Thế nhưng, cuộc đời như một bộ phim dài tập. Ở đó, khi tập phim này kết thúc, tập phim khác sẽ xuất hiện, rồi tập phim kế tiếp nữa cũng sẽ xuất hiện, mà ta đôi khi chẳng bao giờ biết trước kịch bản.
Cho nên loại người thứ nhất thường không mấy khi thành công lâu dài, tầm nhìn của họ chỉ dừng lại ở đỉnh cao hoặc đáy vực mà họ đang đứng, còn chuyện tiếp nữa… thì đó là chuyện về sau.
Loại người thứ hai, chính là người lo lắng cho cả những điều mà chưa ai nghĩ tới. Nhóm người này thường hiếm hoi. Nhưng như người ta thường nói: “Kẻ vui sau niềm vui của thiên hạ, lo trước cái lo của thiên hạ mới là bậc đại trí”. Nhóm người này suy nghĩ một cách chu toàn cho tất cả mọi sự.
Hãy cùng chúng tôi đọc lại một câu chuyện cũ về vị tổng thống nước Mỹ sau đây, để học cách những người thứ hai hành động như thế nào khi họ đang ở trên đỉnh thành công.
Lyndon B. Johnson và tầm nhìn của một người lãnh đạo
Chàng trai trẻ Lyndon B. Johnson có một hoài bão chính là trở thành tổng thống nước Mỹ. Khi được bổ nhiệm làm giám đốc Ban Quản lý Thanh niên Quốc gia của vùng Texas, một cơ hội đã đến với anh, Đại biểu quốc hội của vùng Texas vừa qua đời, và chiếc ghế của ông bị bỏ trống đang chờ người thay thế. Đây có lẽ là vận may tốt nhất mà Jonhson có, bởi vì nếu từ chối tham gia, anh sẽ mất thêm khoảng 10 năm chờ đợi nữa mới có thể bước vào nghị trường liên bang, chứ chưa nói gì đến việc tranh cử Tổng Thống. Lúc đó có lẽ anh đã quá già…
Nhưng làm sao đây khi Johnson mới chỉ 28 tuổi, chẳng chút tiếng tăm và mối quan hệ. Nếu tranh cử thất bại toàn bộ tiền đồ của anh sẽ tan biến cùng sự chỉ trích của những Đại cử tri đối thủ. Một thất bại như thế sẽ vĩnh viễn đẩy xa anh ra khỏi ước mơ trở thành Tổng thống của đất nước tuyệt vời này…
Nhưng vứt bỏ sự sợ hãi, Johnson quyết định dấn thân vào con đường đầy chông gai. Anh biết mình vẫn có cơ hội dành chiến thắng. Thay vì tập trung vào những khu vực đông dân cư, nơi mà những đối thủ của anh đang tranh dành nhau từng lá phiếu, Johnson lặn lội đến những nơi xa xôi ở ngoại ô thành phố, gặp gỡ từng nông dân và không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để lắng nghe tâm tư của họ.
Cùng với người trợ lý của mình, Johnson băng qua từng cánh đồng, diễn thuyết ở từng thị trấn nhỏ bụi bặm, và cùng trò chuyện với tất cả mọi người chịu lắng nghe anh bằng giọng nói đã khản đặc vì quá mệt mỏi. Những chuyến hành trình như thế thật là quá vất vả. Đôi mắt anh sụp xuống mỗi khi đêm về. Nhưng ông trời không phụ lòng người, Johnson dần nhận được sự ủng hộ từ đông đảo nông dân, những cử tri quê mùa từng bị người khác bỏ rơi.
Nhưng sóng gió chưa thật sự bắt đầu. Chính trị theo cách nói của nhiều người, đôi khi không phải là một cuộc chơi công bằng. Tuần cuối cùng của đợt tranh cử, lần đầu tiên đứng ở vị trí thứ 3 trong cuộc đua, Johnson trở thành mục tiêu bị chỉ trích với những thủ đoạn bẩn thỉu nhất từ các đối thủ. Người ta tìm mọi cách để phá hoại cuộc vận động của anh, đặc biệt là ngài thị trưởng Miller, người từng bị Johnson đả kích.
Bước qua giống bão và để lại ánh hoàng hôn
Bước qua giông tố ấy, vào ngày bầu cử, Johnson đã tạo nên một cuộc lật đổ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, khi anh bỏ xa người đứng thứ hai tới 3000 phiếu bầu. Kiệt sức vì cuộc chạy đua, người ta phải đưa anh vào bệnh viện ngay sau đó. Tuy nhiên sáng hôm sau, tỉnh dậy sau giấc mơ chiến thắng, Johnson lại quay về với công việc của mình. Anh cần làm một việc cực kỳ quan trọng, một hành động chứng tỏ Johnson đáng nể như thế nào.
Từ giường bệnh, Johnson yêu cầu người trợ lý chép lại lời nói của mình thành những bức thư để gửi tới các đối thủ. Anh chúc mừng họ vì đã xây dựng được một chiến lược lớn như thế. Đồng thời anh mô tả thành công của mình đơn giản chỉ là sự may mắn. Thậm chí Jonhson còn hỗ trợ nhiệt thành cho thị trưởng Miller khi ông ta có chuyến thăm đến Washington. Ngay khi rời bệnh viện, anh tới thăm các đối thủ và cư xử một cách khiêm tốn.
Cách làm không giống ai của Johnson khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng chính hành động đó đã cứu sống sự nghiệp của anh. 18 tháng sau, Johnson phải trải qua một cuộc tái tuyển cử, những người từng là đối thủ một mất một còn giờ lại trở thành những người ủng hộ nồng nhiệt nhất của anh. Họ quyên góp tiền, thậm chí là vận động với tư cách của anh, ngay cả thị trưởng Miller, người căm ghét Johnson nhất cũng trở thành ủng hộ viên mạnh mẽ nhất của anh trong suốt nhiều năm sau đó.
Những cay đắng mà chàng trai trẻ phải đối mặt khi tham gia tranh cử chắc chỉ có mình anh mới hiểu. Nhưng nếu cứ ôm ghì lấy những uất hận ấy để rồi chế giễu… hoặc ít nhất là lạnh nhạt với những đối thủ của mình thì chỉ khiến Johnson thêm xa rời hơn với mục tiêu mà anh đã chọn. Chỉ có cách biến đối thủ thành đồng minh, hạ thấp chính mình và quên đi tủi nhục mới khiến người ta có thể bay cao hơn nữa. Đó là cách những người thành công sử dụng để có thêm nhiều thành công.
Trong bất kỳ công việc làm ăn nào, khuynh hướng chỉ suy nghĩ trong phạm vi được mất, thành công hay thất bại đều rất nguy hiểm. Tâm trí bạn chỉ dừng lại ở đó mà không thể phóng tầm mắt ra xa hơn. Cảm xúc lâng lâng khi thắng cuộc có thể che mờ đi nhưng nguy cơ trực chờ ngay sau đó. Cái bạn cần là một cách nhìn chiến lược và sự linh hoạt sẵn sàng chừa cho mình một đường lùi dù bản thân có là kẻ thắng cuộc.
Có một hình ảnh tuyệt đẹp để ví von cho chân lý này, đó là mặt trời. Khi nó hoàn thành một cung đường và lặn xuống mặt biển vào cuối ngày, nó để lại phía sau một ánh hoàng hôn rực rỡ đáng nhớ, tất cả mọi người đều yêu thích tận hưởng giây phút ấy, và mong muốn sự trở lại cùng với ánh ban mai vào ngày hôm sau.
Dù thành công hay thất bại, xin hãy mãi là ánh mặt trời hồng rạng rỡ, trao đi yêu thương và lòng nhân từ để vẻ đẹp ấy tiếp tục tỏa sáng trong những bước đường tiếp theo của cuộc đời bạn.
An Nhiên / Theo: ĐKN