Thursday, February 16, 2023

TƯỞNG PHƯƠNG LƯƠNG VÀ NỖI BI THƯƠNG CUỐI ĐỜI

Sống cuộc đời lặng lẽ trong một gia đình "lừng lẫy", báo chí Đài Loan mô tả Tưởng Phương Lương (1916 - 2004) là "một người vợ đức hạnh, không bao giờ phàn nàn và chịu cô đơn cùng phẩm giá".


"Nàng tiên Bắc Quốc"

Tưởng Phương Lương (蔣方良 Chiang Fang-liang) là phu nhân của Tưởng Kinh Quốc, con trai duy nhất của Tưởng Giới Thạch.

Năm 1925, Kinh Quốc được cha gửi sang Moskva học tập dưới cái tên Nikolai Elizarov tại Đại học Phương Đông. Sau khi Tưởng Giới Thạch dìm cuộc khởi nghĩa Thượng Hải trong bể máu (1927), thanh trừng phái tả Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản, ông ta trở thành kẻ thù của lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin. Kinh Quốc trở thành "con tin" của cuộc đối đầu Xô - Trung thời gian đó và bị buộc phải tuyên bố từ người cha của mình. Năm 1932, Tưởng Kinh Quốc được điều về làm việc ở Nhà máy Cơ khí Ural để kiểm soát.

Tết 1934, nhà máy tổ chức vũ hội, Kinh Quốc gặp Faina Vakhreva, cô gái Nga tóc vàng mới được nhận vào nhà máy làm việc. Faina từ nhỏ đã là một cô bé thông minh, xinh đẹp nhưng sớm mồ côi. Kinh Quốc đã phải lòng Faina từ cái nhìn đầu tiên. Họ yêu nhau. Tháng 3/1935, trong tiếng hát "Quốc tế ca" hùng tráng, cặp tình nhân này kết nghĩa trăm năm. Cuối năm đó, con trai Erik và năm sau, con gái Elen của họ chào đời.


Faina là người nhiệt tình và hoạt bát. Cô thường dùng tiếng cười hồn nhiên và sự dịu dàng đằm thắm để động viên chồng trong những năm tháng gian khổ. Khi hai người lấy nhau, họ nghèo lắm, nhất là vì thân phận đặc biệt của Tưởng Kinh Quốc. "Sự biến Tây An" cuối năm 1936 tại Trung Quốc khiến số phận họ hoàn toàn thay đổi. Lúc đó, phe Quốc dân dưới quyền Tưởng Giới Thạch và những người Cộng sản của Mao Trạch Đông đã ký thỏa thuận ngừng bắn, thành lập Liên minh Quốc - Cộng lần thứ 2 để liên hợp kháng Nhật. Lãnh tụ Stalin hy vọng người Trung Hoa sẽ giữ chân người Nhật khỏi vùng Viễn Đông (Liên Xô) cũng như sẽ kết đồng minh cùng chống Nhật với Tưởng "cha".

Thế là sau 12 năm bị "giam lỏng" ở Liên Xô, ngày 25/3/1937, Tưởng Kinh Quốc cùng vợ con theo đường bộ xuyên Siberia, lên tàu về Thượng Hải. Faina cũng giã biệt bạn bè lên đường "tòng phu" nghìn dặm tha hương. Ai cũng khâm phục dũng khí của Faina đã vì tình yêu mà dám vượt trùng dương đến tận chân trời góc biển. Bản thân Faina cũng không ngờ rằng, chuyến đi ấy là vĩnh biệt cả gia đình thân thương, vĩnh biệt cả quê cha đất tổ không bao giờ quay lại nữa.


Tưởng Giới Thạch vốn coi trọng con trưởng. Đối với nàng dâu Nga vóc người cao lớn, Tưởng Giới Thạch lúc đầu cảm thấy không thuận mắt. Tuy nhiên, sau đó ông nhận thấy Faina tính tình dịu dàng, hiếu thuận, hết lòng vì chồng vì con như phụ nữ truyền thống Trung Quốc nên ông rất vui. Ông đặt cho con dâu cái tên Trung Quốc là Tưởng Phương Lương (Chiang Fang-liang), hàm ý hiền lương, ngay thẳng. Điều này cũng coi như là sự khẳng định và khen ngợi đối với Faina. Theo phả hệ nhà họ Tưởng, cháu trai Erik được đổi tên là Tưởng Hiếu Văn và cháu gái là Tưởng Hiếu Chương.

Tưởng Kinh Quốc dẫn vợ con về quê gốc của họ Tưởng ở Khê Khẩu, Phụng Hóa, Triết Giang ra mắt mẹ đẻ là Mao Phúc Mai. Theo yêu cầu của cha, Kinh Quốc ở lại quê hương Khê Khẩu ẩn cư học tập, vừa để tránh cảnh gượng gạo với mẹ kế Tống Mỹ Linh, vừa để con trai trọn đạo hiếu với mẹ đẻ sau bao năm chờ đợi.

Sống ở Trung Quốc, cái gì đối với Phương Lương cũng xa lạ. Từ tôn giáo tín ngưỡng đến thói quen ăn uống, ngôn ngữ, khí hậu… Nàng dâu Nga âm thầm khắc phục khó khăn. Bà bắt đầu mặc xường xám, tập cầm đũa, học nói tiếng Hán… Sau một năm nỗ lực, Phương Lương có thể trò chuyện thông thạo bằng tiếng phổ thông. Riêng nghi thức tôn giáo, Tưởng Phương Lương phải mất đến 3 năm trời mới điều chỉnh được.


Tháng 3/1938, Kinh Quốc được phái về Giang Tây công tác, bắt đầu sự nghiệp chính trị trên đất Trung Quốc. Mẹ con Phương Lương vẫn ở lại quê nhà sống một cuộc đời nội trợ bình thường. Xa mặt cách lòng, trong thời gian này, cuộc hôn nhân của Phương Lương gặp sóng gió vì sự xuất hiện của "nàng xuân Nam Giang Tây" Chương Á Nhược. Tiểu thư Chương Á Nhược là cấp dưới đồng thời cũng là học trò của Tưởng Kinh Quốc.

Xa gia đình đã lâu, Kinh Quốc khó tránh khỏi cảm thấy cô đơn. Và chính sự thông minh, dịu dàng, sự chăm sóc chu đáo của Á Nhược đã xóa tan mọi ngại ngùng trong lòng ông. Khi người tình mang thai, Kinh Quốc đành gửi nàng đến Quế Lâm chờ ngày sinh nở. Đầu năm 1942, Á Nhược sinh một cặp trai sinh đôi rồi lặng lẽ qua đời một cách bí ẩn ở tuổi 32 bảy tháng sau đó. Cái chết đầy uẩn khúc của Á Nhược đã giúp Kinh Quốc vượt qua được chuyện tai tiếng gió trăng. Ông đặt tên cho hai đứa trẻ mồ côi mẹ là Hiếu Nghiêm và Hiếu Từ, theo thứ tự tên gọi trong gia tộc, nhưng lại không dám cho chúng công khai mang họ Tưởng. Hai đứa trẻ được gửi cho cậu ruột là Chương Hạo Nhược trông nom và mang họ mẹ. Ở quê nhà, Tưởng Phương Lương biết hết mọi chuyện nhưng bà vẫn kín như bưng, chỉ mang nỗi buồn sâu thẳm trong lòng.


Cuối năm 1943, Tưởng Kinh Quốc được điều về Trùng Khánh. Sau cuộc kháng Nhật thắng lợi, cả nhà Phương Lương chuyển về ngoại ô Thượng Hải. Năm 1945, Phương Lương sinh con trai Hiếu Vũ và 3 năm sau lại sinh con trai Hiếu Dũng.

Tháng 4/1949, trước sự lớn mạnh của cách mạng Trung Quốc, Phương Lương theo chồng và gia đình họ Tưởng chạy ra đảo Đài Loan. Trong mấy chục năm ở Đài Loan, Phương Lương chỉ đóng vai một người vợ hiền, dốc hết tâm sức nuôi nấng, dạy bảo con cái. Bà đã không bao giờ trở về Nga và chỉ ra nước ngoài đúng 3 lần để thăm hỏi con cháu. Nhiều người thân cận với gia đình họ Tưởng nhận xét: "Trong đầu óc Tưởng Phương Lương e rằng chỉ có Tưởng Kinh Quốc và các con. Bà chưa hề nghĩ tới bản thân phải làm gì".

Tưởng Kinh Quốc không thích phụ nữ "dính" vào chính trị, càng không muốn vợ mình và phu nhân các quan chức có quyền thế đàn đúm. Hơn nữa, ngôi biệt thự của gia đình luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, như một bức tường ngăn cách Phương Lương với thế giới bên ngoài. Bà đành chấp nhận vai trò người phụ nữ của gia đình, sống lặng lẽ, an phận. Thương vợ, Tưởng Kinh Quốc chỉ biết an ủi phu nhân bằng những ly vodka và trao đổi với nhau dăm ba câu tiếng Nga.


Nỗi đau cuối đời

Sau khi Tưởng Kinh Quốc qua đời (1/1988), cậu con trai út Hiếu Dũng đưa cả gia đình nhỏ của mình sang Canada sinh sống. Tưởng Phương Lương càng lặng lẽ cô đơn hơn ở Đài Loan. Trước đó, cô con gái duy nhất Tưởng Hiếu Chương đã sang sống ở San Francisco (Mỹ), cậu con trai thứ Hiếu Vũ thì hết sống ở Singapore lại sang Nhật Bản vì công việc. Có mỗi cậu con cả Hiếu Văn ở gần thì lại bệnh tật, mất cả ý thức. Phương Lương chỉ còn thú tiêu khiển duy nhất là xem tivi, đọc báo và nghe nhạc. Có những hôm bà ngồi suốt cả ngày, không nói một câu, không ra khỏi nhà, lặng lẽ như để giết quãng thời gian dư thừa của mình.

Nỗi đau mất chồng chưa kịp nguôi ngoai thì liên tiếp trong 2 năm, Phương Lương lại phải chịu cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.

Tưởng Hiếu Văn (1935 - 1989), cháu đích tôn của Tưởng Giới Thạch từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, được ông bà nội và bố mẹ yêu thương, hy vọng nhiều nhất. Nhưng đáng tiếc vì bệnh nặng hủy hoại, mới ngoài 30 tuổi đã phải ở ẩn. Một năm sau cái chết của cha, Hiếu Văn qua đời ở tuổi 54 vì ung thư họng.

Tháng 5/1991, cậu thứ Hiếu Vũ từ Nhật Bản quyết định trở về Đài Bắc để gần gũi mẹ. Tin này khiến Phương Lương rất vui. Nào ngờ chưa đầy 2 tháng sau thì Hiếu Vũ đột ngột qua đời. Bà vào bệnh viện ôm xác con khóc ngất. Hiếu Vũ khi ấy mới 46 tuổi.

Từ đó Phương Lương ở ẩn trong thư phòng, tự điều trị nỗi đau của mình. Âm nhạc Nga là liều thuốc giúp bà quên đi nỗi nhớ quê hương và nỗi đau mất mát.


Nhưng bi kịch chưa kết thúc. Ngay trước lễ Noel 1996, bà lại mất nốt người con trai út Hiếu Dũng (1948 - 1996) vì căn bệnh ung thư thực quản. Theo báo chí, khi biết mình mắc trọng bệnh, Hiếu Dũng không dám nói cho mẹ hay về bệnh tình của mình. Nhưng rồi bà cũng biết. Bà nhìn con mà không cầm được nước mắt. Trước lúc lâm chung, Hiếu Dũng tâm sự: "Tôi cảm thấy rất thanh thản, chấp nhận số phận. Điều duy nhất không thể yên tâm là người mẹ ngoài 80 tuổi của tôi. Bà làm sao có thể chịu đựng được trong vòng 8 năm mất đi người chồng và 3 đứa con trai: Hiếu Văn, Hiếu Vũ và tôi cùng chết ở tuổi trung niên".

Những cái chết liên tiếp của các con chính là nỗi bi thương trong những năm tháng cuối đời của Tưởng Phương Lương. Thế nhưng bà kiên quyết không chịu rời khỏi Đài Bắc, nơi bà đã từng sống cùng chồng. Bà ở đó để ngày ngày nhớ thương những người thân yêu nhất đã ra đi...

Hơn một năm sau cái chết của mẹ chồng Tống Mỹ Linh (10/2003) ở Mỹ, Tưởng Phương Lương qua đời vì ung thư phổi ở Đài Bắc (12/2004), thọ 88 tuổi. Bà được hỏa táng và tro cốt được đưa đến lăng mộ tạm thời của chồng ở Đào Viên. Hai người dự kiến sẽ được chôn cùng nhau trong nghĩa trang quân sự Ngũ Chỉ Sơn

Trần Nhân / Theo: cand