Cơm mẻ thịt trâu - Ảnh: Sưu tầm
Dùng thịt trâu tươi xắt ngang thớ, ướp sả, tỏi, ớt bằm nhuyễn, thêm muối, đường, bột ngọt. Sắp đều lên dĩa bàn, bên trên là ớt, củ hành tây thái mỏng. Múc cơm mẻ ra tô rồi tán nhão ra, cho chút muối để con mẻ chết (với nước sôi con mẻ vẫn sống). Đặt lẩu nước trên bếp than hoặc bếp gas, lấy vợt, cảo lược kỹ cơm mẻ, bỏ xác. Nêm nếm vừa độ mặn, chua, cay là xong nồi lẩu. Nước chấm cũng bằng cơm mẻ lược lấy nước, nêm chua ngọt, đậm đặc một chút. Nói qua, cơm mẻ làm từ cơm ăn để quá ngày bị lên men mà ra. Muốn gây giống nhanh thì tìm cơm mẻ có sẵn, cho "ăn" bằng cơm nguội gút nước. Từ bảy đến mười ngày, cơm mẻ sinh sôi nhiều, có vị chua là dùng được. Nhúng thịt trâu vào nồi nước lẩu kèm các loại rau bày sẵn như: ngò gai, rau om, tai tượng, cải bẹ xanh, mồng tơi... tùy thích. Thịt vừa chín tới, chấm gọn một gắp vào chén cơm mẻ chua ngọt để thấm thía vị cay, thơm của món ăn ngon và bổ dưỡng này.
Rau ăn kèm - Ảnh: Sưu tầm
Với những người uống được rượu, ăn thịt trâu luộc cơm mẻ mà có thêm bầu đế Xuân Thạnh (Trà Vinh) thì thật thú vị. Loại rượu nổi tiếng nặng độ mà "có hậu" này được một người Hoa kiều cách nay trên 60 năm công phu chế biến và truyền nghề lại cho bà con trong làng.
Kháp rượu, bài men Nam, men Bắc, kinh nghiệm thời tiết nóng, lạnh là yếu tố bảo đảm chất lượng luôn được giữ vững. Nguyên liệu cất rượu chọn lọc từ các giống nếp dẻo nước ngọt ở Cần Thơ, Đông Nam bộ... như: nếp mỡ, nếp ruồi, nếp mường, nếp sáp, nếp thơm, nếp bông chát... Thường kháp rượu với 15 lít nếp cất được 6 lít rượu là trúng, trung bình là 5 lít với nồng độ từ... 58 đến 60 độ. Bây giờ theo yêu cầu của khách hàng, các lò có thể cất nhẹ độ hơn.
No comments:
Post a Comment