, tỏi sấy. Nước chấm phải là nước mắm nguyên chất, có thêm chút ớt hoặc tiêu để điều vị.

6. Lẩu cháo cá lóc


Lẩu cháo cá lóc là biến tấu của món cháo cá lóc ở xứ Mỹ Tho, Tiền Giang.

Thay vì đơn giản là ăn cháo cá lóc, người miền Tây cho đun cháo liu riu trên bếp để nước lẩu luôn ấm nóng. Mục đích của sự sáng tạo này là để... người ta ăn được nhiều rau đắng đất trụng.

Có thể nói rằng, món lẩu cháo này mất đi 50% hương vị nếu thiếu rau đắng đất. Đĩa rau đắng đất trụng lẩu cháo đắng đất tuy đắng đến tê đầu lưỡi nhưng hậu lại ngọt và thơm vô tận.

Ngoài ra, phải thêm tiêu vào nước lẩu để thấy dư vị đệm của tiêu khi kết hợp với lẩu cháo tinh tế đến mức nào. Theo một số người sành ăn, tiêu còn giúp vị lẩu cháo có hậu ngọt, giải cảm cực kỳ hữu hiệu.

Bảo Trân / Theo: Trí Thức Trẻ

Monday, February 27, 2023

5 ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT VỀ ĐƯỜNG ĐỒNG KHỞI (ĐƯỜNG TỰ DO CŨ)

Đồng Khởi – “Con đường sang trọng bậc nhất TP HCM” đã chứng minh vị thế độc tôn của mình qua hơn 150 năm gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố phát triển năng động.

Đường Tự Do năm 1961

ĐỒNG KHỞI CON ĐƯỜNG ĐẸP, CỔ XƯA VÀ SẦM UẤT

Năm 1861, khi Sài Gòn lọt vào tay quân Pháp, đường Đồng Khởi ngày nay đã có một quá trình dài góp mặt vào sinh hoạt của cư dân địa phương. Nhưng phải chờ đến ngày 1/2/1865, khi Đề đốc De La Grandière đổi tên cho con đường thành Catinat, mới thực sự mở ra thời kỳ vàng son cho chính nó và cả thành phố Sài Gòn.

Đồng Khởi xưa có tên là Catinat – còn có tên khác là “Rue no.16” (thời Pháp thuộc).

Từ đó đến nay, đường Đồng Khởi đã có hơn 150 năm lịch sử, trở thành một trong những con đường lâu đời nhất tại TP HCM

Đồng Khởi xưa nhìn từ trên cao, tấp nập và sầm uất.

ĐỒNG KHỞI LÀ 1 TRONG 8 CON ĐƯỜNG “ĐẮT” NHẤT VIỆT NAM

Nằm ở quận 1 – trung tâm kinh tế văn hóa TP HCM với vị trí đắc địa và thường xuyên thu hút một lượng lớn du khách trong ngoài nước đến tham quan, lưu trú và kinh doanh khiến cho Đồng Khởi từ lâu đã trở thành “con đường vàng” của những nhà đầu tư bất động sản. Theo thông tin từ cuộc khảo sát giá đất thị trường tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố của Ban Chỉ đạo xây dựng Bảng giá đất TP HCM, giá đất tại tuyến đường Đồng Khởi có mức giá gần 600 triệu/m2, cao nhất TP HCM.

Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn… có giá đất đắt nhất TP HCM.

ĐỒNG KHỞI LÀ MỘT CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ

Nhà báo Pháp Lucien Bodard từng ví đường Đồng Khởi như cái cuống rốn của Sài Gòn (xưa), hay có một cách ví von khác, là nơi lắng nghe nhịp đập của trái tim Sài Gòn. Trong chiến tranh, đây là nơi từng xảy ra những sự kiện quan trọng. Nơi đây có dinh thự của Cao ủy Pháp, Bộ Tổng tham mưu, Bộ chỉ huy MAAG…


ĐỒNG KHỞI CON ĐƯỜNG CỦA VĂN HÓA

Quy tụ những tụ điểm từng là nơi giao lưu văn hóa của giới thượng lưu, trí thức thành phố như hiệu bán đĩa hát Ménestrel (gần nhà hàng Bông Sen ngày nay), rạp Catinat (nằm trên một con hẻm đâm ra đường Catinat), nhà hàng Brodard nhà thuốc Tây Soliréne, rạp hát Eden, tiệm sách Albert Portail, nhà hàng La Pagodel … ngày đêm ra vào tấp nập. Tiếp nối nhịp sống sôi động đó, đường Đồng Khởi ngày nay cũng trở thành điểm đến náo nhiệt, quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần người dân TP HCM với nhiều hoạt động, sự kiện hoành tráng thường được diễn ra tại đây trong những dịp lễ, hội lớn của thành phố: lễ hội đón Tết Nguyên đán, Tết Dương lịch, lễ Giáng sinh…


ĐỒNG KHỞI – CON ĐƯỜNG CỦA KIẾN TRÚC

Xưa, đường Đồng Khởi tự hào với những công trình văn hóa đồ sộ như Nhà hát thành phố, Nhà thờ Đức Bà, quảng trường Francis Garnier đến những cơ quan chính phủ như dinh Thống đốc Nam Kỳ (1868), tòa đô chính (1908) nay là Ủy ban nhân dân TP.HCM … và hàng loạt khách sạn sang trọng tồn tại đến tận hôm nay như Continental (1880), Majestic (1925), Grand Hotel Saigon (1930). Nay con đường danh giá này mang thêm màu sắc đương đại từ những công trình đẳng cấp 5 sao như tháp đôi TTTM Vincom và khu căn hộ cao cấp Vinhomes Đồng Khởi, tòa nhà Opera House, tòa nhà Saigon Metrepolitant… Đây là những công trình hiện đại phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí mua sắm cao cấp, tập trung những thương hiệu hàng đầu với hệ thống nhà hàng sang trọng, dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu.


Với một vị thế độc tôn và tầm quan trọng bậc nhất đối với kinh tế, văn hóa, chính trị, du lịch, là sự kết hợp hoàn hảo, hòa quyện giữa lịch sử, hiện tại và tương lai; đường Đồng Khởi xứng đáng với danh xưng “con đường vàng”, “trái tim” không thể thay thế được của Sài Gòn – TP HCM.

Theo: dangnho



TẠI SAO TƯỞNG GIỚI THẠCH CẢ ĐỜI KHÔNG ĐỂ TÓC? BÀ TỐNG MỸ LINH TIẾT LỘ SỰ THẬT

Như chúng ta đều biết, dù là từ sách lịch sử hay từ các bộ phim truyền hình khác nhau và những bức ảnh đời thường của Tưởng Giới Thạch, tất cả những gì chúng ta thấy là đầu Tưởng Giới Thạch không có tóc, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi là do Tưởng Giới Thạch không có tóc hay là ông không để tóc?

Nguồn ảnh: soundofhope

Nhiều năm sau cái chết của Tưởng Giới Thạch, Tống Mỹ Linh vợ của ông đã tiết lộ sự thật!

Tưởng Giới Thạch sinh ra trong một gia đình bình thường ở Phụng Hóa, Chiết Giang. Khi ông được tám tuổi, ông nội và cha của ông lần lượt qua đời, và mẹ ông là Vương Thái Ngọc một mình nuôi ông khôn lớn. Mẹ của Tưởng Giới Thạch rất nghiêm khắc với con trai, ngoài việc giám sát việc học của con hàng ngày, bà còn dạy cho con các phép tắc đối nhân xử thế, yêu cầu con giúp việc nhà để chia sẻ việc nhà, bồi dưỡng cho ông chí hướng tự lập và phẩm cách khoan hậu nhân ái. Tưởng Giới Thạch cũng rất hiếu thảo với mẹ.

Gia đình Tưởng Giới Thạch rất tin vào đạo Phật từ bao đời nay và Vương phu nhân cũng là một người rất sùng đạo Phật, và thường đưa ông đến chùa Tuyết Đậu gần đó để lễ Phật. Điều này vô hình trung đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Tưởng Giới Thạch.

Từ trái sang phải: Mẹ của Tưởng Kinh Quốc là Mao Phúc Mai, bà nội Vương Thái Ngọc, Tưởng Kinh Quốc thời thơ ấu và cha Tưởng Giới Thạch (ảnh: chụp năm 1910). Nguồn ảnh: danviet

Cho nên sau khi trưởng thành, Tưởng Giới Thạch mặc dù dấn thân vào cách mạng dân chủ, tham gia phong trào cách mạng khắp cả nước. Tuy nhiên, do có mối quan hệ sâu sắc với chùa Tuyết Đậu từ khi còn nhỏ nên cho dù thất bại hay thành công, mỗi khi Tưởng Giới Thạch về quê, ông đều đến chùa Tuyết Đậu, hoặc ở lại chùa Tuyết Đậu một vài ngày. Bởi vậy, Tưởng Giới Thạch còn có cơ duyên quen biết với cao tăng Thái Hư đại sư.

Thái Hư đại sư đã đề cập đến cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông với Tưởng Giới Thạch trong cuốn tự truyện. Ngày 15 tháng 8 năm 1927, Tưởng Giới Thạch ra tuyên bố từ chức, ngày hôm sau trở về chùa Tuyết Đậu, thường ở trong chùa.

Bởi vì Hoàng Ưng Bạch nhiều lần nhắc đến Thái Hư đại sư trước mặt Tưởng Giới Thạch, nên Tưởng Giới Thạch quyết định mời Thái Hư đại sư đến gặp.

Khi gặp Tưởng Giới Thạch, một người khá thất vọng trong giới chính trị, cũng muốn mời Thái Hư sang Nhật Bản để nghiên cứu về Dương Minh thiền và Phật học. Về sau bởi vì lý do chính trị, mới từ bỏ ý định này.

Tuy nhiên, Tưởng Giới Thạch và Thái Hư có mối quan hệ rất thân thiết. Trong dịp Tết Trung thu, Tưởng Giới Thạch còn mời Thái Hư đại sư giảng giải “Tâm kinh” và nhiều lần tài trợ cho Thái Hư đại sư đi du lịch Châu Âu và Hoa Kỳ.

Ông còn giới thiệu các chính khách lúc bấy giờ đến gặp mặt Thái Hư, trợ giúp Thái Hư đại sư khởi xướng thành lập “Phật học hội Trung Quốc”

Hành động của Tưởng Giới Thạch đủ cho thấy sự sùng kính của ông đối với Phật giáo.

Năm 1943, chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn gay cấn. Lâm Sâm, chủ tịch lúc bấy giờ của Trung Hoa Dân Quốc, muốn mời lão hòa thượng Hư Vân đến Trùng Khánh để tổ chức “Pháp hội giải tai ương hộ quốc”.

Hòa thượng Hư Vân. (Ảnh Internet).

Thời gian này, Tưởng Giới Thạch và Tống Thiến đã kết hôn hơn mười năm, chịu ảnh hưởng của Tống Mỹ Linh, Tưởng Giới Thạch thường xuyên cùng vợ ra vào nhà thờ Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, trong cuộc “Pháp hội giải tai ương hộ quốc” Tưởng Giới Thạch, người đã được rửa tội theo đạo Thiên chúa cùng với vợ mình, đã đến hội nghị để gặp nhà lão hòa thượng Hư Vân, hỏi ông về nguồn gốc của sinh mệnh và vũ trụ. Sau đó, Hư Vân hòa thượng đã lấy “Kinh Lăng Nghiêm” để trả lời.

Tưởng Giới Thạch mặc dù ở địa vị cao nhưng bên cạnh vẫn thường có các cao tăng đi cùng.

Năm 1949, Tưởng Giới Thạch rút về Đài Loan và vẫn nhất quyết đưa Phật sống Chương Gia (Changkya Khutukhtu) và các cao tăng Hán Tạng cùng về Đài Loan. Có thể thấy, dù đã rửa tội theo đạo Thiên Chúa nhưng sự ưu ái và chú ý của ông đối với Phật giáo vẫn không hề giảm sút.

Nhiều năm sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời, vợ ông ta là bà Tống Mỹ Linh cuối cùng đã nói ra sự thật: Tưởng Giới Thạch đã hết lòng vì “Dương Minh Thiền“, từng chép “Kinh Lăng Nghiêm” cho mẹ là Vương phu nhân, còn được giác ngộ từ một vị lão hòa thượng ở chùa Tuyết Đậu, ấn tượng quá sâu sắc. Vì vậy sau khi lớn lên cho đến mãi về sau, cả đời Tưởng Giới Thạch đã không để tóc, như để tỏ tấm lòng là đệ tử nhà Phật.

Đăng Dũng biên tập
Nguồn: soundofhope (Dương Thuật Chi)

KINH NGẠC VỚI BỘ TỘC NGƯỜI MẮT XANH Ở INDONESIA

Những hình ảnh tuyệt đẹp về một bộ lạc bản địa trên đảo Indonesia có đôi mắt xanh đã được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người kinh ngạc.

Tộc người mắt xanh ở Indonesia.

Người dân của bộ lạc đảo Buton mắc hội chứng Waardenburg, một hội chứng di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến sắc tố và có thể gây mất thính giác bẩm sinh.

Korchnoi Pasaribu, một nhà địa chất học đến từ Jakarta, Indonesia, đã chụp được ánh mắt đẹp như đá sapphire của một số người dân bộ tộc Buton bằng máy ảnh vào ngày 17 tháng 9 năm nay. Những bức ảnh của ông đã tạo ra khá nhiều tiếng vang trên internet, lan truyền trên Instagram tạo được sự thu hút đến bộ tộc độc đáo và đặc biệt này.

Ở tuổi 38, Pasaribu đã thám hiểm và ghi chép lại các hoạt động xã hội và văn hóa ở vùng nông thôn của Indonesia kể từ tháng 9 năm 2019 - một sở thích dễ duy trì cùng với công việc thực địa của ông trong lĩnh vực địa chất.

Tộc người mắt xanh ở Ìdonesia

Trên tạp chí DailyMail, ông ấy cho biết: “Tôi thực sự làm việc như một nhà địa chất, khai thác niken. Chụp ảnh là sở thích của tôi".

Sau khi ghi chép lại nhiều bộ lạc và di sản văn hóa trên khắp Indonesia, Pasaribu cho biết ông nhận thấy bộ lạc mắt xanh rất độc đáo và đầy cảm hứng.

Ông nói: “Đôi mắt xanh rất độc đáo và đẹp đẽ và chúng là nguồn cảm hứng của tôi. Màu xanh lam là màu mắt yêu thích của tôi”.

Tộc người mắt xanh ở Indonesia

Những người theo dõi Instagram của Pasaribu hầu như đều bị thuyết phục bởi công việc và những bức ảnh độc đáo của ông ấy. Những bức hình đã nhận được hàng chục nghìn lượt thích và bình luận từ những người theo dõi.

Một người bình luận: “rất kỳ lạ, rất hiếm, rất đẹp."

Những người khác chia sẻ rằng đối tượng chụp ảnh trông giống như "người mẫu" và thật khó tin là họ không đeo kính áp tròng.

Thật khó tin đối với một số người, màu mắt xanh rất thật.

Đảo Buton có rừng nhiệt đới bao phủ là hòn đảo lớn thứ 19 của Indonesia và là nơi sinh sống của người Buton, và một số bộ lạc nhỏ hơn.

Hội chứng Waardenburg ảnh hưởng đến một số người trong bộ tộc này, khiến họ có một sự kết hợp cực kỳ hiếm gặp giữa đôi mắt xanh biển sáng và làn da màu rám nắng.

Người đàn ông mắt xanh ở Indonesia.

Hội chứng này, ước tính đã ảnh hưởng đến một số trong số 42.000 người, cũng có những người có mắt xanh sáng, hai mắt khác màu và trong một số trường hợp, các mảng tóc hoặc da nhạt màu hơn.

Kết quả là màu sắc tương phản nổi bật, và đẹp mắt.

Sau khi ghi lại vẻ đẹp của bộ tộc Buton, Pasaribu tiếp tục ghi lại cuộc sống trên khắp vùng nông thôn Indonesia. Nhưng những bức ảnh mang tính biểu tượng ông chụp ở đảo Buton đã gây ấn tượng đáng nhớ trên internet.

(Ảnh sử dụng trong bài từ Instagram của tác giả Korchnoi Pasaribu)

Nguyễn Can / Theo:  Epoch Times
Link tham khảo:




ĐÔI TÌNH NHÂN TRÊN CẦU PONT NEUF - CHUYỆN TÌNH CỦA NHỮNG TRÁI TIM TAN VỠ

Nếu một lúc nào đó, bạn cất công tìm kiếm trên các trang mạng xã hội nổi tiếng để tìm hiểu những bộ phim tuyệt vời về Paris thì chắc hẳn, bạn sẽ không thể bỏ qua tác phẩm hiếm có “Les Amants du Pont Neuf”. Tạm dịch là “Đôi tình nhân trên cầu Pont Neuf” (tên tiếng Anh là “The lovers on the bridge”), bộ phim của đạo diễn Leos Carax ra mắt lần đầu tiên vào năm 1991.


Chuyện phim kể về Alex, một người biểu diễn đường phố nghiện rượu và thuốc an thần đã phải lòng nàng họa sĩ Michèle đang mang căn bệnh khiến thị giác của cô càng ngày càng giảm sút. Một tình yêu say đắm giữa hai kẻ lang thang tại cây cầu cổ nhất Paris, cầu Pont Neuf, đã diễn ra. Mới nghe qua thì có vẻ đây là một bộ phim tình cảm lãng mạn đơn thuần nhưng nếu chỉ có vậy, “Đôi tình nhân trên cầu Pont Neuf” đã không lọt vào Top 10 những bộ phim hay nhất về Paris. Dù cho đến nay, tác phẩm đã được 30 năm tuổi nhưng không ai nói đó là một câu chuyện đã cũ.

Do gặp phải nhiều trục trặc khiến cho thời gian hoàn thành bộ phim bị kéo dài hơn so với dự kiến, song sự ra đời của tác phẩm đã nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt từ giới phê bình phim tại Pháp cũng như trên thế giới. Bộ phim được đề cử tại các giải César, giải phim châu Âu xuất sắc, giải BAFTA, đồng thời nhận được các giải thưởng phim châu Âu cho nữ diễn viên xuất sắc và quay phim xuất sắc. Đạo diễn, kiêm biên kịch của phim, Leos Carax vừa là một đạo diễn, là một nhà phê bình lại vừa là một nhà văn. Bởi vậy mà ông được chú ý với phong cách phim rất Thơ cùng những miêu tả đau khổ về tình yêu. Chính vì thế, trong “Đôi tình nhân trên cầu Pont Neuf” người ta không chỉ Yêu, mà người ta còn Yêu với những nỗi đau tan vỡ có thật.


Bức tranh tình yêu

Những thước phim đầu tiên của tác phẩm khiến khán giả rùng mình bởi sự thật trần trụi về những người lang thang ở Paris, trong đó có Alex. Vóc người nhỏ bé, xiêu vẹo, rất hiếm khi tỉnh táo bởi tác dụng của rượu và thuốc an thần, Alex được tạo nên là một hình ảnh hoàn toàn không đẹp, thậm chí có thể nói là xấu xí. Anh tự cho rằng mình không thể được sống yên ổn nếu rời khỏi cây cầu Pont Neuf, một trong những cây cầu cổ nhất thành phố, nơi mà người ta đang lập rào chắn để sửa chữa.

Dường như, bạn chỉ bình yên khi bạn ở cái nơi những người khác coi là “Danger” - nguy hiểm - như tấm biển đang giăng ngang chắn đường lên cầu. Nơi ấy, sẽ không ai có thể làm phiền hoặc làm bạn bị tổn thương. Rất nhiều lần trên phim, trong những câu thoại ít ỏi của mình, Alex nhắc đi nhắc lại cụm từ “trở lại cây cầu” như là cảm giác được quay về nhà. Đó là nơi anh gặp Michèle, cũng là lần đầu tiên anh tự nhìn thấy bản thân qua bức phác thảo của cô, với gương mặt kinh hoàng, hoảng loạn và méo mó khi anh bị tai nạn ô tô do quá phê thuốc và Michèle vô tình là nhân chứng. Bản phác thảo khiến anh chạy theo cô, cảm thấy một sự gắn kết kì lạ với người họa sĩ lang thang này.

Rồi, Alex vô tình phát hiện ra bức thư trong người Michèle lúc cô bị ngất đi. Từ đây, anh biết được thân thế, gia đình và cả tình yêu xưa cũ của Michèle là một nghệ sĩ Cello có tên Julien.


Những tan vỡ không tên

Trong “Đôi tình nhân trên cầu Pont Neuf”, người ta thích những cảnh đối lập giữa cây cầu xưa cũ với những tòa nhà rực rỡ ánh sáng sang trọng. Người ta thích cái cách Alex làm việc, trong đêm, không một âm thanh nào ngoài tiếng anh phun dầu từ miệng và tiếng ngọn lửa bùng lên.

Giải thưởng Phim Châu Âu dành cho nữ diễn viên xuất sắc thuộc về Juliette Binoche trong vai Michèle nhưng với nhiều người, Denis Lavant đã biến Alex trở nên thật sống động và tự do. Denis Lavant có thể không phải là một Alex hào hoa, điển trai, hấp dẫn. Hoàn toàn không. Tại sao lại phải là một người với vẻ ngoài ăn hình nếu ẩn sâu bên trong, bạn có một tâm hồn thật đẹp? Những chi tiết nhỏ thôi … khi Alex ăn cắp một con cá để làm cho Michèle món sushi, kiếm tiền để chăm lo cho cô tốt hơn, làm những việc điên rồ để cô vui như là tấn công một nhân viên cảnh sát để lấy được chiếc cano đưa cô lướt sóng giữa đêm hay đơn giản chỉ là dùng khăn bông lau khô tóc cho cô và lời dặn “không nên để đầu ướt khi đi ngủ”.

Từ đầu phim, Alex được xây dựng như một gã tồi, liên tục say xỉn và phê thuốc không ngớt, chỉ đến khi cảnh anh biểu diễn phun lửa diễn ra thì dường như người ta mới thấy một Alex khác. Những cú máy gấp gáp, lia nhanh, những đoạn đặc tả, cận cảnh vào đôi tay nhanh nhẹn, đôi chân mềm mại với cú lộn nhào điêu luyện, tư thế ngã gọn gàng như một chú mèo của Alex cho thấy phẩm chất của một nghệ sĩ biểu diễn thực thụ. Ánh sáng mạnh mẽ, động tác dứt khoát, gương mặt và đôi mắt biết nói khác hẳn một Alex loạng choạng giữa cơn say hay phê thuốc. Nếu với Michèle, việc cô chọn sống lang thang trên cây cầu như là sự trả đũa cho những chán nản vì căn bệnh đang lấy dần đi thị giác của cô thì hoàn toàn không có lời tâm sự nào để lý giải tại sao, cái gì đã đẩy Alex ra đường với biết bao chán chường và tuyệt vọng đến thế. Đó, chỉ là một tan vỡ không thể gọi tên.

Họ đến với nhau tự nhiên như cây cỏ phải mọc lên vào mùa hè mát mẻ, có những quấn quýt, chia sẻ, giận hờn và cả ghen tuông. Hai trái tim tan vỡ hòa vào làm một, bù đắp mất mát của nhau, dù có mặt của người thứ ba, là Hans, người được mệnh danh là Bố già của cây cầu, thì họ vẫn gắn bó không thể tách rời.


Ấn tượng khó phai

Cả bộ phim giống một bản tình ca kỳ lạ với những khúc nhạc vui, buồn, nhanh chậm đan xen lẫn lộn đầy màu sắc và nhịp điệu. Trong đó, có hai trường đoạn để lại những ấn tượng cực mạnh kể cả về hình ảnh, âm nhạc lẫn diễn xuất mà ai đã từng xem phim cũng tin rằng mình sẽ không bao giờ có thể quên được. Đó là trường đoạn Alex và Michèle nhảy múa trên cây cầu giữa không gian rực sáng pháo hoa ngoạn mục. Cả bầu trời và dòng sông Seine bừng lên đẹp không thể tả. Cú máy dài gói trọn khoảnh khắc quý báu họ dành cho nhau, một là lúc hai người nhảy múa như điên dại và một là lúc họ “du ngoạn” trên sông Seine bằng cano lướt ván vừa đánh cắp được. Nó khiến người xem cảm nhận có vẻ cái hạnh phúc và niềm vui ấy sẽ kéo dài mãi, không bao giờ kết thúc, không ai muốn nó dừng lại. Âm nhạc mạnh mẽ thôi thúc cuồng nhiệt và gương mặt hai người cũng bừng sáng trong nhau.

Vì thế mà trường đoạn ấn tượng thứ hai ở ga tàu điện ngầm lại tạo nên một cảm giác khác hẳn. Hầu hết là những cú máy ngắn, lia nhanh, gây sốc. Đặc biệt, tiếng Cello vừa réo rắt, rạo rực, lại vừa như gấp gáp, đe dọa tạo nên ám ảnh mãnh liệt. Người ta thấy những giây phút cút bắt tình yêu đầy trái ngang khi Michèle đuổi theo tiếng Cello để tìm Julien, nghệ sĩ Cello đã từng yêu và rời bỏ cô, còn Alex thì đuổi theo tiếng Cello vì muốn xua anh ta đi trước khi Michèle xuất hiện, không để hai người gặp nhau.
 
Vị kỉ, phần tất yếu trong tình yêu

Alex là một kẻ vị kỉ. Tại sao? Chắc chắn là vì anh quá yêu Michèle, muốn giữ cô cho riêng mình mãi mãi. Tình yêu mang đặc tính “chiếm hữu” rất lớn, Alex cũng không phải ngoại lệ, đặc biệt là khi anh cho rằng mình không có gì đủ lớn và đủ mạnh để giữ Michèle lại. Không ít hơn ba lần trong phim, Alex đã làm mọi cách để níu giữ Michèle trước nỗi ám ảnh cô sẽ rời bỏ anh. Lần đầu tiên là khi họ có một khoản tiền cùng nhau. Michèle đã sợ mùa đông sẽ tới trên cây cầu và họ không thể tiếp tục ở đó. Cầm 2000 đồng trong tay, cô toan tính việc sẽ làm gì với nó. Vì cô đã từng nói “tình yêu cần một phòng ngủ chứ không phải nơi có gió lùa” nên Alex càng cảm thấy một sự đe dọa. Anh đã cố tình khiến Michèle tự làm rớt chỗ tiền xuống sông để cô không thể mơ tưởng một nơi nào khác ngoài cây cầu an toàn của anh.


Lần thứ hai, sự ích kỉ trở nên điên rồ hơn khi Alex phát hiện ra gia đình Michèle đã tìm ra người có thể chữa bệnh cho cô và đang tìm kiếm cô. Nỗi sợ hãi cô đơn và bị bỏ rơi xâm chiếm Alex, trong cơn cuồng điên, Alex đã đốt trụi những tấm áp phích dán trong ga tàu điện ngầm, đốt trụi cả chiếc xe tải mini của người thợ được thuê dán áp phích và khiến anh ta bị bỏng nặng. Và lần cuối cùng, ở cuối phim, sau ba năm phải đi tù vì tội đó, Alex gặp lại Michèle, anh cũng sẵn sàng xô cả hai xuống sông Seine giữa cái giá lạnh của Paris chỉ vì cô nói cô đang chết dần. Để rồi ngay sau đó, họ lại hoảng sợ khi không thể nhìn thấy nhau dưới dòng sông tối đen lạnh lẽo kia. Để rồi sau đó, họ lại cùng đứng trước mũi chiếc xà lan chở cát, cùng hướng về tương lai và cười vào mũi khổ đau dù chưa biết cái tương lai kia sẽ có màu gì.

Tình yêu trong sáng, rất Người của Alex và Michèle đã được miêu tả thật vô cùng hoang dại mà có lẽ chưa từng một bộ phim nào có thể làm được như trong “Đôi tình nhân trên cầu”. Cả những đắm say, những điên rồ, những đuổi bắt, những tiếng cười và những giọt nước mắt đều ẩn chứa niềm đam mê và nỗi đau. Nhưng hạnh phúc là một cái gì rất khó để định nghĩa và gọi tên, bởi dù trong nỗi đau nào thì khi con người ta còn cảm thấy hạnh phúc bên nhau, người ta sẽ tìm đến với nhau.

Lệ Thu
Theo: RFI Tiếng Việt



Sunday, February 26, 2023

NGƯỜI THƯƠNG CỦA CHA TÔI KHÔNG PHẢI LÀ MẸ...

Những ngày cuối đời, ba chỉ gọi tên một người, mà người đó không phải mẹ tôi. Ông ú ớ gọi tên người khác. Tại sao không phải mẹ, không là mẹ?

Ba đối xử rất tốt với mẹ nhưng trong lòng ông là một người phụ nữ khác (ảnh minh hoạ: Shutter Stock).

Đối với tôi đây là chuyện không thể chấp nhận được, và càng không thể tin được. Tôi lớn lên trong sự dạy dỗ của ba, ông là người tôi tin tưởng và ngưỡng mộ nhất thế gian. Ba chưa từng để mẹ vất vả bao giờ, bất cứ công việc nặng nhọc nào ba cũng đều giành làm hết, không cho mẹ và tôi đụng tay vào. Tôi đã nghĩ rằng, hẳn ba phải thương mẹ lắm, nhưng không, trước khi lìa đời, ông chỉ luôn miệng gọi tên một người phụ nữ khác…

Lạ là mẹ chẳng oán giận ba. Bà quay đi, lau vội giọt nước mắt lăn dài trên má rồi trách duyên phận trớ trêu không cho ba gặp lại người phụ nữ ấy lần cuối để ông được mãn nguyện.

Mãi đến ngày ba qua đời, tôi mới được mẹ kể câu chuyện cuộc đời ba…

Mẹ tôi 32 tuổi mới lấy chồng, cái tuổi thời đó bị gán cho là gái già, ế, dù mẹ không hề xấu. Người yêu đầu tiên của mẹ hy sinh ngoài chiến trường, người thứ hai phụ bạc, thanh xuân của mẹ cứ thế trôi dài…

Ba gặp mẹ khi đã qua một lần đò, hai người đến với nhau đều mang một nỗi niềm riêng, ở bên nhau vì cái nghĩa phu thê, nhưng trong lòng đều mang một mối tình chôn giấu nơi sâu thẳm trái tim. Ba dù nhớ thương người vợ cũ nhưng chưa một lần làm điều gì có lỗi với mẹ hay với gia đình, ngược lại ba luôn chăm lo cho mẹ và tôi từng ly từng tý. Mẹ biết trong lòng ba có người khác nhưng chưa từng ghen tuông. Bà hết mực chăm sóc ba, chu đáo với gia đình và họ hàng nhà chồng. Tôi đã nghĩ mình có một gia đình vô cùng viên mãn…

Ba tôi đã từng có một mối tình khắc cốt ghi tâm với vợ cũ (ảnh minh hoạ: Một Thế Giới).

Ba và vợ cũ sống với nhau được 5 năm, nhưng thương nhớ kéo dài trọn đời, mãn kiếp. Mẹ kể, ngày ấy ba đi làm vất vả suốt ngày, nhưng chiều nào về cũng gội đầu, lau tóc cho người ấy. Đôi vợ chồng trẻ cuối tuần lại đèo nhau đến làng trẻ mồ côi thăm các em. Vợ làm bánh, chồng nặn tò he, họ cùng nhau chơi đùa với lũ trẻ…

Hạnh phúc của ba không bao lâu, do nhà nội ngày càng khó chịu ra mặt với cô con dâu suốt 5 năm không sinh con, mà ba là con trai một – độc đinh, đích tôn. Đã vậy bà ấy lại còn ốm yếu, phải chạy chữa tốn kém. Đồng lương thầy giáo của ba không đủ xoay xở, ông phải làm thêm các việc chân tay để kiếm tiền lo cho vợ. Vì bà, ba có thể làm mọi thứ chỉ để thấy vợ được vui vẻ, bình an.

Nhưng nhà nội tiếp tục làm áp lực, đổ lỗi cho bà ấy làm xui rủi, mạt vận nhà chồng, đã không sinh đẻ được lại còn ốm đau dặt dẹo. Hễ ba vắng nhà là nội lại lôi bà ra hành hạ, mạt sát…

Chịu không nổi những lời đay nghiến, nhất là cảnh chồng vất vả, lo toan, khổ sở vì mình, nên bà bỏ đi biền biệt.

Ba tất tả chạy tìm khắp nơi bà vẫn biệt tăm. Đến lúc ông nhận được lá thư gửi từ một thành phố xa xăm cùng tấm ảnh bà chụp chung với người mà bà gọi là ‘chồng mới’, ba mới chịu chấp nhận sự thật rằng người thương đã xa ông thật rồi.

Cũng từ đó, bà ấy không một lần về lại quê cũ.

Nhiều năm sau, ba cưới mẹ theo sắp đặt của gia đình và mẹ sinh tôi. Mẹ cũng biết vợ cũ của ba, vì bà ấy học cùng trường, trên mẹ vài khóa. Mẹ bảo bà ấy hiền lành, đặc biệt có mái tóc thướt tha và nổi tiếng đẹp nhất trường. Rất nhiều người theo đuổi nhưng không hiểu sao bà ấy lại chọn ba tôi – một người nhút nhát, ít nói.

Tôi biết rằng để kể về người cũ của ba như vậy thật không dễ với mẹ. Mẹ vẫn vậy, luôn tôn trọng ba và bà tôn trọng cả người phụ nữ duy nhất mà ông đem lòng yêu thương.

Rồi ông nội tôi đổ bệnh nan y, bao nhiêu tiền của cả nhà mang đi chữa trị vẫn không đủ. Ba kêu bán căn nhà và mảnh đất hương hỏa. Đúng lúc đó, người cũ bỗng gửi về một khoản tiền lớn, nhờ người bạn mang đến để ba lo cho ông. Ba đỏ mặt từ chối, nhưng người ấy kiên quyết không về nếu ba không nhận.

Ba viết thư cho bà, gửi hết bức này đến bức khác… (ảnh minh hoạ: tiin)

Ông nội nhờ được cứu chữa kịp thời từ khoản tiền ấy mà qua khỏi. Ba viết thư gửi người thương: “Anh nợ em một đời…” – thư gửi đi không có hồi âm. Sau này ba xoay đủ tiền, định tìm người thương để gửi trả nhưng bà quyết không gặp, không nhận. Ba gửi thư cho bà, một bức, hai bức, ba bức… hết bức này đến bức khác, cuối cùng chỉ nhận được lời nhắn “không muốn nhắc lại, nhớ lại những gì đã thuộc về quá khứ”.

Tâm nguyện gặp lại người thương của ba mãi không thể thực hiện. Cho đến khi bà ấy qua đời, được đưa về quê mai táng. Ba lặng người khi biết ra sự thật rằng bà ấy không hề lấy chồng khác, bức ảnh ấy chỉ là để ba… quên bà, đừng đi tìm nữa.

Thì ra suốt ngần ấy năm bà lặng lẽ giúp việc cho một nhà nọ. Bà sống lặng lẽ, tử tế, nên lúc bệnh được nhà chủ yêu thương, lo lắng, rồi giúp hoàn thành tâm nguyện đưa bà về quê. Khoản tiền gửi ba chính là tiền công giúp việc bà chắt chiu bao năm và vay thêm nhà chủ rồi làm việc trừ dần.

Ba tôi từ lúc đó càng đắm chìm vào cõi khác. Ông thường ngồi thẫn thờ, im lặng, nhìn vào khoảng xa xăm…

Rồi chẳng bao lâu ba cũng đổ bệnh. Ông qua đời với lời trăn trối được nằm cạnh ‘người thương’. Rồi ông lẩm nhẩm gọi tên người ấy cho đến khi chìm vào giấc ngủ miên viễn…

Theo: ĐKN



DU LỊCH HONG KONG NHẤT ĐỊNH PHẢI THỬ QUA 10 MÓN NGON TUYỆT VỜI

Hong Kong nổi tiếng bởi nhiều tòa cao ốc, nhiều bảng hiệu, quá nhiều cư dân và dĩ nhiên, nhiều món ăn ngon. Thật khó để quyết định nên đi đâu, làm gì và ăn ở đâu khi du lịch Hong Kong. Tuy nhiên, bạn không phải quá băn khoăn, dưới đây là gợi ý 10 món ngon nên thử khi ghé thăm Hong Kong chắc chắn sẽ giúp ích cho chuyến đi của bạn!

1. Soup mì ống và trứng bác

Soup mì ống và trứng bác Hong Kong.

Soup mì ống là món ăn sáng phổ biến trong hầu hết các quán cafe truyền thống ở Hong Kong, cùng với trứng bác tạo thành một set ngon miệng. Soup được làm từ mì ống và thịt dăm bông, còn trứng bác có trộn thêm với bơ và phô mai tạo nên hương vị đặc trưng. Món soup này được rất nhiều người yêu thích bởi nó cung cấp năng lượng và làm ấm cơ thể. Đây là một lựa chọn hoàn hảo để khởi đầu ngày mới khi du lịch Hong Kong.

2. Cơm tay cầm

Cơm tay cầm Hong Kong

Món ăn là cơm trắng với thức ăn được nấu trong nồi đất. Nghe có vẻ đơn giản nhưng cơm tay cầm Hong Kong là sự kết hợp của những hương vị đậm đà và cách chế biến riêng biệt. Cơm tay cầm được nấu chín trên bếp than hồng, tất cả thức ăn để trên lớp cơm trắng được đậy kín, vì thế cơm sẽ thấm hương vị của thức ăn. Đặc biệt phía dưới đáy có lớp cơm cháy giòn giòn – phần ngon nhất của món ăn.

3. Cháo Quảng Đông

Cháo Quảng Đông

Món ăn đơn giản này thường được phục vụ như một bữa ăn nhẹ tại các nhà hàng hay khách sạn Hong Kong. Các đầu bếp ở đây thường chú trọng rất nhiều vào việc chọn loại gạo nào để nấu cháo, thông thường gạo được ngâm qua đêm và nấu trong nước hầm thịt lợn, chân gà, cánh gà hoặc xương cá. Đặc trưng của món cháo Quảng Đông là độ mịn, trắng và dính của cháo. Bạn có thể dùng cháo kèm với cá phi lê hoặc trứng.

4. Ngỗng quay

Ngỗng quay Hong Kong

Thịt ngỗng ướp gia vị và nướng chín đều trong một lò than ở nhiệt độ cao. Món ngỗng quay có chất lượng phải có mùi thơm đặc trưng của thịt ngỗng, vị ngon ngọt và lớp da giòn sắc nét. Ngỗng quay thường được dùng với sốt mận kèm theo. Ở Hong Kong có rất nhiều nhà hàng phục vụ món ăn này, nên bạn đừng quên thưởng thức nhé!

5. Dim Sum

Dim Sum Hong Kong

Là món ăn truyền thống lâu đời của người dân Trung Hoa, với trên dưới 100 món khác nhau được làm chủ yếu từ bột gạo, bột mì… có nhân thịt hoặc hải sản bên trong, hấp trong những rổ tre. Dim Sum phổ biến có những món ăn nhẹ như bánh bao, há cảo, sủi cảo, xá xíu…

6. Bánh bao cá

Bánh bao cá Hong Kong

Là món ăn truyền thống có nguồn gốc từ Triều Châu, thường được dùng chung với soup. Cá được xay nhuyễn, vò thành viên và bọc trong một lớp bột mỏng, sau đó luộc hoặc hấp. Món bánh bao cá nổi tiếng bổ dưỡng và tiện lợi.

7. Bánh trứng

Bánh trứng Hong Kong

Bánh được làm từ trứng, đường, sữa đặc và bột, nướng trên vỉ nóng; là món ăn đường phố nổi tiếng không chỉ ở Hong Kong mà khắp thế giới, thường được mọi người yêu mến gọi tên là món “bánh Hong Kong”. Ngoài vị trứng sữa thông thường, bánh còn có thêm những hương vị yêu thích khác như socola, trà xanh, gừng,…

8. Mì hoành thánh

Mì hoành thánh Hong Kong

Món ăn có nguồn gốc từ Quảng Đông nhưng lại rất được yêu thích ở Hong Kong. Một tô mì hoành thánh thông thường có nước dùng nóng, hoành thánh, bánh bao, cải xoăn Trung Quốc, tôm, thịt gà hoặc thịt heo, hành lá. Một số nơi có thêm các loại nấm đen.

9. Trà sữa Hong Kong

Trà sữa Hong Kong

Với lượng tiêu thụ hơn 900 triệu ly nỗi năm, trà sữa là một phần của văn hóa ẩm thực Hong Kong. Trà sữa Hong Kong được pha chế từ nhiều loại trà đen theo một công thức riêng biệt, váng sữa và đường, hoặc sữa đặc; có thể thêm cafe hoặc hương vị khác theo sở thích của khách hàng. Người dân địa phương uống trà sữa như người phương Tây uống cafe.

10. Bánh dứa

Bánh dứa Hong Kong

Là một loại bánh ngọt phổ biến ở Hong Kong và Macao. Bánh được làm từ đường, trứng, bột và mỡ lợn; với lớp ngoài giòn và ngọt hơn bên trong. Bánh được hoàn thành có hình dạng giống như trái dứa nên có tên gọi là bánh dứa, phổ biến dùng để ăn sáng và trong các bữa trà chiều.

Theo: kumory