Tranh vẽ nhân vật tạp kịch thời Tống. Trên hai cánh tay của nhân vật trong bức họa có đeo vòng.
Thời kỳ Tào Ngụy, quan Bí thư Phồn Khâm của Tào Tháo có viết một bài thơ thể loại Nhạc phủ là “Định tình thi” (定情诗). Nhờ phong cách độc đáo, nó được truyền tụng mãi đến tận ngày nay.
Bài thơ này có điểm đặc sắc, đó là trong thơ miêu tả lại các loại các dạng tín vật đính ước đời Hán. Chủng loại của chúng rất phong phú, khiến người ta bị hấp dẫn. Thông qua miêu tả trong thơ, người của ngàn năm sau có thể hiểu sơ lược về tín vật đính ước của phụ nữ thời Hán. Chúng ta hãy cùng điểm qua.
Dùng vật gì để thể hiện sự nhớ nhung tha thiết? Vòng đeo tay
“Hà dĩ trí quyền quyền? Oản tí song kim hoàn”
何以致拳拳? 绾臂双金环.
Người ta dùng thứ gì để thể hiện sự quyến luyến với đối phương, chính là dùng trang sức kim hoàn đeo lên tay.
"Oản tí song kim hoàn" là chỉ vòng đeo trên tay, còn gọi là “triền tí kim”, dùng vàng, bạc làm thành vòng xoáy ốc, đeo lên cánh tay, đây là trang sức phụ nữ Trung Quốc cổ đại thường dùng.
Dùng vàng, bạc làm thành vòng xoáy ốc, đeo lên cánh tay, đây là trang sức phụ nữ Trung Quốc cổ đại thường dùng. Ảnh “Kim tí xuyến” thời Minh. (Cangminzho/Wikimedia Commons)
Lấy vòng tay làm tín vật đính ước, thể hiện tình ý đối với người trong tim, quấn quýt bất tận.
Dùng vật gì để nói lên sự quan tâm ân cần? Đôi nhẫn bạc
“Hà dĩ đạo ân cần? Ước chỉ nhất song ngân”
何以道殷勤? 约指一双银.
Dùng vật gì để thể hiện sự quan tâm ân cần với đối phương? Chính là dùng một đôi nhẫn bạc.
Nhẫn còn được gọi là “giới chỉ”. Trong quan niệm dân gian, “giới chỉ” là có hàm nghĩa giữ gìn, tiết chế; vợ chồng cần mãi mãi chung lòng, trung trinh bất biến.
Căn cứ theo “Tam tài đồ hội” thời Minh, nhẫn ban đầu được dùng làm lễ vật ban cho có đại thần có công. Ngày 27 tháng 10 năm Diên Quang 4 thời Hán, hội 18 người gồm hoạn quan Tôn Trình, Vương Khang… ủng hộ Tế Âm Vương xưng đế, tức Hán Thuận Đế. Vì bọn họ có công ủng hộ, Thuận Đế ban tặng cho họ nhẫn vàng, coi như tưởng thưởng.
Trong phong tục của người Hồ dân tộc thiểu số Trung Quốc, trước khi cưới vợ, cần tặng nhẫn đồng tâm bằng vàng cho nhà gái. Hình minh họa. (Fotolia)
Trong phong tục của người Hồ dân tộc thiểu số Trung Quốc, trước khi cưới vợ, cần tặng nhẫn đồng tâm bằng vàng cho nhà gái, lấy đó làm vật chứng hôn nhân. Sau khi tập tục này truyền tới Trung Nguyên, người Hán dùng nhẫn làm vật trang sức, hình thành tập tục đeo nhẫn, cũng dùng làm tín vật đính ước, biểu đạt ý yêu mến. (“Thái Bình ngự lãm”; “Đại Uyên quốc truyện” - quyển 97 - “Tấn thư”)
Dùng vật gì thể hiện chân thành? Hoa tai minh châu
“Hà dĩ trí khu khu? Nhĩ trung song minh châu”
何以致区区? 耳中双明珠.
Dùng vật gì để thể hiện tấm chân tình trong lòng? Chính là đeo một đôi hoa tai minh châu.
Trong “Tam quốc chí”, Gia Cát Khác nói: "Xuyên nhĩ quán châu, cái cổ thượng dã". Đeo hoa tai đã có từ thời thượng cổ. “Sơn hải kinh” ghi chép, nữ Thần trên Trời là có đeo vòng tai.
Trang sức đeo tai có nhiều loại, chia làm nhĩ đinh, nhĩ đang, nhĩ hoàn, nhĩ trụy v.v… rất nhiều hình thức. Ảnh nhĩ trụy chạm khắc đầu rồng vàng có khảm ngọc, đời Thanh. (Phạm vi công cộng)
Trang sức đeo tai có nhiều loại, chia làm nhĩ đinh, nhĩ đang, nhĩ hoàn, nhĩ trụy v.v… rất nhiều hình thức. Lý Lạp Ông đời Thanh ở trong “Nhàn tình ngẫu ký - Sinh dung” , gọi trang sức tai tinh xảo nhỏ gọn là "Đinh hương"; gọi trang sức tai xa hoa lộng lẫy là "Lạc tác".
Đối với phụ nữ cổ đại, chỉ cần nhỏ bé như cái trâm hay hoa tai cũng đủ để đem theo cả đời. Lấy trang sức đeo tai làm tín vật đính ước, thể hiện vật không ly thân, không vứt bỏ, suốt đời đem theo, tình sâu ý nồng, xuyên qua da thịt. Bởi vậy tín vật vòng đeo tai vẫn thường biểu lộ tình cảm kiên quyết không đổi thay.
Dùng vật gì thể hiện sự da diết? Túi hương buộc khuỷu tay
“Hà dĩ trí khấu khấu? Hương nang hệ trửu hậu”
何以致叩叩? 香囊系肘后.
Dùng vật gì thể hiện chân tình da diết? Chính là túi hương buộc ở khuỷu tay.
Túi hương, “hương nang”, thời cổ còn gọi là “hà bao” (túi sen), “hương anh”, “hương đại” v.v…, tạo hình đa dạng, có cái phức tạp, có cái đơn giản. Thời cổ, dùng túi hương chứa đầy hương liệu có thể xua đuổi uế khí tà khí, cũng có công hiệu dưỡng sinh. Mọi người thường mang túi hương làm vật tùy thân.
Túi hương có thể dùng làm lễ vật biếu tặng cho nhau. Nếu như phụ nữ mang theo túi hương, ấy là thể hiện trong lòng đã có nơi có chốn. Nếu vợ đích thân may túi hương cho chồng, ấy là thể hiện phu thê ân ái, mãi không chia lìa.
Thời cổ, dùng túi hương chứa đầy hương liệu có thể xua đuổi uế khí tà khí, cũng có công hiệu dưỡng sinh. Mọi người thường mang túi hương làm vật tùy thân. Ảnh túi hương bằng vàng có khảm ngọc lam, đời Thanh. (Phạm vi công cộng)
“Tấn thư - Giả Ngọ truyện” ghi chép, Hàn Thọ anh tuấn tài năng, là một vị phụ tá của quyền thần Giả Sung. Một ngày nọ, Hàn Thọ làm khách đến chơi nhà Giả Sung. Hàn Thọ và con gái Giả Sung là Giả Ngọ trúng sét ái tình, yêu thương lẫn nhau. Khi hai người ước hẹn, Giả Ngọ đưa cho Hàn Thọ một túi hương, bên trong chứa hương liệu quý của Tây Vực mà Hoàng đế Tư Mã Viêm ban cho Giả Sung.
Lúc Hàn Thọ vào triều, Giả Sung vô tình ngửi thấy mùi hương phát ra từ người Hàn Thọ rất giống hương liệu Tây Vực của nhà mình. Thuở trước Tây Vực tiến cống Hoàng đế Tư Mã Viêm loại hương liệu này, Tư Mã Viêm thấy hương liệu rất quý báu, chỉ ban cho quyền thần Giả Sung và Đại tư mã Trần Khiên. Các đại thần khác hoàn toàn không thể nào có loại hương này.
Giả Sung trong lòng đoán được vài phần, có thể là con gái Giả Ngọ có người yêu, tự ý đem hương liệu tặng người ta. Cuối cùng, đúng như dự đoán, sau khi Giả Sung biết được tình hình thực tế, liền đem con gái gả cho Hàn Thọ làm vợ. (“Tấn thư quyển 40, Liệt truyện số 10)
Dùng vật gì để khắc cốt ghi tâm? Đôi vòng cổ tay
“Hà dĩ trí khiết khoát; Nhiễu oản song khiêu thoát”
何以致契阔? 绕腕双跳脱.
Dùng vật gì thể hiện thề nguyền sống chết? Chính là dùng đôi vòng đeo nơi cổ tay.
“Khiết khoát”, ý nghĩa bao hàm nỗi nhớ khi ly biệt, ước định sinh tử v.v.... “Khiêu thoát”, là một cách gọi khác của vòng đeo cổ tay.
Thời cổ, một phụ nữ tháo vòng đeo tay ra đưa cho ai thì chính là thể hiện có tình có nghĩa với người đó. Khi dùng làm tín vật đính ước, vòng cổ tay mang hàm ý gửi gắm: đời này đi theo người, không rời không bỏ.
Một phần bức tranh "Trâm hoa sĩ nữ đồ", phụ nữ đeo nhiều vòng trang sức trên cổ tay. (Phạm vi công cộng)
Vòng ngọc thời Tống, cất giữ tại Bảo tàng Cố cung Quốc lập Đài Bắc. (Ảnh do Bảo tàng cung cấp)
Nói lên “khiêu thoát” còn có một giai thoại thú vị. Theo “Đường thi kỷ sự” ghi chép, có một ngày khi thiết triều, Đường Văn Tông Lý Ngang hỏi quần thần: "Trong thơ cổ có một câu là 'Khinh sam sấn khiêu thoát', các khanh biết ‘khiêu thoát’ là gì không?"
Quần thần nhìn nhau, nhất thời không trả lời được. Đường Văn Tông cười nói: "Khiêu thoát, chính là oản xuyến ngày nay đó". Oản xuyến, là cách gọi vòng cổ tay của người thời Đường.
Tranh lụa “Vi kỳ cung nữ đồ”, được khai quật năm 1972 tại lăng mộ số 187 - nơi hợp táng của vợ chồng họ Trương - ở Turpan Astana. Trong tranh, trên tay phải người phụ nữ có mang một chiếc vòng cổ tay. (Phạm vi công cộng)
Dùng vật gì kết ân tình? Dây đai ngọc bội
“Hà dĩ kết ân tình; Mỹ ngọc chuế la anh”
何以结恩情? 美玉缀罗缨.
Dùng vật gì để kết nối mối tình ân nghĩa của chúng ta? Chính là dùng dây đai ngọc bội.
Thời cổ, phụ nữ trước khi xuất giá, có một nghi thức, là người mẹ sẽ cho con gái may bội cân (khăn đính trang sức, ngọc bội), và kết la anh. La anh, là dây đai màu sắc rực rỡ mà cô dâu đeo bên hông khi xuất giá, lấy đó thể hiện người đã có nơi có chốn. May bội cân, kết la anh thể hiện cô gái sau khi gả về nhà chồng, cần chăm chỉ lo liệu việc nhà, phụng dưỡng cha mẹ chồng.
Phụ nữ si tình, để trói chặt người mình ái mộ, sẽ để anh ta đeo la anh, đeo ngọc. Tâm tình đan kết, tơ vương dệt nên lưới tình giữ lấy người yêu.
Dùng vật gì an ủi khi biệt ly? Chiếc thoa đồi mồi
“Hà dĩ úy li biệt; Nhĩ hậu đại mạo thoa”
何以慰别离? 耳后玳瑁钗.
Dùng vật gì an ủi khi ly biệt? Chính là dùng chiếc thoa đồi mồi cài sau đầu.
Con đồi mồi là một loại rùa biển, mai nó có màu sắc hoa văn sặc sỡ, có thể coi như một loại ngọc quý, cũng gọi là "hải kim", là vật liệu chế tác trang sức, châu báu. Chiếc thoa đồi mồi nói đến trong bài thơ, là dùng phần rìa mép mai rùa biển mà chế thành, cho nên cũng gọi là “linh thoa”.
Thoa, là trang sức của phụ nữ, dùng để cài cố định tóc. Cho nên nếu như phụ nữ đem thoa cài đầu của mình đưa cho người đàn ông, là thể hiện nguyện ý cùng anh ta trở thành vợ chồng kết tóc xe tơ, đây chính là tín vật tình cảm thường gặp thời cổ.
Thoa cài tóc.
Vòng cổ tay, ngọc bội, thoa đồi mồi… là những tín vật ước định đến từ “Định tình thi”, không chỉ đẹp đẽ lãng mạn, mà còn mang tình ý chân thành nồng thắm. Bất kể là tín vật nào, bất kể vật liệu gì, đều bày tỏ tình nghĩa chân thành tha thiết, tượng trưng vĩnh kết đồng tâm, hàm ý bách niên hảo hợp.
Đỗ Nhược - Epochtimes
Hữu Đức biên dịch
Link tham khào: