Thanh Hóa, vùng đất địa linh nhân kiệt - Ảnh: Sưu tầm
Từ thành phố Thanh Hóa, đi ngược về phía Tây theo quốc lộ 45 và quốc lộ 15A khoảng 150 km, tìm đến thị trấn Hồi Xuân, một xã vùng cao thuộc huyện miền núi Quan Hóa. Theo hướng dẫn của những người bản địa, du khách có thể ngược dòng sông Luông, tìm về Hang Ma bí ẩn để thỏa nỗi tò mò về những tục lệ mang đậm màu sắc tâm linh nơi đây.
Dòng sông Luông thơ mộng - Ảnh: Sưu tầm
Những con đường độc đạo, vắt vẻo nơi sườn núi đưa du khách tiến tới Hang Ma trong một trạng thái thấp thỏm, nửa hứng khởi, nửa lo lắng. Thật không ngoa khi ví rằng, nơi đây như Ải Chi Lăng của miền Tây Thanh Hóa. Nhưng tâm trạng hồi hộp ấy sẽ qua nhanh nhường chỗ cho cảm giác thích thú khi được ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên trữ tình, một bên là dòng sông Luông thơ mộng, một bên là những ngọn núi thẳng đứng, phủ xanh tới ngút ngàn.
Những vách đá dựng đứng xanh ngút ngàn - Ảnh:Sưu tầm
Đối lập với khung cảnh nên thơ ấy, Hang Ma hiện lên, nằm giữa hai ngọn núi hùng vĩ là núi Pha Phưng và núi Pha Hang, cheo leo trên đỉnh núi với những vết nứt chạy ngoằng ngèo. Nhìn từ xa, cửa Hang Ma như một ngọn núi đá vôi hiện lên với những nhũ đá nhô ra trông rất bắt mắt, dưới chân núi là một dải hang sâu hun hút, dài gần 10m. Vào mùa nước cạn, du khách có thể thoải mái lội bộ, tiến sâu vào hang khám phá.
Du khách có thể lội bộ khám phá Hang ma mùa nước cạn - Ảnh: Sưu tầm
Hang Ma hấp dẫn du khách bởi những câu chuyện hư thực về tập tục động táng của người xưa. Người ta phát hiện những cỗ quan tài gỗ, mang hình dáng những con thuyền độc mộc, mà theo lời kể của các cao niên thì đó nơi an táng của những binh lính từ thời Lam Sơn khởi nghĩa chống giặc Minh. Người ta ghé thăm Hang Ma, chắc không ai quên thắp một nén nhang cho những người chiến sĩ vô danh đã nằm lại mảnh đất này, để tưởng nhớ về lịch sử đầy tự hào của dân tộc.
Vẻ hoang sơ, kỳ bì của Hang Ma - Ảnh: Sưu tầm
Hệ thống cầu treo lên Hang Ma được hoàn thiện để phục vụ khách thập phương - Ảnh: Sưu tầm
Đến Hang Ma, tận hưởng những làn gió mát lành của rừng xanh, trải nghiệm những cảm giác đầy thú vị với những câu chuyện thực hư đầy màu huyền thoại. Nghe người dân bản địa kể về ma “Phi Khảm Băng” mà một vài người chài lưới đánh cá trên sông Luông từng bắt gặp, hình ảnh hai cô gái mặc áo trắng ngồi chải tóc ở bến sông hay tiếng hò hét, tiếng binh khí, tiếng cồng xung trận của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược, làm sởn gai ốc những kẻ yếu tim, nhưng lại thôi thúc hành trình khám phá của những con người ưa mạo hiểm.
Những câu chuyện hư thực của dân chài sông Luông - Ảnh: Sưu tầm
Những câu chuyện mang đậm yếu tố tâm linh ấy đi sâu vào tâm khảm những người dân sống quanh khu vực này, khiến Hang Ma càng trở nơi linh thiêng, huyền bí. Vùng đất ấy làm tiêu tốn bao công sức nghiên cứu của giới khoa học. Người ta đưa ra nhiều giả thuyết nhằm giải thích cho sự kì bí của hang động này, một vài người cho rằng đó là tập tục động táng của một tộc người bí ẩn.
Hang Ma thôi thúc trí tò mò của những người ưa mạo hiểm - Ảnh: Sưu tầm
Nhưng hàng loạt câu hỏi đã được đưa ra làm đau đầu những giới khảo cổ học Việt Nam. Vì sao người xưa có thể chuyển những cổ quan tài nặng hàng trăm cân lên trên những vách đá dựng đứng.
Những bí ẩn chờ đợi con người khám phá ở Hang Ma - Ảnh: Sưu tầm
Có người còn tò mò những người được an táng trong hang đá là ai? Liệu họ có phải là người bản địa hay không? Hay đó là hài cốt của những binh lính nghĩa quân Lam Sơn năm xưa được an táng trên hang núi cao để tránh quân Minh quay lại đào mộ trả thù. Hàng loạt giả thiết, hàng loạt thắc mắc được đưa ra, khiến Hang Ma trở thành một địa danh mang bao điều bí ẩn, chờ đợi sự khám phá của con người.
Bức tranh sơn thủy hữu tình xứ Thanh - Ảnh: Sưu tầm
Du khách có dịp tìm về miền đất xứ Thanh, mạo hiểm một lần leo lên những ngọn núi cheo leo, thưởng thức cảnh non sông đất Việt trữ tình, tận mắt chứng kiến những hang động kỳ bí, lắng nghe những câu chuyện đầy thú vị về Hang Ma. Chắc hẳn đó sẽ là những cảm xúc rất đa chiều, làm thỏa mãn cái trí tò mò về những địa danh còn đậm màu huyền thoại trên dải đất chữ S thiêng liêng.
Loan vtp - Mytour
No comments:
Post a Comment