Sunday, February 12, 2023

TÂY PHỤNG TỬU (西鳳酒) - MỘT TRONG "TỨ ĐẠI DANH TỬU" CỦA TRUNG QUỐC

Tỉnh Thiểm Tây, miền Tây Bắc Trung Quốc gắn liền với một loại rượu nổi danh hàng nghìn năm, được mệnh danh là 1 trong tứ đại danh tửu của Trung Quốc: Tây Phụng tửu (西鳳酒).


Tỉnh Thiểm Tây, miền Tây Bắc Trung Quốc là vùng đất trung tâm trù phú, nơi phát tích của dân tộc Trung Hoa. Thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, nơi có lăng mộ Tần Thủy Hoàng và các chiến binh đất nung, từng là kinh đô của nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc trong suốt hơn 1100 năm. Theo truyền thuyết, rượu trắng cũng ra đời từ đây vào khoảng 5000-6000 năm trước, thời Viêm Đế.

Trong số đó, rượu Tây Phụng ra đời tại huyện Phụng Tường, tỉnh Thiểm Tây, tức đất nhà Tần cũ, có lịch sử khoảng 3000 năm, xưa có tên là Tần Tửu, Liễu Lâm Tửu. Tương truyền, loại rượu này từng được Tần Thủy Hoàng sử dụng trong các buổi đại lễ, đặc biệt là Đại lễ khai quốc đăng cơ xưng đế sau khi thống nhất thiên hạ và đạt đến cực thịnh vào đời Đường, Tống.

Rượu Tây Phụng được gắn với Tần Thủy Hoàng

Ngay từ đợt bình chọn đầu tiên vào năm 1952, rượu Tây Phụng đã được liệt vào hàng “Tứ đại danh tửu” của Trung Quốc, cùng với Mao Đài, Phần Tửu và Khúc Tửu, từng có dịp được sử dụng trên bàn Quốc yến. Sau này, Trung Quốc tiếp tục có thêm nhiều loại rượu khác, như Ngũ Lương Dịch, Kiếm Nam Xuân... cũng lọt vào danh sách danh tửu.

Ông Giả Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần rượu Tây Phụng chia sẻ: “Rượu Tây Phụng đã có hàng ngàn năm lịch sử. Tất cả các loại rượu mà mọi người quen thuộc, như Mao Đài, Ngũ Lương Dịch, Kiếm Nam Xuân... đều xuất phát từ đây. Ngay từ năm 1915, rượu Tây Phụng đã giành giải tại Hội chợ quốc tế Panama.”

Ông Giả Trí Dũng trả lời phỏng vấn của phóng viên

Theo tiết lộ của ông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất thích loại rượu này. Khi còn trẻ, ông từng tiết kiệm tiền mua 2 chai Tây Phụng uống cùng bạn bè và đã uống say.

Thành phần của rượu gồm: cao lương, đại mạch, tiểu mạch, đậu Hà Lan.... Sản lượng mỗi năm khoảng hơn 60.000 tấn.

Các thùng đựng Cao lương dùng để làm rượu

Một chu kỳ sản xuất của rượu Tây Phụng kéo dài trong khoảng 1 năm, từ tháng 9 năm trước đến khoảng tháng 7 năm sau và chia làm 6 giai đoạn.

Mặc dù nhiều công đoạn sản xuất đã được cơ giới hóa và hiện đại hóa, nhưng một số khâu vẫn làm theo cách truyền thống, ví dụ như lắc rượu trong một dụng cụ đặc biệt để xác định độ của rượu hay chở rượu vào các thùng để đưa vào kho cất giữ.

Công nhân lắc để kiểm tra độ rượu

Rượu khi vừa cất xong sẽ được lắc để xác định độ, sau đó được cất vào các thùng chứa rượu, ít nhất 3 năm sau mới được dùng đóng chai để bán ra thị trường. Theo các công nhân lành nghề, sau khi chén rượu nguyên chất được lắc trong bình và đổ ra, nếu bọt lớn, tan nhanh, độ rượu sẽ cao.

Thông thường rượu khi vừa cất xong sẽ khoảng 65-68 độ, để có được rượu với độ thấp hơn, các chuyên gia sẽ dùng nước mềm đã qua xử lý hòa với rượu nguyên chất. Đây cũng là một trong những cách làm khác biệt của rượu Tây Phụng với các loại rượu trắng khác ở Trung Quốc.

Căn cứ độ bọt để nhận biết độ rượu

Đến nay, ở Công ty rượu Tây Phụng vẫn còn giữ được những thùng đựng rượu cổ cách đây hơn 130 năm, từ thời nhà Thanh. Một vài trong số đó được đưa vào danh mục di tích văn hóa cấp quốc gia.

Mỗi thùng rượu có đường kính 2-2,5m, cao 3m, có thể đựng khoảng 5 tấn rượu, thùng to nhất thậm chí lên đến 7 tấn. Bên ngoài thùng được đan bằng những cành mận gai khô và dùng đậu phụ để bịt kín. Bên trong được bồi bằng hơn 20 lớp vải bông trắng và hơn 100 lớp vỏ cây với các chất liệu kết dính, như tiết động vật và lòng trắng trứng, đồng thời được bảo vệ bằng lớp dầu cải và sáp ong sau khi đã khô. Một người thợ lành nghề cũng phải mất hơn nửa năm mới có thể hoàn thành một thùng đựng rượu như vậy. Rượu cất trong những bình này đều từ 65 độ trở lên.

Những thùng rượu cổ được đánh số

Theo ông Giả Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần rượu Tây Phụng, rượu Tây Phụng đã bước đầu được xuất sang các nước như Mỹ, Canada và một số quốc gia Đông Âu, tuy nhiên thị trường chủ yếu vẫn là nội địa.

Các sản phẩm rượu Tây Phụng

Là hàng danh tửu nên giá của rượu Tây Phụng rất đa dạng. Mỗi chai rượu bán ra thị trường thường có giá từ gần 160-1600 Nhân dân tệ (hơn 500.000 - hơn 5.000.000 đồng Việt Nam), cá biệt có những chai có giá cả tỷ đồng.

Chai rượu đắt nhất bày tại Bảo tàng rượu Tây Phụng có giá 1.080.000 Nhân dân tệ (hơn 3,6 tỷ đồng Việt Nam)

Bích Thuận / Theo: VOV 
Link tham khảo:(giá rượu bán tại Úc ở Dan Murphy)