Thursday, February 9, 2023

ĐỪNG BUỒN VÌ KẾT HÔN "NHẦM" NGƯỜI, BỞI TẤT CẢ HẲN ĐIỀU CÓ NGUYÊN DO!

Đồ có thể mua nhầm, vậy liệu kết hôn cũng có thể lấy nhầm người không? Điều này thực sự đã từng xảy ra trong quá khứ. Sự thật là “nhầm thật” hay “nhầm giả”? Liệu kết quả sẽ là “lên nhầm kiệu hoa, lấy chồng như ý”, hay là một cuộc hôn nhân đổ vỡ? Tất cả đều đã có định số và không thể qua được mắt của ông Trời!

Chuyện hôn nhân đại sự còn bị nhầm thì chỉ có thể là do ý Trời. (Ảnh minh họa: Tài sản công)

Vào mùa đông năm Khang Hy thứ 48, có hai gia đình ở Sùng Nhân đều đón dâu trong cùng một ngày. Hai tân lang, một người họ Giả giàu có sung túc, một người họ Tạ thuộc dòng dõi thư hương. Còn hai tân nương, một người tên là Vương Thuý Phương con nhà phú gia quyền quý, một người họ Ngô xuất thân nghèo khó, bần hàn.

Trong ngày lành tháng tốt, có nhiều gia đình cùng tổ chức hôn lễ là chuyện hết sức bình thường. Nhưng điều bất thường ở đây là hai chiếc kiệu hoa đã gặp nhau trên đường, cho nên đã nảy sinh một sự cố ngoài ý muốn.

Buổi chiều hôm ấy, mây đen vần vũ, tuyết rơi dày đặc, chỉ trong một thoáng cả thôn quê đã phủ trong tuyết trắng. Đến đoạn đường nọ thì hai đội rước dâu gặp nhau, tuy hai chiếc kiệu hoa có kiểu dáng trang trí khác nhau, nhưng vì đều bị lớp tuyết dày bao phủ nên nhìn bề ngoài không khác nhau là mấy.

Sau khi đi được hai, ba dặm, họ đã dừng chân ở một ngôi đình để nghỉ tạm. Lúc này, cả đoàn người đều đã thấm mệt và lạnh cóng, hai gia đình cùng nhau gom củi khô nhóm lửa sưởi ấm. Không ngờ tuyết rơi càng lúc càng lớn, tất cả mọi ngời đều lo lắng không kịp giờ lành thành thân, bèn cuống cuồng khiêng kiệu hoa xuất phát.
 
Chuyện xảy ra sau hôn lễ

Đêm đó, khi Vương Thuý Phương chuẩn bị đi ngủ, cô nhìn quanh phòng và phát hiện của hồi môn đặt trước mặt không phải của mình, hơn nữa chất lượng cũng kém xa. Cô hoài nghi rằng nhà chồng đã đem của hồi môn đi thế chấp và đổi sang thứ khác để bù vào. Từ đó, cô bắt đầu sinh lòng oán hận.

Sau đó, cô chất vấn trượng phu: “Cái tủ trang điểm bằng gỗ đàn hương tím của thiếp đâu? Xin chàng sai tỳ nữ mang nó đến đây để tẩy trang cho thiếp.”

Trượng phu đáp: “Phu nhân à, nhà ta lấy đâu ra thứ tốt như vậy, biết tìm nó ở đâu bây giờ?”

Thuý Phương nói: “Giả lang hà tất phải trêu thiếp?”

Tân lang lại cười nói: “Ta là Tạ lang, không phải Giả lang.”

Thuý Phương nghe thấy vậy, liền thét lên: “Tặc nhân đã bán rẻ ta rồi!”

Tân lang cũng hết sức kinh ngạc, lúng túng, kêu người nhà đến tân phòng để hỏi rõ ngọn ngành. Nhưng Thuý Phương vẫn cứ khóc lóc nỉ non.

Tạ phu nhân tức giận nói: “Họ Tạ nhà ta tuy là môn đệ thư hương thanh bạch, há sợ gì mấy kẻ tặc nhân! Kẻ nào dám ức hiếp con?”

Thuý Phương nói trong làn nước mắt: “Nhà chồng con là họ Giả, giờ lại biến thành họ Tạ. Con không biết phải làm sao!”

Bà Tạ nói: “Con ngoan, chẳng lẽ trước khi kết hôn thì đổi họ hay sao? Nếu đúng như vậy, thì gia đình con có phải họ Ngô không?”

Lúc này, Thuý Phương mới bừng tỉnh ngộ, cô nói: “Con hiểu rồi, nàng dâu thật họ Ngô, còn con là họ Vương. Trên đường đến đây, con đã gặp một đoàn tân nương khác, rồi cùng dừng chân nghỉ ở một ngôi đình tránh tuyết. Con loáng thoáng nghe thấy ai đó nhắc đến tân nương họ Ngô, nhưng không nhớ tân lang họ gì. Cô ấy có lẽ chính là con dâu của gia đình bà. Còn con đáng lẽ phải gả cho nhà họ Giả. Nhất định là vì trời lạnh tuyết dày, hai nhà vội vội vàng vàng nên mới xảy ra cơ sự này. Nếu bà mau đến nhà họ Giả, chắc là sẽ tìm được con dâu thực sự của mình.”

Nghe vậy, nhà họ Tạ mới biết hoá ra mình đã cưới nhầm người.

Nhà họ Tạ lập tức lên đường, nhưng vì hai nhà cách nhau 30 dặm, nên mất cả một ngày đường mới đến nhà họ Giả. Tuy nhiên, đã quá muộn vì đôi tân lang tân lương đã hành lễ Chu Công, gạo đã sớm nấu thành cơm rồi.

Nhầm lẫn cũng không phải ngẫu nhiên

Hoá ra, khi con gái nhà họ Ngô đến nhà họ Giả, nhìn thấy của hồi môn xa hoa trước mặt liền nhớ đến chiếc xe hoa gặp trên đường, cô ta biết ngay rằng mình đã về nhầm nhà người khác. Nhưng vì lòng ham hư vinh nên đã cố tình không báo. Đến lúc sự tình sáng tỏ, cô ta lại giả bộ oán giận, phẫn nộ. Nhưng mọi chuyện đã không thể vãn hồi được nữa, Giả công tử lại không có mặt mũi nào để người phụ nữ đã thành thân với mình theo kẻ khác về nhà.

Sau khi người nhà họ Tạ trở về báo tin, Thuý Phương tuyệt vọng muốn tự sát. Có người khuyên nàng: “Việc kết hôn giữa hai nhà Vương – Tạ, ắt là do trời định mới có chuyện đảo lộn như vậy. Giờ nhà họ Giả và họ Ngô đã kết thân với nhau, nàng cũng nên ngoan ngoãn quy về nhà họ Tạ.”

Thuý Phương không đồng ý nên nhà họ Tạ đã cử người đến thăm hỏi cha của Thuý Phương và kể hết sự tình cho ông. Vương công nghe xong vô cùng kinh ngạc, nhưng ông vẫn kiên định nói: “Chuyện này ắt không phải ngẫu nhiên.” Rồi ông lập tức sai người mai mối đến thông báo với Tạ gia rằng bằng lòng để hai nhà kết thân. Thuý Phương lúc này mới nghe theo ý nguyện của cha, đến bái kiến cha mẹ chồng, cùng trượng phu kết tóc uống rượu giao bôi, chính thức trở thành con dâu nhà họ Tạ.

Thuý Phương lúc này mới nghe theo ý nguyện của cha, đến bái kiến cha mẹ chồng, cùng trượng phu kết tóc uống rượu giao bôi, chính thức trở thành con dâu nhà họ Tạ. Tranh minh họa một đám cưới thời nhà Thanh. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Nhân duyên đều do Trời định

Về sau, họ Giả vốn đang giàu có thì ngày càng sa sút, còn nàng dâu cướp được “hôn nhân tốt” buồn bực mà chết. Còn vợ chồng họ Tạ sống bách niên giai lão, con cháu đầy đàn, có người con chăm chỉ học hành còn đỗ tú tài, Thuý Phương cũng được ca tụng là người vợ hiếu thuận. Chuyện “lên nhầm kiệu hoa, lấy chồng như ý” này trở thành một giai thoại được nhiều người biết đến, còn có người cho rằng hôn sự này có “mưa tuyết” làm bà mai.

Qua câu chuyện trên có thể thấy rằng, nếu chuyện hôn nhân đại sự còn bị nhầm thì chỉ có thể là do ý Trời. Vậy nên, các bậc tiền bối và những người từng trải đều biết, giống như cha của Thuý Phương đã nói: “Chuyện này ắt chẳng phải ngẫu nhiên.”

Cứ tưởng rằng, con gái họ Vương gả cho chàng thư sinh nghèo khó sẽ phải chịu nhiều uỷ khuất, nhưng không ngờ về sau lại hưởng cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Còn con gái họ Ngô tham lam tiền tài, biết là nhầm lẫn vẫn vứt bỏ lương tâm thuận nước đẩy thuyền, gả cho gia đình giàu có, nhưng cuối cùng lại sa cơ lỡ vận, chết trong buồn bực. Đây quả là điều không ai ngờ tới, bởi những chuyện như nhân duyên, vận mệnh, dựng vợ gả chồng… hết thảy đều do Trời định.

Vì vậy, trong sách mệnh “Tích Thiên Tuý” có viết: “Nhân duyên vợ chồng kết từ kiếp trước, do Hỷ Thần hữu ý định đoạt.” (nguyên văn: Phu thê nhân duyên túc thế lai, hỉ thần hữu ý bàng thiên tài). Chẳng hạn, kiếp trước người này có ân huệ lớn với người kia, nên đã hứa với lòng mình rằng kiếp sau sẽ báo đáp. Sau đó, lời hứa này đã phát triển thành nhân duyên ở đời sau, có thể giúp đỡ rất nhiều cho vợ hoặc chồng của mình.

Ngoài ra, hai vợ chồng cũng có thể kết thành ác duyên. Chẳng hạn, kiếp trước người này lừa gạt tiền tài của người kia, kiếp sau trở thành vợ chồng. Tuy nhiên, đối phương không những không giữ gìn gia nghiệp mà ngày ngày ăn chơi trác táng, tiêu gia bại sản, nguyên nhân sâu xa là để đòi lại số tiền tài bị lừa trong kiếp trước.

Người xưa có câu: “Hôn bất cầu tài, táng bất cầu phúc”. Ý rằng kết hôn nếu chỉ xem trọng tiền tài thì sẽ đánh mất đạo nghĩa vợ chồng; mai táng cho cha mẹ chỉ để cầu phúc phận cho mình, thì không thể giữ nổi ân đức phụ tử tình thâm.

Vương Thông triều Tuỳ từng nói: “Hôn nhân đại sự chỉ nhìn vào tài vật, đó là tập tục của dân tộc thiểu số ngoại bang. Người quân tử không nên nhiễm phải thói dung tục ngoại tộc này.”

Các bậc tiền bối cũng có câu thơ rằng:

Hôn nhân kỉ kiến đấu xa hoa,
Kim ốc ngân bình chúng khẩu khoa.
Chuyển nhãn thập niên nhân sự biến,
Trang liêm mại dữ biệt nhân gia.

婚姻幾見斗奢華,
金屋銀屏眾口誇.
轉眼十年人事變,
妝奩賣與別人家.
Tạm dịch:

Hôn nhân khoe khoang thứ xa hoa
Nhà vàng, núi bạc, người đố kỵ
Chớp mắt mười năm đại sự biến
Núi bạc, nhà vàng của người ta.

Câu thơ trên đã ứng nghiệm với câu chuyện cô gái họ Ngô tham của, biết nhầm lẫn nhưng vẫn âm thầm che giấu đồng ý gả cho nhà giàu. Và đây cũng là một bài học giúp chúng ta thức tỉnh về khái niệm của một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Cổ Dung biên tập
Minh Phương biên dịch