Monday, February 13, 2023

KHI "CÓ" ĐỪNG VỘI ƯỚC AO ĐIỀU MỚI MẺ, KHI "MẤT ĐI" ĐỪNG ÔM CHẤP NIỆM MÃI KHÔNG BUÔNG

Mất nắng thì ta biết quý sao trời, mất màu xanh ngắt của cỏ cây thì ta được mùa thu vàng trù phú, mất đi những năm tháng thanh xuân ta lại có sự trưởng thành và nhiều chiêm nghiệm quý giá…Ở đời, có thể tận hưởng cả niềm vui của sự thu hoạch và niềm vui của sự mất đi mới khiến hành trình sống trở nên giá trị.


Vận may và vận rủi tuỳ thuộc vào góc nhìn của mỗi người

Có một câu chuyện thế này. Một ngày nọ, vị thiền sư gặp 3 tín đồ của đạo Phật, những người này hỏi thiền sư: “Niềm tin vào đạo Phật có giúp con người giảm đi đau khổ không? Nếu thật là vậy, thì tại sao chúng tôi vẫn không vui sau khi tin vào Phật pháp trong nhiều năm qua?”.

Vị thiền sư cất lời: “Tại sao các anh muốn sống?”

Suy nghĩ hồi lâu, người A nói: “Tôi sống để không phải chết, chết thì kinh khủng quá. Tôi không muốn chết nên mới muốn sống”

Người B nói: “Tôi sống để làm việc chăm chỉ và tận hưởng cuộc sống sung túc khi về già”.

Người C tiếp lời: “Còn tôi chỉ sống để nuôi cả gia đình. Họ không thể sống thiếu tôi, tôi là trụ cột của ngôi nhà này. Không có tôi, cả gia đình này sẽ sụp đổ”.

Vị thiền sư chậm rãi trả lời: “Các bạn làm sao có thể hạnh phúc khi sống mà chỉ nghĩ về cái chết, tuổi già và làm việc chăm chỉ? Thay vào đó, bạn sẽ sống vui hơn nếu nghĩ nhiều về những điều tốt đẹp”.

3 người đều tỏ vẻ hoài nghi: “Nói thì dễ, nhưng làm được mới khó?”.

Vị thiền sư hỏi tiếp: “Vậy anh cho rằng điều gì có thể khiến anh hạnh phúc?”

A nói: “Có danh tiếng là có tất cả, vì vậy có danh tiếng mới có được hạnh phúc”.

B nói: “Tình yêu là thứ ngọt ngào nhất trên đời. Có tình yêu, chúng ta mới có thể hạnh phúc”.

Còn C cho rằng: “Tiền mới là điều giá trị nhất, có tiền mới có được hạnh phúc”.

Vị thiền sư hỏi lại: “Vậy thì vì cớ gì trên đời có rất nhiều người nổi tiếng, giàu có, nhiều tình duyên mà vẫn trắc trở?”

3 người lặng đi, không nói nên lời.

Một người thường xuyên nghĩ đến những điều vui vẻ, mắt chỉ chú ý đến những điều vui vẻ thì ắt sẽ trở nên vui vẻ; ngược lại, người trong lòng lúc nào cũng âu lo và nghĩ về những điều mình chưa có, mắt chỉ nhìn thấy những điều không may, tâm trạng sẽ u ám thường trực. Hạnh phúc hay bất hạnh, tất cả đều phụ thuộc vào những suy nghĩ và cách ta nhìn nhận cuộc sống.

Vì vậy, sự mất mát dẫu có đau đớn - cũng là một loại hạnh phúc

Việc mất đi một điều gì đó trong đời thường khiến con người ta đau khổ, thế nhưng ở góc độ khác, “mất đi” cũng là một loại hạnh phúc. Nghe thật ngược đời phải không? Đó là bởi mỗi khi mất mát điều gì, bạn cũng sẽ “nhận lại” một điều khác.


Mất nắng thì ta biết quý sao trời, mất màu xanh ngắt của cỏ cây thì ta được mùa thu vàng trù phú, mất đi những năm tháng thanh xuân ta lại có sự trưởng thành và nhiều chiêm nghiệm quý giá…Ở đời, có thể tận hưởng cả niềm vui của sự thu hoạch và niềm vui của sự mất đi mới khiến hành trình sống trở nên giá trị.

Giống như thi sĩ phương Đông Tagore từng nói: “Nếu bạn rơi nước mắt khi mất đi mặt trời, bạn cũng sẽ đánh mất những vì sao”. Những câu nói tưởng như bình thường nhưng thấm đẫm triết lý nhân sinh này đã giúp chúng ta xây dựng một “cây cầu” – cây cầu biến thất vọng thành hy vọng và biến nỗi đau thành hạnh phúc.

“Có được” là một loại hạnh phúc, và mất đi một điều gì đó – cũng là một loại hạnh phúc. Khi có được, đừng vội ước ao điều mới mẻ. Khi “mất đi”, đừng ôm chấp niệm mãi không buông. Chỉ khi biết tận hưởng niềm vui trong sự “mất đi”, chúng ta mới có thể cảm nhận niềm hạnh phúc chân thật của đời người.

Tune / Lược dịch theo Dusheng

No comments: