Ireland có một chế độ hôn nhân đặc biệt, hướng con người theo quan niệm hôn nhân Thần thánh, không được mạo phạm hôn nhân, luật pháp nước này cũng nghiêm cấm ly hôn. (Ảnh wikipedia.org)
Ireland là quốc gia có tỉ lệ kết hôn thấp nhất trên thế giới, đồng thời cũng là một quốc gia sùng kính Thiên Chúa. Vì vậy quốc gia này có một chế độ hôn nhân đặc biệt, hướng con người theo quan niệm hôn nhân Thần thánh, không được mạo phạm hôn nhân, luật pháp nước này cũng nghiêm cấm ly hôn. Chính vì vậy nhiều cặp đôi yêu nhau đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi kết hôn. Nhưng có một cặp đôi Trung Quốc đã chọn kết hôn ở Ireland.
Dưới đây là câu chuyện thú vị của họ:
Tôi và chồng tương lai của tôi là Lâm Đông đã có một thời gian tìm hiểu nhau khá lâu. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Kinh doanh tại trường Đại học Cao đẳng Dublin (University College Dublin) ở Ireland, Lâm Đông tiếp tục ở đây làm việc hai năm và khi ấy tôi mới được cấp visa. Thời điểm tôi được cấp phép cư trú, anh ấy đã có quãng thời gian 7 năm sinh sống ở Ireland.
Tôi và Lâm Đông đều biết nếu kết hôn ở quốc gia này, cả hai chúng tôi đều phải “ràng buộc cả đời” với nhau, dù hạnh phúc hay đau khổ, dù hòa thuận hay bất đồng quan điểm, chúng tôi đều phải ở bên nhau cho đến khi cả hai xa rời cõi đời này. Tuy vậy, chúng tôi cũng không thể chần chừ thêm được nữa, phần vì thời gian tìm hiểu đã lâu và tuổi tác đã nhiều, nên chúng tôi đi tới quyết định trọng đại.
Rồi ngày ấy đã đến, tôi và Lâm Đông nắm tay nhau bước vào một căn phòng trang nhã nhưng bí ẩn trong Tòa thị chính Dublin. Chúng tôi tới được căn phòng này nhờ mũi tên chỉ dẫn của tấm bảng “Lối vào” dẫn đến khu vực chịu trách nhiệm làm thủ tục đăng ký kết hôn. Trong sảnh lớn của Tòa Thị chính có một màn hình tinh thể lỏng lớn hiển thị thông báo: “Nơi đây chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm làm thủ tục đăng ký kết hôn, không giải quyết ly hôn. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là công dân của Ireland chỉ được phép chung sống suốt đời với người bạn đời duy nhất. Bởi ở đây thực hiện chế độ hôn nhân có thời hạn, thời hạn của hôn nhân được giới hạn từ 1 năm đến 100 năm. Có hiệu lực từ ngày đăng ký tại đây, khi thời gian kết thúc, quan hệ hôn nhân sẽ chấm dứt. Nếu đôi bên có nguyện vọng chung sống với nhau, có thể tiếp tục đăng ký, tiếp tục kéo dài quan hệ hôn nhân…”.
Khi đọc điều khoản này, cả hai chúng tôi đều ngạc nhiên, vì nó hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của chúng tôi khi quyết định đi tới hôn nhân. Những người bạn Iceland cũng chưa bao giờ nói với chúng tôi về hôn nhân có thời hạn này. Chúng tôi sững sờ, cảm giác như được tháo bỏ xiềng xích, tự do hít thở bầu không khí mát lành.
Ở Ireland đôi bên nam nữ có thể thương lượng về thời hạn của quan hệ hôn nhân, thấp nhất là 1 năm và cao nhất là 100 năm. (Ảnh: dailymail.co.uk)
Nhưng không giống các quốc gia nghiêm cấm ly hôn cứng nhắc khác, người Ireland thông minh và hiền hòa đã sáng tạo ra một chế độ hôn nhân vừa truyền thống vừa tự do. Ấy là đôi bên nam nữ có thể thương lượng về thời hạn của quan hệ hôn nhân, thấp nhất là 1 năm và cao nhất là 100 năm. Sau khi thời hạn thương lượng đã hết, nếu đôi bên có nguyện ý tiếp tục chung sống với nhau thì có thể làm thủ tục đăng ký kéo dài thời hạn hôn nhân, còn không thì hai bên sẽ được tự do và không gì ràng buộc.
Chính vì lẽ đó mà chúng tôi cảm thấy đắn đo, tự hỏi rồi tự trả lời: Chúng tôi có nên kết hôn hay không? Tất nhiên phải kết hôn rồi. Vậy kết hôn trong thời hạn bao lâu? Cũng là cả một vấn đề. Xem ra việc “kinh doanh” của khu vực này khá vắng vẻ, nhìn xung quanh cũng chỉ có cặp đôi chúng tôi. Những nhân viên tại đây tinh ý đọc thấy sự phân vân của chúng tôi nên họ ý nhị không thúc giục, thậm chí còn có nhã ý bảo chúng tôi nên đọc kỹ nội dung hướng dẫn, rồi thương lượng với nhau để đi đến quyết định cuối cùng.
Sau một hồi bàn bạc, chúng tôi đưa ra quyết định thống nhất về thời hạn hôn nhân, thì bỗng đọc thấy một dòng chữ nhỏ màu đỏ bên dưới:“Hệ thống lưu ý: Bởi chi phí làm thủ tục gia hạn hôn nhân tương đối cao, xin hãy lựa chọn thời hạn hôn nhân mà bạn cho là thích hợp nhất”.
Giờ đây tôi và Lâm Đông lại có chút mơ hồ, vốn dĩ hạ quyết tâm cùng nhau đi đến hết cuộc đời, nhưng khi đối diện với việc chọn lựa thời gian ràng buộc bên nhau, lòng tin của cả hai dường như đều bị dao động.
Đông nói nhỏ với tôi:“Hay là chúng ta thử kết hôn 1 năm trước xem sao?”.Trong lòng tôi có chút không vui, yêu nhau 10 năm, giờ lại muốn kết hôn trong 1 năm? Lâm Đông nhìn thấy sắc mặt tôi không vui nên nói thêm:“Anh đoán chi phí kết hôn chắc chắn phụ thuộc vào thời gian, thời gian càng dài thì chi phí càng đắt, đến năm sau chúng ta lại đến gia hạn…”.
Nghĩ đi nghĩ lại tôi cũng thấy hợp lý, đi siêu thị còn được dùng thử hàng, chọn bữa điểm tâm còn được ăn thử, huống chi chỉ là 1 năm, cứ chọn thử 1 năm xem sao. Nếu thật sự không hợp, đối với cả hai chúng tôi đều tốt. Do dự một hồi, cuối cùng chúng tôi quyết định chọn thời hạn ngắn nhất: 1 năm. Hệ thống xác nhận:“Quan hệ hôn nhân của hai người đã được xác lập, thời hạn hôn nhân là 1 năm”.
Thủ tục cuối cùng sau khi chúng tôi nhấn nút lựa chọn thời hạn hôn nhân 1 năm là nhận giấy đăng ký kết hôn. Hệ thống hiển thị chi phí đăng ký thủ tục kết hôn:“Giấy chứng nhận kết hôn, 2.000 bảng Anh”.
Hồi tưởng lại cảm giác khi ấy của chúng tôi, có thể được tóm gọn trong mấy từ: Sửng sốt và Bất bình. Tôi và Lâm Đông đều có chung ý tưởng là muốn ‘nện’ cho chiếc máy tính này một chập. 2.000 bảng Anh (khoảng 61 triệu VNĐ), số tiền không hề nhỏ đối với chúng tôi, quy ra cũng hơn một tháng lương của cả hai chúng tôi cộng lại. Mặc dù chúng tôi đã được các nhân viên tại đây khuyến cáo là chi phí kết hôn khá cao, nhưng 2.000 bảng Anh quả là cái giá mà chúng tôi chưa bao giờ hình dung ra nổi. Thật là quá đáng!.
Miễn cưỡng quẹt thẻ tín dụng, chúng tôi nhận được giấy chứng nhận kết hôn. Chưa hết sửng sốt vì chi phí đăng ký kết hôn đắt đỏ, chúng tôi lại kinh ngạc tột độ khi thứ chúng tôi nhận được là hai quyển chứng nhận kết hôn. Gọi là quyển vì nó dày như cuốn từ điển bách khoa toàn thư. Tôi phân vân:Chỉ là giấy chứng nhận kết hôn thôi mà, có cần phải dày như vậy không?
Vì chi phí cao nên hôn nhân ở Ireland được các cặp đôi quyết định khá kỹ lưỡng. (Ảnh: vixendaily.com)
Tôi cầm một quyển mở ra xem, ngay ở trang đầu tiên ghi như thế này:“Để đảm bảo hai bên thực hiện đúng cam kết của mình, hoàn thành trọn vẹn một năm thời hạn hôn nhân, bằng cách làm rõ các quyền và nghĩa vụ của đôi bên trong suốt cuộc hôn nhân. Sau đây là 12 phần, 365 chương, 21.900 điều khoản chi tiết về quyền và nghĩa vụ của cả hai bên, cũng như trách nhiệm phải chịu khi không chấp hành hoặc chấp hành không trọn vẹn nghĩa vụ”.
Lâm Đông có chút hoan hỉ và thở phào nhẹ nhõm khi nói với tôi:“May mắn chúng ta chỉ chọn thời hạn 1 năm, nếu chọn 100 năm thì giấy chứng nhận kết hôn chắc phải thuê xe chở về và chi phí chắc chắn phải hơn trăm vạn tệ”. Mang theo sự bực bội và hai quyển chứng nhận kết hôn nặng trịch về nhà, chúng tôi không ngớt lời ca thán và chỉ trích ai đã phát minh ra cái kiểu đăng ký kết hôn như thế này. Tranh luận với nhau mãi, cuối cùng chúng tôi đi đến kết luận. Rằng ít ra chúng tôi cũng tạm hiểu, tuy có thể gia hạn thời hạn hôn nhân, nhưng tỉ lệ kết hôn ở Ireland vẫn thấp, theo lý giải của chúng tôi thì do chi phí kết hôn đắt đỏ như chúng tôi đang phải chi trả đây, ai mà đi đăng ký kết hôn mới là chuyện lạ.
Mặc dù mỗi người chúng tôi đều nhận được một quyển chứng nhận kết hôn to đùng được trang trí rất tinh tế, và trong đó liệt kê rất nhiều nghĩa vụ mà cả hai cùng phải thực thi, nếu vi phạm sẽ phải chịu những hậu quả xấu, nhưng tôi và Lâm Đông nhanh chóng cất đi và cũng lờ tịt chúng. Chỉ khi có mâu thuẫn nảy sinh, cần xác định xem ai đúng hay sai, chúng tôi mới lôi nó ra xem để căn cứ “định tội”. Nhưng điều ngạc nhiên là, khi “tội danh” còn chưa xác định được, cả tôi và Lâm Đông đều nhận thấy lời nói và hành động của mỗi người là trái với yêu cầu của quyển chứng nhận kết hôn.
Trong suy nghĩ của chúng tôi, những chỉ dẫn trong quyển đăng ký kết hôn này khá phù du, hoàn toàn không thực tế. Vì vậy chúng tôi quyết định xếp xó nó, và quyết tâm áp dụng cuộc sống hôn nhân theo kiểu phương Tây. Mọi thứ trở nên thoải mái hơn nhiều, không cần nghĩ nhiều đến quyền lợi, trách nhiệm hay nghĩa vụ gì cả, mà theo bản năng làm vợ, làm chồng. Khi tôi mệt thì chồng đỡ đần, và khi anh ấy quá tải trong công việc thì tôi chia sẻ, cả hai cùng nhau chăm chỉ làm việc, tích lũy, chủ yếu để cho qua thời hạn kết hôn 1 năm trong hòa bình, tránh va chạm, mâu thuẫn. Rồi chớp mắt, đã đến lúc đi gia hạn hôn nhân.
Gọi về nước nhờ Bộ Nội Vụ tư vấn, kết quả khiến chúng tôi rất thất vọng. Vì cả hai chúng tôi đều đã làm thủ tục di dân và mang quốc tịch Ireland nên không thể đăng ký kết hôn ở Trung Quốc được nữa. Càng thất vọng hơn nữa khi biết nếu kết hôn tại Trung Quốc chúng tôi chỉ mất lệ phí 9 NDT. Nhưng thời điểm gia hạn hôn nhân đã cận kề, không thể chần chừ thêm được nữa, chúng tôi xót xa khi phải quyết định dùng 10.000 bảng Anh – là tiền tích góp để mua một chiếc xe hơi mới – để đi gia hạn hôn nhân thêm 5 năm.
Xem ra việc đến Tòa Thị Chính lần này không còn bỡ ngỡ như lần trước, tôi phát hiện thấy trên màn hình tinh thể lỏng có mục chi phí kết hôn. Nhất thời tò mò, tôi phân vân tự hỏi, nếu thời hạn hôn nhân là 100 năm thì có lẽ chi phí sẽ lớn đến mức nào. Vì vậy tôi đã mở ra xem. Trước sự kinh ngạc của tôi, màn hình hiển thị giấy chứng nhận kết hôn 100 năm chỉ có 50 pence, tương đương 0,5 bảng Anh và quy ra chỉ có 6 NDT.
“Điều này sao có thể vậy? Chắc chắn hệ thống đã có sự cố!”, Lâm Đông vừa nói vừa gõ lệnh chọn thử thời hạn 100 năm. Hết ngạc nhiên này lại đến ngạc nhiên khác, trước mắt chúng tôi chỉ là một tờ giấy mỏng màu hồng, trên đó có ghi dòng chữ:“Quý vị kính mến: Tôi không rõ tay trái đối với tay phải, chân phải đối với chân trái, mắt trái đối với mắt phải, não phải đối với não trái rốt cuộc có mối liên hệ với nhau như thế nào và chúng có nghĩa vụ gì. Thật ra, chúng là một chỉnh thể, cái này vì cái kia mà tồn tại, niềm vui của cái này cũng là niềm vui của cái kia. Vì lẽ đó, hãy xem như tờ giấy mỏng màu hồng này thay lời chúc phúc của tôi tới hôn nhân trăm năm của hai vị. Chúc hai vị trăm năm hạnh phúc! Trưởng tư pháp của Dublin: Jimmy Rimo”.
Mọi thứ trở nên thoải mái hơn nhiều, không cần nghĩ nhiều đến quyền lợi, trách nhiệm hay nghĩa vụ gì cả, mà theo bản năng làm vợ, làm chồng. (Ảnh: ohay.tv)
Rõ ràng ở Ireland chính phủ không giải quyết ly hôn. Thay vào đó lúc đăng ký kết hôn, chúng tôi được chọn thời hạn: 1 năm, 2 năm, 5 năm,…, 100 năm. Hết thời gian đó nếu vẫn muốn là vợ chồng của nhau thì tiếp tục làm thủ tục kéo dài hôn nhân.Giống như mức ưu đãi trong kinh doanh, luật pháp hôn nhân của Ireland cũng có mức “đãi ngộ” khác nhau về chi phí làm thủ tục đăng ký kết hôn tùy vào thời hạn hôn nhân. Nếu thời hạn đó là 1 năm thì chi phí phải trả là 2.000 bảng Anh, nếu thời hạn là 100 năm thì chỉ cần trả 0,5 bảng Anh. Chi phí thu cao nhất gấp chi phí thu thấp nhất là 4.000 lần. Đây được coi là chính sách khuyến khích kết hôn tiên tiến của Chính phủ Ireland.
Cầm theo tờ giấy mỏng màu hồng này, chúng tôi đi thẳng đến showroom chọn mua một chiếc BMW1 sedan mới. Cứ ngỡ số tiền này sẽ phải tiêu tùng cho cái gia hạn kết hôn, nào ngờ chúng tôi vẫn theo lộ trình mua được xe. Và giây phút tuyệt vời nhất là chúng tôi đã không còn đường lui, bản khế ước trăm năm của Ireland thật có ý nghĩa. Chính là khi ta đã quyết định thì không cần toan tính mọi thứ mà làm tới cùng. Khi cùng nhau đăng ký kết hôn, ai mà chẳng muốn sống với nửa kia cả đời và cùng chứng kiến sự già đi của nhau.
Một tờ giấy chứng nhận kết hôn mỏng màu hồng càng nói rõ thêm về đạo lý hôn nhân của Ireland: Thời gian hôn nhân càng dài thì mọi thứ càng đơn giản, hôn nhân càng bền vững.
Lan Nguyễn
Theo: soundofhope