Wednesday, February 8, 2023

"FUNNY GIRL": CUỘC ĐỜI KHÔNG PHẢI MÀU HỒNG KHI TIẾNG CƯỜI LẶNG ĐI

Chuyện phim khiến ta nghĩ đến những câu chuyện cổ tích thời hiện đại kiểu “vịt hóa thành thiên nga” hay “giấc mơ Mỹ”, để rồi sau đó lại khám phá ra những mặt trái của hào quang.


Barbra Streisand, nữ nghệ sĩ huyền thoại của nước Mỹ, người được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi là danh ca có “giọng hát kim cương”. Bà có một sự nghiệp xuất chúng kéo dài suốt sáu thập niên, và đoạt vô số giải thưởng từ Grammy (âm nhạc), Oscar (điện ảnh), Emmy (truyền hình), Tony (sân khấu)… Nhưng mãi đến gần đây, khi xem Funny Girl - vai diễn điện ảnh của bà từ năm 1968, tôi mới hiểu tại sao bà lại giành chiến thắng Oscar hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc từ bộ phim đầu tay ấy.

Cô gái mang lại tiếng cười từ nỗi đau

Funny Girl (vừa được “streaming” trên Netflix ngày 1/7 vừa qua), là một bộ phim nhạc kịch và tiểu sử kể về cuộc đời nữ nghệ sĩ Fanny Brice của đoàn kịch Ziegfeld Follies, người được mệnh danh là “funny girl” nhờ năng lượng tích cực và những tiếng cười giòn giã mà cô mang lại cho khán giả mỗi khi xuất hiện trên sân khấu. Thế nhưng, đôi lúc, cô phải nuốt nước mắt vào trong để giữ mãi hình tượng của một cô gái có gương mặt vui vẻ và tràn ngập hạnh phúc.

Vai diễn đầu tiên trong Funny Girl (1968) đã mang lại chiến thắng Oscar - nữ diễn viên chính xuất sắc cho diễn viên Barbra Streisand (phải)

Lấy bối cảnh ở thành phố New York trước và sau Thế chiến I, phim mở đầu với hình ảnh ngôi sao Fanny Brice (Barbra Streisand) đang chờ đợi người chồng Nicky Arnstein (Omar Sharif) ra tù và ngay sau đó là phần hồi tưởng dài kể lại cuộc gặp gỡ lãng mạn và hôn nhân sóng gió của họ.

Fanny đích thực là một “cô vịt con xấu xí”. Cô không có ngoại hình xinh đẹp và lộng lẫy như những diễn viên trên sân khấu nhạc kịch, đã thế lại còn có đôi chân gầy luôn là vật cản khi thử vai trong những vở nhạc kịch đòi hỏi diễn viên vận dụng sức lực đôi chân để nhảy múa. Nhưng cô có một giọng hát trời phú, một khả năng thiên bẩm về sự sáng tạo và ngẫu hứng khi lên sân khấu.

Sau nhiều lần thử vai thất bại, một sự cố tình cờ nhờ tài ngẫu hứng của cô đã giúp cô chinh phục khán giả, và mang lại cho họ những tràng cười bất tận. Fanny đổi đời từ đó. Thậm chí, cô còn được nhận vào Ziegfeld Follies, đoàn kịch danh giá ở New York nhờ sự mai mối của Nicky Arnstein, một quý ông giàu có bị chinh phục bởi tài năng và sự hồn nhiên trong trẻo hiếm thấy của cô.


Trong khi sự nghiệp Fanny lên như diều gặp gió, thì cuộc tình lãng mạn giữa Fanny và Nicky cũng bước sang một trang mới. Trong một chuyến lưu diễn, Fanny quyết định từ bỏ đoàn kịch Ziegfeld Follies và đáp tàu tìm đến Nicky, người đang rong ruổi trên một chiếc tàu biển cho những phi vụ làm ăn và bài bạc của anh ta. Sau khi thắng đậm một ván poker, Nicky quyết định kết hôn với Fanny và chuyển đến sống ở một ngôi nhà lộng lẫy.

Từ bỏ nghiệp diễn đang tỏa sáng trên sân khấu, Fanny chấp nhận làm một người vợ, người mẹ vì tình yêu quá lớn dành cho Nicky. Đó cũng là lúc cuộc hôn nhân của họ bắt đầu gặp sóng gió… Và Fanny một lần nữa lại bước lên sân khấu, nhưng giờ đây, cô mang lại tiếng cười cho khán giả dù phải cất giấu nỗi đau từ bên trong.

Funny Girl phần lớn dựa vào cuộc đời của ngôi sao sân khấu điện ảnh và diễn viên hài Fanny Brice, do đạo diễn huyền thoại William Wyler dàn dựng.

Chuyện phim khiến ta nghĩ đến những câu chuyện cổ tích thời hiện đại kiểu “vịt hóa thành thiên nga” hay “giấc mơ Mỹ”, để rồi sau đó lại khám phá ra những mặt trái của hào quang là chất liệu của vô số bộ phim hay vở nhạc kịch Broadway đương thời. Nhưng với một sự nghiệp tầm cỡ, William Wyler luôn biết cách tránh xa những khuôn mẫu và sáo mòn của chủ đề để tập trung phát hiện những tinh túy của nó.


Và một Barbra Streisand xuất chúng

Sự tinh túy ở bộ phim này, không gì khác ngoài Barbra Streisand xuất chúng. Ở thời điểm đóng bộ phim này, Barbra Streisand mới 26 tuổi, đã có vài tượng vàng Grammy trong tay, trong đó có cả những hạng mục quan trọng như Album xuất sắc nhất và Giọng ca Pop xuất sắc nhất. Giọng hát rõ ràng là một lợi thế của Barbra khi thử vai cho nhân vật Fanny Brice trong Funny Girl. Nhưng tài năng hóa thân và diễn xuất của Barbra mới làm nên nhân vật của bà ngay từ vai điện ảnh đầu tay này.

Ở nửa đầu phim, mỗi lần xuất hiện trên màn ảnh là mỗi lần Barbra Streisand tỏa sáng, chiếm lĩnh mọi khung hình, và mang lại những tiếng cười duyên dáng trào lộng cho khán giả trước những tình huống bất ngờ mà cô tạo ra. Cái dáng hình của một “cô vịt con xấu xí” bỗng đẹp lên sau mỗi lần cô xuất hiện, bởi ở đó, cô đem lại tài năng, sự ngẫu hứng, sinh khí, tâm hồn của nhân vật, thoát khỏi mọi áp đặt hay khuôn mẫu cứng nhắc từ vở kịch.

Ở nửa sau của bộ phim, khi cô đau khổ, ta cũng cảm nhận sự tổn thương được cô giấu từ bên trong để cất lên tiếng hát và mang lại tiếng cười cho khán giả. Nói như Nicky, người sau này là chồng cô và cả hai đang đứng trước một thử thách sóng gió của cuộc hôn nhân: “Khi em lên sân khấu, không gì làm phiền em được. Em là người phụ nữ mạnh mẽ nhất thế giới”.

Funny Girl trở thành tác phẩm điện ảnh thành công lớn cả về thương mại và nghệ thuật, là bộ phim ăn khách nhất năm 1968 và giành tới tám đề cử Oscar, nhưng chỉ thắng một giải duy nhất, đó là giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Barbra Streisand.


Đây cũng là năm có một không hai trong lịch sử giải Oscar tính đến nay, khi giải này được trao cùng lúc cho hai diễn viên: Katherine Hepburn trong phim The Lion in Winter và Barbra Streisand trong Funny Girl. Ở thời điểm đó, Katherine Hepburn là một huyền thoại điện ảnh với bốn giải Oscar trong tay (đến nay vẫn giữ kỷ lục), trong khi Barbra Streisand là một gương mặt mới toanh ở lĩnh vực điện ảnh.

Sau hơn 50 năm kể từ lần đầu xem Funny Girl, tôi vẫn cảm nhận được sức hấp dẫn và sự hiện đại của bộ phim với một câu chuyện về tình yêu và niềm đam mê không bao giờ cũ. Nó là một câu chuyện vĩnh cửu về tình yêu, giống như câu hát mà nhân vật Fanny Brice cất lên ở cuối phim: “Đời tôi là nỗi tuyệt vọng nhưng tôi không quan tâm. Khi anh ấy ôm tôi, cả thế giới như bừng sáng. Dù anh ấy là gì đi nữa, tôi vẫn là người tình vĩnh cửu của anh”.

Lâm Lê /Theo: PNO