Saturday, February 25, 2023

BÀN VỀ CON TRÂU TRONG TRUYỆN KIM DUNG

Vẫn luôn được coi như một bộ Bách Khoa toàn thư về văn hóa truyền thống, các tác phẩm của Kim Dung có nhiều đề tài đáng bàn luận. Chẳng hạn, ta hãy bàn về con trâu trong truyện của Kim Dung với ít nhiều bất ngờ thú vị.


Con trâu, vừa làm vật kéo, vừa làm vật cưỡi, lại cung cấp thực phẩm, quan trọng với cả Đạo và đời, nên ở các xứ phương Đông có truyền thống nông nghiệp, con trâu là một biểu tượng trong văn hóa truyền thống. Vì thế lẽ đương nhiên, trâu chiếm lĩnh một không gian tương xứng với tầm vóc của nó trong sách vở xưa nay. Trong truyện Kim Dung lại càng như vậy.

Chẳng hạn, con trâu làm vật cưỡi của Dương Quá để đi tìm “cô cô” Tiểu Long Nữ. Ám khí có hình thức giống lông trâu trong Thiên Long Bát Bộ được gọi là “Ngưu mao châm”, ai trúng phải sẽ ngứa ngáy không chịu nổi; ngứa đến mức nào, chỉ có phe Cô Tô Mộ Dung – nạn nhân của thứ ám khí này mới có thể mô tả được. Cũng trong Thiên Long Bát Bộ, quốc sư Thổ Phồn là Cưu Ma Trí có công phu “Cách sơn đả ngưu”, đứng từ xa cũng có thể đả thương người hay vật, bất kể chướng ngại vật đứng giữa. Da trâu được dùng làm vũ khí, gọi là Ngưu bì tiên – một loại roi da trâu đánh đâu biết đấy…

Nhưng nếu chỉ có thế thì chưa đáng bàn, vì con trâu không đơn giản như bề ngoài của nó. Như đã nói, trâu là biểu tượng văn hóa, nên trong truyện Kim Dung, nó còn đại diện cho nhân tâm, cho cá tính.

Đếm sơ sơ, ta có bốn con trâu nổi tiếng: trâu Dương Quá, trâu Quách Tĩnh – cặp trâu này trong “Xạ Điêu Anh Hùng truyện” và “Thần Điêu Hiệp Lữ”; trâu Trương Vô Kỵ, trâu Hồ Thanh Ngưu – cặp trâu này trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Ba truyện này thuộc “Xạ Điêu tam bộ khúc”.

Tuy thế, trước khi luận về mấy con “trâu” này, trước hết ta đề cập biểu tượng trâu trong văn hóa và tín ngưỡng Phật giáo.

Con trâu trong văn hóa và tín ngưỡng Phật giáo

Trong văn hóa nông nghiệp, con trâu là loài vật chăm chỉ ngoan ngoãn, bảo sao làm vậy; nhưng cũng có lúc bất kham lồng lộn, dữ tợn hung hăng. Có lúc hiền lành thơ thẩn ăn cỏ đồng xa, có khi lì lợm táo tợn phá lúa ruộng nhà. Khi ta tưởng trâu đã hoàn toàn được thuần hóa, thì bất ngờ bản tính hoang dã của nó lại trỗi dậy… Cho nên, trâu vẫn là một con vật cần phải chăn dắt.

Ảnh: Freepik.

Bởi vậy, Phật giáo coi tâm người như con trâu. Có khi cái tâm ấy sáng suốt, hiền lành, nhẫn nại; có lúc lại trở nên si mê, hung dữ, lồng lộn… khi bị ngoại cảnh dẫn dắt. Và chẳng kể gì đến tăng ni, Phật tử, những ai muốn tu thân hướng thượng thì đều cần điều phục cái tâm của mình giống như người mục tử chăn trâu. Con trâu bất kham ví như nhân tâm sa đà trong cơn mê Danh-Lợi-Tình thì mục tử hay chủ ý thức trước tiên phải phát giác mình với trâu không phải là một, sau đó khống chế con trâu ấy trở về với chính đạo.

Ngược lại, một khi mục tử đồng nhất mình với trâu, thì sẽ cuốn theo nó đi đâu không biết. Ta hãy quay trở lại với những con trâu nổi tiếng trong truyện Kim Dung.

Cặp trâu Dương Quá – Quách Tĩnh

“Trâu” Dương Quá xuất hiện trong bộ “Thần Điêu Hiệp Lữ”. Thực ra, Dương Quá chưa khi nào được trực tiếp so sánh với trâu, nhưng cái tâm của nhân vật này thì đúng là một con trâu bất kham. Có vậy Kim Dung mới phải sử dụng đến một hình ảnh ẩn dụ: “Dương Quá cưỡi trâu đi tìm tình”.

Mối tình Dương Quá – Tiểu Long Nữ vừa chớm nở đã gặp nỗi oan nghiệt, Tiểu Long Nữ đau lòng bỏ đi khỏi ngôi Cổ Mộ. Dương Quá nháo nhác đi tìm “cô cô”, như đi tìm lại nguồn trìu mến ái ân – những tưởng sẽ là bến đỗ bình yên bù đắp cho quãng đời niên thiếu lênh đênh cô khổ – giờ tan biến như ảo ảnh.

Cho rằng mình đã phát hiện được manh mối, Dương Quá trộm trâu, đóng giả mục tử tới gặp Tiểu Long Nữ. Song thất vọng ê chề khi kẻ ấy không phải người thương, anh chàng khóc rống lên. Rồi chịu đồng hành với “kẻ thế thân tạm thời” là Lục Vô Song vì cô này có cái điệu nhướng mày nhíu môi giống hệt Tiểu Long Nữ, anh chàng chịu “ăn” mắng chửi để ngắm nghía nét giận dữ quen thuộc ấy cho tạm khuây nỗi nhớ nhung. Dương Quá bị họ Lục gọi là “Đồ ngốc”.

Dương Quá ngốc lắm sao? Ngược lại là khác. Ta biết Hoàng Dung là kẻ thông minh nhất của “Xạ Điêu tam bộ khúc”, vậy mà còn luôn nhắc mình phải cẩn thận với cơ trí của Dương Quá. Nhưng cái trí tuệ linh hoạt hiếm có đó, tiếc thay, lại chỉ thần phục cảm xúc bất kham – như một con trâu điên lồng lộn.

Cảm xúc ấy, hay chính là cái tình. Đã là “tình” thì gồm cả yêu và ghét. Vì chữ “tình” mà bất chấp lễ giáo, táo tợn lấy sư phụ làm vợ. Vì “tình” mà nhận một tay đại ma đầu như Âu Dương Phong làm “nghĩa phụ”. Vì “tình” mà quyết tâm trả thù cho “cha hiền” Dương Khang – một kẻ tham lợi bất nghĩa, bán rẻ quê hương và ruột thịt, bằng hữu. Và vì vậy mà lên kế hoạch hạ sát bá phụ, bá mẫu Quách Tĩnh – Hoàng Dung, cho dù họ đang là những đại hiệp cứu nguy cho trăm họ. Xem ra, con trâu điên càng thông minh lại càng nguy hiểm.

Nhưng rồi ở những thời điểm quyết định, Dương Quá đã biết tuân theo đạo nghĩa để cuối cùng trở nên một Đại Hiệp Thần Điêu lừng lẫy giang hồ. Năm tháng trôi đi, hình như con trâu điên kia cũng dần yên ngủ và người mục tử đã trở nên thuần thục và lý trí hơn.

Ở một phía hoàn toàn đối lập, ta có “trâu” Quách Tĩnh. Cặp Quách Tĩnh – Dương Quá làm nổi bật cho nhau vì họ là những tính cách hoàn toàn khác biệt.

Trong “Xạ điêu anh hùng truyện”, Quách Tĩnh có biệt hiệu là Ngưu Canh Điền (trâu cày ruộng), lại được sư phụ Hồng Thất Công đặt thêm cho ngoại hiệu Thủy Ngưu (trâu nước). Hồng Thất Công – một kẻ sành ăn hiếm thấy đã chẳng tiếc lời khen ngợi cho những món thượng hảo hạng do đệ nhất cao thủ bếp núc Hoàng Dung trổ tài, trong khi Quách Tĩnh cũng chỉ là ừ hữ ăn cho xong chuyện mà thôi. Vậy nên Hồng Thất Công gọi Quách Tĩnh là “con trâu ăn hoa mẫu đơn”, chẳng hề phân biệt được chỗ ngon chỗ dở. Ở đây nào đâu chỉ là chuyện ăn uống, “Hoa mẫu đơn” ám chỉ Hoàng Dung, và “con trâu” thì còn ai khác vào đây nữa.

Thật vậy, Quách Tĩnh với vẻ ngoài mộc mạc quê mùa, “da thô thịt cứng” thường bị coi là chậm hiểu, miệng lưỡi không linh hoạt khéo léo. Người ta học võ một buổi thì ông luyện mười ngày, nhưng đã luyện võ là chuyên tâm cần cù, làm cho bằng được mới thôi. Quách Tĩnh không tham học nhiều thứ như Dương Quá, nhưng học đâu chắc đấy. Con trâu cần cù đi chậm mà chắc.

Con “trâu” này bị coi là ù lì nhưng hành hiệp trượng nghĩa, biết quên mình vì người, biết đặt đạo lý lên trên lợi ích, đặt nghĩa lớn lên trên tình riêng.

Quách Tĩnh. (Ảnh từ phim Anh hùng xạ điêu)

Quả vậy, ông chịu ơn Thành Cát Tư Hãn nuôi dưỡng và che chở từ tấm bé nhưng sẵn sàng đứng về phía Đại Tống để chống lại Mông Cổ; bị Dương Khang, huynh đệ kết nghĩa phản bội, nhưng sẵn lòng tha thứ và che chở cho hắn; yêu thương con gái Quách Phù, nhưng nhất định chặt tay Quách Phù để lấy lại công bằng cho Dương Quá; yêu thương con gái Quách Tương nhưng thà nhìn con bị giặc giết còn hơn đầu hàng để phải trả giá bằng tính mạng của nhân dân Đại Tống; hy sinh cả mối tình trân quý nhất với Hoàng Dung để kêu van với Đại Hãn, xin tha chết cho hàng chục vạn người dân thành Hoa Thích Tử Mô…

Cái tâm trong sáng của con “trâu” Quách Tĩnh đã chinh phục lòng người, khiến kẻ tử địch cũng phải kính trọng, và nhất là cảm hóa Dương Quá quay về với đường ngay nẻo chính. Đấy là lấy “từ bi” khuất phục “ác niệm”, lấy “lý trí” khuất phục “cảm xúc”, lấy “bất biến” chống “vạn biến”, lấy “tĩnh” chế động.

“Tâm tĩnh thì huệ sinh”, Quách Tĩnh không có cái thông minh giảo hoạt như Dương Quá nhưng lại có trí huệ của một người có cái tâm thuần tịnh. Người ta vẫn nghĩ Quách Tĩnh chậm hiểu, nhưng ông lại có thể hành xử một cách chín chắn và quyết đoán trong mỗi đại sự, có mấy kẻ tự phụ tài trí làm nổi việc ấy?

Cặp trâu Trương Vô Kỵ – Hồ Thanh Ngưu

Nếu như Quách Tĩnh bị coi là giống “trâu” ở cái nết ù lì chậm hiểu, thì Hồ Thanh Ngưu và Trương Vô Kỵ – hay Tăng A Ngưu, lại là những con trâu có trí tuệ trác việt, có thể ví như hình tượng sao Ngưu, Đẩu theo cách nói của người xưa.

Cặp trâu này thật thú vị, ở cả những chỗ tương đồng và điều dị biệt.

Trước hết hãy nói về điểm tương đồng đầy chất hài hước. Đầu tiên là về cái tên. Hồ Thanh Ngưu có nghĩa là “con trâu xanh họ Hồ”. Tăng A Ngưu là một cái tên quê mùa như “con trâu, thằng bò” mà Trương Vô Kỵ trong lúc cấp thời nghĩ ra để đối phó. Cả hai đều thông minh tuyệt đỉnh, y thuật thuộc hàng thượng thừa. Trương Vô Kỵ lại là truyền nhân của Hồ Thanh Ngưu về nghề thuốc.

Hai con trâu này đều lụy tình. Hồ Thanh Ngưu thì yêu vợ đến cuồng si, trung với vợ hơn với vua, hiếu với vợ hơn với phụ mẫu. Hãy nghe lời ông ta tâm sự với Trương Vô Kỵ và Kỷ Hiểu Phù: “Lúc đó ta lấy làm đắc chí lắm, có biết đâu rằng như thế là một hành vi bất trung bất nghĩa đối với ái thê, thực là bội bạc, có thể gọi là thuộc loại “lòng lang dạ thú” cũng không có gì quá đáng.”

Cái “bất trung bất nghĩa”, “lòng lang dạ thú” mà Hồ Thanh Ngưu tự nhận chỉ là vì làm mất lòng ái thê bằng tâm so kè hiếu thắng trong nghề nghiệp; một bên hạ độc hại người, một bên dùng thuốc cứu chữa, xem ai có bản sự hơn ai.

Còn Tăng A Ngưu hay Trương Vô Kỵ luôn có 4 thiếu nữ sắc nước hương trời yêu thương anh, khiến anh không biết phải gắn bó với em nào cho phải. Anh chàng bị hết Triệu Mẫn đến Chu Chỉ Nhược dắt mũi như trâu, dù từ tấm bé đã được mẫu thân Ân Tố Tố, cũng là một tuyệt sắc giai nhân, dặn dò kỹ lưỡng: “Con phải nhớ, đàn bà càng đẹp càng dễ lừa người”.

Sự khác biệt giữa hai người lại cũng đáng suy ngẫm.

Trong khi Trương Vô Kỵ thông minh nhưng nhân hậu, chất phác, sẵn sàng cứu khốn phò nguy, thì Hồ Thanh Ngưu tài hoa thông thái nhưng mang biệt hiệu “Kiến Tử Bất Cứu” có nghĩa là “thấy chết không cứu”. Của đáng tội, cái biệt hiệu đó cũng vì vợ mà sinh ra. Vì có cứu người thì lại làm mất lòng ái thê, nên gặp bệnh nhân thập tử nhất sinh, nếu không phải là người của Minh Giáo – mà vợ yêu không bao giờ hạ độc – thì con trâu xanh cũng chẳng mảy may đoái hoài.

Sau này, như một báo ứng, hai vợ chồng Hồ Thanh Ngưu – Vương Nạn Cô cũng bị hạ sát bởi Kim Hoa bà bà, oán thù sinh ra từ cái phương châm “Kiến Tử Bất Cứu” của ông ta. Khi chết họ cũng chẳng được ai cứu, âu cũng là “sinh nghề tử nghiệp”. Nhưng họ chết có đôi có cặp, ít ra Hồ Thanh Ngưu nơi suối vàng vẫn có thể phục thị vợ ân cần.

Còn Trương Vô Kỵ lấy ân trả oán, dùng nghề thuốc, dùng võ công cứu vớt rất nhiều người. Anh được người của hai phía chính – tà tôn trọng, hóa giải một trường hận thù giữa đôi bên, làm giáo chủ Minh Giáo… nhưng cuối cùng bỏ hết nghiệp lớn để về vẽ lông mày cho cô vợ Triệu Mẫn, học lại tấm gương của Trương Sưởng đời Hán, xét ra cũng là một loại ân cần phục thị.

Con trâu Trương Vô Kỵ và Hồ Thanh Ngưu với tài năng bản lĩnh nức tiếng giang hồ đôi khi lại chỉ có mục tử vợ mới điều khiển nổi.

Những con trâu trong tác phẩm của Kim Dung thật là hết sức thú vị phải không?

Thông điệp về con trâu trong truyện Kim Dung

Bằng tất cả những tài hoa trong bút pháp, thông điệp mà Kim Dung gửi gắm vào những hình tượng trâu trong truyện rốt lại cũng là cái lẽ Nhân – Quả, thiện ác hữu báo và đạo lý làm người. Con người dù sang hay hèn, ít học hay thông thái, thông minh hay chậm hiểu… đều cần lấy đức làm trọng, lấy đại nghĩa làm căn bản mà coi nhẹ cái lợi ích riêng tư. Cái nhân tâm muôn hình vạn trạng kia như con trâu lồng lộn không phải mục tử giỏi thì không chế phục được. Đại Hiệp, Giáo chủ hay Minh Chủ võ lâm trước hết phải là một mục tử giỏi chăn dắt con trâu nhân tâm của mình.

Bằng chứng là lời cảm thán của Quách Tĩnh với Dương Quá: “Thật ra đời người cũng đều như con ngựa Đích Lư, làm người thiện thì thiện, làm kẻ ác thì ác, người tốt kẻ xấu không nhất định. Tất cả đều do cái tâm mà ra.”

Chẳng phải là lời chí lý đó ư!

Hồi Hương / Theo: ĐKN

No comments: