Saturday, February 25, 2023

NGƯỜI NHẬT NÊN THAY ĐỔI SUY NGHĨ "NHẬT BẢN LÀ CƯỜNG QUỐC"

Trong khi Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh giảm, già hóa dân số và mất năng lực cạnh tranh trên thị trường Quốc tế thì vẫn còn nhiều người Nhật tin rằng đất nước của họ là một "cường quốc" vì một lý do nào đó. Tuy nhiên, theo một số thống kê và bảng xếp hạng thì Nhật Bản được cho rằng sẽ trở thành một "tiểu quốc". Trang thông tin về kinh tế Nhật - tokyokeizai - đã có một cuộc thảo luận về vấn đề này với ông Keiichi Kaya - một chuyên gia kinh tế và là tác giả của cuốn sách bán chạy có tên là "Nihon wa shokoku ni naru ga, sore wa setsubo dewanai" (日本は小国になるが、それは絶望ではない - Tạm dịch: Nhật Bản trở thành một tiểu quốc, nhưng đó không phải là điều tuyệt vọng).

 
Trong tương lai dân số Nhật Bản sẽ không tăng

Mọi người đều biết rằng dân số Nhật Bản đang sụt giảm nhanh chóng, nhưng ít ai biết rõ ràng về tác động thực sự của vấn đề này. Vào năm 2020, tổng dân số của Nhật Bản là khoảng 126 triệu người. Dân số đã giảm liên tục kể từ khi đạt đỉnh 128 triệu người vào năm 2008. Theo một cuộc khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số trẻ em sinh ra trong năm 2019 là 854.000 trẻ. Đây là lần đầu tiên số trẻ em sinh ra trong năm giảm xuống dưới 900.000 trẻ kể từ khi chính phủ bắt đầu thực hiện thống kê dân số. Nếu tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm, dân số Nhật bản sẽ giảm xuống còn 49,96 triệu người vào năm 2100. Ước tính trong 80 năm tới, dân số Nhật Bản sẽ giảm đến 80 triệu người, điều này tương đương với việc mỗi năm sẽ có một thành phố 1 triệu dân biến mất. Để thấy rõ hơn tác động của nó thì bạn có thể tưởng tượng những thành phố như thành phố Sendai với 1,09 triệu dân và thành phố Chiba với 980 nghìn dân sẽ lần lượt biến mất mỗi năm.

Suy giảm dân số là vấn đề lớn của Nhật Bản.

Biết được sự thật này chắc hẳn sẽ có nhiều người nghĩ rằng nên thực hiện các biện pháp để làm tăng tỷ lệ sinh, tuy nhiên, điều này không dễ dàng làm được vì những biến động về nhân khẩu học thay đổi theo đơn vị 50 hoặc 100 năm, bắt đầu từ thời điểm này đã là quá muộn.

Hiện tại, Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số và già hóa dân số đang diễn ra cùng lúc. Trong khi dân số đang ngày càng giảm thì tuổi thọ trung bình của người Nhật lại tăng qua từng năm, nếu miêu tả theo tháp dân số thì dân số Nhật Bản đang chuyển sang kiểu kim tự tháp ngược, nghĩa là nhiều người già và ít người trẻ. Điều này chứng tỏ những người lao động đang phải có gánh nặng tài chính vô cùng lớn.

Ví dụ, nếu Nhật Bản cố gắng nâng cao tỷ lệ sinh bằng một cách nào đó thì số trẻ em sẽ tăng lên, nhưng số người già vẫn không đổi dẫn đến tháp dân số sẽ bị rỗng ở giữa (phần của người trong tuổi lao động). Nếu chỉ đơn giản là thực hiện những biện pháp tăng tỷ lệ sinh thì vô hình trung sẽ tạo ra gánh nặng không thể tưởng tượng được đối với những người lao động.

Tháp dân số Nhật Bản qua từng năm. (Ảnh: populationpyramid.net)

Sự "thu nhỏ" của Nhật Bản được chứng minh bởi "Điều kiện của cường quốc"

Trên thế giới hiện có gần 200 quốc gia, nhưng chỉ có 28 quốc gia là có dân số từ 50 triệu người trở lên. Về dân số, con số 50 triệu người có thể nói là tiêu chuẩn của một đất nước lớn. Tất nhiên, không phải cứ quốc gia nào đông dân thì quốc gia đó giàu, nhưng những quốc gia đông dân số thường sẽ có GDP cao. Trung Quốc với 1,4 tỷ dân và Ấn Độ với 1,35 tỷ dân là hai quốc gia đông dân số nhất thế giới; tiếp theo là Mỹ, Indonesia, Brazil,... còn Nhật Bản thì đứng thứ 10.

Xét về GDP, tính đến năm 2019, GDP toàn cầu là khoảng 87 nghìn tỷ đô-la. Nếu xét về "điều kiện của cường quốc" thì những quốc gia có GPD từ 500 tỷ đô-la trở lên sẽ được xem là cường quốc, và trên thế giới hiện tại có 25 quốc gia đủ điều kiện này.

GDP là một trong những điều kiện trở thành cường quốc.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, GDP của Nhật Bản vào năm 2060 dự kiến là 4,6 nghìn tỷ đô la, mức tăng trưởng gần như bằng 0, trong khi Hoa Kỳ là 34,7 nghìn tỷ đô-la, Trung Quốc là 32,2 nghìn tỷ đô-la, Ấn Độ là 25,5 nghìn tỷ đô-la, nhiều gấp 5,5 đến 7,5 lần so với Nhật Bản. Dù GDP Nhật Bản không rớt xuống mức 500 tỷ USD, nhưng GDP tương đối của Nhật Bản thấp hơn một cách rõ rệt.

Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề mất năng lực cạnh tranh trên thị trường Quốc tế và suy giảm dân số, và với tình hình đó Nhật Bản có thể sẽ trở thành một "tiểu quốc" về dân số và GDP.

Liệu có vấn đề gì khi Nhật Bản trở thành một "tiểu quốc" không?

Có thể bạn sẽ nghĩ rằng tương lai của Nhật Bản không được tươi sáng cho lắm, nhưng đây chỉ là giả thuyết đặt ra khi "Nhật Bản không thay đổi bất cứ điều gì". Nói đúng hơn, Nhật Bản vẫn có tiềm năng hiện thực hóa một xã hội thịnh vượng ngay cả khi nó không còn là một cường quốc.

Thực tế, có rất nhiều quốc gia nhỏ trên thế giới như Singapore và Thụy Điển đã xây dựng được một xã hội thịnh vượng, điểm chung của những quốc gia này là "năng suất cao". Ngay cả khi dân số thấp nhưng người dân kiếm được nhiều tiền thì việc hiện thực hóa một xã hội thịnh vượng là điều hoàn toàn có thể.

Trong trường hợp của Nhật Bản, quốc gia này vẫn có lợi thế là dân số lớn hơn 100 triệu người. Sự suy giảm dân số là điều không thể tránh khỏi, nhưng Nhật Bản vẫn có thể trở nên thịnh vượng nếu năng suất doanh nghiệp được tăng lên trước khi sự suy giảm dân số toàn diện trở thành hiện thực.

Dù trở thành một "tiểu quốc" thì Nhật Bản vẫn có thể xây dựng một xã hội thịnh vượng.

Điều Nhật Bản cần làm bây giờ là thoát khỏi những ảo tưởng "Nhật Bản là một cường quốc kinh tế" và "Nhật Bản là cường quốc sản xuất", chuyển đổi sang cơ cấu công nghiệp nâng cao năng suất. Đó là một cuộc cách mạng lớn để thiết lập lại nhận thức chung. Nhật Bản đang ở một bước ngoặt lớn nhất khi thế giới phải trải qua những thay đổi lớn do đại dịch COVID-19.

Link gốc tiếng Nhật:
https://toyokeizai.net/articles/-/389896

Nguồn: Keiichi Kaya/toyokeizai.net
Dịch: Tanpopo / Theo: kilala.vn

No comments: